Báo Telegraph.co.uk từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau đã đưa ra bản đồ chiều cao con người tại các quốc gia trên thế giới, trong số 10 quốc gia xếp cuối bảng, “ngắn” nhất là Indonesia với chiều cao trung bình là 1,58 m, Việt Nam xếp thứ 4 từ dưới lên với chiều cao trung bình 1,62 m.
Người viết cảm nhận từ “ngắn” mà Google Translate sử dụng có vẻ hơi “trái tai”, có vẻ không thuần Việt so với từ “thấp” hay từ “lùn” nhưng rõ ràng việc không dùng từ “lùn” thể hiện sự lịch lãm của đội ngũ thiết kế phần mềm phiên dịch Anh-Việt.
Với một chút thiện cảm như vậy, trong bài này xin dùng “ngắn” chứ không dùng từ mà người nước ngoài cho là không lịch sự.
Bảng xếp hạng “10 quốc gia ngắn nhất thế giới” trên Telegraph.co.uk (Ảnh chụp màn hình) |
Năm 1945, dù bị phát xít Nhật xâm chiếm, người Việt vẫn hãnh diện gọi người Nhật là “Nhật ngắn”, chữ “ngắn” ở đây chỉ bao hàm ý nghĩa về chiều cao chứ không phải về trí tuệ.
Bảy mươi năm qua, “một bộ phận hơi lớn” người Việt giờ đây “ngắn” hơn người Nhật cả về tầm vóc lẫn tầm nhìn.
Nhận định như vậy có thể chạm đến lòng tự trọng của không ít người, có thể làm tổn thương ai đó vẫn tự hào, rằng người Việt thông minh, cần cù, chịu khó…
“Ngắn” về tầm vóc, chiều cao thì chẳng cần giải thích, nguyên nhân ai cũng thấy, đó là vì người Việt vừa tự nguyện, vừa bị buộc phải “ăn bẩn”.
Sẽ là thừa nếu ngồi chép lại thông tin tràn lan trên báo chí, rằng mỗi ngày người Việt ăn khoảng 280 tấn hành tỏi, 100 tấn nho, 100 tấn cam, không biết bao nhiêu tấn táo, lê, lựu, bột ngọt… từ Trung Quốc nhưng lại yên tâm mình đang sài hàng tiêu chuẩn châu Âu?
Tuy nhiên sẽ không thừa nếu đặt câu hỏi: “Sinh ra các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, kiểm dịch động - thực vật… để làm gì”?
Nếu biết rằng chính quyền Kenya đã tẩm xăng đốt 100 tấn ngà voi trị giá 2.200 tỉ đồng thì vì sao Việt Nam không thể tiêu hủy toàn bộ số hàng không rõ nguồn gốc, không có xác nhận an toàn thực phẩm? Các cơ quan quản lý không đủ lực hay còn lý do nào khác?
Việt Nam đã có một đội ngũ trí thức đúng nghĩa?(GDVN) - Nếu trí thức phải là người có học hàm, học vị (như cách hiểu của không ít người) thì Việt Nam hôm nay có đội ngũ trí thức như thế nào? |
Đói khát buộc phải ăn những thứ kém chất lượng thì thiên hạ thương hại, biết bẩn mà vẫn để cho dân ăn là lỗi của ai, liệu dân chúng có cần mấy cơ quan quản lý mà chẳng “quản” được những cái sờ sờ trước mắt?
Nếu chuyện ăn thực phẩm “bẩn”, chuyện ô nhiễm môi trường… là nguyên nhân khiến người Việt “ngắn” về tầm vóc thì cái gì là nguyên nhân khiến người Việt “ngắn” về tầm nhìn?
Ở thành phố Hồ Chí Minh dựng cái lều vịt bị khởi tố, ông Đại tá Công an phân bua do ông “nhận thức chưa đúng về pháp luật”, rõ ràng ông ấy không phải “ngắn” về tầm vóc, về chiều cao.
