Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm Hàn Quốc |
Trang mạng "Asia Times Online" Hồng Kông ngày 17 tháng 4 đăng bài viết "Do Mỹ mất đi 'ưu thế', Ấn Độ hy vọng Hàn Quốc cung cấp lựa chọn quốc phòng" của tác giả Donald Kirk.
Theo bài báo, một số vũ khí tiên tiến nhất của Hàn Quốc dựa vào Mỹ cung cấp, nhưng Hàn Quốc cũng là nguồn cung cấp công nghệ và mô đun vũ khí. Đây chính là nguyên nhân Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar thăm Seoul trong tuần này để tìm cách mua sắm vũ khí của Hàn Quốc, chuyến thăm này có mục đích tăng cường năng lực phòng thủ miền bắc và miền tây của Ấn Độ.
Rất khó nói kẻ thù nào làm Ấn Độ căng thẳng nhất. Năm 1962, Quân đội Trung Quốc vượt qua biên giới Ấn Độ, tấn công khu vực tranh chấp. Pakistan đã phát động 3 cuộc chiến tranh không thành công với mục đích đoạt lấy phần khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Trung Quốc, nước đang phô trương sức mạnh mới ra khu vực xung quanh, cung cấp vũ khí cho Pakistan với số lượng nhiều hơn Mỹ, đồng thời còn thi công một đường ô tô xuyên qua núi băng và một cảng biển mới có ý nghĩa quân sự, cung cấp tuyến đường bộ cho Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương.
Ấn Độ nên ứng phó thế nào với các mối đe dọa bên ngoài đáng sợ như vậy? Một phương án là tăng cường ngành quốc phòng của mình, Ấn Độ muốn có viện trợ trên phương diện này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm Hàn Quốc |
Hàn Quốc là một quốc gia công nghiệp hóa, có vài chục năm kinh nghiệm gian nan trên phương diện phòng thủ, có năng lực cung cấp viện trợ. Đàm phán chắc chắn sẽ rất căng thẳng, ông Manohar Parrikar sẽ hy vọng đạt được thỏa thuận để Hàn Quốc cung cấp công nghệ cho Ấn Độ, tiến hành đầu tư trực tiếp đối với các nhà máy quân sự hoặc bán vũ khí và hệ thống sẵn có cho Ấn Độ.
Giáo sư khách mời Singh của Viện nghiên cứu Viễn Đông Hàn Quốc cho rằng: "Cân bằng chiến lược Đông Á đang nhanh chóng thay đổi. Sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc về căn bản đã làm thay đổi kết cấu kinh tế, xã hội và quân sự của Đông Á".
Tiến sĩ Singh cho rằng, Mỹ "đã phát huy vai trò quan trọng ở Đông Bắc Á", nhưng do "người tham gia mới" bắt đầu "thách thức vị thế chủ đạo và bá quyền lâu dài của họ", "Mỹ đang mất đi ưu thế quân sự và kinh tế". Ông chỉ ra, kết quả là "Hàn Quốc và Ấn Độ buộc phải đưa ra chính sách thay thế mới để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình".
Hiện nay còn chưa rõ lắm quan hệ quốc phòng phát triển nhanh chóng của Ấn Độ và Hàn Quốc có thể đi bao xa. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã xây dựng quan hệ chặt chẽ với Ấn Độ.
Tuy nhiên, Hàn Quốc có lý do hy vọng không nên vì bán vũ khí cho Ấn Độ mà biểu hiện như đang viện trợ kẻ thù. Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, mà còn là nơi lý tưởng để các nhà chế tạo Hàn Quốc xây dựng nhà máy. Do quan hệ giữa Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc cũng cần giữ quan hệ tốt với Trung Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thăm Hàn Quốc |
Tàu quét mìn của Hàn Quốc có thể chế tạo ở một bến tàu ở Goa - bang miền tây Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ hy vọng đạt được thỏa thuận để cho Hàn Quốc huấn luyện phi công máy bay chiến đấu của Ấn Độ. Ấn Độ thậm chí có khả năng nhập khẩu mô đun đại pháo và mua công nghệ chế tạo xe tăng của Hàn Quốc.
Giáo sư Singh cho rằng, Ấn Độ có thể đang ám chỉ xây dựng hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, đây là điều không có nhiều khả năng lắm. Ấn Độ cũng cần phát triển quan hệ với Nga, bắt đầu từ Chiến tranh Lạnh Mỹ-Xô, Ấn-Nga đã xây dựng quan hệ chặt chẽ.
Liên quan đến quan hệ quốc phòng Ấn Độ-Hàn Quốc, theo hãng tin NDTV và các tờ báo khác của Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ vừa có chuyến thăm Hàn Quốc 3 ngày (từ ngày 16 đến ngày 18 tháng 4), đây là một nỗ lực nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng với Hàn Quốc.
Ông Manohar Parrikar đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo vào thứ Sáu ngày 17 tháng 4 năm 2015. Hai bên trao đổi về quan hệ quốc phòng song phương và các vấn đề khu vực, toàn cầu cùng quan tâm. Hai bên khẳng định, không có trở ngại nào trong quan hệ quân sự song phương.
Hai bên cho rằng, có nền tảng vững chắc để hợp tác nghiên cứu phát triển và sản xuất quốc phòng. Hai bên tập trung bàn về cách thức tăng cường tiếp xúc giữa các cơ quan quốc phòng của hai bên, xây dựng quan hệ đối tác sâu sắc giữa ngành quốc phòng hai nước Ấn-Hàn.
Lựu pháo tự hành K-9 của Lục quân Hàn Quốc |
Trong chuyến thăm, ông Manohar Parrikar còn gặp gỡ Tham mưu trưởng liên quan Đô đốc Choi Yun-hee, người đứng đầu Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc Chang Myoung-Jin và Cố vấn an ninh quốc gia Kim Kwan-Jin.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã tham dự Diễn đàn công nghiệp quốc phòng Ấn Độ-Hàn Quốc, tại đây, ông đã đề nghị các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia sáng kiến “Made in India” của Ấn Độ do Thủ tướng Narendra Modi đưa ra, theo đó, Ấn Độ sẽ có chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng.
Quan chức cấp cao của các doanh nghiệp quốc phòng Ấn Độ như Goa Shipyards Limited (GSL), Bharat Electronics Limited (BEL), Mahindra Defence, Larsen & Toubro và Tata Power SED đã tham gia diễn đàn, giới thiệu chi tiết các cơ hội kinh doanh cho các công ty quốc phòng của Hàn Quốc.
Bộ trưởng Manohar Parrikar đã gặp gỡ lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn Hyundai, mời họ trở thành đối tác chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng và vận tải thương mại.
Ông Manohar Parrikar cũng đã đến thăm công ty lớn thứ 9 Hàn Quốc là Hanwha, công ty này có lịch sử 63 năm, dẫn đầu Hàn Quốc về bom đạn, ngòi nổ, hệ thống dẫn đường chính xác, cảm biến và hàng không vũ trụ. Ông Manohar Parrikar đã mời Hanwha tham gia chương trình “Made in India” của Ấn Độ, thực hiện cùng có lợi.
Theo tờ “Indiatoday” ngày 16 tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ trước đó còn thăm Nhật Bản để thúc đẩy quan hệ quốc phòng, động thái này được cho là một nỗ lực để tạo ra liên minh chống lại thái độ ngày càng “hung hăng” của Trung Quốc trong khu vực.
Tàu ngầm thông thường AIP Type 214 của Hải quân Hàn Quốc |