Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1)

06/04/2018 07:08
Xuân Dương
(GDVN) - Thực tế là Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là cơ quan nhà nước duy nhất quản lý giáo dục và càng không phải là cơ quan giữ vai trò quyết định về giáo dục.

Nhiều chuyên gia, học giả và chính khách đồng ý với câu trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì” của Jacques Delors (người Pháp) và xem đó là triết lý giáo dục:

Học để chung sống; Học để biết; Học để làm; Học để tồn tại”. 

Vấn đề là giáo dục không chỉ có “học” mà còn “dạy” vì thế “học để làm gì” phụ thuộc vào chuyện “dạy như thế nào”.

Sự kết hợp hài hòa, khoa học giữa dạy và học tạo nên thành công cho một nền giáo dục.  

Trên thế giới không tồn tại bất kỳ một khuôn mẫu giáo dục nào phù hợp với mọi quốc gia, ngay trong một quốc gia giáo dục vẫn phải chú ý đến đặc thù riêng của mỗi tộc người, vùng miền,...

Giới lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục phải tự tìm cho đất nước mình một con đường riêng, có tham khảo thành công của các quốc gia khác chứ không phải là bê nguyên xi “cái thành công” của người ta áp vào thực tại nước mình.

Thực tế là Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là cơ quan nhà nước duy nhất quản lý giáo dục và càng không phải là cơ quan giữ vai trò quyết định trong toàn bộ hoạt động giáo dục và đào tạo nước nhà. (Ảnh: VOV)
Thực tế là Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là cơ quan nhà nước duy nhất quản lý giáo dục và càng không phải là cơ quan giữ vai trò quyết định trong toàn bộ hoạt động giáo dục và đào tạo nước nhà. (Ảnh: VOV)

Theo quan điểm cá nhân, ba yếu tố tạo nên thành công của nền giáo dục là:

- Nhà giáo;

- Tài chính - Cơ sở vật chất;

- Nội dung chương trình, sách giáo khoa, quy hoạch mạng lưới.

Cả ba yếu tố này đều phụ thuộc vào thể chế chính trị. Trong một số nước đó là chủ trương, chính sách, định hướng của đảng cầm quyền còn một số nước khác là Hiến pháp, các đạo luật mà Quốc hội ban hành.

Ở Việt Nam, lâu nay dư luận thường nhìn nhận mọi thành công, thất bại của giáo dục đều bắt nguồn từ chỉ đạo, điều hành của bộ chủ quản, tức là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bản thân người viết đôi khi cũng bị cuốn hút theo định hướng này.

Một hai năm trở lại đây, những góc khuất phía sau bức tranh toàn cảnh nền giáo dục nước nhà dần dần hé lộ.

Thực tế là Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là cơ quan nhà nước duy nhất quản lý giáo dục và càng không phải là cơ quan giữ vai trò quyết định trong toàn bộ hoạt động giáo dục và đào tạo nước nhà.

Câu hỏi đặt ra là ngành Giáo dục chịu trách nhiệm đến đâu trước những thành tích cũng như yếu kém của giáo dục Việt Nam so với khu vực và thế giới?

Để trả lời câu hỏi này, cần đánh giá khách quan ba yếu tố nêu trên.

Thứ nhất: Nhà giáo

Quan điểm về vai trò của nhà giáo

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1) ảnh 2Chúng ta đang đối xử với nhà giáo theo kiểu tư duy vừa tiểu nông vừa địa chủ

Về yếu tố con người, Đảng và Nhà nước đều khẳng định:

Nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất là con người Việt Nam; nhân tố con người chính là nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam”. [1]

Xuất phát từ truyền thống “Không thày đố mày làm nên”, từ quan điểm “con người là yếu tố quyết định”, có thể khẳng định Nhà Giáo giữ vai trò quan trọng nhất trong thành công của nền giáo dục hiện đại.

Cũng có ý kiến cho rằng “con người” trong giáo dục gồm ba đối tượng “cán bộ quản lý - thầy - trò”, họ khẳng định “Quan điểm giáo dục là phải lấy người học làm trung tâm”.

Từ quan điểm này có ý kiến đòi hỏi “phải xây dựng lại các hình thức tổ chức dạy học và các phương pháp dạy học phù hợp”.

Với quan điểm này, “hình thức và phương pháp dạy học” được lựa chọn trước sau đó mới nghĩ đến chuyện “nhào nặn” nhà giáo sao cho phù hợp với hình thức và phương pháp đó.

