Phương án được đề cập trong buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với lãnh đạo Bộ GD&ĐT là bắt đầu từ năm 2015 sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất, vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở tuyển sinh ĐH-CĐ.
Nếu điều này thành hiện thực, đó sẽ là bước đột phá đầu tiên theo tinh thần đổi mới toàn diện giáo dục (ĐMGD) mà nghị quyết TƯ 29 đề cập. Câu chuyện sách giáo khoa, chất lượng đội ngũ giáo viên, dạy và học theo hướng tích hợp, tổ chức lại mạng lưới các trường ĐH-CĐ… sẽ là câu chuyện dài chưa biết lúc nào bắt đầu và cũng khó nói khi nào kết thúc.
Có ý kiến e ngại rằng chọn việc tổ chức một kỳ thi quốc gia để bắt đầu quá trình ĐMGD giống như người ta ngắt ngọn rau non để dùng ngay còn gốc thì bỏ đó. Suy nghĩ như thế e rằng có phần chưa thỏa đáng.
Ảnh minh họa. |
Sự thay đổi nội dung và hình thức thi cử trước hết sẽ tác động tới nhận thức của giáo viên và học sinh trong việc dạy và học, nó cũng góp phần làm thay đổi tư duy quản lý vốn khá trì trệ trong nhiều năm qua. Muốn đánh một cái cây sang trồng trên đất mới, người ta không thể không lay ngọn, thậm chí còn phải tỉa bớt cành lá.
Để tiến tới một kỳ thi chung, Bộ GD-ĐT khá thận trọng khi đưa phương án tham khảo ý kiến các chuyên gia và dư luận xã hội. Bước đầu có ý kiến đề xuất thi 8 môn trong 4 ngày. Thí sinh bắt buộc phải thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc 2 môn tự chọn. Ngoài ra, thí sinh nào có chọn thi thêm môn khác để được cộng điểm. Một phần của phương án này đã được thử nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Một kỳ thi quốc gia: Chỉ xét năng lực, không đánh giá kiến thức
(GDVN) - “Điều kiện hiện nay phải có đánh giá khách quan để bộc lộ năng lực thật của học sinh, người học phải chịu trách nhiệm về kết quả phấn đấu rèn luyện của mình".
Một phương án khác cũng đã được đề xuất trong một số buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD-ĐT và các chuyên gia về giáo dục, đó là tổ chức kỳ thi quốc gia dưới hình thức tích hợp gồm 4 bài: Toán, Tin học; Ngữ văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân; Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ; Ngoại ngữ.
Dễ nhận thấy sự khác nhau về bản chất giữa các thuật ngữ “8 môn” và “4 bài”. Tám môn là theo kiểu cũ còn bốn bài là theo kiểu tích hợp. Trong khi chưa biết việc dạy và học tích hợp trong toàn bộ hệ thống giáo dục sẽ chính thức bắt đầu khi nào thì việc thi theo kiểu tích hợp cần có sự chuẩn bị cẩn thận.
Thực ra ngay từ năm 2006 đã có ý kiến từ Bộ GD&ĐT về phương án kết hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT với kỳ thi tuyển sinh ĐH thành 1 kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên khi đó chưa có nghị quyết của TƯ và những chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao nhất nên phương án chưa thể thực hiện.
Một số người cho rằng mấy năm vừa qua do tỷ lệ tốt nghiệp THPT trên 99% nên kỳ thi tốt nghiệp THPT là vô ích, cần phải bỏ, chỉ cần tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Rõ ràng là kỳ thi tốt nghiệp THPT theo kiểu cũ cần phải bỏ nhưng nếu lại tổ chức thi tuyển sinh ĐH-CĐ như là một kỳ thi quốc gia thì không phù hợp với Luật GDĐH về quyền tự chủ của các trường. Trên thế giới nhiều các nước châu Á, Pháp và một số nước châu Âu vẫn thi tốt nghiệp THPT trong khi Mỹ, Đức… thì lại không tổ chức.
Người viết cho rằng đã học thì phải thi, có thi mới được cấp bằng. Điều quan trọng nhất là đảm bảo chính xác, công bằng, tuyển chọn được nhân tài đồng thời việc tổ chức thi cũng cần gọn nhẹ, không gây xáo trộn lớn trong xã hội (giao thông, an ninh trật tự…).
Trên tinh thần đó, có thể mạnh dạn nói rằng chúng ta nên bỏ cả hai kỳ thi vừa thực hiện năm 2014 thay vào đó là một kỳ thi quốc gia. Kết quả của kỳ thi này được sử dụng vào nhiều mục đích như đánh giá chất lượng dạy và học ở phổ thông, phân luồng học sinh cho các bước đào tạo kế tiếp, cấp bằng tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào các trường CĐ-ĐH…
Số liệu điều tra dân số được dùng vào rất nhiều mục đích như hoạch định đường lối phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng… chứ không đơn thuần là để biết quốc gia có bao nhiêu người. Tương tự như vậy kết quả của kỳ thi quốc gia không phải chỉ có hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh CĐ-ĐH.
Ai cũng muốn cho con cái vào học đại học, điều này là bình thường, điều không bình thường là ở chỗ không ít phụ huynh cho rằng con em mình đã tốt nghiệp THPT là đủ năng lực học đại học! Học không thật, thi không thật, bằng thật nhưng là “rởm” về kiến thức, ba sự thật này đã tồn tại qua sáu mươi năm đủ để kết luận nền giáo dục của chúng ta cho đến nay “giả” không ít hơn “thật”.
