Khóc thương thân phận những con người cùng khổ trong xã hội, Nguyễn Du viết "Truyện Kiều", Ngô Tất Tố viết "Tắt đèn", Nam Cao viết "Chí Phèo",…
Thế rồi chính Nguyễn Du cũng phải đau đớn thốt lên: “Bất tri tam bách dư niên hậu; Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như” (Dịch nghĩa: Không biết hơn ba trăm năm nữa, thiên hạ có ai khóc Tố Như chăng?).
Sở dĩ nhắc đến chuyện “khóc” bởi tràn ngập trên các trang báo là những giọt nước mắt của người dân Thủ Thiêm trong buổi làm việc với đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
“Dân Thủ Thiêm rơi nước mắt kiến nghị với đại biểu Quốc hội” (Tuoitre.vn);
“Rất nhiều nước mắt và cả sự giận dữ của cử tri bị ảnh hưởng bởi khu đô thị mới Thủ Thiêm” (Thanhnien.vn);
“Nhiều cư dân bị giải tỏa trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm đã bật khóc trong buổi tiếp xúc cử tri” (Laodong.vn)…
Nói đến Thủ Thiêm phải nói đến ba đối tượng: dân nghèo, người có quyền và người có tiền.
Dự án 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN) |
Với dân nghèo:
Không phải hôm nay người dân Thủ Thiêm mới khóc, không ít người đã khóc từ ngày bắt đầu giải phóng mặt bằng khi ngôi nhà họ ở bỗng bị lấy mất không một tờ giấy trao tay.
“Bà Nguyễn Thị Dung (phường Bình An) nhớ lại nhà bà 88,9m2, có sổ đỏ, nằm ngoài ranh quy hoạch, bị cưỡng chế lúc 8h sáng 1/3/2012.
Tôi chưa từng được quyết định thu hồi đất, chưa từng nhận đồng bồi thường nào.
Từ một người có nhà, có đất, có công việc kinh doanh, cuối đời, tôi trắng tay, hàng ngày phải đi ăn xin, ngửa tay mong được bố thí từng đồng. Tôi đã mất tất cả". [1]
Có thời, tài sản của địa chủ bị tịch thu chia cho nông dân nghèo, ở Thủ Thiêm liệu có xảy ra chuyện thu đất, thu nhà của người nghèo trao cho người giàu?
Hai mươi hai năm nay (tính từ năm 1996) những quan chức được người dân bỏ phiếu bầu làm đại diện cho mình ở Hội đồng nhân dân, ở Quốc hội đã có bao nhiêu lần ngồi nghe dân nói, giải quyết những đòi hỏi chính đáng của dân hay chỉ là những cuộc dã ngoại thăm Thủ Thiêm trên xe công vụ?
Báo chí đưa tin, khoảng 15.000 hộ dân bị phân chia đi nhiều nơi, có nơi cách xa chỗ cũ tới 15 km, họ không còn hàng xóm, bạn bè cũ, cả một cộng đồng bị xé lẻ có phải là một hệ lụy?
Cử tri bật khóc, ngất xỉu khi nói về Thủ Thiêm ở buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội |
Hơn nữa, như nghiên cứu của Phó giáo sư, tiến sĩ Erik Harms, Đại học Yale (Mỹ), viết cho Zing.vn:
“Ở đó (Thủ Thiêm) không chỉ có hai đình (An Khánh và An Lợi Đông) mà còn có rất nhiều chùa, đền, và nhà thờ.
Tổng cộng, có 29 công trình tôn giáo phục vụ cho nhu cầu tâm linh của người dân”, vậy những công trình ấy nay còn hay đã bị san ủi?
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (1997-17/05/2001) Võ Viết Thanh nói với báo chí:
“Lẽ ra những người dân ở Thủ Thiêm lâu đời phải là những người đầu tiên được hưởng lợi ích từ khu đô thị mới”. [2]
Từ “lẽ ra” trong câu nói của vị cựu lãnh đạo thành phố liệu có mang hàm ý:
“Những người dân ở Thủ Thiêm lâu đời” không phải là “người đầu tiên được hưởng lợi ích từ khu đô thị mới”? Nếu quả vậy thì ai hưởng lợi đầu tiên?
