Mấy ngày nay, khắp các con phố, ngõ, ngách ở Thủ đô Hà Nội, khắp các diễn đàn trên internet… đều râm ran chuyện Tổng Bí thư lệnh cho 9 cơ quan cùng vào cuộc để kiểm tra những sai phạm được cho là có liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Đến giờ, chưa có kết luận chính thức về những khoản lỗ nghìn tỷ tại Tổng Công ty Xây lắp Dấu khí (PVC) có liên quan tới ông Thanh. Song, nhân dân hết lòng ủng hộ chỉ đạo của Tổng Bí thư và hy vọng, sự tôn nghiêm sẽ được làm trọng, sẽ không có chuyện xuê xoa để rút kinh nghiệm.
Nhưng ngay lúc này, dư luận quan tâm tới một vấn đề khác, đó là chuyện ông Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật khi gắn biển xanh cho xe lexus 570 (dù chiếc xe đã được đăng ký biển trắng tại Hà Nội).
Là Phó Chủ tịch tỉnh, ông Thanh phải hiểu luật, vậy thì tại sao lại coi thường pháp luật như vậy?
Khi vụ việc bung ra, dư luận một lần nữa “ngã ngửa” khi biết ông Trịnh Xuân Thanh vừa được bầu làm Đại biểu Quốc hội tại tỉnh Hậu Giang.
Một Đại biểu Quốc hội có nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó phải kể tới hai nhiệm vụ chính là tham gia xây dựng luật và giám sát thực thi pháp luật.
Với hành vi “nhởn nhơ”, coi thường pháp luật như vậy, liệu ông Trịnh Xuân Thanh có xứng đáng là Đại biểu Quốc hội?
Tại hội nghị Trung ương 4 (tháng 1/2012), Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, vô nguyên tắc…”.
Que diêm và rừng cỏ dại |
Sau đó, có rất nhiều nhân sĩ, trí thức liên tục góp ý với Đảng phải tìm ra cho được những ai “suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, những ai “ích kỷ, cơ hội, vô nguyên tắc”?
Nhưng tham nhũng ngày càng biến tướng khó lường, một bộ phận không nhỏ ấy tiếp tục gây ra sự bất bình trong xã hội.
Thế nên khi đọc bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 (tháng 10/2012), thay mặt Bộ chính trị, Ban bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lỗi trước Đảng, trước nhân dân về một số khuyết điểm trong hai nhiệm kỳ vừa qua.
Những ai chứng kiến bài phát biểu ấy đều thấy Tổng Bí thư nhiều lần nghẹn ngào, bởi vẫn còn đó những kẻ cơ hội, vẫn còn đó những cán bộ yếu kém đạo đức, vẫn còn đó nạn tham nhũng khiến nhân dân bức xúc, và vẫn còn đó những nhóm lợi ích lăm le đục khoét ngân sách nhà nước, làm giàu bất chính trên lưng của hàng triệu người dân nghèo.
Sử dụng biển xanh lắp cho xe đã đăng ký biển trắng, trắng trợn vi phạm pháp luật, ông Trịnh Xuân Thanh có xứng đáng là Đại biểu Quốc hội? ảnh: Thanh Niên. |
Cách đây gần 3 năm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) từng chỉ ra một sự thật đau lòng, đó là trong khi Chính phủ trình Quốc hội nâng trần bội chi phát hành thêm trái phiếu để chi tiêu, để đảo nợ và lo sợ quốc gia vỡ nợ thì rất nhiều tiền của dân bị chiếm đoạt.
1m2 nhà vệ sinh được nâng giá lên 7 lần, một thiết bị lặn trị giá 100 triệu được nâng lên 130 tỷ; Những con đường đắt nhất thế giới mà không hề có một sự giải thích thỏa đáng; Một đống sắt vụn được nâng giá 4 lần và hiện nay trị giá 525 tỷ (ụ nổi vụ án Vinalines); Những con tàu, những công trình hàng nghìn tỷ khác không biết đã được nâng giá bao nhiêu lần?
Gần nửa triệu người dân Bắc Kạn cả năm chỉ làm ra 354 tỷ đồng, hơn nửa triệu người dân Điện Biên cả năm chỉ làm ra 522 tỷ đồng chưa đủ trả tiền cho đống sắt vụn đó.
Chi đầu tư phát triển năm 2013 cho tỉnh Ninh Thuận chỉ 179 tỷ đồng, cho Bắc Kạn 235 tỷ đồng, cho Bến Tre 267 tỷ đồng, Hậu Giang 284 tỷ đồng… chỉ bằng 1/3 đến nửa giá trị của đống sắt vụn kia.
