Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (2)

04/07/2018 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Việc “Lấy người học làm trung tâm” là một “sáng tạo” nguy hiểm của giáo dục Việt Nam.

(Tiếp theo kỳ 1)

Thứ ba, xác định vai trò trung tâm trong nhà trường

Việc xác định đối tượng nào - người dạy hay người học - là trung tâm trong nhà trường gần đây được xới xáo tí chút, một số phát biểu, một số bài báo và ngôn từ trong một vài văn bản cho rằng phải xem “người học là trung tâm” trong nhà trường.

Có cảm giác một số chuyên gia và cơ quan chức năng đang “phát minh” một “triết lý giáo dục” mới, đó là đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo thông qua việc “lấy người học là trung tâm”.

Không cần phải là chuyên gia, chỉ cần là một nhà giáo bình thường cũng có thể thấy câu hỏi “Đối tượng nào là trung tâm trong nhà trường?” đã có câu trả lời từ hơn nửa thế kỷ trước. 

Bằng cách cho đăng một số bài báo liên quan đến chủ đề này, chẳng hạn: 

“Bàn về quan điểm giáo dục: Lấy người học làm trung tâm” (Giaoduc.edu.vn 24/3/2013); 

“Lấy người học và việc học làm trung tâm” (Baochinhphu.vn 21/5/2017);… có thể thấy quan điểm này không có gì mới, chỉ là diễn tả thành lời những gì mà giáo dục Việt Nam đã thực hiện từ năm 1954 đến nay.

Thế nên bàn luận tiếp chuyện này dường như không đúng với định hướng đã có “bề dày lịch sử” hơn 60 năm.

“Bề dày lịch sử” đó là đội ngũ giáo viên - từ cấp mầm non đến trung học phổ thông - đa số được tuyển chọn từ những đối tượng mà dân gian gọi là “chuột chạy cùng sào”.

Học sinh có thực sự là “trung tâm” trong hệ thống giáo dục quốc dân? Ảnh minh hoạ: TTXVN
Học sinh có thực sự là “trung tâm” trong hệ thống giáo dục quốc dân? Ảnh minh hoạ: TTXVN

Lựa chọn đào tạo nhà giáo như thế cho thấy một thực tế trái ngược với khẩu hiệu nhà giáo là “kỹ sư tâm hồn”, họ được lựa chọn để làm “thợ dạy” chứ không phải làm thày.

Một khi không coi trọng việc tuyển chọn, đào tạo giáo viên thì mệnh đề khẳng định (định hướng hay chính sách) phải là “nhà giáo không phải là trung tâm trong nhà trường”.

Ngược dòng thời gian, có một thời lý lịch được xem là yếu tố quyết định cho việc học tập sau phổ thông.

Sự ưu tiên được dành cho con em công nhân, nông dân, không ít con em thành phần địa chủ, tư sản vì lý lịch đành ngậm ngùi vào học sư phạm. 

Các trường thuộc quân đội và công an cho đến tận hôm nay vẫn đề cao phần lý lịch gia đình, cha bị án treo mặc dù đã được xóa án tích con vẫn không được nhập học dù đủ điểm.

Ngày xưa, giáo viên trong lý lịch phải khai là “Tiểu tư sản trí thức” và tầng lớp bị gọi là “Tiểu tư sản” đó luôn gặp khó khăn trên con đường thăng tiến. 

Dù sử dụng khá nhiều những từ ngữ tô hồng về nghề dạy học, dù khẳng định giáo dục là “quốc sách hàng đầu” song có một thực tế phũ phàng là thu nhập từ lương của nhà giáo luôn thấp hơn các ngành khác, đặc biệt là so với quân đội và công an. 

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (2) ảnh 2Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (1)

Trang Phunuonline.com.vn trong bài “Lương giảng viên đại học: Còng lưng 'cửu vạn' đắp bồi tinh hoa” viết:

37 năm dạy mầm non, đến khi về hưu, cầm trên tay tờ quyết định số tiền hưu trí 1,3 triệu đồng/tháng, bà giáo già khóc vì tủi cho nghề và lo cho phận mình”. [1] 

Cũng nên biết thêm, giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ sau một năm tập sự có thu nhập bằng lương cơ bản (trước 1/7/2018 là 1.30 triệu đồng) nhân hệ số 2,34 cộng thêm phụ cấp 30% nghĩa là 4.076.280 đồng.

Trong khi đó thiếu úy lực lượng vũ trang có thu nhập là 5.460.000 đồng (chưa cộng phụ cấp).

Thậm chí hệ số lương của quân nhân chuyên nghiệp trình độ sơ cấp là 3,2 cũng cao hơn hệ số lương thạc sĩ giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học (2,34).

