Bao che, khuyến khích sử dụng vũ lực, chính quyền Thái Lan có quá đà?

20/09/2015 08:10
Xuân Dương
(GDVN) - Hành động của cảnh sát biển Thái Lan bắn vào tàu cá, giết và làm bị thương ngư dân Việt Nam khi đánh bắt tại vùng biển giáp ranh cần phải lên án.

Báo Nhân Dân đưa tin về vụ cảnh sát biển Thái Lan nổ súng tấn công truy đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam như sau: “Vụ nổ súng đã khiến thuyền trưởng tàu KG94059 TS Ngô Văn Sinh chết tại chỗ, thuyền trưởng tàu KG94811 TS Nguyễn Hùng Cường bị trúng đạn vào đùi phải và ngư phủ Trần Văn Sang bị trúng đạn vào đùi chân trái. 

Cảnh sát Thái Lan bắt giữ tàu KG94005 TS, trói các thủy thủ, đánh thuyền trưởng bằng báng súng và lấy đi tất cả những thiết bị, vật dụng có giá trị trên tàu. Tuy nhiên, khi phát hiện đã bắn chết người, tàu Thai Police 528 đã thả tàu KG94005 và các thủy thủ về Việt Nam
”. [1]

Hành động của cảnh sát biển Thái Lan bắn vào tàu cá, giết và làm bị thương ngư dân Việt Nam khi đánh bắt tại vùng biển giáp ranh giữa ba nước Việt Nam, Thái Lan, Malaysia là hành động man rợ cần phải lên án.

Ngụy biện cho hành động phi nhân đạo, bất chấp mạng sống con người này, chỉ huy trưởng Cảnh sát biển Thái Lan, Thiếu tướng Grittapol Yeesakhorn nói: "Chúng tôi không định giết hại ai cả. Chúng tôi chỉ bắn cảnh báo từ cự ly 100m. Chúng tôi chỉ bắn vào đầu tàu". [2]

Đạn cảnh sát Thái bắn xuyên thủng cửa kính cabin tàu cá ngư dân Kiên Giang
Đạn cảnh sát Thái bắn xuyên thủng cửa kính cabin tàu cá ngư dân Kiên Giang

Cần phải nói để viên tướng cảnh sát Thái Lan biết rằng, tất cả tàu cá Việt Nam, cũng như các loại tàu biển khác trên thế giới (trừ tàu ngầm), cabin điều khiển không bao giờ nằm ở đầu tàu mà nằm ở giữa hoặc đuôi tàu. 

Chẳng lẽ làm đến thiếu tướng cảnh sát biển, ông Grittapol Yeesakhorn không có những hiểu biết tối thiểu về điều này?

Cabin tàu cá nằm ở đuôi tàu chứ không phải đầu tàu (Ảnh: anninhthudo.vn)
Cabin tàu cá nằm ở đuôi tàu chứ không phải đầu tàu (Ảnh: anninhthudo.vn)

Hình ảnh mà báo chí đăng tải cho thấy cửa kính cabin tàu bị đạn xuyên thủng,  khu vực cabin buồng lái không phải là đầu tàu, đây là nơi tài công (thuyền trưởng) điều khiển con tàu.

Với cự ly 100 mét không thể có chuyện cảnh sát Thái Lan nhằm vào đầu tàu nhưng đạn lại xuyên qua cabin, đây chỉ có thể là hành động cố ý giết người của cảnh sát biển Thái Lan.

Việc ngư dân trong quá trình mưu sinh trên biển xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế nước khác, do vô tình hay cố ý xảy ra thường xuyên trên toàn thế giới.

Vùng biển Việt Nam cũng thường xuyên bị tàu cá nước ngoài xâm nhập, có trường hợp chỉ cách đất liền 40 km, Cảnh sát biển Việt Nam chưa bao giờ nổ súng để xua đuổi họ.

Lời lẽ ngụy biện của Tư lệnh cảnh sát biển Thái Lan cho thấy hành động bắn vào ngư dân nước ngoài trên biển của cảnh sát Thái đã được chỉ đạo từ cấp cao nhất, liệu đó có phải bao gồm cả chỉ đạo từ cấp Chính phủ.

Giới quân sự Thái Lan sau khi đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang thực hiện chính sách đối nội, đối ngoại như thế nào?

