Vượt qua cái đói, cái khổ, nam sinh Tà Ôi mong lan tỏa nét đặc sắc VH dân tộc

09/11/2024 07:34
Ngọc Huyền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Lớn lên từ huyện nghèo nơi biên giới, Hồ Văn Đôi (dân tộc Tà Ôi) nỗ lực vươn lên, trở thành sinh viên Học viện Dân tộc, vinh dự nhận giải thưởng Vừ A Dính.

Mới đây, Quỹ học bổng Vừ A Dính, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình Dấu ấn 15 năm Giải thưởng Vừ A Dính và trao giải thưởng Vừ A Dính năm 2024 với chủ đề “Tôn vinh những tấm gương đẹp của bản làng”.

Nam sinh Hồ Văn Đôi (sinh năm 2002) vinh dự là một trong 21 cá nhân nhận giải thưởng này vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Hồ Văn Đôi là một trong số ít người dân tộc Tà Ôi rời quê hương, đến Thủ đô học lên đại học. Xuất thân từ gia đình nghèo khó, nam sinh quyết tâm vượt lên tất cả, trở thành sinh viên Học viện Dân tộc.

Anh hiện là sinh viên năm cuối lớp K1 (khoá đầu tiên) ngành Kinh tế Giáo dục vùng dân tộc thiểu số tại Học viện Dân tộc. Từ những năm đầu đại học, nam sinh đã hăng hái tham gia các dự án, chương trình thiện nguyện, giúp đỡ bà con đồng bào ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Một nhà 8 anh em gian nan đi tìm con chữ

Gia đình Hồ Văn Đôi ngụ tại xã Hồng Thượng, huyện A Lưới - đây là một huyện nghèo tại vùng biên giới của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ngày 22/7/2024, theo Quyết định số 702/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) được công nhận thoát nghèo. [1]

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hồ Văn Đôi cho biết, xã Hồng Thượng - nơi gia đình anh cư trú vẫn nằm trong danh sách vùng đặc biệt khó khăn. Hoàn cảnh gia đình anh cũng gặp nhiều trắc trở. Nhà vốn đông con, đến năm 2007, khi Đôi - người con thứ 7 trong gia đình vừa lên 5 tuổi, bố đột ngột mất. Chỉ còn một mình mẹ gánh vác gia đình, nuôi 8 anh em ăn học.

Đôi cho biết, người anh cả trong gia đình được đi học đến năm lớp 12, nhưng đến khi chỉ còn một tháng là tốt nghiệp, vẫn buộc phải nghỉ học, ở nhà phụ giúp mẹ kiếm thêm thu nhập. Những người em sau này đều được học đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng Đôi là người con duy nhất trong gia đình học lên đại học.

2.png

Với quyết tâm đi tìm con chữ, Hồ Văn Đôi đăng ký nguyện vọng tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) và được hỗ trợ 100% học phí. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn nhập học, nam sinh nhận thấy, đây vẫn không phải đích đến mà mình tìm kiếm, nên đã quyết định chuyển hướng vào học tại Trường Cao đẳng nghề Thừa Thiên - Huế.

Sau đó, anh được một giáo viên cũ tại Trường Trung học phổ thông A Lưới giới thiệu và biết đến Học viện Dân tộc. Dẫu biết rằng, ra Thủ đô, sẽ phải đối mặt với nhiều gian nan khác, nhưng Đôi tự nhủ, chắc chắn sẽ có cơ hội phát triển bản thân và học tập được nhiều điều mới.

Do đó, nam sinh dân tộc Tà Ôi một lần nữa quyết định chuyển hướng tương lai. Năm 2020, Hồ Văn Đôi “rời bản”, đến Thủ đô bắt đầu cuộc hành trình của mình với hệ dự bị đại học của Học viện Dân tộc. Một năm sau, năm 2021, anh chính thức trúng tuyển vào ngành Kinh tế Giáo dục vùng dân tộc thiểu số của Học viện.