Từ việc tuyển chọn, đào tạo đội ngũ đến đãi ngộ, nhà giáo không được xem là “trung tâm” bởi họ được đào tạo với mục đích chỉ được phép nói những gì sách giáo khoa viết, làm những việc cấp trên chỉ bảo nhằm đạt tỷ lệ tốt nghiệp các cấp ở mức trên 95%!

Vậy học sinh có thực sự là “trung tâm” trong hệ thống giáo dục quốc dân?

Theo quan điểm của người viết, câu trả lời là không phải.

Giữ vai trò “Trung tâm” trong hệ thống giáo dục là cán bộ quản lý nhưng không phải của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà là Bộ Nội vụ và một số cán bộ … hưu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ban ngành trung ương có biết tình trạng nhà giáo được đào tạo và đãi ngộ ra sao? Chắc chắn là biết.

Biết nhưng vì sao hơn nửa thế kỷ không làm gì để khắc phục?

Ai cũng hiểu, cũng đồng thuận, rằng không có thày giỏi thì không thể có trò giỏi.

Vậy tuyển chọn, đào tạo đội ngũ nhà giáo từ phần lớn những người không giỏi thì làm cách nào để có trò giỏi, làm cách nào để dân tộc Việt “sánh vai với các cường quốc năm châu”?

Có một thời không ít người làm chính sách đả phá quan điểm “tiên học lễ, hậu học văn”, có một giai đoạn người ta cho rằng nền giáo dục mới thì phải gạt bỏ quan niệm cũ, nghĩa là phủ nhận quan điểm “Không thày đố mày làm nên” bằng một lý luận tưởng chừng rất khoa học “lấy người học làm trung tâm”. 

Từng có một số ý kiến tại diễn đàn Quốc hội như:

Khi nào trình độ dân trí cao hơn và kinh tế ổn định hơn thì mới có thể ban hành Luật biểu tình”. (Hoàng Hữu Phước)

Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện". (Hà Minh Huệ) 

Vì sao chính những người được dân bầu vào Quốc hội lại nói dân như thế?

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (2) ảnh 3Chiếc chăn Nguyên khí và câu chuyện Rừng nghèo

Phát biểu của họ chỉ là lỡ lời hay hé lộ một thực trạng không ai muốn nói thật, rằng thày dốt thì trò dốt, trò dốt thì “xã hội dốt”, “xã hội dốt” nên “dân trí thấp” và dân trí thấp thì chưa cần Luật Biểu tình, chưa cần trưng cầu ý dân,…, thế có phải là nhẹ nhàng cho người quản lý?

Có người hỏi một nhà điêu khắc vĩ đại: “Từ khối đá xù xì, làm thế nào ông tạc được bức tượng tuyệt đẹp như vậy?”, nhà điêu khắc trả lời: “Tôi chỉ đục bớt đi những phần thừa”.

Trong âm nhạc, chỉ có bảy nốt “đồ, rê, mi, pha, son, la, si” kết hợp với các nốt thăng, giáng và mấy quãng tám nhưng có những bài hát sống mãi như "Xa khơi", "Bài ca hy vọng", "Mẹ yêu con",…

Cũng với bảy nốt nhạc đó, âm nhạc Việt Nam ngày nay có gì? Phải chăng do lớp người Việt hôm nay thích nhạc thị trường hay do không có nhạc sĩ giỏi?

Giáo dục cũng như vậy, mười mấy triệu học sinh đều là những nốt nhạc, đều là những khối đá xù xì, không có đội ngũ nhà giáo giỏi, làm sao nước Việt có thế hệ công dân ưu tú?

Được sinh ra bởi các cặp “bố - mẹ” nhưng phải qua giáo dục trẻ em mới thực sự trở thành con người có tri thức, xét về phương diện trí tuệ, sản phẩm của giáo dục chính là con người.

Đội ngũ “thợ” tạo nên các “sản phẩm” đó chính là nhà giáo.

Vậy nên người viết muốn nhắc lại ý kiến đã rất nhiều lần đề cập, việc “Lấy người học làm trung tâm” là một “sáng tạo” nguy hiểm của giáo dục Việt Nam.

“Sáng tạo nguy hiểm” ấy, tiếc thay đã dẫn tới những sai lầm tai hại, đó là sai lầm kéo dài nhất, trầm trọng nhất khiến cho giáo dục Việt Nam chỉ mới hoàn thành nhiệm vụ xóa nạn mù chữ.   

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (2) ảnh 4Quốc sách và sự nhẫn nhịn của Giáo dục

Việc lấy người học làm trung tâm kéo theo nhiều hệ lụy, đầu tiên và rõ nhất là tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông trở thành thước đo chất lượng giáo dục. 

Hệ lụy tiếp theo là đề cao việc “giáo dục” mà xem nhẹ hình thức kỷ luật trong trường. 

