Quan điểm trên của TS. Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội khi bàn về một kỳ thi quốc gia chung.
Khách quan, trung thực cho một kỳ thi
Chủ trương năm tới có một kỳ thi quốc gia chung được Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu áp dụng ngay trong năm 2015, đây là một chủ trương đúng đắn, đúng theo tinh thần của Nghị Quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo là đánh giá năng lực học sinh chứ không đánh giá khối lượng kiến thức học sinh có.
Tuy nhiên, cần làm như thế nào để cho kỳ thi này phải đảm bảo được hai nhiệm vụ: Đảm bảo tính phổ cập (công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh) và cung cấp dữ liệu tin cậy cho các trường đại học, cao đẳng làm căn cứ tuyển sinh, đó là câu hỏi khó vì thực tế bao năm qua vấn đề kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn làm cho xã hội lo lắng về tính trung thực, vẫn nặng về thành tích.
TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam về những việc cần làm cho một kỳ thi quốc gia. Ảnh Xuân Trung |
Chia sẻ quan điểm của mình về một kỳ thi quốc gia sắp tới, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, để đảm bảo hai yêu cầu đó không có cách nào khác là để cho các trường THPT xét tốt nghiệp cho học sinh, nhưng vẫn để cho các trường tổ chức một kỳ thi đánh giá kết quả học tập của học sinh, và các trường đại học vẫn có thể dùng được kết quả này.
Mục đích cơ bản có một kỳ thi quốc gia là để đỡ tốn kém, giảm áp lực cho học sinh, không tạo nên những nặng nề không đáng có, nhưng phải hướng tới đánh giá năng lực chứ không đánh giá kiến thức (đúng theo tình thần của NQ 29). Việc đánh giá năng lực sẽ không căn cứ vào bộ môn.
Vậy thiết kế như thế nào cho một kỳ thi quốc gia? Theo quan điểm của TS. Nguyễn Tùng Lâm phải trả cho các trường THPT theo chuẩn của bộ để tự kiểm tra, đánh giá, chứ không có 50% điểm như hiện nay.
Hiện chủ trương của ngành giáo dục là thực hiện đổi mới đánh giá theo năng lực và phẩm chất, vậy phẩm chất của người học sinh như thế nào, được rèn luyện ra sao cũng phải được đánh giá. Theo đó, các trường đại học không chỉ tuyển theo năng lực mà còn tuyển theo phẩm chất.
Và phẩm chất của học sinh như thế nào thì Bộ GD&ĐT cần có một quy định cụ thể hơn, làm rõ chuẩn kiến thức, kỹ năng của học sinh. Lấy ví dục như việc một học sinh không học thì đương nhiên không thể đỗ tốt nghiệp được.
Một kỳ thi quốc gia: Chậm thì lo, nhanh thì dễ hỏng, sửa rất tốn kém
“Chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục mở, tiên tiến và hội nhập.. cách thi cử sắp tới phải thể hiện được điều đó trước tiên”.
Tuy nhiên, ngoài việc đánh giá ra học sinh vẫn phải thi, việc thi sẽ có tác dụng đánh giá đúng năng lực. Một kỳ thi quốc gia và các trường đại học vì sao không cần phải thi?
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm thứ nhất, chúng ta phải xác định làm thật tốt, thật hoàn chỉnh kỳ thi THPT. Với yêu cầu như trên là đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của học sinh để cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.
“Trong điều kiện hiện nay vẫn phải có đánh giá khách quan để bộc lộ năng lực thật của học sinh, đặc biệt người học phải chịu trách nhiệm về kết quả phấn đấu rèn luyện của mình trong thời gian đi học” TS. Lâm cho hay.
Nghị Quyết 29 về đổi mới giáo dục cũng hướng mục tiêu giáo dục phổ thông phải đánh giá năng lực học sinh chứ không đánh giá khối lượng kiến thức học sinh. Chính vì thế, đề thi của các môn phải mang tính tích hợp Ngữ văn và các môn xã hội, Toán và các môn tự nhiên để tránh học sinh học lệch, dạng đề này vẫn đảm bảo mức độ nhẹ nhàng cho học sinh. Trong điều kiện hiện nay vẫn phải giữ thi Ngoại ngữ và thời gian thi cho một kỳ thi chỉ cần 2 ngày là đủ.
Cũng theo TS. Lâm, để kỳ thi thực sự khách quan, kết quả thi trong những năm đầu phải chấp nhận có thể điểm của học sinh không cao, nhưng vẫn phải đủ độ tin cậy để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Ngoài ra, các trường đại học cần bỏ cách tuyển theo khối A, B, C…vì không còn phù hợp khi có một kỳ thi chung.
Một yếu tố khách quan nữa cho một kỳ thi thành công là làm sao giữ nguyên được điểm thi của học sinh sau khi dự thi kỳ thi quốc gia, thống nhất không nên cộng điểm, không đánh giá vào kết quả xếp loại của học sinh. Giữ được nguyên vẹn mức điểm của học sinh sau kỳ thi sẽ là điều kiện cho các trường đại học tuyển sinh theo năng lực chính xác hơn, bởi có những học sinh có thể kém môn Toán nhưng điểm môn xã hội cao thì các trường đại học vẫn có cơ sở để tuyển.
