Ngày 7/5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xem xét, thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng do có khuyết điểm và vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý và công tác cán bộ trong thời kỳ giữ chức Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân ông Thăng.
Sau khi xem xét toàn diện, khách quan, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII với tỷ lệ phiếu biểu quyết rất cao (trên 90%).
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sau khi biết thông tin trên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu IV đánh giá cao sự nghiêm túc của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII khi xem xét tới những đóng góp và vi phạm của ông Đinh La Thăng một cách có tình, có lý.
Và, trong bài phát biểu kết thúc Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá: “Đây là bài học sâu sắc không chỉ đối với đồng chí Đinh La Thăng mà đối với tất cả chúng ta”.
Tướng Thước chia sẻ: “Việc xem xét kỷ luật một Ủy viên Bộ Chính trị cho thấy quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, thực hiện những nhiệm vụ đã đề ra từ Đại hội Đảng XII.
Kỷ luật cảnh cáo cho thôi chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Thăng là cần thiết, nó là bài học cho nhiều cán bộ khác. Về phía ông Thăng thì cũng đã thừa nhận vi phạm, sai lầm, nhìn nhận khuyết điểm vi phạm chứ không giả ốm hay trốn chạy như một số người khác”.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết, ông luôn ủng hộ Đảng xử lý nghiêm minh với mọi cán bộ, Đảng viên sai phạm. ảnh: NQ. |
Từ câu chuyện Bộ Chính trị, Trung ương Đảng kỷ luật ông Đinh La Thăng, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đề cập tới vấn đề có tính phổ quát hơn, đó là: Kiểm soát quyền lực, ngăn chặn sự yếu kém, tha hóa của cán bộ, nhằm tránh gây ra những thiệt hại cho nhà nước và nhân dân.
Kiểm soát quyền lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với sự phát triển của mỗi quốc gia. Nếu không kiểm soát được quyền lực, tình trạng lạm dụng quyền lực sẽ xảy ra tràn lan, gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, khiến niềm tin của nhân dân suy giảm.
Đó lại là cơ hội cho các thế lực xấu tìm cách chia rẽ Đảng với nhân dân, thậm chí chia rẽ ngay trong nội bộ các tổ chức khiến cho cán bộ đảng viên bị suy thoái tư tưởng, dẫn tới “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
“Nơi nào thiếu kiểm soát, giám sát quyền lực, lơ là trong công tác cán bộ là nơi đó xảy ra thiệt hại lớn cho nhà nước. Đã có nhiều trường hợp bổ nhiệm sai nhưng vẫn núp bóng đúng quy trình. Đã có nhiều vụ việc làm trái quy định nhà nước, gây thất thoát lãng phí trầm trọng ở nhiều dự án.
Cần tính phương án mua lại dự án BOT để trả lại đường cho dân |
Những sai phạm của từng cá nhân, tổ chức đã và đang được xử lý nghiêm minh, nhưng theo tôi một việc quan trọng hơn nữa là phải giải quyết được vấn đề mang tính hệ thống, để cán bộ không thể lạm quyền và không dám lạm quyền”, Tướng Thước chia sẻ.
Vì vậy, kiểm soát quyền lực phải làm từ trên xuống dưới, trên nghiêm túc thì dưới phải thi hành.
Tướng Thước bình luận: "Lạm quyền suy cho cùng cũng là để có được lợi ích vật chất, cho nên phải tách bạch quản lý chính sách nhà nước với quản lý kinh tế, nhất là khi các bộ ngành đang quản lý quá nhiều doanh nghiệp.
Tôi đặc biệt lưu ý, đã là lãnh đạo ngành thì không thể sở hữu cổ phần ở những doanh nghiệp đang sự quản lý của ngành. Lãnh đạo địa phương cũng không được sở hữu cổ phần doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn. Phải có quy định chấm dứt ngay việc này".
