Kiến Quốc

24/06/2018 02:36
Xuân Dương
(GDVN) - “Kiến Quốc” trong bài này được hiểu tương tự như “Anh Quốc”, “Hàn Quốc”, “Trung Quốc”, “Nữ Quốc”,… nghĩa là tổ quốc của loài kiến.

“Kiến Quốc” ở đây không phải là “kiến thiết quốc gia”, theo ngôn ngữ lai Tàu hay “xây dựng đất nước” theo cách nói của người Việt.

“Kiến Quốc” trong bài này được hiểu tương tự như “Anh Quốc”, “Hàn Quốc”, “Trung Quốc”, “Nữ Quốc”,… nghĩa là tổ quốc của loài kiến.

Kiến là một họ côn trùng thuộc bộ Cánh màng bao gồm khoảng 15.000 loài khác nhau. Có loài sống thành tập đoàn đông tới hàng triệu con. 

Cũng như mối, nhiều loài trong họ Kiến sống trong một khu vực được tổ chức như một xã hội có tổ chức và quy luật cao.

Tuy nhiên cũng có một vài loài kiến sống lang thang theo nhóm khó tìm thấy tổ của chúng tại nơi nào.

Kiến Quốc thường có các loại thành viên: Kiến Chúa, Kiến Chiến binh, Kiến Thợ.

Kiến Quốc ảnh 1Đại cục của con dân đất Việt là gì?

Kiến Chúa chỉ có mỗi việc ăn và đẻ, cả cuộc đời Kiến Chúa không biết gì khác ngoài việc làm cho đàn con đông đúc, duy trì nòi giống.

Trong mỗi tổ kiến chỉ những con do Kiến Chúa đẻ ra là được chăm sóc, những sinh vật ngoại lai nhất định sẽ bị diệt hoặc trục xuất khỏi tổ.

Trong công trình nghiên cứu đăng trên Livescience với tiêu đề: “Queen Ant Will Sacrifice Colony to Retain Throne” (Nữ hoàng - Kiến chúa - sẽ hy sinh quyền lợi cả đàn để bảo vệ ngai vàng), Luke Holman, nhà khoa học làm việc tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch cho biết: [1]

Queen ants are therefore sometimes forced to take care of themselves rather than look out for the good of their colonies”.

(Tạm dịch: Vì quyền lực, kiến chúa đôi khi chỉ quan tâm đến bản thân hơn là đem đến những điều tốt đẹp cho cả đàn).

Kiến Chiến binh ngoài nhiệm vụ bảo vệ tổ kiến thì cũng còn đóng vai trò quyết định trong cuộc xâm lược các tổ kiến khác.  

Kiến Quốc ảnh 2Bài học về sự nổi giận của người Việt!

Hơn 50 năm trước, có một loại Kiến Chiến binh đặc biệt từng có khá nhiều tại các đồi mọc nhiều cây thanh mai, cây sim, cây mái (mua) Khu Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh).

Dân vùng mỏ gọi chúng “Kiến Bọ giọt”, loại này màu nâu xám, con to nhất to đường kính bụng chừng 3mm.

Kiến Bọ giọt ở cuối bụng có một chiếc ngòi như ngòi ong, lấy chiếc que đè lên mình kiến, từ chiếc ngòi đó phun ra một đám bọt như bong bóng xà phòng, đó là đặc điểm khiến người ta gọi chúng là Kiến Bọ giọt.

Bị loại kiến này đốt chẳng khác gì bị ong bò vẽ đốt. 

Vùng Đồng Nai có một loại dế tên là Dế Cơm to gần bằng ngón tay cái, giá một con dế này lên đến 3.000 đồng.

Vùng này lại có loài kiến độc có tên là Kiến Bò nhọt (là loài khác Biến Bọ giọt), người ta thả Kiến Bò nhọt xuống hang dế cơm, bị kiến đốt dế buộc phải chui ra khỏi hang và trở thành món nhậu đắt tiền tại nhà hàng. [2]

Lũ Kiến Bọ giọt lang thang kiếm ăn mỗi tốp vài con, hiếm khi thấy cả đàn, chúng tấn công sâu bọ, giun đất, bất kỳ thứ gì có thể ăn được.

Trẻ con đi hái sim, bị chúng đốt ở bàn chân chỉ chừng chục phút sau bắp chân chân sưng vù đỏ như quả thang thang (một loại quả hình ngôi sao 6-8 cánh, hạt màu đen, rang ăn được).

Ngày nay khi các ngọn đồi đầy sim, mua, thanh mai, các rừng thông xanh mướt khắp thành phố Hạ Long, từ Cái Dăm qua Cọc 3, Cọc 5, Cọc 8 đến Hà Tu, Hà Lầm trở thành “Đồi trọc đầu” vì bị san phẳng làm “dì dọt” (Resort) không biết lũ Kiến Bọ giọt có còn lang thang trên rừng hay đã nghiễm nhiên biến thành “Công dân dì dọt.

Kiến xâm lược cắn đứt khúc giữa kiến mật (ảnh BBC TWO)
Kiến xâm lược cắn đứt khúc giữa kiến mật (ảnh BBC TWO)

Kênh truyền hình quốc tế quay cảnh bọn Kiến Chiến binh kéo đến xâm lược một tổ Kiến Mật, chúng chỉ nhăm nhe cắn đứt khúc giữa kiến chủ nhà.