Mục đích của kỳ thi quốc gia chính là chỉ cho phụ huynh và học sinh thấy năng lực thực sự của con em mình, tránh ảo tưởng “người Việt thông minh” thuộc vào hàng nhất thế giới.
Không hoặc chưa tốt nghiệp THPT không có nghĩa là “tuyệt đường sinh sống”, con đường đối với họ là học nghề, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, giỏi nghề vẫn mang lại vinh quang cho người lao động không kém gì các nhà khoa học.
Quan điểm của Bộ GD&ĐT trước đây là tổ chức một kỳ thi “nhẹ nhàng” sẽ không còn đúng với kỳ thi quốc gia. Cần phải tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh hiểu rõ, để vượt qua được kỳ thi này cần một sự nỗ lực vượt bậc, những người năng lực học tập bị hạn chế (lười biếng, chậm tiếp thu…) không đạt chuẩn của kỳ thi chắc chắn sẽ không được cấp bằng. Chỉ khi cả xã hội nhận thức được điều đó thì những con số ảo về số lượng thí sinh đăng ký dự thi CĐ-ĐH mới tiệm cận đến con số thực. Kỳ thi quốc gia này cũng góp phần xóa bỏ tình trạng “học theo năng lực, bằng nhận vô tư”, nó cũng cảnh báo những gia đình “tiền không thành vấn đề” khi con chưa có bằng tốt nghiệp THPT đã có hộ chiếu chuẩn bị du học nước ngoài.
Một kỳ thi quốc gia: Chậm thì lo, nhanh thì dễ hỏng, sửa rất tốn kém
(GDVN) - “Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục mở, tiên tiến và hội nhập.. cách thi cử sắp tới phải thể hiện được điều đó trước tiên”.
Lo lắng về một kỳ thi chỉ có khoảng 70% tốt nghiệp sẽ tạo ra những vấn đề xã hội tuy có cơ sở nhưng lại là những suy nghĩ cổ điển. Có thể nói tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao chính là nguồn gốc của “Hội chứng đại học” vốn đang thịnh hành trên toàn quốc. Một khi “Hội chứng đại học” còn tồn tại thì hậu quả tiếp theo đương nhiên chính là “Hội chứng tiến sĩ”.
Kỳ thi quốc gia dự kiến bắt đầu từ năm 2015 không còn là quá sớm như ý kiến một số người lo ngại, thực ra lo ngại về sự chuẩn bị chưa chu đáo sẽ dẫn tới những sai sót là có cơ sở. Tuy vậy liệu những người muốn hoãn lại một vài năm có thể khẳng định việc “chuẩn bị trên giấy” có thể đảm bảo không có sai sót? Trên thế giới, những phát minh khoa học dù thuộc lĩnh vực thuần túy lý thuyết cũng vẫn cần kiểm chứng tính đúng đắn bằng thực nghiệm, và cũng chẳng có thử nghiệm nào chỉ một lần đã thành công mĩ mãn. Vấn đề là phải làm mọi cách để hạn chế rủi ro, còn nếu có xuất hiện sai sót thì phải chỉ rõ được nguyên nhân để khắc phục trong những năm sau.
Sau đây là một vài kiến nghị:
1. Do việc dạy và học “tích hợp” chưa được triển khai nên việc xây dựng các bài thi theo hình thức tích hợp chưa nên tiến hành đại trà, nên chọn một bài tích hợp ví dụ Toán-Tin hoặc Sử-Địa để thử nghiệm cách ra đề và định lượng phản xạ của thí sinh. Điều này có nghĩa là nên chọn hình thức thi theo môn, không có hình thức tự chọn, tất cả đều là các môn bắt buộc.
2. Những học sinh tốt nghiệp kỳ thi quốc gia sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT, những người chưa tốt nghiệp sẽ được cấp “Giấy chứng nhận” học hết chương trình THPT.
3. Tổ chức các cụm thi tại các địa phương, giám thị chủ yếu lấy từ các trường CĐ-ĐH không nằm trên địa bàn. Sử dụng các thiết bị hỗ trợ từ xa để quản lý an ninh khu vực thi cử.
4. Chỉ những người có bằng tốt nghiệp THPT mới có quyền dự tuyển (hoặc thi tuyển các môn bổ xung, năng khiếu) vào các trường CĐ-ĐH. Những người có bằng tốt nghiệp THPT sau đó có thể phân thành hai nhóm, nhóm đủ điều kiện học đại học và nhóm có thể học cao đẳng.
5. Các trường CĐ-ĐH căn cứ vào chỉ tiêu và đặc thù ngành nghề, có thể xét tuyển, phỏng vấn, tổ chức thi một số môn tùy theo đặc thù của trường, điều này hoàn toàn thuộc phạm trù tự chủ tuyển sinh mà nghị quyết TƯ 29 đã đề cập.
Sẽ là chủ quan khi cho rằng kỳ thi quốc gia tổ chức trong năm 2015 sẽ không bộc lộ khiếm khuyết, mọi ý kiến bàn lùi tuy cần tham khảo nhưng không thể chấp nhận. Vấn đề còn lại là Bộ GD&ĐT cần sớm hoàn chỉnh và công bố dự thảo để thu nhận ý kiến dư luận. Vấn đề quan trọng hơn là khi có ý kiến phản biện thì Bộ nên lắng nghe, nếu thấy phải thì nên chấp nhận.