Hải quân Trung Quốc "muốn gì-được gì" từ cơ hội rút công dân từ Yemen?

04/04/2015 07:36
Đông Bình (Tổng hợp)
(GDVN) - Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc đã rút công dân của họ và hỗ trợ rút công dân 10 nước khác, chiến dịch này có lợi cho "chủ nghĩa hải quân" ở Trung Quốc.
Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti
Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti

Trung Quốc hỗ trợ 10 quốc gia rút công dân khỏi Yemen

Tờ "Nhật báo Trung Quốc" ngày 3 tháng 4 đưa tin, cùng ngày, tại cuộc họp báo thường lệ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc đã hỗ trợ 10 quốc gia trong đó có Pakistan rút công dân khỏi Yemen, cho biết đây là lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc triển khai hành động rút công dân nước ngoài ở khu vực nguy hiểm.

Hoa Xuân Oánh nói: "Ngày 2 tháng 4, tàu hộ vệ tên lửa Lâm Nghi Hải quân Trung Quốc đã chở 225 người ở Yemen của 10 quốc gia trong đó có Pakistan rời khỏi cảng Aden và đưa đến Djibouti an toàn".

Theo thống kê sơ bộ, trong số người được rút từ Yemen có 176 người Pakistan, 29 người Ethiopia, 5 người Singapore, 3 người Italia, 3 người Đức, 4 người Ba Lan, 1 người Ireland, 2 người Anh, 1 người Canada, 1 người Yemen. Trước đó, khi rút công dân Trung Quốc từ Yemen, Chính phủ Trung Quốc cũng rút an toàn 8 công dân của các nước Romania, Ấn Độ, Ai Cập.

Hoa Xuân Oánh cho biết, đây là hành động cứu trợ nhân đạo được triển khai theo đề nghị của các nước có liên quan, cũng là hành động đặc biệt rút công dân nước ngoài ở khu vực nguy hiểm lần đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc, thể hiện chủ nghĩa quốc tế và tinh thần nhân đạo.

Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti
Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti

Trong hành động lần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phối hợp với các nước liên quan tổ chức chặt chẽ công tác rút công dân, Hải quân Trung Quốc trước tiên điều tàu chiến đến cảng Aden thực hiện nhiệm vụ rút, các lãnh sự quán Trung Quốc ở Yemen, Aden, Djibouti khắc phục khó khăn, kịp thời làm các thủ tục liên quan, cố gắng tổ chức cho công dân các nước liên quan rút đi an toàn.

Trước đó, theo tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 1 tháng 4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh ngày 31 tháng 3 cho biết, dưới sự hỗ trợ của lãnh sự quán Trung Quốc ở các nước liên quan, tàu hộ vệ Lâm Nghi Hải quân Trung Quốc tối ngày 29 tháng 3 (giờ Bắc Kinh) đến cảng Aden của Yemen tổ chức cho 122 công dân Trung Quốc và 2 nhân viên quốc tịch nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc rời khỏi Yemen, sáng sớm ngày 30 tháng 3 đến cảng Djibouti an toàn.

Chiều ngày 30 tháng 3, tàu hộ vệ Duy Phương và tàu tiếp tế tổng hợp Vi Sơn Hồ của Hải quân Trung Quốc lại đến cảng Hodeidah của Yemen, tổ chức cho 449 công dân Trung Quốc và 6 nhân viên quốc tịch nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc rời Yemen và đến sáng ngày 31 tháng 3 đến cảng Djibouti an toàn.

Do đó, từ khi Saudi Arabia bắt đầu ném bom Yemen vào ngày 25 tháng 3, trong 6 ngày, Trung Quốc đã thực hiện xong chiến dịch rút công dân mang tính tổng thể từ Yemen. Theo tờ “Thời báo Hoàn Cầu”, công tác chuẩn bị rút công dân từ Yemen đã được khởi động từ rất sớm. Vài ngày trước khi Saudi Arabia ném bom, Hải quân Trung Quốc đã xây dựng xong phương án chi tiết rút công dân từ Yemen.

Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti
Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti

Trung Quốc dùng hải quân đánh bộ để rút công dân?

Theo mạng "Quan sát" Trung Quốc ngày 3 tháng 4, tình hình Yemen ngày 2 tháng 4 đã có sự thay đổi to lớn, một mặt, các cuộc không kích do lực lượng đa quốc gia đứng đầu là Saudi Arabia tiến hành hoàn toàn không đạt được hiệu quả rõ rệt, lực lượng vũ trang Houthi Yemen trái lại được sự yểm trợ của xe tăng, đã tấn công vào khu vực trung tâm Aden, thủ đô lâm thời của Yemen; mặt khác, một lực lượng vũ trang không rõ quốc tịch chiều ngày 2 tháng 4 đã đi tàu đổ bộ lên cảng Aden, nguồn gốc và mục đích của lực lượng này thu hút sự chú ý của dư luận.

