Những ngày thu nắng đẹp, thấy trời xanh trong ao vườn. Trời cao vời vợi, nước trong ao chỉ vài gang tay vậy mà ao nông vẫn chứa được cả bầu trời.
Hiện tượng tự nhiên ấy như là nghịch lý khiến hàng triệu người ngày ngày nhìn thấy nhưng không thể lý giải, khiến bao nhà thơ hết lời ca ngợi mà không hề hỏi tại sao?
Điều ai cũng biết là chỉ cần khỏa nhẹ bàn tay, cả bầu trời dưới ao biến mất, sự tồn tại của bầu trời trên đầu mỗi chúng ta không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, sự tồn tại của bầu trời phản chiếu dưới ao lại do con người quyết định.
Lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc luôn được phản chiếu qua lăng kính hệ tư tưởng đương đại.
Cũng như bầu trời, lịch sử tồn tại không phụ thuộc vào tư duy chính trị của người đời sau, thế nhưng cũng chỉ cần một cái khỏa tay, những gì được phản chiếu qua lăng kính thời đại ấy có thể bị méo mó, thậm chí là biến mất.
Thời còn đi học, chúng tôi được dạy: “Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khi dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình coi thường dân chúng).
Ngày nay người ta cho rằng không phải như vậy, rằng “Phan Thanh Giản - nỗi oan 150 năm” [1].
(Ảnh minh hoạ trên Internet chưa rõ tác giả) |
Ngày 24/1/2008, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Đặng Văn Bài có công văn gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre, cho biết Cục Di sản văn hóa đã làm việc với Viện Sử học và cơ quan này có công văn nêu rõ các nhà sử học đánh giá cao về công lao của cụ Phan Thanh Giản trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa.
Cụ nổi tiếng thanh liêm, đạo đức, có nhiều đóng góp lớn đối với lịch sử dân tộc trên các lĩnh vực văn học, sử học... [2]
Khi lãnh đạo quốc gia là nhân vật anh minh thì lịch sử được tôn trọng, vào thời nhiễu nhương thì lịch sử bị bóp méo, bị nhào nặn theo ý đồ của giới cầm quyền, điều này chẳng có gì lạ.
Nhìn ra thế giới, có những quốc gia lịch sử luôn gắn liền với các cuộc chiến tranh xâm lược, bành trướng lãnh thổ nhưng người ta luôn khẳng định mình không có “gen xâm lược”.
Có quá nhiều dẫn chứng để thấy lịch sử đã bị bóp méo như thế nào bởi các quan điểm đương đại.
Ông Trương Tấn Sang nghĩ về thịnh suy của đất nước, hưng vong thời cuộc |
Có những vương triều, quần thần luôn phải xưng tụng vua là “Vạn tuế gia” dẫu thừa biết chẳng có vị vua nào không lo xây lăng mộ cho mình lúc còn sống.
Những câu tung hô “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” hay “muôn năm” vẫn thường được sử dụng mặc dù người ta biết rõ trên trái đất này, chẳng có vị vua hay vương triều nào tồn tại “vạn tuế” hay “muôn năm”.
Hiểu lịch sử, nắm bắt được các quy luật khách quan ẩn giấu trong các sự kiện lịch sử sẽ khiến người ta thực tế hơn, không hướng tay lái vào con đường vô định.
Tuy nhiên, sự mơ ước - dẫu nhiều khi là hão huyền - chí ít cũng có tác dụng “an thần” cho những người bị chứng mất ngủ hoặc những người trời phú cho tính cách ngây thơ.
Trong một bài đăng gần đây, ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước viết:
“Con đường đi tới quyền lực và đưa đất nước lên tới đỉnh cao hưng thịnh của các triều đại rất khác nhau, nhưng nguyên nhân suy vong thì chẳng khác nhau là mấy.
Ðó là do tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền”.
Ông Trương Tấn sang đã nói đúng nhưng xin được bổ sung thêm một vài điều.
Sự hình thành, hưng thịnh và suy vong của một triều đại, một thể chế chính trị vốn là một quy luật khách quan - có sinh, có diệt - không một sức mạnh nào có thể xoay ngược, vấn đề là nhanh hay chậm.
Một triều đại tồn tại lâu nhất cũng chỉ vài trăm năm, nhanh thì chỉ chừng trên dưới chục năm.
Triều nhà Đinh (968-980) tồn tại được 12 năm, triều nhà Hồ (1400-1407) chỉ tồn tại được 7 năm, triều Tây Sơn (1778-1802) tồn tại được 24 năm.
Các triều đại này bị diệt vong không hẳn là do người cầm quyền yếu kém mà do các điều kiện ngoại cảnh tác động.
Cả ba triều đại kể trên đều mới hình thành, chưa thu phục hết nhân tâm nhưng lại đứng trước cảnh nồi da nấu thịt, sự sụp đổ là điều khó tránh.
Một vương triều đã tồn tại hàng trăm năm, lập nên những chiến công hiển hách khiến thế giới ngường mộ, được nhân dân ủng hộ, được nhân sĩ phò tá như triều Trần mà sụp đổ thì chắc chắn là lỗi của người cầm quyền, của những quốc sách không hợp thời thế, không hợp lòng dân.
Thiếu đi một trong hai điều “thời thế và lòng dân”, dù người cầm quyền có anh minh đến mấy cũng chỉ có thể kéo dài thêm một thời gian chứ không thể tránh cho vương triều sụp đổ.
Vị vua anh minh nhận thức được thời thế sẽ chấp nhận sự chuyển giao quyền lực như là quy luật phát triển tất yếu của xã hội.
