“Chống lạm dụng quyền lực phải làm từ trên xuống dưới”

02/04/2017 06:31
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nhấn mạnh, đây là giải pháp mở ra những bước tiếp theo kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Kiểm soát quyền lực có ý nghĩa quan trọng thế nào với sự phát triển đất nước? Nếu không kiểm soát được quyền lực, tình trạng lạm dụng quyền lực (thậm chí lộng quyền) sẽ diễn ra tràn lan thì xã hội phải gánh chịu những hậu quả gì?

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII, chia sẻ: “Đại hội XI của Đảng đã đề cập tới vấn đề kiểm soát quyền lực, nhưng tiếc là sau đó vấn đề này không được thúc đẩy, cho nên mới chỉ ở mức nêu ra thôi.

Đến trước và sau Đại hội XII, đồng chí Tổng Bí thư tiếp tục đề cập tới vấn đề quan trọng này. Quả thực, kiểm soát quyền lực giờ phải được coi là nhiệm vụ then chốt của Đảng, trong cuộc đấu tranh chống suy thoái, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa, đi liền với chống tham nhũng”.

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, kiểm soát quyền lực tốt từ các vị trí lãnh đạo bộ, ngành; lãnh đạo đứng đầu các tỉnh, từ đó cả hệ thống sẽ dịch chuyển theo chiều hướng tốt hơn. ảnh: Ngọc Quang.
Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, kiểm soát quyền lực tốt từ các vị trí lãnh đạo bộ, ngành; lãnh đạo đứng đầu các tỉnh, từ đó cả hệ thống sẽ dịch chuyển theo chiều hướng tốt hơn. ảnh: Ngọc Quang.

Trong Hiến pháp 2013 cũng đã thể hiện rõ tư tưởng xây dựng nhà nước xoay quanh mục tiêu duy nhất là vì quyền lợi của nhân dân; điều đó cũng có nghĩa là phải chống lạm dụng quyền lực.

Tại Điều 2 nói rõ:  

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Hưởng ứng ý kiến Tổng Bí thư: Làm thế nào để nhốt quyền lực vào “lồng quy chế'?

Điều 3: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Điều 8:

1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.

2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.

Từ những dẫn chứng cụ thể trên, Phó Giáo sư Bùi Thị An phân tích, bên cạnh những điều đã ghi trong Hiến pháp thì văn kiện của Đảng cũng thường xuyên nhắc tới những thói xấu mà Đảng phải đấu tranh, những thói xấu mà cán bộ phải tránh, trong đó có tham quyền cố vị, lợi dụng địa vị chức vụ vun vén cho cá nhân.

Đó cũng chính là những biểu hiện nỗ lực kiểm soát quyền lực, từng bước minh bạch, công khai trong công tác điều hành đối với các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, kết quả đạt được đối với nhiệm vụ kiểm soát quyền lực còn quá khiêm tốn, điều đó thể hiện ở các đại án tham nhũng gây thất thoát hàng chục nghìn tỷ đồng của nhà nước trong thời gian qua.

“Ngoài các vụ lợi dụng chức vụ làm trái quy định của nhà nước gây thiệt hại lớn, có Đại biểu Quốc hội đã cảnh báo tham nhũng vặt cũng tràn lan khắp các ngõ ngách. Rồi cũng có đại biểu Quốc hội cảnh báo doanh nghiệp bị xin đểu.

Tất cả những điều đó cho thấy, cuộc chiến chống lạm quyền còn rất nhiều khó khăn và đòi hỏi Trung ương Đảng, Chính phủ cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa.

Dù vậy, cũng thật băn khoăn khi có những cơ quan giúp việc cho Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ở mặt nào đó vẫn còn có hiện tượng nể nang, né tránh sai phạm của cán bộ”, bà An bày tỏ.

Sự tha hóa quyền lực dẫn tới những hậu quả khó lường

Những băn khoăn của Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng là lo lắng của rất nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước. Khi mà đất nước đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, trả nợ trung hạn và dài hạn thì đâu đó vẫn đang tồn tại những cán bộ lợi dụng chức vụ, địa vị để đục khoét tài sản của nhà nước, sống xa hoa, lãng phí trước những khổ cực của người dân.