Theo tờ "Daily Star" Anh, có một đơn vị vũ trang không rõ quốc tịch đi tàu đổ bộ lên cảng Aden, nhưng không nói rõ số người và tình hình trang bị. Có nguồn tin khác cho rằng, đơn vị này có thể đến từ Ai Cập hoặc Saudi Arabia.

Hãng thông tấn Agencia EFE Tây Ban Nha sau đó căn cứ vào thông tin từ địa phương cho rằng, đơn vị đổ bộ này là các binh sĩ Ai Cập, nhưng điều này cũng không có gì để xác nhận.

Hãng tin này đồng thời dẫn lời một quan chức hàng hải ở cảng Aden cho biết, mục tiêu của lực lượng này nhằm "bảo đảm cho người Ả rập và người nước ngoài khác trong cảng rút đi" và cho biết đơn vị này sau đó đã cùng thường dân quay trở lại tàu. Do đó, suy đoán, hành động đổ bộ lần này không liên quan đến các cuộc tấn công ngăn chặn lực lượng vũ trang Houthi.

Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti
Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti

Hãng AFP sau đó đã đưa những nội dung thông tin hoàn toàn khác. Một cố vấn của Saudi Arabia cùng ngày phủ nhận đơn vị đổ bộ đến từ Saudi Arabia hoặc Ai Cập, đồng thời cho rằng đơn vị này phải có quan hệ chặt chẽ (trung thành) với cựu Tổng thống Yemen Saleh. Đơn vị này ngồi tàu nhỏ, số lượng rất ít, nhưng đã bắt đầu tiến tới tòa nhà Quốc hội cũ. Theo suy đoán, hành động này chủ yếu là chiếm lĩnh một phần cảng Aden.

Saleh là nhân vật huyền thoại trên chính trường Yemen, ông làm Tổng thống bắc Yemen 12 năm, bắt đầu từ năm 1978, đồng thời sau khi nam bắc Yemen tán thành, tiếp tục làm Tổng thổng Yemen. Năm 2011, Yemen đã nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ với thanh thế to lớn, do chịu sức ép, ông Saleh buộc phải tuyên bố từ chức, nhưng ông vẫn có ảnh hưởng to lớn ở Yemen. Trong đơn vị tấn công vào Aden lần này, có không ít lực lượng vũ trang trung thành với ông Saleh.

Nhưng sau vài giờ, hãng tin Reuters đã phủ nhận thông tin này. Một quan chức Chính phủ Yemen cho biết, không có lực lượng mặt đất đổ bộ ở Yemen. Một quan chức cảng Aden khác cho hay, đơn vị này đổ bộ từ 1 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc, cho rằng, những binh sĩ này đã hỗ trợ cho dân thường rút đi. Đơn vị này đã nổ súng sau khi đổ bộ.

Trung Quốc sẽ tăng cường hiện diện hải quân trên thế giới?

Liên quan đến vấn đề rút công dân của Trung Quốc, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 1 tháng 4 cho rằng, sở dĩ Trung Quốc rút công dân kịp thời là do biên đội tàu chiến Trung Quốc đang triển khai thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở khu vực vịnh Aden, nếu khủng hoảng xảy ra ở nơi khác thì tình hình sẽ không như vậy.

Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti
Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti

Nhưng, theo bài báo, các trang bị có thể được sử dụng để rút công dân của Trung Quốc đã được bố trí khá rộng rãi ở các khu vực trên thế giới, ứng phó với những nhiệm vụ bất ngờ quan trọng, trong phần lớn tình hình, Trung Quốc sẽ không hành động từ “con số không”, không thiếu phương án tổ chức cơ động.

Đáng chú ý, hành động rút công dân của Trung Quốc ở Libya trước đây còn nhanh hơn một số nước phát triển và nước láng giềng của Libya.

Trong khi đó, mặc dù Ấn Độ đã rất nỗ lực, nhưng tốc độ rút công dân của họ chậm hơn, công cụ rút công dân của họ quá ít, lực lượng trong nước của họ lại ngoài tầm với.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc cần đem những vấn đề như thế này để so sánh với nước có khoảng cách gần với mình để thấy rằng Trung Quốc “hơn nhiều” Ấn Độ, còn so sánh với các nước phát triển Âu-Mỹ là để thấy khoảng cách cần tiếp tục vượt lên.

Theo bài báo, rút công dân là một thách thức của sức mạnh quốc gia tổng hợp, bao gồm kiểm tra sức mạnh trong trạng thái bình thường và khả năng huy động nguồn lực trong các tình huống khẩn cấp.

Bài báo cho rằng, việc bảo đảm an toàn thường xuyên, tin cậy hơn cho công dân, trong đó có bảo vệ an toàn tài sản của họ sẽ khó khăn hơn so với rút công dân quy mô lớn. Điều này đòi hỏi Trung Quốc phải có vai trò ảnh hưởng chính trị, khả năng răn đe tổng hợp mạnh hơn và biện pháp bảo vệ an toàn ở nước ngoài nhiều hơn. Ngoài ra, cũng phải dựa vào khả năng tự bảo vệ của công dân làm việc tại nước ngoài, phối hợp với các biện pháp an ninh của quốc gia.