Chia sẻ về quãng thời gian tại Học viện Dân tộc, Đôi cho biết: “Gia đình tôi không đủ tài chính để chu cấp, nhưng nhờ chính sách hỗ trợ của trường, tôi lại thuộc đối tượng sinh viên dân tộc thiểu số và có sổ hộ nghèo, nên được giảm 100% học phí”.

Nhắc đến kỷ niệm từ những ngày đầu nhập học, Đôi bồi hồi nhớ lại: “Ngày 27/10/2020, tôi đặt chân đến Hà Nội. Thật ra, lúc đó tôi chưa nói rõ tiếng phổ thông, mà vẫn chủ yếu dùng tiếng dân tộc Tà Ôi.

Khi học trung học phổ thông, tôi nghe và hiểu được các bài giảng bằng tiếng phổ thông, nhưng lại không phát âm được. Vì vậy, khi học đại học, tôi rất ngại tiếp xúc với mọi người, phần vì rào cản về mặt ngôn ngữ, phần vì sự tự ti của chính mình. Theo thời gian, nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè trong lớp, tôi đã có đủ vốn từ để giao tiếp cơ bản”.

“Những hành trình giúp tôi nhận ra, bản thân có thể cống hiến cho cộng đồng”

Vừa đi học, Hồ Văn Đôi vừa làm thêm để trang trải cuộc sống. Đến năm thứ hai đại học, nam sinh bắt đầu tham gia các hoạt động thiện nguyện, dự án hướng tới cộng đồng. Có những ngày, Đôi phải lựa chọn giữa việc đi làm thêm để “lấp đầy chiếc bụng đói”, hay dành thời gian tham gia một sự kiện văn hoá.

Anh kể: “Có rất nhiều sự kiện về văn hoá, bản sắc dân tộc, nhưng do trùng với lịch học, nên tôi không thể tham dự.

Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ, trong một lần tham gia sự kiện văn hoá tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, dù chỉ là ‘đi nghe ké’, tôi cũng vô cùng hào hứng. Lúc đó, trong người tôi thậm chí không còn một đồng, nhưng tôi vẫn cố gắng đến sự kiện. Khi ra về, do không còn tiền đổ xăng, tôi đành dắt xe từ đường Phạm Hùng đến đường 70 (đoạn qua Tây Mỗ, Nam Từ Liêm), tổng đoạn đường gần 10km”.

Hồ Văn Đôi (3).png
Hồ Văn Đôi tích cực tham gia các chương trình giao lưu văn hoá, gây quỹ giúp đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: NVCC.

Từ chàng thanh niên rụt rè, ngồi ở hàng ghế cuối của các sự kiện, Hồ Văn Đôi dần tự tin hơn, năng nổ tham gia các hoạt động khác trong và ngoài trường. Anh tâm sự, bản thân biết đến các chương trình thiện nguyện, giao lưu văn hoá lần đầu tiên qua hoạt động quảng bá văn hóa xòe Thái của Hội Dân tộc Thái tại Hà Nội.

Niềm yêu thích văn hoá dân tộc trong anh càng trở nên mãnh liệt. Từ đó, nam sinh này thường chủ động tìm kiếm sự kiện trên các nền tảng mạng xã hội và đăng ký tham gia.

Tháng 9/2022, Hồ Văn Đôi tham gia một hội nhóm về du lịch trải nghiệm trên mạng xã hội. Với mong muốn giúp ích cho cộng đồng, anh và các thành viên phối hợp cùng một số đơn vị chuẩn bị cho chương trình từ thiện dịp Trung thu tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

“Khi ấy, chúng tôi kêu gọi khắp nơi, đăng tải nhiều bài viết với mong muốn nhận được sự hỗ trợ. Ai có sách, cho sách; ai có bút, cho bút; rồi vở viết, quần áo, đồ ăn thức uống,... ai có gì góp đó. Ngày 10/9/2022, chúng tôi chính thức lên đường tới Lào Cai.