“Muốn như vậy các trường THPT phải coi thi chặt chẽ, có thể lắp camera theo dõi phòng thi, các tỉnh không được cộng điểm, không được nặng về thi đua thành tích. Sau một số năm học sinh thấy rằng mình được đánh giá theo năng lực tự nhiên các em sẽ tự giác học tập tốt hơn” TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Phải coi trọng đánh giá học sinh trong từng năm học
Dẫn chứng về việc đáng mừng trong thời gian qua của ngành giáo dục, TS. Lâm rất ủng hộ Bộ GD&ĐT trong thời qua đã đổi mới bằng việc ra nhiều đề mở ở các kỳ thi, ra đề mở sẽ buộc học sinh phải tư duy, sáng tạo, chứ không thể trông chờ vào sách vở. Như vậy, mới đánh giá được năng lực học trò chứ không theo kiểu học thuộc. TS. Lâm cho rằng, học thuộc như trước đây sẽ tạo cho học trò nhàm chán, không khích lệ người học.
Kỳ thi quốc gia cần làm thực sự trung thực để xây dựng dữ liệu cho các trường đại học tuyển sinh. Ảnh minh họa |
Nhận định của Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng hiện nay hầu như các vấn đề đều đổ dồn vào thi phổ thông là không đúng, quan điểm của TS. Nguyễn Tùng Lâm là phải bàn tới việc kiểm tra, đánh giá ở tất cả các cấp học chứ không đợi tới lớp 12.
Học sinh lên lớp phải được kiểm tra, đánh giá chuẩn xác, đánh giá thường xuyên thì việc đánh giá tốt nghiệp lớp 12 sẽ chuẩn xác đi theo và không thể lúng túng được.
“Bộ GD&ĐT bên cạnh chỉ đạo thi tốt nghiệp cần chỉ đạo lại việc kiểm tra, đánh giá của từng cấp học, từng lớp. Tránh tình trạng học sinh lên tới lớ 5-6 mà chưa đọc thông viết thạo, chúng ta không thể đổ lỗi cho phổ cập được” TS. Lâm cho hay.
Ngoài ra, việc kiểm tra, đánh giá phải sát với học trò, khích lệ học trò để học trò say mê học, chứ không phải đánh giá để loại trừ học trò. Chúng ta biết những người giỏi phải khích lệ hơn, biết những em yếu kém phải tập trung thời gian bồi dưỡng. Theo TS. Lâm đây là ý nghĩa của đánh giá.
Quyết định chậm sẽ gây hoang mang cho cả triệu học trò
“Bộ GD&ĐT phải công bố đề án ngay trước ngày khai giảng năm học này. Nếu quá muộn, tuy không ảnh hưởng tới tiến trình nhưng tạo nỗi lo cho học sinh”.
Theo đó, trong Luật giáo dục cũng cần phải được sửa (nhà trường có quyền đánh giá đúng học trò, học trò theo yêu cầu giáo dục của nhà trường, cha mẹ, học sinh cũng phải có quyền yêu cầu người khác giúp đỡ mình thông qua đánh giá). TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, hiện nay phụ huynh luôn quan niệm con mình học hết năm phải được lên lớp mà không có trách nhiệm của mình với nhà trường, trong khi con của họ không đáp ứng được yêu cầu giáo dục thì lưu ban là đương nhiên.
Ngược lại, nếu nhà trường chỉ quan liêu, coi trọng điểm số thì cũng không thể được. Vấn đề ở đây tính dân chủ trong nhà trường phải được đẩy mạnh, hiện nay chúng ta nặng về quyền của thầy cô. Tất cả phải được xử lý dứt điểm nhưng mềm mại để cho việc đánh giá được công bằng, khách quan, học sinh thực sự phải được giúp đỡ.
TS. Lâm cũng cho biết, trong đánh giá thì quyền chủ động của người thầy rất lớn, chúng ta phải tôn trọng quyền chủ động. Tình trạng có một số người thầy dùng điểm để khống chế học trò, bắt học trò đi học thêm,…phải chống và cha mẹ phải có quyền ở vấn đề này.
“Phải cho ông thầy một cái quyền nhưng ngược lại thầy cũng không được lạm quyền” TS. Lâm đề nghị.
Tuy nhiên, khi có một kỳ thi quốc gia chung do các trường nằm ở vùng miền khác nhau, không thể bao quát hết được nên cần có các chuyên gia ra đề thi giữa kỳ và cuối kỳ. Các nước thường coi trọng các kỳ thi như một kỳ kiểm tra mang tính quốc gia.
Việc thực hiện ngay một kỳ thi quốc gia chung trong năm 2015 là nằm trong tầm tay của Bộ GD&ĐT, bởi việc khó nhất là làm đề thi bộ đã có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu thực hiện thi trong năm tới thì ngay giữa kỳ I của học kỳ tới phải có đề thi cho học sinh làm quen. Bộ GD&ĐT phải có ba đợt đề thi tung ra cho các trường tự kiểm tra theo hướng đổi mới của Bộ (giữa học kỳ I, cuối kỳ I và giữa học kỳ II phải có đề mới).
Mục đích để cho học sinh và thầy cô làm quen dạng đề này theo hướng tích hợp.
Bày tỏ sự lo ngại ở một kỳ thi quốc gia, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết có ba khâu làm ông còn băn khoăn. Thứ nhất, đề thi không làm tốt sẽ dẫn đến nhiễu loạn kết quả. Thứ hai, tổ chức thi làm sao thật sự khách quan, trung thực, đánh giá đúng năng lực của học trò, không ai can thiệp vào kết quả học trò. Thứ bai, xử lý kết quả, bởi giai đoạn đầu làm khắt khe điểm học sinh sẽ không cao, nhưng phải chấp nhận điều đó.