Chính phủ nói thẳng, nói thật, quyết liệt chống nhóm lợi ích

03/02/2017 06:45
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, niềm tin là yếu tố quan trọng của thể chế và sự điều hành Chính phủ đang tạo niềm tin lớn cho người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù tăng trưởng GDP năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên có thể nói trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn thì mức tăng trưởng 6,2% là một nỗ lực không nhỏ.

Đây được xem cơ sở quan trọng để kỳ vọng năm Đinh Dậu 2017 sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% (bền vững) như kỳ vọng.

Phác họa tranh kinh tế 2017 với góc nhìn đa chiều về kinh tế vĩ mô, PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam 2017 sẽ là sự đan xen giữa những gam màu sáng, tối.

Kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ mang đậm dấu ấn điều hành của Chính phủ - ảnh vietnamfinance.vn/
Kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ mang đậm dấu ấn điều hành của Chính phủ - ảnh vietnamfinance.vn/

Đang tạo niềm tin lớn

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ nếu so sánh chỉ tiêu trong 2 năm giữa thực tế 2016 và kế hoạch 2017, thì việc thực hiện kế hoạch năm 2017 không dễ dàng. 

Cụ thể trong khi tăng trưởng GDP kế hoạch năm 2017 đưa ra là 6,7% (cao hơn thực tế 2016 là 6,2%) nhưng vốn đầu tư/GDP lại thấp hơn. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bội chi ngân sách/GDP cũng đòi hỏi thấp hơn… 

Dù kế hoạch tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 không dễ dàng, tuy nhiên nhiều cơ sở để người dân có niềm tin vào mục tiêu ấy.

"Về nội lực trong nước với điểm sáng là công tác điều hành của Chính phủ liên tục đổi mới là cơ sở đầu tiên để người dân tin mục tiêu kinh tế 2017 sẽ đạt được như kế hoạch đặt ra", PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết

Năm 2016 dưới sự điều hành của Chính phủ tập chung vào doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đã có những kết quả ấn tượng.

Phong trào khởi nghiệp được Chính phủ khởi động tạo tiền đề cho hàng loạt doanh nghiệp mới được hình thành.

Con số 110.000 doanh nghiệp được thành lập không chỉ có ý nghĩa về số lượng mà đã đi vào chất lượng với nhiều doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong các lĩnh vực có triển vọng. 

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng dấu ấn lớn nhất của Chính phủ là tạo được niềm tin lớn trong nhân dân - ảnh H.Lực.
PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng dấu ấn lớn nhất của Chính phủ là tạo được niềm tin lớn trong nhân dân - ảnh H.Lực.

"Song song khuyến khích thành lập doanh nghiệp, năm 2016 cũng ghi nhận nỗ lực cố gắng của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính", PGS. Thọ đánh giá.

Cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt làm thay đổi cung cách làm việc bộ máy hành chính từ địa phương, đến bộ, ngành, hải quan, thuế… Tất cả đều phải thay đổi để phục vụ mục tiêu duy nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

"Có thể nói sau một thời gian trì trệ của nhiệm kỳ trước khiến niềm tin suy giảm thì năm 2016 vừa qua bằng nỗ lực của Chính phủ đây đã lấy lại niềm tin người dân.

Niềm tin là yếu tố quan trọng của thể chế, khi có niềm tin doanh nghiệp sẽ bỏ vốn, bỏ tiền ra để đầu tư kinh doanh. Doanh nghiệp là hạt nhân của nền kinh tế, điều đó lý giải tại sao kinh tế 2016 có nhiều kết quả đáng kể", ông Thọ nói.

Trong đó phải kể đến nông – lâm – thuỷ sản tăng trưởng dương cả năm (tăng 1,36% so với năm 2015). Giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành thu về 32,1 tỷ USD.

Tương tự ngành công nghiệp, ngành chế biến chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 7,2%; ngành khai khoáng giảm sâu ở mức 5,9%.

Cùng với sự lớn mạnh doanh nghiệp trong nước đầu tư nước ngoài từ năm 2016 đã đi vào chiều sâu hơn là diện rộng. Đúng như thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nhà đầu tư nước ngoài: “Các bạn hãy đến với Việt Nam bằng khối óc, tức công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến và trái tim, tức đề cao chuẩn mực, đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”.

