Doanh nhân làm chính trị, được và mất?

11/01/2015 08:49
Xuân Dương
(GDVN) - Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar, cái gì là đặc trưng của doanh nhân hãy trả lại cho họ.

Ngày 26/5/2012, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của một nữ doanh nhân, bà  Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội khóa 13, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Ngoài ra cũng còn những ĐBQH khác bị miễn nhiệm như ông Mạc Kim Tôn (Thái Bình), ông Lê Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh).

Năm 2015 được mở đầu với việc ngày 7/1/2015, Cơ quan điều tra Bộ Công an thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Châu Thị Thu Nga – người vừa bị tạm đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 13, vì lừa gạt, chiếm đoạt tài sản của công dân.

 

Doanh nhân làm chính trị, được và mất? ảnh 1Vuốt ve vùng cấm và ý kiến dân biểu

(GDVN) - "Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc..."

 Trước đó, phiên họp Quốc hội sáng 20/11/2014 chỉ có 405  đại biểu có mặt, tức là ít nhất 92 đại biểu Quốc hội (chiếm gần 25%) không dự họp. Phiên họp sáng 21/11/2014 khi Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân, có 403/497 đại biểu có mặt. Nhưng ngay sau đó chỉ ít phút, khi biểu quyết thông qua Luật Hộ tịch thì lại chỉ còn 395 đại biểu có mặt, tức là vắng tới 102 đại biểu. Tại sao con số trên bảng điện tử lại “nhảy nhót” chỉ sau có vài phút như vậy? [1]

Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội  nhận định: “có đại biểu phát biểu bài của người khác”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân  cho rằng có tình trạng “đại biểu bấm nút hộ nhau”.

Có đại biểu Quốc hội sử dụng trang cá nhân miệt thị đại biểu khác, thậm chí còn miệt thị chính thầy dạy mình và cũng là ĐBQH cùng đoàn thành phố Hồ Chí Minh.

Một vài thống kê nêu trên cho thấy, vài năm trở lại đây những vụ việc xảy ra ở nghị trường không chỉ khiến các vị lãnh đạo Quốc hội phải lên tiếng mà còn làm cử tri không an tâm.

Cử tri luôn mong muốn người đại diện cho mình không những phải là người có trí tuệ, trách nhiệm mà còn phải là những tấm gương về tư cách, đạo đức. Vậy thì tại sao lại xuất hiện những đại biểu quốc hội như Châu Thị Thu Nga,…?

Trước hết cần phải nhận thức rằng chuyện một vài ĐBQH kém về tư cách, đạo đức kể cả phạm pháp không phải là chuyện chưa có tiền lệ. Một số nước, ĐBQH đánh nhau vỡ đầu ngay trong nghị trường là chuyện bình thường. Điện ảnh Mỹ còn dựng nhiều phim về dân biểu, nghị sĩ móc nối với maphia trong các hoạt động chính trị, kinh tế dựa trên những câu chuyện không phải là hư cấu.

“Hốt hoảng” vì chuyện một ĐBQH bị bắt hay bị tước bỏ tư cách ĐBQH là không cần thiết, tuy nhiên cũng phải bình tĩnh suy xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức giới thiệu ĐBQH và của người dân khi bầu cử như thế nào.

Việc giới thiệu đại biểu

Trừ một số ít những người tự ứng cử, tuyệt đại đa số ĐBQH được Mặt trận Tổ quốc hiệp thương cùng các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng giới thiệu. Tuy nhiên có một thực tế là trừ một số người xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, cử tri chỉ biết ảnh và một sơ yếu lí lịch ngắn gọn của người ứng cử, ngoài hai tài liệu đó ra họ không biết gì hơn. Việc bầu cho ai khó có thể nói là dựa trên sự cân nhắc kỹ càng về nhân thân và uy tín của người ứng cử. Ở nông thôn việc một người bỏ phiếu thay cho cả gia đình không phải là không có.

