Bệnh Não bé

01/12/2018 07:50
Xuân Dương
(GDVN) - Vận dụng câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Nhiệt tình + dốt nát = phá hoại” cho trường hợp “Não bé + chức to” thì sau dấu “=” phải thêm từ gì?

Giáo sư Tạ Quang Bửu (1910–1986) từng làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Trong một tài liệu lưu tại Viện Bảo tàng cách mạng, trước chữ ký của ông trên văn bản có ghi cấp hàm là Thiếu tướng. [1]

Giáo sư Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm thiếu tướng năm 1948, ông từng giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, cấp hàm tương đương Bộ trưởng.

Gần đây, một vị thiếu tướng là ông Nguyễn Mạnh Hùng được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Quốc hội đã ban hành những điều luật khống chế số lượng cấp tướng trong quân đội và công an, bởi đây là những chức vụ rất quan trọng.

Nêu một vài thông tin để thấy cấp hàm thiếu tướng là khá cao, không ít trường hợp tương đương với chức bộ trưởng.

Báo chí đưa tin, trước tòa, cựu thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa bộc bạch: “Khi được giao xây dựng lực lượng cảnh sát đấu tranh phòng, chống tội phạm về công nghệ cao, tôi không am hiểu gì về công nghệ nhưng vẫn cố hết sức của mình. Tạo hoá cho tôi một bộ não quá bé nhưng lại cho tôi một tham vọng quá lớn”.

Bệnh Não bé ảnh 1Quan ơi, sao nhiều thế?

Nguyễn Thanh Hóa chắc chắn được học hành cẩn thận, có đủ các loại bằng cấp lý luận và quản lý hành chính mới được đề bạt chức Cục trưởng, tuy nhiên khi ông này tự nhận mình bị “Tạo hoá cho một bộ não quá bé” thì không biết ông nói về thể tích của bộ não hay về khả năng tư duy mà bộ não mang lại?

Sự việc người “không am hiểu gì về công nghệ” nhưng lại làm Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) Bộ Công an cho thấy một thực tế, không ít vị lãnh đạo có thể làm người đứng đầu bất kỳ cơ quan nào miễn là được bổ nhiệm.

Xin nêu vài dẫn chứng:

Trịnh Xuân Thanh trình độ chuyên môn kiến trúc sư, chuyển sang làm trong lĩnh vực dầu khí rồi làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang một cách suôn sẻ nếu không có chuyện chiếc xe tư nhân mang biển xanh của người này bị báo chí điểm mặt.

Lê Phước Hoài Bảo từ chỗ không làm được cho doanh nghiệp tư nhân theo lời khuyên của cha quay về làm cho nhà nước, tháng 2/2014 nhận việc tại Ủy ban Nhân dân huyện Thăng Bình, tháng 3/2014 làm Phó Chủ tịch huyện, tháng 4/2015 làm Phó Giám đốc sở và tháng 9/2015 làm Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư.

Khả năng lãnh đạo của người này theo đánh giá của nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh như sau:

Tôi có thể khẳng định việc đó (làm Giám đốc sở - NV) thừa sức, Bảo có uy tín để làm. Nhiều người đánh giá cách tổ chức, cách quản lý của Bảo rất tốt, từ đạo đức, phẩm chất cũng rất là tốt”. [2]

Bài “Suy và ngẫm” trên Tapchicongsan.org.vn trích dẫn lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng như sau:

Sự nhiệt tình cộng với dốt nát bằng phá hoại”. [3]

Bài báo cho thấy năm 2013, người Việt đã chi 6 tỷ USD du lịch và 4 tỷ USD chữa bệnh ở nước ngoài và kết luận:

Nếu chỉ vì lợi ích cá nhân thấp hèn mà bán rẻ lương tâm, bán rẻ đồng bào thì có tội lớn với dân tộc, với đất nước, muôn đời bị các thế hệ phỉ nhổ”.

Bệnh Não bé ảnh 2“Rác gia và Mo quan”

Thế thì những người “vi phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng đến mức phải xem xét kỷ luật” như Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa,… có phải đã và đang phá hoại cả kinh tế đất nước lẫn uy tín chính trị của cơ quan, đoàn thể hay chỉ tại họ “nhiệt tình” cộng thêm chút “dốt nát”?

Nói cho công bằng, một số người làm đến Bí thư, Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng hay cấp tướng trong quân đội, công an mới bị xử lý kỷ luật không thể là người dốt nát.

Có điều họ “thông minh quá, thông minh không chịu nổi” nên mới bị khai trừ, cách chức hoặc “dựa cột”.

Nói đến chuyện những kẻ hại nước, hại dân “muôn đời bị các thế hệ phỉ nhổ” thì lại có nhiều kiến giải khác nhau.

Loại quan mà dân gian gọi là “Quan cỏ”, bị tù năm bảy năm hay mất cái nguyên này nhưng vẫn còn nguyên cái không mất thì vài ba chục năm sau chẳng mấy người để ý.

Liệu hôm nay bao nhiêu người còn thời gian tìm hiểu để mà “phỉ nhổ” Nguyễn Trường Tô, người từng một thời hét ra “ảnh nóng” ở một tỉnh miền núi?