Minh họa cho quan điểm này là dạy học theo phương pháp VNEN, các nhà giáo bị biến thành đối tượng thử nghiệm cách dạy học du nhập từ nước ngoài chứ không chỉ là học trò.

Một trong những nhà giáo nổi tiếng, Giáo sư Hoàng Tụy cho rằng: “Vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố có liên quan trực tiếp tới người thầy”.

Loay hoay giữa hai luồng quan điểm ấy trong một thời gian dài, không đánh giá đúng vai trò trọng tâm của nhà giáo dẫn đến hậu quả là hình thành một đội ngũ nhà giáo trình độ chuyên môn không thể nói đã đạt trình độ chung của thế giới.

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1) ảnh 3Tâm thư của "những nhà giáo già" gửi Hội đồng Quốc gia Giáo dục

Đội ngũ giáo viên chỗ thừa, chỗ thiếu, phần lớn học trò bậc phổ thông diện giỏi, xuất sắc không chọn sư phạm làm nghề yêu thích của mình.

Gần đây nhất, quan điểm chỉ đạo của Đảng là “lương nhà giáo phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính” không nhận được sự ủng hộ của một số cơ quan chức năng chỉ cho thấy nhận thức về vai trò nhà giáo trong nhà trường vẫn chưa có biến chuyển cần thiết.

Mất cân bằng giới trong đội ngũ giáo viên

Một sự thật khác là nhân lực ngành Giáo dục đa số là phụ nữ, những người luôn chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới.

Tại tỉnh Lâm Đồng, tỷ lệ nữ giáo viên chiếm 76%. [2]

Một thống kê dẫn từ nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trong số 1,1 triệu giáo viên từ mầm non đến phổ thông có 882.500 giáo viên nữ, chiếm khoảng 79,54%, bình quân 4 giáo viên nữ có một giáo viên nam. [3]

Số liệu trong “Tờ gấp giáo dục đào tạo 2017” cho thấy ở bậc đại học tỷ lệ này tương đối cân bằng, tổng số giảng viên là 72.792 người, số giảng viên nữ là 35.064 người.

Tờ gấp giáo dục đào tạo 2017 (nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Tờ gấp giáo dục đào tạo 2017 (nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Hiện tượng cô giáo bị bắt buộc phải quỳ xin lỗi phụ huynh; nữ giáo sinh thực tập bị phụ huynh đánh động thai phải nhập viện; phụ huynh xông vào tát cô giáo ngay tại lớp học,… cho thấy sự mất cân bằng giới tính trong đội ngũ nhà giáo mang đến những hậu quả tai hại.

Nếu đó là nam giáo viên liệu phụ huynh có thể manh động đến mức hành hung khiến thày giáo phải nhập viện?

Liệu đã đến lúc, cần phải xem xét tỷ lệ tuyển chọn giáo sinh vào khối trường Sư phạm theo hướng bảo đảm hài hòa về tỷ lệ giới?

Quản lý nhà giáo

Trong tổng số hơn 1,25 triệu nhà giáo từ mẫu giáo đến đại học, chính quyền địa phương và các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội quản lý khoảng 1,2 triệu người.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quản lý trực tiếp (về nhân sự) một số lượng khá nhỏ cán bộ, giảng viên các trường đại học, cao đẳng mà bộ này “chủ quản” và cán bộ cơ quan bộ.

Bốn vấn đề liên quan đến quốc sách và thực trạng

Quản lý nhà giáo tại địa phương là chính quyền, tức là Ủy ban nhân dân song trực tiếp là Sở Nội vụ hoặc Phòng Nội vụ.

Có thể suy ra theo ngành dọc, quyền quyết định số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo (bậc phổ thông) không thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo mà là Bộ Nội vụ.

Để chứng minh xin liệt kê một vài sự kiện:

Tại tỉnh Cà Mau, trong kỳ thi tuyển viên chức giáo dục gần đây, người có điểm thi gần như tuyệt đối - thí sinh Nguyễn Thái Tâm (huyện Thới Bình) đạt 394/400 điểm, sau đợt chấm phúc khảo thí sinh này bị trượt viên chức vì thí sinh Cù Hoàng Linh, điểm thi ban đầu là 389, phúc khảo tăng 5,5 điểm và có tổng điểm 394,5 cao hơn Nguyễn Thái Tâm 0,5 điểm?

