Không có Hội đồng trường thì đừng nói đến tự chủ đại học

21/04/2017 06:33
Bài và ảnh: Thùy Linh
(GDVN) - Mặc dù hiện nay Luật đã quy định rõ về vấn đề Hội đồng trường nhưng không ít người cảm thấy không muốn có tổ chức này.

Ngày 20/4, tại Đại học Sao Đỏ (tỉnh Hải Dương), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hội đồng trường – Khâu đột phá trong việc thực hiện tự chủ đại học” với mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, lãnh đạo các trường đại học về vấn đề này. 

Được biết, vấn đề Hội đồng trường lần đầu tiên được đề ra vào năm 1989 nhưng khi đó tình hình chưa chín muồi nên các trường chưa hưởng ứng và thời điểm đó cũng chưa có văn bản pháp luật, pháp quy chính thức về vấn đề này. 

Giáo sư Lâm Quang Thiệp (Trường Đại học Thăng Long) cho hay, để thực hiện tự chủ đại học, Hội đồng trường là một công cụ quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của một tổ chức dân chủ. 

Việc đưa thể chế Hội đồng trường vào hệ thống giáo dục đại học nước ta từ năm 2003 là một bước tiến đáng ghi nhận. 

Những năm gần đây, Hội đồng trường đã được đưa vào các văn bản cụ thể, tuy có một số trường đã thành lập nhưng quá trình áp dụng thể chế Hội đồng trường cho đến nay xảy ra không suôn sẻ. 

Trong khi, theo Luật Giáo dục 2005 quy định, Hội đồng trường là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục. Hội đồng trường là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của nhà trường.

Khẳng định tại hội thảo, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, mặc dù hiện Luật đã quy định về vấn đề Hội đồng trường nhưng không ít người cảm thấy không muốn có tổ chức này. 

Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu mở đầu hội thảo
Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu mở đầu hội thảo

Và bất cập hiện nay là, Hội đồng trường được coi như là Quốc hội trong trường nhưng Đảng ủy lại lãnh đạo toàn bộ nhà trường. Vậy, ta cần giải quyết thế nào giữa vai trò Hội đồng trường và Đảng ủy trong các cơ sở giáo dục đào tạo đại học công lập?

Khi bản thân Hội đồng trường không được thành lập trên con đường dân chủ thì làm sao nó đại diện cho tiếng nói thực hiện quyền lực”, Giáo sư Trần Hồng Quân băn khoăn. 

Không có Hội đồng trường thì đừng nói đến tự chủ đại học ảnh 2

Giáo sư Phạm Phụ nêu 5 kinh nghiệm quốc tế về vai trò của Hội đồng trường

Đặc biệt, khi không giải quyết được vấn đề Hội đồng trường thì việc tự chủ hóa hệ thống đại học sẽ rất khó thực hiện. 

Giáo sư Quân cũng xác nhận hiện nay số trường có Hội đồng trường còn ít (58 trường/ 169 trường đại học công lập có hội đồng trường) mà còn yếu.
 
Ngay cả những đơn vị có Hội đồng trường thì hoạt động của hội đồng này cũng chỉ mới có tính chất tư vấn cho lãnh đạo, Hiệu trưởng nhà trường mà chưa thực sự thể hiện là một hội đồng quyền lực”, giáo sư Quân nhận xét.

Trong khi theo lý giải của giáo sư Phạm Phụ - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chức năng của Hội đồng trường là cầu nối giữa nhà trường và chủ sở hữu cộng đồng, xây dựng chính sách, đảm bảo sự hoàn thành nhiệm vụ của bộ phận thực thi.

Nhưng Hội đồng trường của các trường ở Việt Nam hiện nay đều mang tính tư vấn. 

Ở một số trường có Hội đồng trường thì thành viên của hội đồng lại gồm hiệu trưởng, các trưởng khoa, phòng, ban, Đảng ủy, công đoàn, một số giáo sư…

Về bản chất đây vẫn là hội đồng hành chính “bên trong” của nhà trường, thay vì một hội đồng gồm những thành viên “bên ngoài” trường.

Một trong những nguyên nhân khiến Hội đồng trường chưa được thành lập hoặc đã thành lập nhưng hoạt động chiếu lệ là “hiệu trưởng các trường đại học công lập chưa thực sự sẵn sàng trao quyền cho hội đồng trường”. 

Vì có sự chồng lấn về chức năng giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường như vậy nên phần lớn Hiệu trưởng thường không muốn tiếp nhận cơ chế Hội đồng trường trong trường mình; và nếu phải chấp nhận thành lập Hội đồng trường thì chỉ xem nó như là tổ chức tư vấn. 

Từ đó, khiến hoạt động Hội đồng trường còn mờ nhạt, mang tính hình thức, thiếu quyền lực, thậm chí nhiều trường ngại thành lập Hội đồng trường.

Chính việc chậm thành lập các Hội đồng trường cũng là nguyên nhân chủ yếu gây khó cho Nhà nước khi muốn trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục đại học. 

Muốn có Hội đồng trường đúng nghĩa thì phải sửa Luật

Tại hội thảo, Phó giáo sư Lê Minh Thắng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội so sánh, nếu ở nước ngoài, dù với mô hình trường nào thì Hội đồng trường của các nước vẫn là một tổ chức quyền lực. 

