Sáng ngày 12/5/2018, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12 họp phiên bế mạc, phát biểu tại Hội trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
“Đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ gắn với việc học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Những gì mà Hồ Chủ tịch đã nói, đã viết, đã căn dặn cán bộ, đảng viên và đồng bào được lưu trữ gần như đầy đủ trong 15 tập của bộ sách "Hồ Chí Minh toàn tập" xuất bản năm 2011, (lần xuất bản thứ nhất năm 1990 gồm 10 tập, lần xuất bản thứ hai năm 2000 gồm 12 tập).
Từ định hướng mà Trung ương đề ra, có thể thấy di sản Hồ Chủ tịch để lại được phân thành ba nhóm: Tư tưởng, Đạo đức, Phong cách.
Đó là khối lượng đồ sộ những kiến thức từ lý luận đến thực tiễn, từ triết học đến ứng xử đời thường.
Kỷ niệm 128 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch (19/5/2018), người viết muốn tìm hiểu hai điều trong kho tàng “tư tưởng, đạo đức, phong cách” mà Hồ Chủ tịch để lại cho thế hệ hôm nay.
“Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” là quan điểm vận động quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trong bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949. Ảnh: thptnghen.edu.vn |
Thứ nhất: “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”
“Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” là quan điểm vận động quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày trong bài “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949. [1]
Ngay từ năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn đang cam go, quyết liệt Hồ Chủ tịch đã khẳng định Dân có “quyền hành”, Dân có “lực lượng”.
Với quyền hành và lực lượng đó, Dân sử dụng thế nào và để làm gì?
Xin chưa bàn đến những khái niệm mang tính triết học về quyền của Dân như “Tự do, Bình đẳng, Dân chủ, …” , nguyện vọng đơn sơ nhất mà bất kỳ người lãnh đạo nào, bất kỳ chính thể nào cũng phải mang lại cho Dân là quyền có “cơm ăn áo mặc”, quyền “được học hành”, cùng với đó là sự công bằng, minh bạch trong chủ trương, chính sách.
Hồ Chủ tịch đã nói đến “ham muốn tột bậc” của Người:
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
“Ham muốn” của Hồ Chủ tịch cũng chính là ý nguyện của dân, ở đây “ý lãnh đạo” và “lòng dân” là một.
Thứ hai: Năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các thành viên Chính phủ:
“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”. [2]
Phát biểu của Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ, một nhà nước, một thể chế chính trị có hai điều không sợ và hai điều nên sợ.
Không sợ thiếu, không sợ nghèo không có nghĩa là xem “thiếu và nghèo” là vấn đề bình thường, không cần dành mức quan tâm cao nhất.
Hơn 50 năm sau lời căn dặn của Hồ Chủ tịch, điều mà chúng ta không sợ là “thiếu” và “nghèo” đã và đang được cải thiện, gần như không còn cảnh đói ăn, thiếu mặc triền miên, hơn 95% trẻ em được cắp sách đến trường.
Người dân “Nhà nào cũng có ti vi, tủ lạnh” không còn là mơ ước xa vời mà cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng mong muốn.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, chúng ta không thể tự hào “khoe” sự nghèo của mình.
Hai điều mà chúng ta nên “sợ” là “không công bằng” và “lòng dân không yên” có được cải thiện, có khá hơn so với “nghèo và thiếu”?
Báo Laodong.vn ngày 13/5/2018 có bài viết: “Lại ưu ái doanh nghiệp, dân khổ đến bao giờ?”, bài báo có đoạn:
“Nhà, đất của chúng tôi, người khác đến xin mua lại để kinh doanh kiếm lời, thế mà để chúng tôi khốn khổ suốt bao năm qua.
Chẳng lẽ chúng tôi không có quyền gì trên mảnh đất, ngôi nhà của chính mình. Tại sao chỉ ưu ái doanh nghiệp, mà không màng gì tới quyền lợi của người dân?”. [3]
Câu hỏi mà tờ báo đặt ra “Tại sao chỉ ưu ái doanh nghiệp, không màng gì tới quyền lợi của người dân” khiến “dân khổ đến bao giờ” là hiện tượng phổ biến hay chỉ là cá biệt?
Có thể tìm thấy vô số dẫn chứng chính quyền ưu ái quá mức cho doanh nghiệp mà “quên” đi quyền lợi của người dân như:
Dự án của tập đoàn Trung Thủy (Đà Nẵng), doanh nghiệp này dựng hơn 3 km rào sắt chặn đường người dân xuống biển khu vực ghềnh đá Nam Ô;
Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi dự kiến lấy mấy nghìn ha đất ven biển, kể cả trên khu vực huyện đảo Lý Sơn giao cho doanh nghiệp FLC.
Báo Tuoitre.vn ngày 23/4/2018 đặt câu hỏi: “Đất trồng tỏi, trồng lúa, khu dân cư, đồn biên phòng, chùa, mặt biển với nhiều danh thắng nhường chỗ cho Dự án "Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn". Họ định làm gì?”.