Báo Tienphong.vn đưa tin, ba người cháu vợ ông Nguyễn Tráng Kiện Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thới Bình, kiêm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển viên chức năm 2017 đều trúng tuyển với số điểm là 369, 388, 391, điều đáng nói là ba thí sinh này lại là chị em ruột?

Cuối năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục trong phạm vi toàn tỉnh (có 1.658 chỉ tiêu).

Sau phúc khảo toàn tỉnh có 13 người đậu thành rớt, 8 thí sinh rớt lại đậu trong đó một thí sinh từ rớt nhưng sau phúc khảo đã thành... thủ khoa!

Trả lời báo chí ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi cho biết:

"Huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ... cũng có thông tin phản ánh về điểm số của các thí sinh, nhưng Bình Sơn là nổi cộm nhất". [4]

Điều đáng quan tâm trong tường thuật nêu trên của Tuoitre.vn không phải là chuyện “đỗ - trượt” của các thí sinh mà là người trả lời báo chí - ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ chứ không phải vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ (1) ảnh 5Tiêu chí xác định chỉ tiêu đào tạo giáo viên của Bộ Giáo dục

Thí sinh trượt lần đầu bỗng thành thủ khoa sau phúc khảo nói lên điều gì?

Trách nhiệm tổ chức thi tuyển giáo viên cho các trường lại thuộc ngành Nội vụ nói lên điều gì?

Một khi ngành Nội vụ nắm quyền quyết định việc thi tuyển nhân sự giáo viên thì ngành Giáo dục buộc phải đón nhận dù kết quả thi tuyển ấy công tâm hay có vấn đề.

Trao cho ngành Nội vụ (chứ không phải ngành Giáo dục) quyết định số lượng và chất lượng đội ngũ nhà giáo có phải là cách thức phù hợp hay cần xem xét lại?

Mặt khác, không thể khẳng định, rằng trao cho ngành Giáo dục toàn quyền tuyển chọn giáo viên thì tình trạng trượt bỗng thành thủ khoa sẽ được cải thiện vì giám khảo, cán bộ chấm thi được tuyển chọn phần lớn đều là giáo viên giỏi tại địa phương.

Cách khắc phục là tập trung toàn bộ ứng viên trong tỉnh thi tuyển tại một địa điểm, chấm chéo giữa các tỉnh hoặc liên tỉnh.

Người trúng tuyển được quyền ưu tiên chọn địa điểm công tác theo thứ tự điểm đạt được.

Tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 27/12/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ý kiến:

Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm để năm 2018 điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận điểm đầu vào thấp”.

Vấn đề không chỉ các chuyên gia mà người dân cũng nhận thấy, cũng thống nhất là muốn thu hút “học sinh ưu tú” theo học ngành Sư phạm thì khi ra trường, giáo sinh phải được đảm bảo hai điều kiện “việc làm và thu nhập”.

Người học sau khi ra trường muốn có việc làm phải thi tuyển, muốn nâng lương phải được bình xét, cả hai yếu tố này lại do ngành khác quyết chứ không phải ngành Giáo dục.

Với cơ chế như vậy làm sao ngành Giáo dục có thể tuyển học sinh ưu tú bậc phổ thông vào các trường sư phạm? Liệu sau bao nhiêu năm nữa mong muốn của Bộ trưởng Nhạ sẽ thành hiện thực nếu cơ chế quản lý không thay đổi?

Mấu chốt tạo nên bức tranh giáo dục nước nhà (bậc phổ thông và một phần đại học) nằm ở chỗ ngành Giáo dục bị cách ly việc quản lý con người.

Có thể thấy yếu tố con người - tức là nhà giáo -  ngành Giáo dục có vai trò khá yếu nếu không nói là bị “lấn sân”.

(còn nữa)

Tài liệu tham khảo:

[1]http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/1857-su-phat-trien-nhan-thuc-cua-dang-ve-phat-huy-nhan-to-con-nguoi-trong-phat-trien-dat-nuoc.html

[2] http://lamdongtv.vn/tin-tuc-n3775/ti-le-nu-trong-nganh-giao-duc-dat-77.html

[3] https://news.zing.vn/giao-vien-qua-con-so-hon-35-tuoi-luong-7-trieu-dong-day-o-ha-noi-post796760.html

[4]https://tuoitre.vn/thi-tuyen-giao-vien-nguoi-rot-thanh-thu-khoa-20180331091925525.htm

Xuân Dương