Người dân bỏ phiếu cho ai đó, trước hết tin vào sự giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc, tin rằng người đó đã được các cơ quan chức năng sàng lọc kỹ lưỡng. Không ai nghĩ rằng mình sẽ bỏ phiếu cho một người có thể trở thành kẻ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

Khởi tố và bắt tạm giam một ĐBQH là chuyện không đơn giản vì phải do chính Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao đề xuất và phải được Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn y. Một khi điều này đã xảy ra thì có nghĩa là cơ quan điều tra đã nắm được các chứng cớ rõ ràng.

Quốc hội khóa 13 có nhiệm kỳ từ 2011 đến 2016, nếu các chứng cứ buộc tội bà Nga được Cơ quan điều tra chứng minh là đúng thì có nghĩa là bà Nga phạm tội chủ yếu trong thời gian đã là ĐBQH. Điều này có nghĩa là Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội và chính Ủy ban Kiểm tra tư cách ĐBQH phải chịu một phần trách nhiệm vì đã không quản lý thành viên một cách hiệu quả, để nảy sinh hậu quả xấu.

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, bỏ phiếu thông qua luật mà bấm nút hộ nhau chứng tỏ ý thức trách nhiệm kém của cả người vắng mặt và người bấm nút hộ. Việc Quốc hội có ý định dùng “thẻ thông minh” để điểm danh đại biểu liệu có giải quyết dứt điểm việc “bấm nút hộ” hay là lại xuất hiện tình trạng “cắm thẻ hộ”? Một số cơ sở kinh doanh, trường học có thiết bị điểm danh bằng vân tay rất gọn nhẹ, với thiết bị này chắc chắn không chỉ biết được ai vắng mặt mà còn loại trừ khả năng dùng vân tay của mình giúp người khác.

Tình trạng sinh viên đại học nhờ người khác điểm danh hộ, học hộ, thi hộ được xem là một vấn nạn học đường. Đó là một trong các nguyên nhân làm giáo dục xuống cấp. Vậy tình trạng điểm danh hộ, bấm nút hộ, đọc bài phát biểu của người khác tại nghị trường mà không bị kỷ luật có phải là một trong các nguyên nhân khiến một vài ĐBQH coi Quốc hội cũng chỉ như một lớp học? Sự khác nhau có chăng là ở chỗ trong trường đại học người ta kiếm cái bằng kỹ sư, cử nhân còn ở Quốc hội họ kiếm cái thẻ ĐBQH để dùng nó vào các mục đích cá nhân?   

Tại các nước phương tây, dân biểu, nghị sĩ là một nghề, thậm chí còn là nghề cha truyền con nối. Trở thành nghị sĩ là tham gia vào trò chơi quyền lực, là phải từ bỏ các chức vụ trong bộ máy hành pháp. Một thượng nghị sĩ có thể dễ dàng trở thành bộ trưởng nhưng một bộ trưởng  không dễ để trở thành nghị sĩ. Tranh cử thượng nghị sĩ tốn tiền hơn tranh cử tổng thống, chính vì thế những người đắc cử vào thượng viện luôn thể hiện vai trò của một chính khách trước công chúng.

Quan niệm của người ứng cử

Ở Việt Nam, ĐBQH không phải là một nghề, nói đúng hơn nó chỉ là “nghề tay trái”. Vai trò của một ĐBQH chưa thể so sánh được với cấp thứ trưởng chứ đừng nói bộ trưởng, đơn giản vì bộ trưởng phải là Ủy viên trung ương còn ĐBQH nhiều người chỉ là đảng viên thường, chưa kể vì cơ cấu còn có ĐBQH là người ngoài đảng. Một khi đã nắm trọng trách tại chính quyền địa phương, tại các bộ, ban, ngành, đoàn thể thì Quốc hội không phải là nơi làm việc chính, nói cách khác đó chỉ là “sân chơi nghiệp dư”, đó là nguyên nhân vì sao có tới hàng trăm ĐBQH vắng mặt khi cần biểu quyết thông qua dự thảo luật.