Đối với những quyết định của Hiệu trưởng mà không được Hội đồng trường ủng hộ, Hội đồng trường có thể gây áp lực đến mức Hiệu trưởng phải xin từ chức. Hội đồng trường bầu hiệu trưởng, miễn nhiệm hiệu trưởng là đương nhiên. 

Nhưng ở ta, nhìn chung Hội đồng trường các trường đại học được thành lập ra hầu như chỉ để cho có. Hội đồng trường không có ban kiểm soát hoặc bộ phận riêng có nhiệm vụ giám sát các hoạt động của nhà trường. 

Không có Hội đồng trường thì đừng nói đến tự chủ đại học ảnh 3

Hội đồng trường ...chạy bằng gì?

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến từng công tác tại Viện nghiên cứu giáo dục (Đại học Bình Dương) cho rằng, với kiện nước ta hiện nay thì chưa nên thành lập đại trà Hội đồng trường ở tất cả các trường đại học. 

Hội đồng trường chỉ nên thành lập ở những trường đã hội đủ các điều kiện như: Đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình; Đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản. 

Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường được thực hiện qua vai trò của các đại diện của mình trong Hội đồng trường (chấp nhận có số lượng tham gia chiếm tỷ lệ cao).

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng cho rằng, khi thành lập Hội đồng trường cần làm rõ mối quan hệ giữa Đảng ủy và Hội đồng trường. 

Cần nhớ rằng, Hội đồng trường là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng nên phải là tổ chức quyền lực cao nhất của trường đại học, phải có nhiều thành viên đại diện cho các nhóm lợi ích liên quan và làm việc theo nguyên tắc đưa ra các nghị quyết tập thể.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng
Tiến sĩ Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng

Bởi theo ông Hùng, nếu Hội đồng trường chỉ thành lập theo đúng Luật Giáo dục về Điều lệ trường Đại học thì chẳng khác gì bộ máy quản lý mở rộng. 

"Mà đã là bộ máy quản lý mở rộng thì tất cả hoạt động đều rất hình thức. Nếu ông chủ tịch cố tình làm thì sẽ dẫn đến xung đột giữa hội đồng trường với hiệu trưởng. Cho nên, điều tiên quyết là phải sửa luật" – ông Hùng phân tích.
 
Và nếu như trong thể chế, Hiệu trưởng chỉ thực hiện các quyết định theo Đảng ủy. Đảng ủy lãnh đạo toàn diện thì Hội đồng trường đứng ở chỗ nào?

Nếu không tìm được một vị trí giữa Đảng ủy và ban giám hiệu thì Hội đồng trường ra đời rất hình thức.

Không có Hội đồng trường thì đừng nói đến tự chủ đại học ảnh 5

Lý do nào đang cản trở thành lập Hội đồng trường?

Hơn nữa, theo quy định hiện nay, Hiệu trưởng là người đứng ra thành lập hội đồng trường.

Vậy thì, “hiệu trưởng sẽ tìm những người là người của mình, đưa toàn bộ bộ phận quản lý của mình vào, biến hội đồng trường thành một bộ máy quản lý mở rộng”.

Do đó, ông Hùng đề xuất, Chủ tịch Hội đồng trường cần phải là do cơ quan cấp trên thành lập, đưa ra tranh cử và bầu trực tiếp.

Phản biện lại đề xuất chủ tịch hội đồng trường phải là người ngoài trường, không kiêm nhiệm bất cứ vị trí nào trong trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (tỉnh Thanh Hóa) - ông Nguyễn Mạnh An cho rằng:

Chủ tịch Hội đồng trường phải là người lãnh đạo số 1 của ngôi trường đó, phải có trình độ ngang bằng hoặc giỏi hơn Hiệu trưởng vì họ còn là người bầu ra hiệu trưởng. 

Kết thúc hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng, để mô hình Hội đồng trường sớm đi vào thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức hướng dẫn thực thi, bồi dưỡng năng lực ra quyết định cho Hội đồng trường của các trường đại học…

Bởi lẽ, theo giáo sư Trần Hồng Quân, chỉ khi nào có Hội đồng trường thì mới tạo ra được những quyết định tối ưu và kiểm tra quyền lực một cách hiệu quả nhất. 

Rõ ràng, vấn đề Hội đồng trường không chỉ khó về học thuật mà còn đang bị ràng buộc, chồng lấn về cơ chế nên muốn thực hiện thì chúng ta không thể khẳng định ngày một ngày hai sẽ làm được mà cần có lộ trình. 

Nên chỉ khi vai trò của Hội đồng trường thực sự có hiệu quả thì chúng ta mới tạo ra sự đột phá được cho giáo dục đại học. 

Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã công bố các quyết định kết nạp và tặng bằng khen cho các hội viên mới
Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã công bố các quyết định kết nạp và tặng bằng khen cho các hội viên mới

Cũng tại buổi hội thảo, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã công bố các quyết định kết nạp và tặng bằng khen cho các hội viên mới.  


Bài và ảnh: Thùy Linh