Theo bài báo, rút công dân ở Yemen là một cột mốc hướng tới phạm vi an ninh quốc gia mới.

Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti
Tàu hộ vệ Lâm Nghi của biên đội hộ tống tốp thứ 19 Hải quân Trung Quốc rút công dân nước này từ Yemen đến Djibouti

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 1 tháng 4 còn có bài viết khác cho rằng, hành động rút công dân nhanh chóng và an toàn khỏi Yemen lần này đã gây chú ý cho truyền thông quốc tế. Theo tờ “Thời báo New York” Mỹ ngày 31 tháng 3, quy mô rút công dân lần này của Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với rút hơn 35.000 công dân từ Libya vào năm 2011. Khi đó, sau khi chính quyền Gaddafi bị lật đổ, Trung Quốc phần lớn dựa vào thuê tàu chở khách và tàu chở hàng, chỉ có 1 tàu chiến tham gia.

Báo Mỹ dẫn lời phó giáo sư Goldstein của Học viện chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng, các tàu chiến Trung Quốc tham gia hành động rút công dân từ Yemen lần này được điều từ vùng biển Somalia, chúng rất hiểu tình hình khu vực này.

Theo bài báo, ở Trung Quốc, ngày càng nhiều người yêu cầu chính phủ mạnh mẽ bảo vệ công dân trong những thời điểm ứng phó khẩn cấp, cuộc khủng hoảng lần này có lợi cho những người theo đuổi “chủ nghĩa hải quân” của Trung Quốc. Họ yêu cầu Hải quân Trung Quốc triển khai hoạt động thường lệ ở các đại dương trên toàn cầu nhằm bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong các thời điểm quan trọng.

Máy bay Trung Quốc sản xuất sẽ tham chiến ở Yemen?

Trang mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 3 tháng 4 dẫn mạng tin tức Tribune Pakistan đưa tin, một số nguồn tin giấu tên ở Pakistan cho biết, vào thứ Hai tới, Pakistan sẽ quyết định có đến Yemen tham chiến hay không. Nhưng, một số nguồn tin tham gia công tác đàm phán giữa Pakistan và Saudi Arabia hiện nay tiết lộ, Pakistan có ý định điều máy bay chiến đấu Kiêu Long tham gia để thử nghiệm chiến đấu thực tế. Đây sẽ là lần đầu tiên máy bay này tham gia chiến đấu thực tế sau khi đưa vào hoạt động.

Máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long/JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất
Máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long/JF-17 Thunder do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất

Đồng thời, Saudi Arabia cũng rất quan tâm tới phi công được huấn luyện của Pakistan, cho dù Saudi Arabia không thèm để ý tới máy bay chiến đấu Kiêu Long.

Bài báo cho biết, vào thứ Hai tới, Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan sẽ chính thức trình đề án lên Quốc hội, xác định khả năng xuất quân. Nếu xuất quân, về cơ bản khả năng điều động máy bay chiến đấu Kiêu Long là rất lớn. Nhưng, cũng không loại trừ khả năng điều máy bay chiến đấu F-16.

Máy bay chiến đấu Kiêu Long là máy bay chiến đấu hạng nhẹ đa năng, 1 động cơ, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, do hai bên Trung Quốc-Pakistan cùng đầu tư, các đơn vị như Công ty TNHH công nghiệp máy bay Thành Đô - Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc, Công ty xuất nhập khẩu công nghệ hàng không Trung Quốc hợp tác nghiên cứu chế tạo, Không quân Pakistan tham gia phát triển.

Máy bay chiến đấu Kiêu Long có khả năng tác chiến cơ động tốc độ cận âm cao và bay thấp vừa nổi bật, khả năng tấn công đối đất và đánh chặn khá tốt, hành trình, thời gian hoạt động trên không và bán kính tác chiến khá lớn, đặc điểm cất hạ cánh cự ly ngắn tốt và năng lực mang theo vũ khí khá mạnh.

Máy bay này áp dụng ngoại hình khí động học tiên tiến, động cơ phản lực có lực đẩy lớn và tiêu hao ít nhiên liệu, hệ thống fly-by-wire số hóa, có thể bắn đạn cự ly trung bình, tiến hành tấn công mục tiêu ở cự ly ngoài tầm nhìn, có nhiều chức năng như dẫn đường chính xác tiên tiến, nhận biết tình hình chiến trường, dò tìm và nhận dạng mục tiêu, tác chiến tấn công và tác chiến điện tử.

Ấn Độ điều động máy bay vận tải chiến lược C-17 đến Yemen rút công dân về nước
Ấn Độ điều động máy bay vận tải chiến lược C-17 đến Yemen rút công dân về nước
Đông Bình (Tổng hợp)