Đấy là chưa nói ngư dân bao đời sống nhờ biển phải di dời xa khỏi biển, muốn tiếp tục nghề truyền thống họ phải đi 8 km mới có một đường xuống biển?
Nếu kể tiếp thì còn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xung quanh nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khải Thần (Trung Quốc) tại Bắc Giang,…
Dân khổ vì doanh nghiệp nhiều, rất nhiều nhưng tập trung trong phạm vi một số địa bàn trọng điểm kinh tế, khổ vì sống trong môi trường “hành là chính” mới là nỗi khổ bao trùm mọi ngõ ngách, từ rừng xuống biển, từ Bắc vào Nam, đó là nỗi khổ triền miên chưa có hồi kết.
Đây không phải là ý kiến chủ quan, đây là những điều mà nhiều tờ báo uy tín hàng đầu Việt Nam đăng tải:
“Trị bệnh hành dân” (Nhandan.com.vn 3/8/2017);
“Có những cách hành dân rất tinh vi mà dân không biết” (Vov.vn 9/12/2016);
“Một con đường hành dân” (Daidoanket.vn 4/12/2017);
“Những “cửa quan” hành dân” (Thanhnien.vn 7/5/2012);
…
Một khi Dân bị “hành” như thế, một khi chính quyền địa phương tập trung “lo” cho doanh nghiệp mà “không màng gì tới quyền lợi của người dân” thì câu hỏi tất yếu phải đặt ra là “quyền hành” và “lực lượng” của Dân bị ảnh hưởng như thế nào?
Nếu Dân có “quyền hành” thì vì sao vẫn bị “hành”, vì sao bị “hành” mà Dân “không biết”?
Quyền của Dân bị một bộ phận không nhỏ cán bộ - nói như Thanhnien.vn là “cửa quan” - lợi dụng, bóp méo nhằm vô hiệu hóa hay vẫn còn nguyên vẹn?
Điều 10 Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành ngày 9/11/1946 quy định:
“Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do tín ngưỡng; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.
Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ban hành năm 2013 viết:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Như vậy Hiến pháp qua các thời kỳ đều khẳng định Dân có quyền lập hội, quyền biểu tình, nhưng phải chờ “pháp luật quy định”!
Vậy Hiến pháp có phải là “pháp luật”, có phải là bộ luật tối cao của mỗi quốc gia?
Sau hơn 70 năm chờ, tính từ khi bản Hiến pháp đầu tiên công bố, đến nay pháp luật vẫn “chưa quy định” - tức là chưa luật hóa - những quyền cơ bản của công dân như Luật Biểu tình, Luật về Hội.
Năm 2016, báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam viết: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là dự án Luật quan trọng, đảm bảo quyền công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 nên không thể tùy tiện.
Với tư cách người đứng đầu Quốc hội lúc ấy, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng không đồng ý lùi trình dự án Luật (Biểu tình) và nêu quan điểm, Chính phủ không trình được phải chịu trách nhiệm, báo cáo rõ lý do trước Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý cho lùi xây dựng dự án Luật Biểu tình”. [4]
Cũng trong năm 2016, liên quan đến Luật về Hội, báo Vietnamnet.vn đưa tin:
“Trong đó đa số ý kiến đại biểu (Quốc hội) cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn, thậm chí có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước”. [5]
Chính phủ “không trình được” Luật Biểu tình, dự thảo Luật về Hội “chưa phù hợp”, “chưa đáp ứng yêu cầu” do không đủ thời gian soạn thảo, không đủ chuyên gia pháp lý hay còn lý do nào khác?
Trong Di chúc, Hồ Chủ tịch đã viện dẫn câu thơ Đỗ Phủ “Nhân sinh thấp thập cổ lai hy” (Người thọ 70 xưa nay hiếm), người dân chờ đợi hơn 70 năm nghĩa là cả cuộc đời vẫn chưa thấy những điều Hiến pháp 1946 quy định thành hiện thực, gần 70 năm sau khi Cụ Hồ viết bài “Dân vận”, tư tưởng chỉ đạo của Người đã được thực hiện như thế nào?
Có thể thấy, “Học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh” dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn một khoảng cách giữa lời nói và việc làm.
Chính khoảng cách ấy đã trở thành mảnh đất màu mỡ để không ít cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, trở thành những ông “vua con” tại địa phương, cơ quan, tổ chức,…
Những người ấy không chỉ coi thường kỷ cương, phép nước mà còn tìm đủ mọi cách biến “quyền hành” của Dân thành “quyền… hành dân”, trái ngược với điều mà Hồ Chủ tịch đã đề cập.
Trong một buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng:
“Bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng, còn xử lý cán bộ chỉ làm cho Đảng mạnh thêm, cuộc đấu tranh này càng lấy lại uy tín của Đảng.
Chúng tôi đã nói nhiều lần, chúng ta che giấu, bưng bít đi thì mới mất uy tín và càng làm hư hỏng.