Cắt đứt khúc giữa là cắt nguồn cung cấp thức ăn từ đầu tới bụng, nguồn dinh dưỡng từ bụng về đầu, thế là hàm răng chắc khỏe không thể cắn, ngòi ở đuôi không thể đốt, Kiến Mật trở thành miếng mồi béo bở để bọn Kiến xâm lược tha về tổ.

Kiến thợ là nhóm đông đảo nhất trong tổ kiến, kiếm thức ăn nuôi sống cả đàn, đào hang hay ghép lá cây xây tổ, có khi còn cắt lá tươi mang về tổ chăn nuôi nấm, khi bị lụt chúng trở thành công binh bắc cầu cho cả đàn chạy lũ,…

Một số kiến thợ thuộc loài Kiến Mật còn tự biến cơ thể thành kho dự trữ thức ăn (mật) cho cả đàn.

Kiến thợ bắc cầu (ảnh chưa rõ tác giả)
Kiến thợ bắc cầu (ảnh chưa rõ tác giả)

Kiến thợ từ lúc biết bò đến khi đi hết vòng đời không một phút giây ngừng lao động, dù là kiến cái song chúng không thể sinh sản bởi một hợp chất gọi là Pheromone do kiến chúa tiết ra ức chế sự phát triển buồng trứng của kiến thợ. 

Tuy khẳng định quyền phát triển nòi giống chỉ dành cho kiến chúa, lũ kiến thợ chỉ có quyền lao động nhưng nghiên cứu của Luke Holman cũng chỉ ra một hiện tượng dị biệt mà ông gọi là “tự tử tiến hóa” (evolutionary suicide), đó là khi lũ kiến thợ xông vào cắn chết kiến chúa.

Cho đến nay vẫn chưa có lời giải khoa học nào cho hiện tượng này.

Nói đến Kiến Quốc, tức là nói đến các tổ kiến, giữa chúng tồn tại xung đột, xâm lược, tàn sát nhưng không mấy khi bọn kiến xâm lược chiếm tổ kiến mà chỉ là thu chiến lợi phẩm, phải chăng đó là sự khác biệt giữa loài kiến và loài người?

Kiến Quốc ảnh 5Cái gì Dân muốn thì Trời cũng phải thuận theo

Loài kiến bé nhỏ là thế nhưng đã tồn tại trong ca dao, châm ngôn, thành ngữ của người Việt không biết từ bao nhiêu đời:

“Con kiến mà leo cành đa; Leo phải cành cụt leo ra leo vào”;

“Kiến kiện củ khoai”;

“Nói bùi tai kiến trong hang cũng phải bò ra”;…

Tổ kiến và tổ quốc giống và khác nhau thế nào? 

Xuân Diệu nói: “Tổ quốc tôi như một con tàu, mũi thuyền ta đó - mũi Cà Mau”.

Hầu hết người Việt nói tổ quốc mình là dải đất hình chữ S.

Còn nhiều cách biểu đạt khác nhau về tổ quốc, chẳng hạn “Quê hương là chùm kế ngọt” hay “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”; …

Người viết thì hình dung đất nước mình mang hình con kiến, “Kiến Tổ quốc” có cái đầu to khỏe, phần bụng thon dài và khúc ruột bé tẹo ở giữa. 

Do cuộc chiến sinh tồn trong lịch sử, do sự ngẫu nhiên của quá trình mở mang bờ cõi hay còn những lý do nào khác mà Kiến Tổ quốc từ ngày xưng quốc đầu luôn hướng về phương Bắc, với cái đầu to, hàm răng khỏe sẵn sàng tấn công kẻ thù xâm phạm lãnh thổ, dù bé nhưng chiến thuật “bầy đàn” đã khiến các loài dã thú hai chân, nhiều chân máu chảy, đầu rơi, biến về cố quốc.

Cũng chính Kiến Tổ quốc với bầy kiến thợ hiền lành, cần mẫn đã khiến các loài biết bay bị “tan tác chim muông” còn loài đến từ biển thì “sạch không kình ngạc”,…

Kiến Tổ quốc giống Kiến Bọ giọt ở chỗ cái đuôi “bọ giọt” ở phương nam đã khiến hàng nghìn, hàng vạn “kiến mũi lõ mắt xanh” cuống cuồng nhào ra biển, xéo về xứ sở cờ hoa.

Giống như loài kiến, đầu và đuôi Kiến Tổ quốc đều trang bị vũ khí, chỉ khúc giữa là không, cũng vì thế đây là vị trí yếu nhất khiến kẻ thù luôn nhòm ngó, hở ra là chúng ngoạm liền.

Thực ra bọn kiến xâm lược chẳng từ khúc đầu hay khúc đuôi, cắn được là chúng cắn.

Kiến Tổ quốc đã từng bị cắn cả đầu lẫn đuôi, nhưng với đội Kiến Chiến binh thiện chiến, cuối cùng phải thất thểu cuốn gói vẫn là bọn kiến xâm lược.

Lúc bút nhàn chẳng biết viết gì, nói dông dài về loài kiến, hy vọng các “công dân kiến” cảm nhận được chút gì đó vương vấn, thế là may cho người “đục phím”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.livescience.com/10635-queen-ant-sacrifice-colony-retain-throne.html

[2] https://thanhnien.vn/doi-song/giai-ma-cach-bat-de-com-bang-kien-bo-nhot-doc-dao-o-dong-nai-782226.html

Xuân Dương