LTS: Công tác thanh tra là việc rất cần thiết trong hoạt động quản lý giáo dục. Theo tác giả Thiên Ấn, hiện nay nhà trường và giáo viên đều đón tiếp đoàn thanh tra theo kiểu "đối phó".
Nhiều giáo viên bắt chước nhau làm thêm nhiều sổ sách không cần thiết, rồi vội vàng chuẩn bị khiến xảy ra nhiều lỗi sai trong hồ sơ, giấy tờ... là việc nên sớm được thay đổi.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trước đây, mỗi khi có đợt thanh tra toàn diện theo định kỳ của cấp trên, nhà trường, các bộ phận, thầy cô giáo chuẩn bị, lo lắng nhiều lắm.
Gần đến ngày thanh tra về, giáo viên thi nhau đi dò la, hỏi thăm đoàn thanh tra ấy gồm có những ai, có khó tính, khắt khe trong đánh giá không, có là chỗ quen biết, thân tình với mình không.
Nếu là anh, chị, em đồng nghiệp quen biết từ trước thì chủ động gọi điện thoại hỏi thăm gần xa, mời đi uống nước, nhậu nhẹt một tí để thưa chuyện, nêu hoàn cảnh, nhẹ nhàng với chúng em.
(Ảnh minh họa của Báo Giáo dục và thời đại) |
Đoàn thanh tra vừa bước vào cổng trường cảm nhận ngay được không khí rất thanh tra.
Ban giám hiệu, các thầy cô giáo vây quanh các thành viên thanh tra, tập trung, chăm chú nghe quyết định, kế hoạch, yêu cầu, các chỉ định của các vị thanh tra.
Thanh tra viên yêu cầu sao, các tổ, nhóm, giáo viên làm vậy.
Có nhiều thầy, cô giáo mất ăn, mất ngủ, sút đến mấy cân vì lo thiết kế bài giảng, làm đồ dùng dạy, dạy thử…
Đoàn thanh tra ở càng lâu, áp lực, nỗi lo lắng của nhà trường, đội ngũ giáo viên càng lớn.
Con ước ngày nào cũng có thanh tra để không phải đi học thêm |
Thanh tra từ nơi xa đến, nhà trường, các tổ lại phải nước non, ăn trưa, ăn tối…
Có giáo viên khi kiểm tra, dự giờ ở trường, ở tổ thì chỉ đạt mức đạt yêu cầu hoặc khá nhưng thanh tra về đánh giá thì lại vượt lên đạt mức khá, giỏi.
Song, cũng có những trường hợp ngược lại.
Sau đợt thanh tra, có người mừng (được xếp loại giỏi, tốt), có kẻ buồn (vì bị xếp loại thấp).
Nhiều giáo viên thường bảo với nhau rằng: “Tuy thanh tra về có áp lực, mệt mỏi cho nhà trường, giáo viên thật nhưng vẫn thấy sướng và thích vì có người bên ngoài về nhận xét, đánh giá khách quan, công bằng hơn nội bộ, anh, chị, em trong trường, trong tổ. Đúng là bụt nhà không thiêng bằng bụt chùa”.
“Tôi muốn hoạt động thanh tra trong nhà trường như thời trước đây, vì ngoài kiểm tra hồ sơ, giáo án còn dự giờ, đánh giá tiết dạy của từng giáo viên.
Qua đợt thanh tra, nhà trường có cái nhìn nhận tương đối toàn diện về giáo viên để từ đó có những biện pháp điều chỉnh, thay đổi phù hợp” - Thầy N.V.T - Hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) kiến nghị.
Kể từ khi Thông tư số 39/2013/TT-BGDĐT ban hành ngày 04/12/2013, hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục, hoạt động sư phạm của nhà giáo được giao lại cho đơn vị, đoàn thanh tra cấp trên chỉ đến thanh, kiểm tra về công tác chỉ đạo, quản lý, các loại hồ sơ sổ sách, giáo án của Ban giám hiệu, các tổ, nhóm chuyên môn, giáo viên.