Với các ĐBQH thuộc bộ máy nhà nước còn như thế thì việc các doanh nhân trở thành ĐBQH nhưng lại dành thời gian chủ yếu cho việc kiếm lời là điều khó tránh khỏi. Câu hỏi có tới gần 40 doanh nhân tham gia Quốc hội khóa 13 có nhiều quá không cần phải được đặt ra nghiêm túc. Đa số doanh nhân không phải là người xấu, nhưng bản chất của người kinh doanh là kiếm lời, vì vậy đặt họ vào đúng vị trí của họ chính là tránh cho họ và cũng là tránh cho Quốc hội phải gánh những hậu quả đáng tiếc như trường hợp bà Châu Thị Thu Nga, Đặng Thị Hoàng Yến.

Có những ĐBQH còn trẻ tuổi đời (25 tuổi), kiến thức về luật pháp, chính trị, xã hội chưa tương xứng với vai trò ĐBQH nên việc họ giữ “trật tự” trong các phiên họp thảo luận về dự án luật là điều không thể tránh khỏi. Những người này trúng cử là do cơ cấu, do cách thức sắp xếp danh sách tại đơn vị bầu cử hơn là do trình độ, uy tín hay kinh nghiệm làm chính trị.

Khẩu hiệu gây tranh cãi tại Bình Định. Ảnh: Doãn Công/ Dân Trí

Khẩu hiệu gây tranh cãi tại Bình Định. Ảnh: Doãn Công/ Dân Trí

Cách thức tuyển chọn hiện nay, không loại trừ cơ quan quyền lực hay kinh tế, có điều gì đó vẫn chưa ổn. Chuyện sai trái trong thi tuyển công chức, chuyện con ông cháu cha vẫn được báo chí nêu lên hàng ngày. Trình độ công chức yếu dưới mức bình thường lại được xem là bình thường, chính vì thế mới xuất hiện những hiện tượng hài hước hơn cả trong hài kịch, chẳng hạn một địa phương căng khẩu hiệu: “Vượt đèn đỏ chỉ dành cho người ít học”.

Xét về mặt ngôn từ, với khẩu hiệu mà chính quyền căng lên như thế, một người vượt đèn đỏ có quyền lý sự với công an, rằng “tôi là người ít học nên được phép vượt đèn đỏ?”. Nếu phải đưa nhau ra tòa, người dân (ít học) hay chính quyền sẽ thua? Và còn nữa, một số không ít công chức, viên chức sở hữu các tấm bằng đại học, trên đại học theo kiểu “tiền trao cháo múc”, hoặc một số khá đông người tốt nghiệp hệ tại chức, từ xa, hệ đại học mở mà chất lượng đào tạo đã bị cả xã hội lên án. Vậy nếu họ có vượt đèn đỏ thì cứ chiềng cái bằng tại chức, từ xa hay bằng đại học mở ra là cánh sát phải “chào thua” vì họ đều thuộc loại thực sự “ít học”.

Nêu lên một số vấn đề để thấy việc chuẩn bị nhân sự cho Quốc hội khóa 14 phải được chuẩn bị thực sự nghiêm túc. Cơ cấu vùng miền, dân tộc, tôn giáo, độ tuổi… không nên xem là tiêu chí quan trọng khi giới thiệu người ra ứng cử. Quan trọng nhất là sự am hiểu luật pháp, là những người từng trải, có kinh nghiệm sống, có tư cách, đạo đức và khả năng đảm nhận vai trò ĐBQH.

Thế giới ngày nay là thế giới công nghệ với mức độ chuyên môn hóa rất cao, một người không thể cùng lúc hoàn thành quá nhiều trọng trách. Cần phải có lộ trình tiến tới như các nước tiên tiến, lập pháp không thể lẫn lộn với hành pháp và tư pháp.

Cái gì của Caesar hãy trả cho Caesar, cái gì là đặc trưng của doanh nhân hãy trả lại cho họ.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20141122/gan-25-vang-mat-dai-bieu-quoc-hoi-dang-o-dau/675048.html

Xuân Dương