Những giọt mưa hóa thân từ biển cả tụ thành suối, suối nhập thành sông và sông lại ra biển lớn. Chặng đường ra biển ấy lắm thác, nhiều ghềnh, ngay cả những dòng sông hiền hòa nhất thì đáy sông vẫn cuồn cuộn sóng ngầm.
Nhân loại cho đến hôm nay, vẫn tồn tại một số dân tộc chưa có tổ quốc như người Digan, người Palestine, vẫn còn những quốc gia bị chia cắt như Triều Tiên, Trung Quốc.
Tổ quốc, nói theo tiếng Việt là Đất Nước, đất đã liền một dải, nhưng nước mới chỉ là những dòng suối róc rách nơi rừng sâu, núi thẳm, chưa phải là sông rộng và còn một chặng đường dài, rất dài để hòa vào biển cả.
Quốc gia đội sổ và… báo cáo Thủ tướng
(GDVN) - Đất nước chỉ có một Thủ tướng nhưng có 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương, 22 cơ quan cấp bộ, liệu rồi đây còn bao nhiêu vụ việc sẽ lại đến tay Thủ tướng?
Năm 1950, trong buổi gặp mặt mừng thọ Bác Hồ 60 tuổi tại chiến khu Việt Bắc, Bác đọc tặng các đại biểu mấy câu thơ:
Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên.
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên.
Nền Dân chủ Cộng hòa được 70 năm, hai miền Nam Bắc thống nhất mới chỉ được 40 năm, so với “ông Bành” như cách nói của Bác thì đất nước mới chỉ đang ở tuổi thiếu niên.
Người xưa có câu “Tự cổ anh hùng xuất thiếu niên”, sự “thiếu niên” mà đất nước đang trải qua tuy không ít va vấp song không thể nói là thiếu chất “anh hùng”.
Không một dân tộc nào trên hành tinh này trong thế kỷ 20 phải đương đầu với những đạo quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới như người Việt.
Nếu dân tộc Việt Nam không có chính nghĩa, không dám “đốt cả dãy Trường Sơn để giữ cho được tự do, độc lập” thì làm sao 50 năm trước người Mỹ như Norman Morrison, lại tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam; hay người Pháp như nhà báo Madeleine Riffaud lại sống cùng những người lính dưới bom đạn hủy diệt và chất độc hóa học để viết nên cuốn sách "Trong chiến khu Việt Cộng"?
Chưa có một thống kê chính thức nào về sự hy sinh của người Việt trong các cuộc chiến chống xâm lược, điều chắc chắn là không chỉ con người mà cả Đất và Nước đều bị tổn thương. Vẫn còn đâu đó bom mìn, vẫn còn đâu đó chất độc màu da cam, vẫn còn đâu đó sự ly tán của lòng người.
Khoảng lặng hòa bình mà người Việt được hưởng thật ra là quá ngắn ngủi, chỉ bốn năm sau ngày 30/4/1975 là chiến tranh biên giới Tây Nam, là chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, là Gạc Ma 1988, là dàn khoan Hải Dương 981 năm 2014 và nay là những đảo chìm, đảo nổi mà người ta đang vội vã tạo ra để ngăn con đường ra biển của người Việt.
Chắc chắn rất ít người biết chuyện vào những năm 60 của thế kỷ trước, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, niềm tự hào của người Việt lúc đó chỉ cao có 4 tầng, vừa xây xong là bị lún nghiêng khiến bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp phải mời chuyên gia Liên Xô sang chống lún.
Khi ấy có người cho rằng Hà Nội nằm trên nền phù sa sông Hồng, đất yếu không thể xây nhà cao tầng. Ngày nay những ngôi nhà cao năm bảy chục tầng ở Hà Nội không còn là chuyện lạ.
Ngày xưa, chiếc xe đạp là cả một gia tài, xe đạp được gắn biển đăng ký do công an cấp, ngày tết về quê, cả nhà bốn người trên một chiếc xe đạp là chuyện bình thường.
Ngày nay hình ảnh đó khó có thể nhìn thấy trên mọi nẻo đường Tổ quốc, dẫu sao những kỷ niệm về một thời gian khó vẫn không phai mờ trong ký ức nhiều thế hệ người Việt.
Những người độ tuổi 40 có lẽ vẫn không quên bát cơm độn mì, độn ngô khi còn đi học. Còn chúng tôi, những người đã cầm súng đứng trong chiến hào chống quân xâm lược trên biên giới phía Bắc năm 1979, không thể nào quên bát cơm không có một hạt gạo, chỉ toàn hạt bo bo luộc ăn với cà muối.
Nhiều thế hệ người Việt đã băng qua chiến tranh để giữ cho được toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia.
Di sản mà các cuộc chiến để lại là những con đường bị băm nát, là trường học, bệnh viện bị tàn phá, là hàng vạn hố bom khoét sâu trên cánh đồng, trong thành phố, là hàng triệu con người, cả dân thường lẫn chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học…
Nói thế để thấy, những gì chúng ta có được, tuy chưa đáp ứng mong mỏi của toàn dân nhưng vẫn là điều khiến thế giới thán phục. 97% người Việt biết đọc, biết viết, tuổi thọ trung bình của người Việt từ 65 tăng lên 75, từ chỗ cả nước thiếu ăn, ngày nay chỉ còn khoảng 10% hộ nghèo.