Một học sinh người Mỹ gốc Việt - Diane Trần - vì phải đi làm để nuôi sống bản thân đã bị tòa án bỏ tù 24 giờ, phạt 100 USD vì tội bỏ học hơn 10 lần trong thời gian 6 tháng. [2]

Giáo dục Việt Nam đã có những quy định chính thức nào về hình thức kỷ luật học sinh lười học, vi phạm kỷ luật chưa?

Câu trả lời là đã có từ … 30 năm trước, đó là Thông tư 08/TT “Hướng dẫn việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 1988! 

Báo An ninh Thủ đô viết: “Từ trước đến nay, những biện pháp thường được áp dụng với những học sinh có hành vi vi phạm là viết kiểm điểm, mời phụ huynh, trừ điểm thi đua, cảnh cáo và nặng nhất là đuổi học.

Các biện pháp này hầu như không phát huy được hiệu quả như mong muốn...”. [3]

Bạo hành đối với học trò là hành vi phạm pháp, điều này không phải bàn thảo nhưng không có hình thức “kỷ luật thép” như trong quân đội có phải là một trong những nguyên nhân khiến không ít học trò được đào tạo bởi nền giáo dục xã hội chủ nghĩa trở thành “một bộ phận không nhỏ”, trở thành những phụ huynh xông vào trường đánh cô giáo thủng màng nhĩ!

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “Đổi mới giáo dục không thành công nếu không quan tâm đội ngũ giáo viên” cho thấy một cách nhìn chính xác về vai trò của nhà giáo.

Vấn đề ở chỗ “quan tâm đội ngũ giáo viên” không chỉ là đề nghị xếp thang bậc lương cao nhất - như đề nghị của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nếu hôm nay không bắt đầu ngay việc cải tổ tận gốc quá trình đào tạo đội ngũ giáo viên, không đặt nhà giáo vào vị trí quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục thì hàng chục năm sau chất lượng giáo dục vẫn sẽ không có gì thay đổi. 

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (2) ảnh 5Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (2)

Nói cách khác, cải cách giáo dục hiện nay đang được làm theo kiểu “ăn xổi”, theo kiểu nhiệm kỳ nghĩa là tập trung vào nội dung, chương trình, sách giáo khoa.

Mấy nhóm công việc đó chỉ cần một vài năm là hoàn thành. 

Không ăn xổi, thì phải theo lời Hồ Chủ tịch: “vì sự nghiệp trăm năm phải trồng người”. 

Một vài phát biểu nghe có vẻ hay nhưng thực ra chẳng dựa vào cơ sở khoa học nào, chẳng hạn “Sẽ tuyển những thí sinh ưu tú nhất vào ngành Sư phạm” hay “Quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu”.

Nếu ít thí sinh đăng ký vào sư phạm thì lấy đâu ra “ưu tú”, lấy gì để “quyết tâm”? 

Bộ Giáo dục và Đào tạo lập cần một chiến lược đào tạo đội ngũ giáo viên (từ mầm non đến đại học) cụ thể là:

1. Giải thể ngay hệ thống trung cấp, cao đẳng sư phạm, đã là nhà giáo phải có trình độ cử nhân (đại học). 

2. Chỉ các đại học sư phạm mới được đào tạo nhà giáo, nếu không giải thể thì chuyển các khoa Sư phạm tại các trường đa ngành về trực thuộc một đại học sư phạm nào đó (liên kết đào tạo).

3. Đề nghị Chính phủ chuyển việc quản lý nhân sự các nhà giáo tại địa phương về các Sở Giáo dục và Đào tạo.

4. Đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Nhà giáo.

5. Đề nghị nhà nước xem xét lại cách thức phân bổ kinh phí cho giáo dục. Các đại học Sư phạm cũng được tự chủ hoàn toàn.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đặt hàng các trường và đánh giá chất lượng đầu ra thông qua các kỳ thi tuyển viên chức theo kiểu kỳ thi quốc gia, không giao cho địa phương tổ chức.

7. Tăng tuổi nghỉ hưu đối với nhà giáo.

Thứ tư, về cơ cấu tổ chức và phân bổ nguồn lực

Về điều này, người viết đã trình bày trong loạt bài “Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ” nên xin không trình bày ở đây. [5], [6]

Thứ năm, giáo dục khai phóng

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (2) ảnh 6Bốn vấn đề liên quan đến quốc sách và thực trạng

Không ít học giả trên thế giới cho rằng giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) chỉ dành cho bậc đại học bởi nó liên quan đến việc những người được đào tạo ở bậc học này sau khi ra trường sẽ ở đâu, làm gì và khả năng thích ứng của họ với sự biến đổi như vũ bão của khoa học, công nghệ,… như thế nào.