Các nhà ngoại giao quốc tế không khỏi sửng sốt khi Ngoại trưởng Thái Lan, tướng Tanasak Patimapragorn ngày 5/8/2015 bày tỏ với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong cuộc họp báo chung bên lề hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Kuala Lumpur (Malaysia), rằng: “Nếu tôi là phụ nữ, tôi sẽ yêu ngài ấy” hay “Ngoại trưởng Vương Nghị, một người rất dễ thương và lịch sự”…

Phải chăng, bằng hành động nổ súng giết và làm bị thương ngư dân Việt Nam, giới quân sự Thái Lan đang thể hiện “tình yêu” mà họ dành cho ông bạn “dễ thương và lịch sự” như lời tướng Tanasak Patimapragorn bày tỏ?

Bao che, khuyến khích sử dụng vũ lực, chính quyền Thái Lan có quá đà? ảnh 3

Tranh chấp nổi lên trên vịnh Thái Lan và vấn đề đường Brévié

(GDVN) - Campuchia cắt xén nội dung bức thư của Toàn quyền Đông Dương Brévié làm phức tạp thêm tranh chấp.

Bao che cho hành động vô nhân đạo của cảnh sát biển, chính quyền Thái Lan đang đánh mất thiện cảm mà người Việt dành cho họ.

Giới quân sự cầm quyền Thái Lan có thể ít va chạm trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế, song họ không nên quên một điều rằng hai nước đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 20 tỷ USD vào năm 2020.

Với truyền thống hòa hiếu, sẽ không có chuyện người Việt tẩy chay hàng hóa và doanh nhân Thái nhưng điều đó không có nghĩa là giới quân sự Thái Lan cứ tiếp tục những hành động phá hoại quan hệ đối tác chiến lược mà hai nước đã cam kết qua việc cho phép lực lượng cảnh sát biển nước này nổ súng tấn công ngư dân Việt không vũ trang. 

Hành động vô tình hay cố ý của ngư dân khi đánh bắt hải sản trong vùng biển Thái Lan nếu có xảy ra cần phải được xử lý theo con đường ngoại giao trên tinh thần nhân đạo chứ không phải là dùng bạo lực, không phải là nổ súng giết người.

Giới cầm quyền Thái phải hiểu rằng bao che hay khuyến khích hành động tấn công dân thường bằng vũ khí luôn là con dao hai lưỡi, hậu quả không chỉ ngư dân nước ngoài phải chịu mà chính người dân Thái Lan đã và có thể sẽ còn phải chứng kiến.

Những vụ khủng bố đẫm máu cướp đi sinh mạng nhiều người vừa qua tại Băng Cốc là một ví dụ.

Bao che, khuyến khích sử dụng vũ lực, chính quyền Thái Lan có quá đà? ảnh 4

Ts Trần Công Trục: Làm sao để ngư dân Việt Nam không còn phải đổ máu?

(GDVN) - Không thể để tình trạng có nhiều lực lượng chức năng cùng bảo vệ ngư dân mà tàu cá vẫn bị bắt, ngư dân Việt Nam vẫn bị nước ngoài bắt bớ, đánh đập hay bắn giết

Thái Lan là đất nước của Phật giáo, 95% dân số nước này theo đạo Phật. Một trong những điều Phật dạy là cấm sát sinh.

Khi mắc lỗi, người Thái chắp tay trước ngực cúi đầu xin lỗi, hành động này được gọi là “Wai”, “wai” là một hành động chân thành chứ không phải chỉ là xã giao. 

Khi viên tướng cảnh sát biển Thái Lan bao che cho hành động giết người của binh sĩ dưới quyền, ông ta dường như đã quên mất nét văn hóa cao đẹp hàm chứa trong “wai” của dân tộc mình.

Sẽ là thế nào nếu rồi đây, chủ trương sử dụng bạo lực được nhân rộng trong các lực lượng thực thi công vụ Thái Lan? 

Trên trang khemarama.com có một bài viết đề cập đến đạo đức kinh doanh của người Thái, tất cả gói gọn trong cụm từ “vừa phải thôi”.

Bài báo viết: “vừa phải thôi, kẻo vì hám lợi mà gây tổn hại đến doanh nghiệp khác, làm mất lòng tin của khách hàng và ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước”.

Có thể vận dụng ý này để nhắc nhở giới cầm quyền quân sự Thái Lan: “vừa phải thôi, kẻo vì hám lợi mà gây tổn hại đến tình hữu nghị với các quốc gia khác, làm mất lòng tin của người nước ngoài và ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước”.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://www.nhandan.com.vn/mobile/_mobile_thegioi/_mobile_tintuctg/item/27459102.html

[2] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/09/150917_thai_viet_fishingboats

Xuân Dương