Một Đại tá khác, ông Lê Thế Mẫu có thể nhận thức về quan hệ quốc tế rất cao siêu, vượt tầm suy nghĩ của mọi người nên khi tranh biện quan điểm, ông không ngại chụp cho người khác cái mũ:
“Đây là nhận định có tính chất xuyên tạc quan điểm của Bộ Ngoại giao Nga, gây hoang mang trong dư luận và làm tổn hại đối với quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga” … không biết Đại tá Mẫu có biết ý nghĩa chính xác của từ “xuyên tạc”?
Tuy chưa có một định nghĩa chuẩn về mặt ngôn ngữ song định nghĩa sau đây được nhiều người công nhận: “Xuyên tạc là trình bày một vấn đề – sự kiện không đúng sự thật với dụng ý xấu”.
Phân tích quan điểm của các nước lớn trong quan hệ quốc tế chồng chéo, phức tạp ngày nay để tránh những cuộc “đi đêm” như đã từng xảy ra với Việt Nam năm 1972 - khi Nixon thăm Trung Quốc - phải chăng là “dụng ý xấu”?
Vậy theo Đại tá Mẫu, cứ để cho ai đó thoải mái “đi đêm trên lưng mình” mới là “dụng ý tốt”?
Lên tận miền địa đầu Tổ quốc, dựng cái chuồng gà trong đất nhà mình ở thành phố Cao Bằng phải viết đơn “Kính gửi: Ủy ban Nhân dân thành phố Cao Bằng”.
Nội dung lá đơn có đoạn: “Xin giấy phép xây dựng chuồng gà; Tổng diện tích: 2 mét vuông; Chiều cao công trình: 0,5 mét…”. [1]
Có khi nào ngân sách Nhà nước, xe công, tài nguyên khoáng sản cũng được quản đến từng đồng như chuồng gà, lều vịt? (Ảnh: vneconomy.vn) |
Phải chăng sự hài hước trong lá đơn của người dân là nguyên cớ khiến chính quyền cũng hài hước đáp trả, rằng:
“Vị trí xây chuồng gà có thể ảnh hưởng hành lang giao thông đường thủy vì gần một con suối, còn hàng gạch cao 25cm, dài 45m vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ”.[2]
Không biết chính quyền sở tại “thương” dân, hay là “thương” gà khi kết luận thêm rằng: “Công trình xây dựng chuồng gà không đủ điều kiện cấp phép vì lý do … nền đất yếu không đảm bảo cho công trình …"? [1]
Chuyện “đơn xin xây chuồng gà” ở địa đầu phía Bắc Tổ quốc không có gì đặc biệt, nó chỉ cùng “đẳng cấp” với câu chuyện ở tận phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long hồi giữa năm 2015 khi nhân viên nữ tại một bệnh viện trong vùng phải viết “Đơn xin … mặc quần”! [3]
Người viết không đưa ra kết luận các quan chức liên quan đến mấy câu chuyện kể trên tầm nhìn cao hay “ngắn”, chỉ biết rằng dân gian lưu truyền câu chuyện ngày xưa, Bà huyện Thanh Quan đã phê vào lá đơn xin mổ trâu của một ông Hương Cống như sau: “Người ta thì chẳng được đâu; Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm”!
Lời phê ấy, tuy hóm hỉnh nhưng người viết đơn chẳng có lý do gì phải bức xúc.
Một khi Ủy ban Nhân dân thành phố quản chuyện “chuồng gà”, Công an, Kiểm sát cấp huyện quản “lều vịt”, còn Công đoàn bệnh viện quản chuyện mặc… của chị em thì còn cái gì người dân không bị quản?
Phải chăng những “phố Tàu” mọc nhan nhản khắp nơi, những khu đất vàng ven sân bay quân sự ở Đà Nẵng đang bị người Tàu vơ vét, những dòng sông đang chết ở Tây Nguyên, những ngôi nhà cao tầng như 8B Lê Trực Hà Nội… đã được “quản” một cách cẩn thận?
Và phải chăng ngân sách Nhà nước, xe công, tài nguyên khoáng sản cũng được quản đến từng đồng như chuồng gà, lều vịt?
Liệu đó có phải là minh chứng cho nhận xét của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ: “Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”?
