Mùa … đạo văn

25/06/2018 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - “Đạo văn” hiện nay chưa bị xử lý hình sự, chủ yếu là sự lên án của dư luận nên khó khiến người vi phạm lo sợ.

Năm 2018 này chứng kiến nhiều vụ việc sao chép tài liệu, công trình của người khác mà đỉnh điểm là vụ việc liên quan giữa hai vị Giáo sư có tên tuổi là ông Nguyễn Đức Tồn và ông Trần Ngọc Thêm.

Vụ việc khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phải “yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ nghi vấn đạo văn  của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tồn, bảo đảm nghiêm minh, khách quan”. [1]

Báo điện tử Vtc.vn viết: “Một thành viên trong Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học cho biết, muốn giải quyết nghi vấn Giáo sư Nguyễn Đức Tồn có đạo văn hay không phải đưa lên các cấp cao hơn để giải quyết và cần có sự can thiệp của bên tòa án, sở hữu trí tuệ để xác minh”. [2]

Vụ việc hơn 40 người bị loại khỏi danh sách công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư vừa qua cho thấy sự trung thực trong khoa học đang bị xem nhẹ một cách có hệ thống, từ các cá nhân đến Hội đồng chức danh các cấp.

Ảnh trên website kiểm tra đạo văn plagscout.com
Ảnh trên website kiểm tra đạo văn plagscout.com

Trong khi Đảng, Nhà nước và người dân đều thống nhất quan điểm tham nhũng là quốc nạn, là giặc nội xâm thì hình như việc chỉ rõ đối tượng tham nhũng mới chỉ tập trung vào các cá nhân liên quan đến lĩnh vực kinh tế, chạy chức chạy quyền hay chuyện cả họ làm quan,… mà chưa xem tham nhũng trong lĩnh vực học thuật cũng là quốc nạn.

Bài viết “Được mùa nguyên khí” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam [3] có một bình luận rất đáng chú ý của độc giả với bút danh Người dân: 

Nếu không hiện tượng “Được mùa nguyên khí?” sẽ tất yếu (theo đúng Luật Nhân quả) dẫn đến hiện tượng “Mất mùa niềm tin” vào Giáo dục Đào tạo nước nhà trước nhân dân, và hổ thẹn với bè bạn thế giới!”.

Gần nhất là câu chuyện liên quan đến một nữ tiến sĩ, Trưởng khoa Lý luận Chính trị, Đại học Bách Khoa Hà Nội, vụ việc đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tường thuật. [4]

Mùa … đạo văn ảnh 2Trưởng khoa lý luận chính trị Đại học Bách Khoa Hà Nội bị phát hiện có sao chép

Cùng liên quan đến vụ việc này, báo Vtc.vn trong bài “Nghi vấn trưởng khoa của Đại học Bách Khoa Hà Nội sao chép 3 lần 1 đề tài” đặt câu hỏi:

“Có sự bao che của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội?”. [5]

Về câu hỏi mà báo Vtc.vn nêu lên, người viết có một vài suy nghĩ xin được trao đổi:

Ngày 12/6/2018, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có Thông báo số 453 kết luận trả lời đơn thư tố cáo về sai phạm của Tiến sĩ Mai Thị Thanh - Trưởng khoa Lý luận Chính trị trường này.

Văn bản thông báo do Phó giáo sư Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ký.

Phần cuối thông báo kết luận số 453 của Đại học Bách Khoa Hà Nội
Phần cuối thông báo kết luận số 453 của Đại học Bách Khoa Hà Nội

Phó giáo sư Trần Văn Tớp từng được dư luận biết đến trong một vụ việc diễn ra cách đây chưa lâu. 

Ngày 2/3/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố văn bản kết luận số 99/KL-BGDĐT (do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký thay Bộ trưởng) về “Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội”. 

Theo Kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội  - phải: 

“Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân về việc sử dụng nội dung Tập bài giảng năm 1993 của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Viết Đạn khi biên soạn Giáo trình năm 2007 nhưng không chỉ rõ các nội dung đã sử dụng;

Đứng tên tác giả độc lập của giáo trình có sử dụng một số nội dung trong Tập bài giảng của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Viết Đạn;

Dẫn chiếu chưa chính xác về Tập bài giảng của Giáo sư, Tiến sĩ Võ Viết Đạn trong Giáo trình năm 2007”. [6]

Mùa … đạo văn ảnh 4Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ nghi vấn đạo văn của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn

Xin nêu một số câu hỏi nghiêm túc không chỉ với Đại học Bách Khoa Hà Nội mà còn với Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo:

Thứ nhất, Đại học Bách Khoa Hà Nội cử một lãnh đạo đã bị Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc phải “kiểm điểm trách nhiệm cá nhân” vì “sử dụng nội dung tập bài giảng” của người khác nhưng “không chỉ rõ các nội dung đã sử dụng; đứng tên tác giả độc lập của giáo trình có sử dụng một số nội dung trong Tập bài giảng” xem xét đạo văn của một tác giả khác là dựa vào tiêu chí nào? 

Phải chăng ông Tớp đã kịp sửa chữa khuyết điểm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu và đã trở thành người “liêm chính, trong sạch” để được giao nhiệm vụ xem xét đơn thư tố cáo cán bộ dưới quyền (Trưởng khoa) khi mà nội dung tố cáo đó cũng trùng hợp với nội dung mà ông Tớp từng bị tố cáo và bị kỷ luật?

Thứ hai, nhận định của báo Laodong.com.vn: “Nạn “đạo văn” lan tràn ở Đại học Bách Khoa Hà Nội ...” là có hay không có cơ sở?