Tại sự kiện, các em nhỏ tại 176 điểm trường trên địa bàn huyện Bát Xát được nhận thiệp viết tay chứa thông điệp động viên; các em mẫu giáo nhận những chiếc bánh trung thu, những hộp sáp màu, bộ tập tô; học sinh tiểu học và trung học cơ sở được nhận thêm vở viết. Ngoài ra, sự kiện còn tài trợ gạo cho 2 điểm trường của Trường Tiểu học Bản Vược và Trường Trung học cơ sở Bản Vược.

Mặc dù cả hành trình từ khi kêu gọi tài trợ đến những cung đường vùng cao quanh co, khúc khuỷu, có phần khó khăn, nhưng sau tất cả, đã giúp tôi nhận ra, bản thân có thể cống hiến cho cộng đồng” - nam sinh bày tỏ.

Tháng 12/2022, nam sinh có thêm cơ hội tham gia hoạt động trải nghiệm tại xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

“Tôi nhớ rất rõ, cả đoàn di chuyển bằng ô tô, chở theo rất nhiều vật dụng và đồ ăn, thức uống. Thời điểm cuối năm, mưa nhiều khiến mọi con đường vốn đã gồ ghề lại càng thêm trắc trở. Chúng tôi phải xuống xe, đi bộ, nhưng cũng có những đoạn trơn trượt, muốn ngã nhào. Vào đến nơi, trước mắt chúng tôi là một địa điểm không điện, không nước, bốn bề chỉ có những con đường ngoằn ngoèo bám núi, địa hình hiểm trở... Bà con ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông, còn một số ít vẫn giữ thói quen sống du canh, du cư. Đặt chân đến đây, tôi mới biết rằng, vẫn còn nhiều vùng khó khăn như vậy. Từ đó, tôi lại càng có thêm động lực để cống hiến cho cộng đồng”, Đôi bộc bạch.

Tháng 01/2024, Đôi tham gia chương trình gây quỹ “Tết Mông xuống phố”. Anh chia sẻ: “Tôi đăng ký tham gia sự kiện qua mạng xã hội, nên khi đến nơi, tôi không khỏi choáng ngợp trước sự quy mô, tính chuyên nghiệp của sự kiện. Tôi từng đặt câu hỏi, vì sao có thể tổ chức tại một sân khấu lớn đến thế, thuê máy quay đắt tiền đến thế? Những trải nghiệm sau này đã giúp tôi giải đáp được câu hỏi thơ ngây ấy. Bây giờ khi nhớ lại, tôi mới biết rằng, có những thứ còn to lớn hơn so với những gì mình nhìn thấy”.

Tại Học viện Dân tộc, Hồ Văn Đôi hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ Sinh viên, Trưởng nhóm Sứ giả truyền thông “Quỹ đỡ đầu” tỉnh Thừa Thiên - Huế tại Hà Nội và là người đồng sáng lập Fanpage Cộng đồng 54 Dân tộc Việt Nam. Hiện tại, Fanpage vẫn thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin về vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giúp nhiều người hiểu hơn về nét đẹp, cuộc sống sinh hoạt của đồng bào.

Chia sẻ về giải thưởng Vừ A Dính năm 2024, Hồ Văn Đôi như vẫn không giấu nổi niềm vui trên gương mặt: “Với tôi, giải thưởng Vừ A Dính là một nguồn động lực to lớn và là dấu ấn đáng nhớ trong tuổi trẻ của mình.

Trong khuôn khổ giải thưởng, tôi được gặp Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Trước đó, tôi chỉ là một sinh viên người dân tộc Tà Ôi, đi xem các chương trình và theo dõi màn phát biểu của bác trên sân khấu. Nhưng lần này lại khác, được gặp gỡ bác với tư cách người nhận giải, với sự ghi nhận đầy ý nghĩa này, tôi cảm thấy tự hào về bản thân rất nhiều”.