Quy luật lượng – chất và cán bộ “tàng hình”(GDVN) - Làm thế nào để chuyển hóa vô cảm thành tình thương, dối trá thành trung thực, tội ác thành lương thiện nếu lại dựa vào chính sự vô cảm. |
Sự “chăm sóc” đến từng chân tơ, kẽ tóc của chính quyền địa phương, đoàn thể quần chúng với người dân nêu trên liệu có đồng nghĩa với việc họ cũng quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên cẩn thận không kém, liệu có đồng nghĩa với việc họ đủ tâm và tầm làm công bộc của dân?
Câu hỏi này không chỉ dành cho chính quyền cấp tỉnh, huyện mà cũng xin nêu với các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể, với các vị “nguyên” và “chưa nguyên” được nhân dân giao cho chức năng “quản” theo “lý” chứ không quản theo “nòi” như ông Bộ trưởng Bộ Công mới nghỉ hưu.
Liệu từng ấy ví dụ đã đủ kết luận về tầm nhìn “ngắn” của “bộ phận hơi lớn” cán bộ, công chức, viên chức hiện nay?
Nếu ý kiến này cũng được Đại tá Mẫu cho là “xuyên tạc” thì người viết xin sẵn sàng “rửa tai” lắng nghe cao kiến và cam đoan sẽ không phản biện.
Tiếp xúc với cử tri tại Hải Phòng trước kỳ bầu cử Đại biểu Quốc hội, Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc “thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, trong sạch, gần dân, vì dân, đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng, lãng phí…”. [4]
Quyết tâm của Thủ tướng cũng là mong muốn của người dân, vấn đề còn lại là những người dưới quyền Thủ tướng, gồm lãnh đạo địa phương, các bộ, ban, ngành có đủ tâm và tầm thực hiện mục tiêu chiến lược đó?
Những người bằng thủ đoạn, bằng vị thế con cái lãnh đạo được tuyển dụng, đề bạt, luân chuyển trong bộ máy từ Trung ương xuống địa phương chắc chắn không chỉ có một mình phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.
Một bài báo của tác giả Nguyễn Quang Dy cho hay: “Số người Việt có visa EB-5 (dành cho người muốn đầu tư và định cư ở Mỹ) năm 2014 là 6.418, sang năm 2015 con số này là 17.662 nghĩa là gần gấp 3 lần. Còn theo tiến sỹ Vũ Quang Việt, trong 6 năm (2008-2013) 33 tỷ USD đã chạy khỏi Việt Nam bất hợp pháp". [5]
Các số liệu nêu trên tuy chưa được kiểm chứng, song nó cho thấy một trào lưu, những kẻ nhiều tiền, lắm của đã chuẩn bị kỹ càng trước khi tiếng trống của Tổng Bí thư gióng lên nhân vụ biển xe xanh-trắng ở Hậu Giang.
Có thể nói trong số 17.662 người có visa EB-5, số người là doanh nhân chiếm một lượng không nhiều, vậy còn lại là đối tượng nào?
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 7/4/2016, đã công bố 6 mục tiiêu ưu tiên của Chính phủ, điểm thứ hai và thứ ba là:
“2. Tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực cho phát triển;
3. Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong hệ thống hành chính Nhà nước và trong toàn xã hội”.
Cải cách hành chính là cần thiết, nhưng chẳng thiết chế nào thay thế được con người. Chừng nào người thực thi công vụ còn dùng “chuồng gà, lều vịt” để “cưỡi lên đầu nhân dân” thì mọi cố gắng ở cấp cao đều khó trở thành hiện thực.
Người dân hiện nay đang muốn tham gia, góp ý với lãnh đạo chứ chưa mất hẳn niềm tin, tuy nhiên ranh giới từ chỗ “suy giảm” đến “không tin” không phải là một bức trường thành kiên cố không thể phá hủy.
Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải làm cho đội ngũ công vụ biết sợ phép nước, biết tuân pháp luật, phải đuổi bớt những kẻ cơ hội, phải đưa chúng ra tòa chứ không phải lúc nào, ở đâu, cái gì cũng “rút kinh nghiệm sâu sắc”.
Tài liệu tham khảo:
[3] http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/251727/muon-mac-quan-cung-phai-lam-don-xin-giam-doc.html
[5] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/06/160614_nguyenquangdy_storm