Bài báo viết: “Báo Lao Động đã đăng tải vụ Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Khanh - Viện trưởng Viện Dệt may - Da giày và Thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội “luộc, đạo” đề tài nghiên cứu của người khác năm 2009 (xem bài “Công nghệ “luộc” đề tài nghiên cứu khoa học” số ra ngày 29.7.2013); Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - “đạo văn” làm luận án tiến sĩ tháng 7.1996”. [6]

Mùa … đạo văn ảnh 5Chiếc chăn Nguyên khí và câu chuyện Rừng nghèo

Những gì mà báo Laodong.com.vn và một số tờ báo khác phản ảnh, ngôi trường có bề dày truyền thống này có tới hai vị Hiệu phó, một Viện trưởng, một Trưởng khoa được nêu tên trong các vụ việc mà báo chí chỉ đích danh là “đạo văn”, vậy không thể nói báo Laodong.com.vn nhầm.

Xét về mốc thời gian, báo Laodong.com.vn chỉ ra vụ việc từ năm 1996, Giaoduc.net.vn và Vtc.vn nêu vụ việc năm 2018 này.

Thực trạng “đạo văn” có vẻ “ổn định” có cho thấy Đảng bộ, Ban Giám hiệu và các tổ chức quần chúng ở đây hoạt động ra sao?

Phải nêu câu hỏi này, bởi lẽ những người được nêu tên đều là lãnh đạo chủ chốt do đó có cơ sở để tin rằng họ đều là đảng viên.

Xin trích dẫn một số điều trong Quy định số 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”:

“Làm những việc mà pháp luật không cho phép”; “Quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật”; “Vi phạm đạo đức nghề nghiệp”;… 

Trong 27 biểu hiện suy thoái, mục 7 viết: “…Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực…”.

Phó giáo sư Tớp và tiến sĩ Thanh - Trưởng khoa Lý luận Chính trị, Đại học Bách Khoa Hà Nội có “Vi phạm đạo đức nghề nghiệp”?

Mùa … đạo văn ảnh 6Trưởng khoa Luật chép luận văn của người khác vẫn lên lớp bình thường

Phó giáo sư Tớp và tiến sĩ Thanh có “Làm những việc mà pháp luật không cho phép”?

Phó giáo sư Tớp có “dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực” khi ký ban hành Thông báo số 453 bởi lẽ Thông báo này cho rằng Tiến sĩ Mai Thị Thanh chỉ “Sơ suất khi không trích dẫn đề tài….” và yêu cầu “bà Mai Thị Thanh chịu trách nhiệm đối với lỗi trích dẫn tài liệu tham khảo…”.

Nếu không thì vì sao Vtc.vn phải nêu nghi vấn: “Có sự bao che của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội?”.

Câu chuyện “chịu trách nhiệm”, “rút kinh nghiệm” ở Việt Nam lâu nay đã trở thành giai thoại và phải chăng Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng không ngoại lệ?

Chưa thấy bất kỳ một hình thức kỷ luật nào được trường Bách Khoa công bố với những người mắc “lỗi trích dẫn”, cũng chưa thấy bất kỳ hình thức xử lý nào mà Đảng ủy Đại học Bách Khoa Hà Nội áp dụng với các đảng viên vi phạm những quy định của Đảng.

Với nhà giáo, phải chăng “đạo văn” không phải là “Vi phạm đạo đức nghề nghiệp”?

Mùa … đạo văn ảnh 7Lạm bàn về sự trung thực của người thầy

Tới đây, ba cơ sở giáo dục đại học được thí điểm tự chủ, đặc biệt là không còn cơ quan chủ quản, trong đó có Đại học Bách Khoa Hà Nội, liệu nơi đây có tiếp tục tình trạng như báo Laodong.com.vn cảnh báo?

Với thực trạng gian dối của không ít “trí thức cao cấp” đã được báo chí phản ánh tại nhiều cơ sở giáo dục, người viết kiến nghị:

1. Cần sớm ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về hiện tượng đạo văn.

2. Cần luật hóa tội sử dụng văn bằng không hợp chuẩn.

3. Cần hồi tố tất cả các vụ việc đã diễn ra nếu có văn bản pháp luật về “đạo văn” được ban hành.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lựa chọn một phần mềm chống đạo văn chuẩn làm cơ sở để xem xét đánh giá mức độ vi phạm khi có ý kiến phản ánh.

“Đạo văn” hiện nay chưa bị xử lý hình sự, chủ yếu là sự lên án của dư luận nên khó khiến người vi phạm lo sợ.

Phải chăng nếu hình sự hóa thì không ít người sẽ “dính” nên nhiều người chưa muốn?

Thế thì đến bao giờ đất nước mới hết “Mùa … đạo văn”?

Tài liệu tham khảo:

[1]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/pho-thu-tuong-yeu-cau-lam-ro-nghi-van-dao-van-cua-gs-nguyen-duc-ton-201805281847189.htm

[2]https://vtc.vn/nghi-van-gs-nguyen-duc-ton-dao-van-can-toa-an-can-thiep-xac-minh-d406259.html

[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Duoc-mua-nguyen-khi-post184264.gd

[4]http://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Truong-khoa-ly-luan-chinh-tri-Dai-hoc-Bach-Khoa-Ha-Noi-bi-phat-hien-co-sao-chep-post186100.gd

[5]https://vtc.vn/nghi-van-truong-khoa-cua-dh-bach-khoa-ha-noi-sao-chep-3-lan-1-de-tai-d407302.html

[6]http://www3.laodong.com.vn/xa-hoi/vi-sao-pho-hieu-truong-dh-bach-khoa-ha-noi-bi-to-dao-van-phai-kiem-diem-301468.bld

Xuân Dương