Khát vọng cống hiến vì lý tưởng “văn hoá còn là dân tộc còn”

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nam sinh Hồ Văn Đôi luôn nỗ lực tiếp thu kiến thức tại trường và tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, giao lưu văn hoá.

Nam sinh bày tỏ: “Những ngày đầu sinh sống tại Hà Nội, tôi khá bất ngờ vì nhiều bạn không biết đến dân tộc Tà Ôi. Vì vậy, tôi muốn lan toả văn hoá và nét đặc sắc của dân tộc mình đến với nhiều người. Bên cạnh đó, tôi cũng mong, có thể giúp người đồng bào dân tộc thiểu số có tiếng nói trong cộng đồng”.

Đôi cho biết, anh rất tự hào về bản sắc văn hoá dân tộc Tà Ôi và có niềm đam mê đặc biệt trong việc nghiên cứu văn hoá dân tộc. Anh chia sẻ: “Tôi cho rằng, thông qua các chương trình thiện nguyện, các dự án, mọi người sẽ có thêm hiểu biết về 54 dân tộc anh em, tạo nên sự tôn trọng lẫn nhau, kết nối và giao lưu sâu rộng. Đó chính là đại đoàn kết dân tộc, được bắt nguồn từ những điều rất nhỏ bé, giản đơn”.

4.png

Sau nhiều năm học tập và tìm hiểu, nam sinh Học viện Dân tộc nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Anh nhấn mạnh: “Tôi vẫn nhớ câu nói của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: ‘Văn hoá còn là dân tộc còn’. Đó chính là lý tưởng cho hành trình cống hiến vì cộng đồng của tôi.

Dân tộc có thể hiểu theo hai bình diện: Nghĩa thứ nhất là cư dân của một quốc gia, ví như dân tộc Việt Nam, dân tộc Lào; nghĩa thứ hai là cộng đồng tộc người, khi nhắc đến dân tộc Việt Nam, không thể không nói đến 54 dân tộc anh em.

Vì vậy, trước hết, tôi mong muốn, ai cũng có thể hiểu rằng, khi nhắc đến dân tộc là nhắc đến tất cả con người Việt Nam, không chỉ riêng đồng bào dân tộc thiểu số. Cần phải có sự bình đẳng, tôn trọng giữa các dân tộc với nhau, không có sự phân biệt nào. Đó chính là đoàn kết theo chủ trương, đường lối của Đảng và tư tưởng của Bác Hồ vĩ đại”.

Nói về trách nhiệm của người trẻ trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, Hồ Văn Đôi bày tỏ: “Thế hệ trẻ ngày nay đang được hưởng nền hoà bình mà ông cha đã đánh đổi mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu xương để giành lại. Vì vậy, thanh thiếu niên có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn, đồng thời tạo dựng sự đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh đó, người trẻ có trách nhiệm bảo tồn văn hóa trước nguy cơ bị mai một. Không chỉ tìm tòi kiến thức về văn hoá, bản sắc dân tộc trong sách giáo khoa, mà còn phải học từ những nguồn tri thức khác như sách, báo, Internet...”.

Anh cho biết, trong tương lai, sẽ tiếp tục phát triển, quảng bá nét đẹp, văn hoá, bản sắc dân tộc của từng dân tộc, vùng miền thông qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, anh mong muốn có thể góp sức cho các đơn vị, tổ chức để thực hiện thêm nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa.

Đồng thời, Hồ Văn Đôi bày tỏ sự tin tưởng và mong muốn cống hiến cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn năm 2021-2030 do Ủy ban Dân tộc chủ trì thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-quy-pham-phap-luat/quyet-dinh-so-702qd-ttg-ngay-2272024-cua-thu-tuong-chinh-phu-cong-nhan-huyen-a-luoi-tinh-thua-thien-hue-thoat-ngheo-nam-2024-10604

Ngọc Huyền