Ông Đinh La Thăng bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị. ảnh: TTXVN. |
Đi ngược lợi ích vì dân, phải loại ra khỏi Đảng
Tại Đại hội lần thứ 12 (năm 2016), Đảng đã xác định một số vấn đề rất rõ ràng đối với công tác cán bộ, đó là:
Có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, nói đi đôi với làm, gắn bó mật thiết với nhân dân, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động.
Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và quần chúng tín nhiệm; có tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng;
Không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi; có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ.
Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này.
Ông Trần Quốc Thuận nêu những nguy cơ xấu đối với Đảng trong công tác cán bộ |
Tướng Thước chia sẻ: “Vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng liên tục được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quan tâm và trên thực tế đã phát hiện nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, trong đó có những trường hợp đã bị xử lý nghiêm khắc.
Năm trước khi có dịp gặp đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Thủ tướng Chính phủ, tôi đều bày tỏ sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của các đồng chí, sự quyết tâm để làm trong sạch bộ máy cán bộ, dù còn rất nhiều khó khăn.
Mọi cái đều do con người làm ra cả thôi, cho nên muốn ngăn chặn cái xấu, giúp cho cán bộ tránh được “suy thoái tư tưởng” thì phải giải quyết tận gốc vấn đề, vừa để cán bộ yên tâm cống hiến, vừa dũng cảm đấu tranh với những việc làm sai trái.
Trong nhiều giải pháp phải triển khai quyết liệt, theo tôi giải pháp tốt nhất chính là phải minh bạch hoạt động của các tổ chức nhà nước. Minh bạch để người dân giám sát, góp ý được cho cán bộ, cho cơ quan nhà nước, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của báo chí để qua đó phát huy vai trò giám sát của dân tốt hơn.
Cán bộ được bầu ra để làm việc vì dân vì nước thì không nên che giấu điều gì, phải tạo ra cơ chế minh bạch trong mọi việc thì sẽ ngăn chặn được sai phạm nghiêm trọng”.
Tướng Thước nói rằng, bao nhiêu năm qua, ông luôn tâm huyết, suy nghĩ về công tác cán bộ. Muốn xây dựng được một nhà nước kiến tạo, đổi mới, thông minh thì phải có những người cán bộ giỏi, có tâm với nhân dân, với đất nước.
“Một con người có tâm bao giờ cũng đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của mình. Và mỗi việc làm, mỗi hành động đều phải trả lời cho được câu hỏi: Việc làm ấy có vì nước, vì dân không? Có gây thiệt hại cho đất nước không?
Tất nhiên, đã có cán bộ tốt rồi thì cũng phải đối đãi tốt với họ để họ tự tin phát huy hết khả năng cống hiến của mình. Nhưng đồng thời cũng phải có hệ thống giám sát tốt để ngăn chặn những tư tưởng lạm quyền.
Cái mà tôi lo lắng không đơn thuần chỉ là chuyện tham nhũng, vì mất tiền rồi cũng có thể lấy lại được, làm ra được. Nhưng nguy hiểm là khi khi đạo đức con người ta yếu kém thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường hết được.
Về vấn đề này, cũng đã có lần tôi nói là có những người nhân danh Đảng để làm điều xấu. Có những người người tìm cách vào Đảng để leo cao, để có vị trí cho tiện bề làm ăn chứ họ chẳng phải muốn cống hiến gì.
Khi đã có vị trí, chức quyền rồi thì mới dần dần lộ nguyên hình là bản chất của một kẻ vụ lợi, mưu cầu lợi ích riêng chứ chẳng phải vì dân, vì Đảng”, Tướng Thước chia sẻ.
Từ khi ra đời, 87 năm qua Đảng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất là vì quyền lợi của nhân dân. Bởi thế mà Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói rằng, những ai đi ngược với tư tưởng ấy hay lợi dụng tư tưởng ấy đều không xứng đáng đứng trong hàng ngũ của Đảng và phải được xử lý thích đáng.