Năm 2017 tới chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài sẽ đến Việt Nam với tâm thế khác, với các dự án hiệu quả và không tác động đến môi trường. Đây là điều rất quan trọng, thay vì kêu gọi đầu tư càng nhiều càng tốt, nay chúng ta chú ý nhiều hơn hiệu quả đầu tư.

Chính phủ nói thẳng, nói thật, quyết liệt chống nhóm lợi ích ảnh 3

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017

Chính phủ nói thẳng, nói thật, quyết liệt chống nhóm lợi ích ảnh 4

8 sự kiện kinh tế mang đậm dấu ấn điều hành Chính phủ năm 2016

Chính phủ nói thẳng, nói thật, quyết liệt chống nhóm lợi ích ảnh 5

Thủ tướng: “Đừng để nông dân phải khổ..."

"Cùng với đột phá trong điều hành, kỳ vọng năm 2017 kinh tế phát triển tốt hơn khi Chính phủ quyết tâm giải quyết dứt điểm những dự án, doanh nghiệp yếu kém. Cụ thể là Chính phủ quyết tâm không dùng ngân sách cứu dự án thua lỗ.

Năm 2016 ghi dấu ấn lớn nhất của Chính phủ mang lại luồng sinh khí mới, tạo niềm tin lớn cho người dân về điều hảnh của Chính phủ", PGS.Thọ nhấn mạnh.

Chính phủ nói thật – nói thẳng

Theo ông Phạm Quý Thọ với những gì đang diễn ra năm 2017 Chính phủ sẽ kiên quyết với định hướng đặt ra.

Chính phủ sẽ tiếp “nói thẳng, nói thật” quyết liệt với nhóm lợi ích, chống được tham nhũng.

"Tạo được niềm tin và không né tránh yếu kém sẽ giúp Chính phủ giải quyết một loạt vấn đề từ cải cách ngân hàng, giải quyết dự án thua lỗ yếu kém ngành Công Thương.

Năm 2017 doanh nghiệp sẽ là sẽ động lực tạo niềm tin về sự tăng trường kinh tế.

Tuy kinh tế vĩ mô còn khó khăn, nợ công đã vượt trần, tuy nhiên khi Chính phủ nhìn thẳng không giầu diếm sẽ tạo tia hy vọng tháo gỡ", ông Phạm Quý Thọ cho biết.

Đề cập sâu hơn tới những khó khăn trong năm 2017, theo ông Phạm Quý Thọ Việt Nam là nền kinh tế mở, vì vậy những biến động của các nền kinh tế lớn sẽ có tác động tới kinh tế Việt Nam.

Năm 2017 có thể hiệp định TPP sẽ không thông qua và điều đó tác động đến chiến lược kinh tế đối ngoại từ đa phương xoay sang song phương.

Mặt khác, kinh tế Việt Nam liên hệ với Trung Quốc sâu nhiều lĩnh vực, trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ mất giá sâu, hàng hóa trung quốc rẻ đi, khiến hàng hóa Trung Quốc xâm nhập thị trường, tạo thêm áp lực cho hàng hóa nội địa. Những tác động từ bên ngoài như vậy đã được cảnh báo và đòi hỏi Việt Nam phải chủ động hơn.

Cũng theo nhận định của PGS.Phạm Quý Thọ, Chính phủ đã lường trước những kịch bản liên quan đến TPP và đưa ra khẳng định dù có TPP hay không Việt Nam cũng vẫn hội nhập.

Sự chủ động ấy cho thấy kinh tế Việt Nam không bị phụ thuộc vào một hiệp định hay kinh tế của quốc gia nào.

Sự chủ động giúp Chính phủ hạ quyết tâm mục tiêu tăng trưởng 2017 lên 6,7%. Với chuyển biến tích cực ngay trong đầu năm có thể chúng ta đang có cả thế và đà tăng. Tăng trưởng không thể dựa vào thế và đà mà phải phụ thuộc vào nội lực.

Trong các yếu tố tác động mục tiêu tăng trưởng thì điều hành của Chính phủ là yếu tốt then chốt, quyết định cho vấn đề tăng trưởng. Cải cách thể chế kinh tế dưới thời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang được thúc đẩy mạnh, thể hiện lời nói đi đôi với việc làm.

Mai Anh