“Chống lạm dụng quyền lực phải làm từ trên xuống dưới” ảnh 3

"Ốm mà không dám uống thuốc, bệnh nặng thêm, nguy hiểm tính mạng"

Và ở góc độ đánh giá độc lập, Tổ chức minh bạch thế giới liên tục trong nhiều năm gần đây đều xếp Việt Nam đứng nhóm cuối khi công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng.

Đáng lo ngại là có rất nhiều người tham gia khảo sát đánh giá cao các giá trị liêm chính, nhưng họ cũng thẳng thắn thừa nhận để được việc thì sẵn sàng thỏa hiệp với những điều sai trái của cán bộ thuộc cơ quan công quyền.

“Chúng ta nói xây dựng nhà nước pháp quyền thì có nghĩa là chúng ta phải có hệ thống pháp luật chuẩn, chặt chẽ để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi nhiệm vụ có hiệu quả; đồng thời cũng có trách nhiệm giám sát lẫn nhau, tránh trường hợp nhân danh phục vụ nhân dân nhưng thực chất lại là lợi ích nhóm.

Thực tế cho thấy ở nơi nào thiếu kiểm soát, giám sát quyền lực là nơi đó xảy ra thiệt hại lớn cho nhà nước. Hãy điểm lại xem đã có bao nhiêu vụ việc bổ nhiệm sai quy trình?

Hãy điểm lại xem đã có bao nhiêu vụ làm trái quy định nhà nước, gây thất thoát lãng phí trầm trọng ở nhiều dự án? Xử lý cán bộ mắc sai phạm có thật sự công bằng không, liệu có chuyện nhẹ trên nặng dưới không?”, bà An đặt vấn đề.

“Chống lạm dụng quyền lực phải làm từ trên xuống dưới” ảnh 4

Ai thua trong cuộc chiến “Cán bộ - Quy trình”?

Là một nữ đại biểu hoạt động hết sức năng nổ tại Quốc hội khóa XIII, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chế độ chính trị.

Vậy trong rất nhiều những vấn đề nổi cộm hiện nay, kiểm soát quyền lực cần được tập trung vào điểm nào trong bộ máy nhà nước?

Bà An nêu quan điểm: “Quốc hội là cơ quan đại diện cho ý chí và quyền lợi của dân cho nên ngoài lập pháp, xây dựng pháp luật thì đồng thời cũng phải phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực lẫn nhau.

Phải tìm ra mọi biện pháp để nhân dân tham gia trực tiếp vào quá trình kiểm soát quyền lực.

Theo tôi, muốn phát huy được sức mạnh kiểm soát quyền lực thì trước hết phải tập trung vào các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, lãnh đạo đứng đầu địa phương.

Khi mà các vị trí này tốt thì lập tức các vị trí thấp hơn trong toàn hệ thống cũng tự khắc phải điều chỉnh theo”.

Theo bà An, rất nhiều sai phạm, nhiều dự án thua lỗ nghiêm trọng kéo dài, tới khi phát hiện thì không còn khả năng cứu vãn, điều đó thể hiện sự lỏng lẻo trong cơ chế quản lý, kiểm soát quyền lực.

"Các bộ, ngành là cơ quan quản lý định hướng chính sách thì không thể đồng thời quản lý doanh nghiệp. Như vậy, nhiệm vụ với một Bộ trưởng, trưởng ngành là quá rộng, trong khi cái quan trọng cần phải tập trung đó là quản lý nhà nước về mặt chính sách.

Vì vậy mà tôi hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát đi thông điệp, Chính phủ không bán bia, không bán sữa... Như vậy, cần phải đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, tách hoạt động của những doanh nghiệp ấy ra khỏi các bộ ngành (trừ một số lĩnh vực đặc biệt), chính là biện pháp ngăn chặn hiệu quả thất thoát vốn nhà nước".

Ngọc Quang