Phạm vi của giáo dục khai phóng thường mang tính đa nguyên và toàn cầu; nó có thể bao gồm một chương trình học giáo dục tổng quát cung cấp cơ hội tiếp cận nhiều lĩnh vực học thuật và nhiều chiến lược học tập, bên cạnh chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó”. [7]

Bị ám ảnh bởi tâm lý nhược tiểu, sính đồ ngoại, không ít chuyên gia, nhà quản lý giáo dục Việt Nam cũng rập khuôn theo thế giới, rằng giáo dục khai phóng là câu chuyện riêng của giáo dục đại học. [8]

Học sinh phổ thông ngồi trên ghế nhà trường 12 năm, nếu tính cả bậc mầm non thì khoảng 15 năm, trong 15 năm không được “khai phóng”, được bao bọc bởi cái gọi là “giáo dục khuôn mẫu” thì liệu mấy năm đại học có đủ thời gian để “khai phóng”?

Học sinh phổ thông hiện nay được giáo dục để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển chọn vào các trường đại học, cao đẳng.

Giáo dục nghề nghiệp cho bậc học này dường như chỉ là đối phó với mục đích cộng điểm hơn là dạy nghề, càng không có ý nghĩa trong định hướng phân luồng đào tạo.

Giáo dục khai phóng có mục đích tạo nên con người tự do, con người tự nhận thức được bản thân và tự quyết định vận mệnh của mình.

Lý thuyết là như thế song ngay cả những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất cũng chưa hẳn đã làm tốt.

Muốn con người khi trưởng thành nhận biết được mình giỏi cái gì, dốt cái gì thì phải giáo dục từ rất sớm, từ bậc mầm non, tiểu học.

Trẻ con ngã không biết tự đứng dậy, ăn ngon không biết tự nấu, nhà bẩn không biết tự lau thì lớn lên làm sao tự bươn chải trong cuộc sống?

Giáo dục - cội nguồn của thành công và thất bại (2) ảnh 7Ẩm ương chuyện giáo dục

Một ông Bí thư Tỉnh ủy còn phải đưa con trai được đào tạo nghiêm chỉnh về làm cho nhà nước vì “kinh doanh khó khăn” thì lấy đâu ra “khai phóng”?

Chuẩn bị cho sinh viên tốt nghiệp ra trường không làm thày thì làm thợ phải bắt đầu từ việc giáo dục trẻ con chân lý đơn giản nhất “không lao động thì chết đói”, “không có bữa trưa nào là miễn phí”. 

Có cảm giác giáo dục Việt Nam đang đi trên con đường mòn dẫn vào rừng rậm chứ không phải biển lớn, nhiều bộ óc quản lý cứ tưởng thay thi tự luận bằng trắc nghiệm, thay sách giáo khoa liên tục là đổi mới giáo dục.

Gò trẻ con theo khuôn mẫu trong sách mà sách đó lại do một nhóm người chưa hẳn đã là tinh hoa đất nước liên kết với nhau biên soạn.

Thậm chí người ta còn tranh nhau “làm” sách giáo khoa bởi đây lĩnh vực béo bở có thể móc túi người dân một cách hợp pháp! 

Khi hàng chục triệu học sinh cùng được “đúc” theo một khuôn mẫu, nhiều thế hệ sẽ lớn lên trong cái khuôn đó thì lấy gì đảm bảo mấy năm ngồi trong giảng đường đại học, họ đủ năng lực để phá bỏ khuôn mẫu đó, để trở thành công dân toàn cầu?

Người viết từng nhiều lần đề nghị, nếu thực sự coi “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì việc cần làm là hãy đặt Giáo dục ít nhất cũng phải ngang hàng với Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, hãy trả lại vị trí đích thực cho nhà giáo.

Cải cách giáo dục phải bắt đầu từ con người tức là nhà giáo, không làm được điều đó, thất bại là điều khó tránh.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://phunuonline.com.vn/giao-duc/luong-giang-vien-dai-hoc-cong-lung-cuu-van-dap-boi-tinh-hoa-115186/

[2] https://laodong.vn/the-gioi/nu-sinh-goc-viet-bi-bo-tu-gay-xon-xao-nuoc-my-66890.bld

[3] http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/che-tai-loi-thoi-hoc-sinh-vi-pham-ky-luat-gia-tang/598465.antd

[4] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/truong-su-pham-se-chon-thi-sinh-uu-tu-nhat-20171228212935512.htm

[5] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc-da-den-luc-phai-noi-cho-ra-nhe-1-post185064.gd

[6] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Giao-duc-da-den-luc-phai-noi-cho-ra-nhe-2-post185068.gd

[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_khai_ph%C3%B3ng

[8] http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/34424002-giao-duc-khai-phong-xu-huong-dao-tao-dai-hoc-moi-cho-viet-nam.html

Xuân Dương