Trẻ con thành phố bây giờ đi học bằng xe đạp điện, người dân dù nghèo cũng vẫn có thể bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua sữa cho con. Nếu có chỗ đỗ xe dưới lòng đường, chắc chắn nhiều gia đình thành phố đã mua ôtô để đi làm.
Gia đình bốn người trên một chiếc xe đạp (ảnh tư liệu nguồn Internet) |
Thành tựu về kinh tế của đất nước tuy mới chỉ khiêm tốn, chưa xứng với tầm vóc dân tộc nhưng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không vì thế mà bị xem nhẹ.
Bốn mươi năm qua, quan hệ đối ngoại của Việt Nam không ngừng mở rộng, góp phần định hình trước con mắt bạn bè một quốc gia dũng cảm trong dựng nước và giữ nước, thành công trong cải cách mở cửa, phát triển kinh tế, cải thiện mức sống người dân.
Vị thế của một đất nước năng động cho phép chúng ta có tiếng nói tại Liên hợp quốc, trong năm 2015 sẽ là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), là Cộng đồng Kinh tế ASEAN…
Nếu nghèo khó, nếu vỡ nợ chắc chẳng ai sẵn sàng chìa tay với chúng ta như vậy.
Các nước được xem là văn minh, đời sống tinh thần và vật chất thuộc hàng đầu thế giới vẫn có những vấn đề của riêng mình, bạo lực, khủng bố, xả súng giết người… vẫn diễn ra ở những thủ đô vốn được xem là nơi phồn hoa đô hội bậc nhất thế giới, sự bình yên không bao giờ là tuyệt đối bởi con người dẫu sao vẫn có phần “con” bên cạnh phần “người”.
Đà Nẵng hôm nay. (Ảnh: Internet) |
Năm mươi năm trước, những lính Mỹ đầu tiên đổ bộ xuống Đà Nẵng, giờ đây gần sân bay Đà Nẵng vẫn còn những dãy nhà màu vàng vốn là kho chứa chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống núi rừng, đồng ruộng Việt Nam.
Nhắc đến Đà Nẵng, người viết không thể quên được một kỷ niệm buồn, năm 1983 mấy người chúng tôi vào một cửa hàng tại thành phố Podebrady cộng hòa Séc mua hàng, người bán hàng hỏi “các anh từ đâu tới”, một anh bạn tên Sơn, vốn là giảng viên đại học Bách Khoa Đà Nẵng vội trả lời “từ Singapore”.
Đà Nằng hôm nay được coi là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Theo đánh giá của Therichest, Đà Nẵng được xếp thứ 6 trong danh sách 10 thành phố tiến bộ nhất thế giới mà du khách nên tham quan vào năm 2015.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay đã hoàn toàn thay đổi, trên ảnh là góc nhìn từ quận 2 sang. Ảnh Đỗ Cường |
Sài Gòn xưa vốn là nơi ăn chơi của nhà giàu, cũng là nơi binh lính tìm vui để quên đi sự khủng khiếp của trận chiến, nhắc đến Sài Gòn là người ta liên tưởng đến vũ trường, nhà hàng, quán bar, đến nơi tiêu chứ không phải làm ra tiền.
Năm 2014 GDP của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 20%, thu ngân sách và kim ngạch xuất khẩu chiếm 30% cả nước, chỉ riêng khu Công nghệ cao đạt giá trị xuất khẩu 3 tỷ USD.
Nếu biết rằng năm 2014 cả nước xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo với giá bình quân 439 USD/tấn thu về khoảng 2.63 tỷ USD, thì mới thấy lao động của hàng triệu nông dân chưa bằng một khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh.
Bốn mươi năm qua, ẩn hiện phía sau mỗi cây cầu, mỗi con đường, mỗi nhà máy là khát vọng cháy bỏng của người Việt về một đất nước tự do, dân chủ, văn minh và hùng cường.
Những gì đã qua, những gì đã có không làm chúng ta hài lòng, đó là sự thật. Không chỉ mọi người dân đều thấy mà những người có trách nhiệm cũng đã thấy.
Sự trì trệ 40 năm đã làm thay đổi tư duy của ít nhất là hai thế hệ. Sẽ mất khá nhiều thời gian để sửa chữa ngay cả khi 90 triệu người Việt trong nước cùng nắm tay gần 5 triệu người Việt hải ngoại ngay từ hôm nay.
“Đất nước có lúc thịnh, lúc suy nhưng hào kiệt đời nào cũng có”, đó là chân lý mà cha ông đã đúc kết.
Cứ mỗi khi đất nước gặp khó khăn, ấy là lúc “hào kiệt” xuất hiện, tiền đề đã có, quyết tâm của dân chúng đã có, nhìn lại 40 năm thống nhất, không nhắc đến những yếu kém trong chỉ đạo điều hành, không nói đến sự xuống cấp về văn hóa đạo đức không phải là để tô hồng mà là muốn nói rằng, chùn bước hoặc không dám đương đầu với thử thách đều là có tội với dân, với nước.
Người Việt từ xưa đến nay luôn có đủ trí thông minh, nghị lực vượt qua khó khăn để xây dựng Tổ quốc mình giàu đẹp hơn, nhân văn hơn, hùng mạnh hơn, niềm tin ấy thành hiện thực nhanh hay chậm một phần do dân một phần ở nơi lãnh đạo./.