Là một trong những quận đông dân nhất Thành phố Hồ Chí Minh, từ nhiều năm nay, quận Bình Tân luôn là một trong những điểm nóng của các loại hình giáo dục, trong đó có cả thực hiện bán trú cho học sinh.
Số học sinh của quận Bình Tân ngày càng tăng cao, nhất là cấp tiểu học. Nhu cầu trường lớp không thể đáp ứng nổi số học sinh tăng, nên việc bố trí phòng học dành cho việc học 2 buổi mỗi ngày đều giảm theo từng năm.
Đầu bếp của Trường An Lạc 3 nấu ăn với đầy đủ các dụng cụ bảo hộ theo đúng quy định (ảnh: P.L) |
Trong bối cảnh đó, với vai trò là trường tiểu học chuẩn quốc gia của quận Bình Tân (học 2 buổi), trường An Lạc 3 luôn đáp ứng tốt nhu cầu gửi bán trú của phụ huynh học sinh.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đến trường vào buổi một buổi trưa giữa tháng 9, để tìm hiểu việc tổ chức bán trú, thực hiện bữa ăn trưa cho học sinh ở một trường chuẩn quốc gia được thực hiện ra sao.
Hệ thống bếp một chiều của nhà trường lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ (ảnh: P.L) |
Thầy Võ Văn Phúc – Hiệu trưởng Trường tiểu học An Lạc 3 khẳng định: Dù vẫn còn một số các khó khăn nhất định, nhưng nhà trường luôn chú trọng đến bữa ăn trưa của học sinh bán trú, đảm bảo đầy đủ 3 món (mặn, xào, canh) và một món tráng miệng.
Người đứng đầu Trường An Lạc 3 chia sẻ: Cả trường chỉ có hơn 60 em học sinh không ở bán trú tại trường, do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, hoặc gia đình có điều kiện đưa đón học sinh về nhà cho ăn uống theo ý thích.
Thực phẩm đã được chế biến luôn được phân loại rõ ràng (ảnh: P.L) |
Hàng ngày, nhà trường luôn đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho học sinh, có tham khảo chương trình bữa ăn dinh dưỡng học đường, điều chỉnh hợp khẩu vị của học sinh nhà trường.
Nhà trường công khai thực đơn hàng tuần cho học sinh và phụ huynh nắm ngay ở sân, được Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường duyệt kỹ càng trước khi công bố.
Để phục vụ nấu ăn cho gần 1.000 bữa ăn trưa cho học sinh, bộ phận nhà bếp của trường bao gồm 6 người phải dậy từ sớm, chuẩn bị nguyên vật liệu đầy đủ, để 7h sáng là có thể bắt tay vào việc nấu nướng.
Trường trang bị hẳn mấy sấy tự động các loại dụng cụ, khay thức ăn sau khi được rửa sạch sẽ (ảnh: P.L) |
Trước đó 2 tiếng, từ 5h sáng trở đi, các công ty cung cấp nguyên vật liệu cho nhà trường đã phải hàng đầy đủ, được các nhân viên của trường có mặt kiểm tra, xác nhận về mặt số lượng, chất lượng.
Đây là những công ty lớn, uy tín trên thị trường, có đầy đủ các loại giấy tờ pháp lý, hợp đồng, chứng minh nguồn gốc thực phẩm rõ ràng như: Sữa Vinamilk, bánh flan Ánh Hồng, bánh ngọt ABC, thịt heo Tâm Tiến Phát, các loại thịt cá cũng mua ở những cửa hàng tươi ngon.
Khu vực bếp ăn của trường luôn được sạch sẽ, ngăn nắp, nhân viên nhà bếp luôn mặc và trang bị đầy đủ các loại đồng phục bảo hộ.
Một trong số các phòng ăn trưa của học sinh bán trú tại Trường An Lạc 3 (ảnh: P.L) |
Việc lưu giữ mẫu thức ăn luôn được nhà trường thực hiện nghiêm ngặt theo quy định, nhằm đảm bảo chế độ kiểm tra khi cần thiết.
Tới 10h40, sau khi kết thúc giờ học buổi sáng, học sinh bắt đầu tỏa xuống nhà ăn để ăn trưa trong sự yêu thích của mình.
Với việc thu 23.000 đồng cho một bữa ăn trưa, 7.000 đồng cho tiền ăn xế và 1.000 đồng tiền nước uống Lavie/ngày, nhiều năm nay, trường chưa từng nghe phụ huynh phàn nàn gì về chất lượng.
Nước uống và khăn lau tay của học sinh để trong phòng ăn luôn sạch sẽ, thơm tho (ảnh: P.L) |
Ông Võ Văn Phúc – Hiệu trưởng Trường tiểu học An Lạc 3 chia sẻ: Tôi thường hay nói vui với nhân viên nhà bếp, những người phục vụ bán trú trưa cho học sinh, đó là “hãy chăm lo bữa ăn cho học sinh như chính mạng sống của các thầy cô, rồi còn bảo vệ cho chính nơi các thầy cô đang công tác”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân – ông Đỗ Đình Thiện nhấn mạnh: Trường tiểu học An Lạc 3 là một điểm sáng của quận trong công tác chăm lo học sinh, kể cả việc tổ chức các bữa ăn dành cho học sinh bán trú.
Hiện quận đang cố gắng đến năm 2020 có thể đưa Trường tiểu học An Lạc 3 thành trường tiên tiến, hội nhập với khu vực.