Thái hậu Dương Vân Nga chấp nhận chuyển giao ngôi vương từ nhà Đinh cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (nhà Tiền Lê) bởi bà có tầm nhìn vì quốc gia xã tắc chứ không phải vì dòng tộc nhà mình.
Người cố chấp thì tìm cách duy trì quyền lực bằng mọi giá, không chỉ mị dân trong ngôn từ mà còn không ngại sử dụng bạo lực trấn áp.
Trong ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, địa lợi thay đổi rất ít qua các triều đại, vậy chỉ còn lại “thiên thời và nhân hòa” tức là thời thế và lòng dân.
Có một thời đi đâu người ta cũng thấy nêu câu hỏi: “trồng cây gì, nuôi con gì?”.
Ưu tiên cho nông nghiệp, dành nhiều nguồn lực quốc gia cho các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa là việc làm hợp lòng dân nhưng chưa hẳn là đã hợp thời thế bởi cách mạng công nghiệp đã diễn ra trên thế giới từ hàng trăm năm trước.
Chính sách dân số mấy chục năm qua thắt chặt tỷ lệ sinh sản với đội ngũ cán bộ, công chức, với cư dân thành thị mà thả lỏng với vùng núi là hợp lòng dân nhưng không khoa học, không hợp thời.
Hậu quả là tỷ lệ sinh sản cao tại các vùng nông thôn, miền núi khiến cho các gia đình này đã nghèo lại càng nghèo, dân trí thấp không được cải thiện, nguồn cứu trợ của nhà nước ngày càng tăng nhưng chưa biết khi nào có thể dừng.
Chính sách nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu” là hợp lòng dân nhưng xây dựng đội ngũ giáo viên từ những đối tượng “chuột chạy cùng sào” là phản khoa học, là không hợp thời đại.
Thời thế bây giờ là cách mạng 4.0, là kỷ nguyên tri thức, là sự tích tụ dân cư về các thành phố, thị xã do vậy cần phải xem phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục đào tạo là ưu tiên hàng đầu.
Thời thế bây giờ là các nước lớn liên thủ bắt ép các nước nhỏ, là chiến tranh ủy nhiệm với những vũ khí tối tân đủ sức phá hủy cả một thành phố chỉ sau một loạt bắn.
Dựa vào truyền thống yêu nước để chống ngoại xâm liệu có hợp thời?
Phát biểu trong lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước cùng dự cuộc họp Chính phủ thường kỳ cuối năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Một cách hiểu của diễn giải này là người lãnh đạo không được phép tự mãn với thành tích đã đạt, không được phép ngộ nhận.
Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đã chỉ rõ "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
Những sự thoái hóa biến chất đó kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng và sự tồn vong của chế độ". [3]
Nhận định “lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước” bị giảm sút là nhận định chính xác, không ngộ nhận.
Ý kiến cho rằng “bằng cả lý trí và trái tim người dân đồng lòng với các quyết sách…” là mất cảnh giác, là ngộ nhận bởi không một quyết sách nào - dù được đưa ra bởi bộ tham mưu tài giỏi nhất - có thể phù hợp với mọi tầng lớp dân cư.
Một khi đã ngộ nhận thì dễ “ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, dễ ban hành quyết sách theo kiểu duy ý chí, không phù hợp với thực tiễn. Đương nhiên sẽ không mấy khó khăn để tiên liệu kết quả.
Ngộ nhận là mẹ đẻ của thất bại.
Muốn không ngộ nhận thì phải biết lắng nghe.
Ngày 7/1/2018, bà Oprah Winfrey, người phụ nữ da màu đầu tiên nhận giải Quả cầu vàng Cecil B. DeMille dành cho cống hiến suốt đời trong lĩnh vực giải trí.
Phát biểu tại lễ trao giải, Oprah Winfrey nói: “Tôi biết chắc rằng, nói lên sự thật là công cụ mạnh mẽ nhất mà tất cả chúng ta đều sở hữu”.
Thế nhưng ngay tại nước Mỹ, vốn được không ít người xem là thiên đường tự do, vẫn tồn tại một sự thật đen tối mà Oprah Winfrey không ngần ngại phơi bày:
“Báo chí đang bị kìm kẹp và chúng ta cũng biết rằng, cần một sự cống hiến vô bờ mới có thể phơi bày những sự thật trần trụi, khiến chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước tham nhũng và bất công - trước những kẻ bạo ngược, những nạn nhân, trước những bí mật và dối trá”.
Nước Mỹ hùng mạnh bởi những người hoạch định chính sách tại Nhà Trắng và các nghị sĩ trong Điện Capitol luôn được nghe những lời thẳng thắn, góc cạnh từ một công dân da màu bình thường tới những người giàu nhất thế giới.
Lắng nghe phải đi kèm với thấu hiểu, điều đầu tiên cần thấu hiểu là quy luật phát triển của xã hội theo đường xoắn ốc ngày càng mở rộng, không có điểm dừng và không bao giờ lặp lại.
Chỉ có thấu hiểu mới biết sự bất biến đồng nghĩa với diệt vong, chỉ có cải cách, đổi mới, mở cửa mới hy vọng đưa đất nước phát triển.
Phát biểu của ông Trương Tấn Sang mới đây cũng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại “Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận năm 2016” về các triều đại cho thấy các vị lãnh đạo đã nhận thức rõ quy luật lịch sử.
Vấn đề còn lại là tuân theo quy luật ấy như thế nào?
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/phan-thanh-gian---noi-oan-150-nam-280837.htm