Rồi chuyện đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng cho Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội), xây xong thì bỏ hoang.
Những dự án chậm tiến độ giữa lòng Hà Nội như đường sắt Cát Linh – Hà Đông khiến cho kinh phí đội lên cả trăm tỷ đồng.
Và đến bây giờ lại vỡ lở chuyện ông Trịnh Xuân Thanh chẳng hiểu bằng cách nào (được ai giới thiệu) lại trở thành Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, để lại sau lưng những khoản lỗ khổng lồ ở Tổng Công ty xây lắp Dầu khí (PVC).
Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và từng cá nhân trong việc kinh doanh thua lỗ này.
Thế nhưng, dường như ông Trịnh Xuân Thanh bình yên vô sự vì “vô can” trong những khoản lỗ của PVC?
Lãng phí tiền tỷ, thua lỗ tiền tỷ… suy cho cùng, đấy đều là tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân.
Thật xót xa khi đứa trẻ sinh ra đã gánh trên vai nợ nần của đất nước.
Cả đống tiền bị phung phí vô tội vạ, trong khi những đứa trẻ nghèo khó ở vùng cao chỉ ao ước có hai nghìn đồng để được ăn bữa cơm có thịt; những cô giáo nghèo ở Thanh Hóa phải tiếp khách bằng những con nòng nọc.
Tướng Thước: “Công tác cán bộ thế này thì cực kỳ nguy hiểm” |
Đấy là những chuyện chẳng hay hớm gì, nhưng vẫn phải nhắc lại như vậy, bởi chẳng phải ngẫu nhiên mà trong bảng công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng cuối năm 2015 của Tổ chức minh bạch thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 112/168 quốc gia, với điểm số 31/100. Tức là 4 năm liền không có sự cải thiện về điểm số.
Nhớ lại cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào tháng 1/1946, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn đề cao tính dân chủ, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Đảng biết nhận khuyết điểm, nhận sai lầm khi xảy ra những chuyện ngoài ý muốn, để đưa đất nước tiến lên.
Cũng chính vì thế, dù đã có quá nhiều biến cố thì đa phần người dân vẫn luôn một lòng tin sắt son theo Đảng.
Không chỉ có thế, ngay từ thời kỳ cách mạng đất nước còn non trẻ, Đảng ta đã quyết tâm chống tham nhũng, giữ gìn sự trong sạch của Đảng.
Ngày đó, Trần Dụ Châu là Cục trưởng Cục Quân Nhu nhưng lại lợi dụng chức vụ để tham nhũng, và bị tước quân hàm Đại tá tại tòa, bị xử tử hình.
Cần phải thẩm tra tư cách Đại biểu Quốc hội đối với ông Dương Ngọc Hải |
Đó là một bài học quý giá trong lịch sử, nhưng khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường, nhiều cán bộ đã quên đi trách nhiệm của mình trước dân, trước Đảng.
Vì vậy mà cách đây chưa lâu, tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhắc đến bài học “lấy dân làm gốc”, đồng thời chỉ rõ, không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, sống ích kỷ; một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một ông vua con ở đấy.
Chính lối sống ấy, tác phong ấy làm giảm sút sức chiến đấu của tổ chức đảng, của đảng viên, khiến người dân bất bình và làm xói mòn lòng tin của dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Và, Tổng Bí thư cho rằng, cần có biện pháp thật kiên quyết, giáo dục, rèn luyện, siết chặt kỷ luật của Đảng, kiên quyết thải loại những phần tử biến chất ra khỏi Đảng, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy Nhà nước.
Hẳn nhiên, để loại bỏ “vua con”, loại bỏ những kẻ tha hóa thì rất cần sự nghiêm minh, kiên quyết của những người thực thi pháp luật, bởi “quân pháp bất vị thân”.
Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc: “Mỗi một lần ở Đại hội Đảng hay sinh hoạt Đảng, chúng ta đều nghe thấy câu hát “Đấu tranh này là trận cuối cùng”.
Mặt trận cuối cùng không phải là chống đế quốc phong kiến nữa.
Cũng không phải chống giặc ngoại xâm, vì đã là giặc xâm phạm vào bờ cõi thì bao nhiêu lần nữa cũng đánh.
Điều quan trọng nhất là phải chống cho được tham nhũng, vì nếu không thì chúng ta tự diệt vong, Đảng không còn giữ được sự lãnh đạo như mong muốn của các thế hệ đi trước.
Vì vậy, sự nghiêm túc của Đảng cũng chính là mong mỏi của dân, và chắc chắn nhân dân sẽ rất ủng hộ nếu Đảng thực sự kiên quyết chống tham nhũng”.