Giáo viên vừa phải đối phó với các hội thi, vừa đôn đáo vì thanh tra |
Số lượng thành viên đoàn thanh tra tinh gọn hơn trước nhiều. Chỉ có kiểm tra giấy tờ, sổ sách, giáo án… nên không khí thanh tra có phần trầm lắng, giáo viên đỡ lo chuyện dạy trên lớp để dự giờ, đánh giá nữa.
Sau khi nhiều địa phương đẻ ra quá nhiều loại sổ sách, giấy tờ, giáo viên vất vả, ca thán, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản chỉ đạo, hệ thống hồ sơ sổ sách về hoạt động giáo dục thực hiện đúng như Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ban hành ngày 28/3/2011.
Theo đó, đối với tổ chuyên môn, có: Sổ ghi kế hoạch hoạt động chuyên môn và nội dung các cuộc họp chuyên môn.
Đối với giáo viên, có:
a) Giáo án (bài soạn)
b) Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp
c) Sổ điểm cá nhân
d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Quy định gọn gàng là vậy nhưng không hiểu sao khi chúng tôi đến, thanh tra nhiều trường, hồ sơ của tổ chuyên môn, hồ sơ của giáo viên vẫn đầy ngay, hàng chồng, đủ thứ, chẳng thể nào đếm xuể.
Chúng tôi hỏi chuyện, một số thầy cô giáo cho hay: “Chúng em biết quy định là thế, nhà trường cũng không chỉ đạo, yêu cầu làm thêm sổ sách, hồ sơ.
Song qua trao đổi, hỏi han những đồng nghiệp trong tổ, trường và các trường bạn thì họ bảo nên thêm cái này, bổ sung cái kia, thanh tra về thấy nhiều, hoành tráng mới đánh giá cao chứ nên phải chạy đôn, chạy đáo làm, phô tô thêm những thứ khác”.
Hồ sơ, giấy tờ của tổ, giáo viên đẻ ra nhiều cũng tại cái tội bắt chước, nghe lời các đơn vị, đồng nghiệp khác.
Ti tỉ sổ sách, kế hoạch được chuẩn bị để đối phó "ngáo ộp" thanh tra! |
Hơn nữa, tình trạng đối phó trong hồ sơ, sổ sách, giáo án của các nhà trường, giáo viên khi có các đoàn thanh tra vẫn còn phổ biến.
Các kế hoạch mới cứng, các bộ giáo án mới in hôm qua, chưa kịp ghi ngày dạy, một số chỗ lỗi phông chữ (vì copy trên mạng xuống chưa kịp chỉnh, sửa phông).
Dường như có thanh tra về, nhiều giáo viên mới chuẩn bị, in ấn…
Ban giám hiệu một số trường tiến hành kiểm tra giáo án, dự giờ đột xuất, phát hiện ra trên 50% giáo viên được kiểm tra khi lên lớp không có giáo án, dạy không đạt yêu cầu.
Điểm yếu phổ biến trong hoạt động giáo dục của nhà trường phổ thông, đó là công tác quản lý và sử dụng đồ dùng thiết bị dạy học, đơn vị mua sắm nhiều nhưng không hoặc hiếm khi sử dụng.
Lên lớp vẫn dạy chay, học chay, đó là hoạt động tổ, nhóm chuyên môn còn sơ sài, hình thức, nặng về thủ tục hành chính, thiếu đi những nội dung trao đổi, thảo luận, chia sẻ chuyên sâu về đổi mới phương pháp dạy học, về sinh hoạt theo chủ đề, bài học, tích hợp liên môn...
Có đi kiểm tra cụ thể các đơn vị trường mới thấy ý thức, vai trò, trách nhiệm của một số Ban giám hiệu, tổ trưởng, giáo viên đứng lớp chưa tốt, còn lâu nữa họ mới đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục.
Có thanh tra, kiểm tra mới đánh động, thấy được những nhược điểm, hạn chế của từng nhà trường, giáo viên.
Có ai đó từng phản ứng, chê trách thanh tra thế này, thế nọ thì cần xem lại vì không có thanh tra định kỳ, đột xuất về trường, lớp, mọi việc xem ra còn tồi tệ hơn.