Ngày cuối cùng của năm 2018, những tâm sự vui buồn của nghề giáo

31/12/2018 21:56
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn
(GDVN) - Ngày cuối cùng của năm, nghề giáo viên cũng như bất cứ ngành nghề nào khác trong xã hội đều có những niềm vui, nỗi buồn riêng.

Niềm vui của giáo viên

Bất cứ một ngành nghề nào cũng đòi hỏi bản thân phải có lòng yêu nghề, cái tâm trong sáng và tràn đầy nhiệt huyết, khát khao cháy bỏng hết mình với nghề mà mình đã chọn. Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi vì thầy giáo có thể lưu giữ được hình ảnh của mình đối với học trò.

Không chỉ là một người thầy phải giỏi nghề, mà người thầy ấy còn phải dạy học trò bằng vốn sống, kinh nghiệm của mình và dạy học trò bằng chính tình yêu thương.

Hạnh phúc của người giáo viên rất khó diễn tả bằng lời nói. Hàng trăm, hàng ngàn học trò đã đi qua cuộc đời dạy học cũng chính là hàng trăm, hàng ngàn mảnh ghép khác nhau, tạo nên cuộc sống muôn màu muôn vẻ, lấp đầy bức tranh của nghề “gõ đầu trẻ”.

Thành quả của nghề giáo viên là không thể đo đếm được. Sự thành đạt của các thế hệ học trò luôn là niềm vui vô bờ bến của người giáo viên.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

Những ngày vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các cán bộ công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội, công lập đang háo hức chờ tăng thu nhập theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố ban hành hồi tháng 3.

Theo đó, cán bộ xuất sắc sẽ được tăng tối đa 0,6 lần mức chi hiện tại. Năm sau là 1,2 lần và tăng 1,8 lần vào năm 2020.

Giáo viên cũng sẽ được hưởng chi thu nhập tăng thêm này, căn cứ theo nghị quyết nói trên của thành phố. Việc đánh giá công chức theo hàng quý ở thành phố là việc làm mới. Việc đánh giá này sẽ giúp cho các cán bộ, công chức, viên chức nói chung, giáo viên nói riêng sẽ phải thay đổi cách nghĩ, cách làm việc.

Trong giáo viên thường hay có một suy nghĩ, vào biên chế được rồi là yên tâm, chỉ cần làm việc cầm chừng, hoàn thành đủ nhiệm vụ được giao. Những giáo viên không chịu khó học hỏi, đổi mới, áp dụng các phương pháp dạy học mới, không thực sự tâm huyết với nghề. Họ chỉ lên lớp dạy cho có, mà vẫn nhận đủ lương.

Với cách đánh giá mới này, bản thân giáo viên không được phép chểnh mảng trong công việc, buộc họ phải nỗ lực, cố gắng thay đổi cách dạy học, khẳng định mình qua chất lượng của học sinh…để được đánh giá tốt vào cuối mỗi quý.

Nỗi niềm của giáo viên hợp đồng

Ngoài niềm vui, bàn tán sôi nổi của những giáo viên biên chế khi sẽ được nhận thêm một nguồn thu nhập từ nghị quyết mới của thành phố, thì các giáo viên thuộc diện hợp đồng vẫn còn có những nỗi buồn, ưu tư, vì họ sẽ không được nhận khoản tiền này.

Giáo viên hợp đồng cũng vẫn phải đảm trách công việc như giáo viên biên chế, nhưng mức lương hiện nay cũng chỉ hơn 2 triệu đồng, không được hưởng phụ cấp đứng lớp, không được hưởng phụ cấp thâm niên.

Nguyện vọng “Sống bằng lương” luôn là một quan điểm chính đáng. Thế nhưng, cũng cùng là nghề giáo, cũng đảm nhiệm vai trò, công việc như nhau, nhưng giữa giáo viên hợp đồng và giáo viên biên chế luôn có một sự khác biệt rất lớn.

Cứ mỗi cái tết đi qua, sau những ngày sum vầy, vui vẻ bên gia đình, các giáo viên hợp đồng cũng biết rằng, họ có thể sớm bị chấm dứt hợp đồng lao động. Giáo viên hợp đồng lại tất tả ngược xuôi đi tìm việc khác, để trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Do nghỉ hè luôn đồng nghĩa với việc không được trả tiền công dạy học.

Để gắn bó, cống hiến và sống được bằng nghề đang thực sự là một cuộc vật lộn quyết liệt đối với họ. Càng đau hơn nữa, khi vừa chạm tay vào giấc mơ “đưa đò”, đã phải đứt gánh giữa đường, vì hợp đồng đã hết hạn, đã có người thế chân, vì trường đã đủ biên chế.

Quyết định cắt hợp đồng đôi khi là một bản án đầy khắc nghiệt, đi kèm với những thiếu thốn, vất vả, và nỗi khắc khoải không nguôi về một giấc mơ đứng trên bục giảng. Họ luôn nỗ lực, cố gắng để hy vọng một ngày nào đó sẽ được đứng trong hàng ngũ đội ngũ giáo viên một cách chính thức.

Thế nhưng, đi ngược lại những gì mà họ đã cống hiến, những gì họ đã được hưởng thì lại quá thiệt thòi.

Thầy Tôn Sỹ Dũng (giáo viên Trường trung học cơ sở Võ Xán, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã có hai câu thơ: “Ngày cuối năm…tim phập phồng lo lắng/Hè qua rồi…ở lại hoặc ra đi?” (Trích bài thơ “Nỗi niềm cô giáo hợp đồng”) đã thực sự làm người đọc xúc động.

Năm cũ sắp qua đi, một năm mới lại sắp đến, trên khắp mọi miền đất nước, nhiều giáo viên vẫn đang miệt mài bám trường, bám lớp, vẫn vui vẻ “sống cùng với khó khăn” để miệt mài gieo chữ cho nhiều thế hệ học trò.

Họ đã chọn nghề giáo để làm “bến đỗ cuộc đời”. Họ lấy niềm vui, thành công của bao thế hệ học trò để khỏa lấp những khó khăn, vất vả đang phải đối mặt từng ngày trong cuộc sống.

“Người chọn nghề, hay nghề chọn người?” luôn là câu hỏi đặt ra cho mỗi người giáo viên hợp đồng. Dù là gì đi nữa, thì mỗi người giáo viên luôn cảm ơn cuộc đời này đã đem đến cho những người dạy học niềm hạnh phúc to lớn, vì “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo, vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Cứ mỗi buổi sáng, khi ánh bình minh lên cao, mỗi giáo viên lại đem yêu thương, nhiệt huyết, “ngọn lửa” vào trong từng lời giảng, và thầm “Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy/Ta có thêm ngày mới để yêu thương…”.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Sơn