Còn chúng ta đấu tranh cho bằng được thì lại làm củng cố, lấy lại uy tín”. [6]
Những gì bị “che giấu, bưng bít” mà Tổng Bí thư đề cập có phải chỉ là những sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng của một bộ phận không còn là nhỏ cán bộ lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương, của một số cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị?
Người viết cho rằng - từ ý kiến của Tổng Bí thư - cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí sắp tới sẽ không còn hiện tượng “bao che” cho tổ chức, cá nhân mắc sai phạm, không còn hiện tượng “che giấu, bưng bít” thông tin theo kiểu cái gì cũng “đúng quy trình”!
Có nên hiểu một trong những điều không nên “che giấu, bưng bít” là thông tin về tài sản cán bộ?
Liệu sắp tới thông tin kê khai tài sản của cán bộ có được công khai toàn diện tại một Cổng thông tin Chính phủ để bất kỳ người dân nào cũng có thể kiểm tra, giám sát?
Bất kỳ quốc gia văn minh nào, quyền hành của Dân cũng là tuyệt đối và bất biến.
Cứ 1% quyền của dân bị mất thì cũng có nghĩa là 1% niềm tin vào thể chế bị mất theo.
Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2016 cho thấy dân số Việt Nam năm 2016 khoảng 92,70 triệu người, dân số nông thôn là 60,64 triệu người, chiếm 65,4%. [7]
Hơn 65% dân số sống ở nông thôn, họ cần đất để làm nhà ở, để trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng trang trại,…
Khu vực này chính là nơi thường xảy ra những mâu thuẫn trong tiến trình đô thị hóa, giữa việc giao đất cho doanh nghiệp kinh doanh với việc thu hồi đất đai, tức là tư liệu sản xuất của người dân.
Dẫu “quyền hành” của Dân có ra sao thì Dân cũng không bao giờ mất “lực lượng” bởi thế “đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Với ý nghĩa đó, dẫu Dân có nghèo, có thiếu đến mấy thì điều đã được Cụ Hồ chỉ ra “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên” có buộc chính quyền phải cân nhắc thật cẩn trọng trước khi ban hành bất kỳ quyết định nào?
Hoài bão lớn nhất của Hồ Chủ tịch, người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới là Tổ quốc độc lập, nhân dân được tự do, hạnh phúc.
Làm theo đạo đức, tác phong của Hồ Chủ tịch nghĩa là làm cho “nhân dân được tự do, hạnh phúc” chứ không phải tạo ra bức xúc khiến dân phải phản ứng tiêu cực như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng hay để dân phải khóc như ở Thủ Thiêm.
Làm theo đạo đức, tác phong của Hồ Chủ tịch nghĩa là “nói phải đi đôi với làm”, đã nói “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì đừng bàn luận nhiều về chuyện lấy đâu kinh phí ưu tiên cho giáo dục, cho nhà giáo,…
Giảm bớt các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh bằng cách sáp nhận lại tự khắc dôi ra nhiều trụ sở làm trường học, loại bỏ bộ phận “công chức cắp ô” tự khắc giảm quỹ lương để có tiền chi cho giáo dục,…
Chiến dịch “lò nóng - củi tươi” mà Trung ương và Tổng Bí thư phát động chính là “nói đi đôi với làm” song thực tế cho thấy điều này mới đúng ở Trung ương.
Ở địa phương dường như vẫn âm ỉ một tâm lý “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”!
Bị kỷ luật chẳng qua là không may, là “số đen” chứ hàng triệu cán bộ, công chức làm sao một mình Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét hết được?
Ai đó xây, ai đó chống xin cứ tự nhiên, rủi bão đến thì chống bão, nếu chống không lại thì tìm cách né ra nước ngoài như Trịnh Xuân Thanh, Vũ “nhôm”,…, cùng lắm thì trơ trẽn “tôi hưu rồi, họ muốn xử sao thì xử”!
Làm theo đạo đức, tác phong của Hồ Chủ tịch nghĩa là tránh việc luôn viện dẫn những lời giáo huấn của Người nhưng “quên” đi hai điều Người căn dặn cán bộ phải “sợ”.
Chừng nào cán bộ biết sợ “Không công bằng”, sợ “Lòng dân không yên” thì mới hết “án bỏ túi”, hết “trên nóng, dưới lạnh”, hết “ăn” bất kỳ thứ gì có thể ăn và chừng đó mọi “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” mới có thể trở thành hiện thực./.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://bqllang.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1628:bai-bao-dan-v-n-c-a-ch-t-ch-h-chi-minh&catid=98&Itemid=742&lang=vi
[2] http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/210002-.html
[3] https://laodong.vn/phapluat/lai-uu-ai-doanh-nghiep-dan-kho-den-bao-gio-606198.ldo
[4] https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/can-som-hoan-thien-va-co-luat-bieu-tinh-480754.vov
[5] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/qh-lui-thong-qua-luat-ve-hoi-340581.html
[6] http://infonet.vn/che-giau-bung-bit-thi-moi-mat-uy-tin-xu-ly-can-bo-chi-lam-cho-dang-manh-them-post262152.info
[7] http://gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=&ItemID=16171