Con cái đám “quan cỏ” nhiều người du học ở bên tây, đã có sẵn hộ chiếu nước ngoài, tiền tiêu không hết thì lo gì chuyện “phỉ nhổ”.

Vả lại đến đời cháu chắt, tiếng Việt không biết, có du lịch về “quê cha đất tổ” nghe ai nói gì cũng như nước đổ đầu vịt, thế thì dẫu có ai đó bỏ công “phỉ nhổ” cũng mỏi mồm.

Họa chăng chỉ những kẻ mà người đời gọi là “Đại khốn nạn”, thành viên nhóm lợi ích “Khốn nạn” thì tiếng xấu mới để muôn đời, mà số này có lẽ không nhiều lắm.

Vận dụng câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “Nhiệt tình + dốt nát = phá hoại” cho trường hợp “Não bé + chức to” thì sau dấu “=” phải thêm từ gì?

Người viết dùng từ “Bệnh viện” vì các lý do sau đây:

Nếu không phải ra tòa, hầu hết các nghi phạm luôn đủ sức khỏe để cống hiến, khi bị tòa án gọi tên, không ít người phải nhập viện với đủ các chứng bệnh nguy hiểm.

Bệnh Não bé ảnh 3"Nhôm, nhựa" tuổi gì mà tác oai, tác quái, phải cỡ Quy trình mới làm được

Đầu tiên phải kể đến vụ khai man thành tích để nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của Hồ Xuân Mãn, sau khi bị tước danh hiệu và nộp lại tiền đã nhận, báo Laodong.vn dẫn kết luận của cơ quan chức năng như sau:

Ông Mãn chưa bị xem xét kỷ luật do đang mắc bệnh hiểm nghèo. Bệnh của ông Mãn được Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Sức khỏe miền Trung kết luận”. [4]

Bài báo cũng cho biết ý kiến của người dân Thừa Thiên - Huế như sau:

Chúng tôi không hề biết bệnh viện này ở đâu, ở Huế, Đà Nẵng, Phong Điền? Ông Mãn mắc bệnh gì? Cần lập hội đồng y khoa để làm rõ. Lâu nay ông Mãn vẫn tụ tập ăn nhậu đều; cách đây 3-4 ngày, khi dự đám cưới, ông Mãn vẫn lên hát bài “Cuộc đời vẫn đẹp sao”…

Gần đây thì quá nhiều ví dụ:

Trần Bắc Hà - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng BIDV vắng mặt tại tòa vì sang Singapore chữa bệnh.

Trong phiên tòa phúc thẩm vụ Út “trọc”, báo Tienphong.vn viết:

Là nhân chứng quan trọng trong vụ án nhưng ông Lê Thanh Cung - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vắng mặt. Vợ ông viết đơn xin vắng mặt thay chồng và cho biết ông Cung từng phải sang Mỹ chữa bệnh tim, hiện phải xuất cảnh để tái khám”. [5]

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh cũng nhập viện trước khi Tòa án tỉnh Phú Thọ mở phiên tòa xét xử vụ đánh bạc qua mạng vì sức khỏe yếu.

Trong y văn, có một bệnh mà người mắc phải đầu cứ nhỏ dần, nhọn lên và có tên gọi là bệnh Zika. Y học còn hay gọi với tên bình dân là bệnh não nhỏ.

Có người tặc lưỡi “Khi người ta đã phải vào bệnh viện, bị bệnh nguy kịch mà còn kết luận là “phá hoại” e là hơi nặng nề, nhất là khi họ đã xin lỗi trước tòa”! Chẳng phải có lãnh đạo thành phố vào bệnh viện thăm kẻ phê ma túy còn tặng thêm phong bì đó sao!

Vậy nên có lời khuyên với ai bị bệnh “não bé” mà làm to ngoài việc chuẩn bị sẵn hộ chiếu nước ngoài như Vũ “nhôm” cũng nên dự trữ thêm vài ba cái bệnh án.

Mua bệnh án bất quá mất vài trăm ngàn đồng, khi cần trương ra là chữa được khối “bệnh”, nếu không chữa khỏi tuyệt đối thì chí ít cũng làm “bệnh” giảm đi ba bốn phần.

Nếu chẳng may chưa kịp mua bệnh án “Não bé” cho bản thân thì tìm bệnh của người nhà, rồi năn nỉ xin về phụng dưỡng, kiểu này cũng là một sáng kiến mà chỉ có “não bé” mới nghĩ ra được.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A3o_lu%E1%BA%ADn:T%E1%BA%A1_Quang_B%E1%BB%ADu

[2] https://dantri.com.vn/xa-hoi/ong-le-phuoc-thanh-toi-muon-co-cong-bo-dung-sai-ro-rang-20151005122623418.htm

[3]http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Sinh-hoat-tu-tuong/2014/30195/Suy-va-ngam.aspx

[4] https://laodong.vn/xa-hoi/vu-ong-ho-xuan-man-bi-de-nghi-tuoc-danh-hieu-anh-hung-llvtnd-nguoi-khieu-nai-tung-bi-doa-giet-171730.bld

[5] https://www.tienphong.vn/phap-luat/phuc-tham-ut-troc-nguyen-chu-tich-tinh-binh-duong-sang-my-chua-benh-1339693.tpo

Xuân Dương