Cũng chính vị cựu Chủ tịch thành phố đã thẳng thắn: “Đồng tiền đã làm biến đổi bản chất khu đô thị mới Thủ Thiêm”. [2]
Một người dân thường phát ngôn như vậy có thể bị cho là thiếu căn cứ, nhưng một vị từng là Chủ tịch thành phố (cũng từng là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an) phát biểu thì chắc chắn không thiếu căn cứ.
Và đương nhiên, hưởng lợi đầu tiên không chỉ là nhà đầu tư, những người có tiền mà còn một “nhóm lợi ích” nào đó mà dư luận đang tìm hiểu.
Vậy hãy xem đồng tiền làm biến đổi “bản chất” khu đô thị mới Thủ Thiêm thế nào và quan trọng hơn, liệu đồng tiền có làm biến đổi “bản chất” những người được dân đùm bọc, nuôi nấng trong những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được lựa chọn để dân bầu vào chiếc ghế Đại biểu Quốc hội?
Khu đô thị Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt trong Quyết định số 367/TTg với tổng diện tích: 930 ha (gồm khu đô thị mới: 770 ha, khu tái định cư: 160 ha).
Báo điện tử Đài Truyền hình kỹ thuật số Vtc.vn viết:
“Tổng cộng, Đại Quang Minh đã được giao 105 ha đất tại Thủ Thiêm, nơi được coi là đất vàng tại Thành phố Hồ Chí Minh”. [3]
Đối chiếu với Quyết định của Thủ tướng, chỉ một mình doanh nghiệp Đại Quang Minh đã được thành phố Hồ CHí Minh ưu ái giao 105/770 ha tức là khoảng 1/7 tổng diện tích khu đô thị và toàn bộ 105 ha đất này đều được sử dụng để phát triển các dự án bất động sản. [3]
Để lấy được 79 ha đất, Đại Quang Minh xây dựng 4 tuyến đường nội bộ khu đô thị với chiều dài 12 km.
Số tiền đầu tư cho 12 km đường này, như báo chí đưa tin là 12.000 tỷ đồng, tính ra mỗi km đường tốn một nghìn tỷ đồng, mỗi mét đường tốn một tỷ đồng?
Ngày 19/6/2015 Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Hợp đồng BT với Đại Quang Minh xây dựng cầu Thủ Thiêm 2.
Tổng mức đầu tư là 3.082 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465 m, trong đó phần cầu dài 885,7 m.
Để so sánh xin nêu một vài số liệu đối chứng:
Cầu Mỹ Thuận có chiều dài 1.535m, trong đó phần cầu dây văng dài 350m; rộng 23,66m; cao 116,5m. Tổng nguồn vốn đầu tư: 90,86 triệu đô la Úc tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng. [4]
Cầu Cần Thơ có tổng mức đầu tư 4.832 tỷ, trong đó đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 km và có 4 cầu qua kênh Trà Và lớn, Trà Và nhỏ, sông Trà Ôn, đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 km (có 6 cầu qua kênh Cái Tắc, kênh Cái Da, kênh Ap Mỹ, kênh Cái Nai, sông Cái Răng và vượt Quốc lộ 91B).
Không biết Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan chức năng có ý kiến gì về mức đầu tư mà Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt để cho Đại Quang Minh và đổi lại để doanh nghiệp này được lấy nhiều ha đất Thủ Thiêm?
Ví như, Báo Kinhtedothi.vn, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dẫn ý kiến người dân cho biết tại khu đô thị Thủ Thiêm: “Doanh nghiệp đền bù cho dân giá 18 triệu/m2, bán ra 350 triệu/m2”. [5]
Nếu con số nêu trên là đúng thì chỉ cần bán ra 10.000 mét vuông doanh nghiệp sẽ thu về 3.500 tỷ đồng nghĩa là thu hồi thừa vốn, còn nếu bán hết 26 ha đất (đầu tư mất 3.082 tỷ đồng) sẽ thu về khoảng 91.000 tỷ đồng, lợi nhuận ở đây liệu có lên đến 300% như Các Mác từng đề cập?
Lợi nhuận khủng như thế doanh nghiệp bỏ túi hoàn toàn hay cũng phải “cảm ơn” nhiều nơi, nhiều chỗ?
Xã hội Việt Nam ngày nay, nói chuyện đạo đức kinh doanh, chuyện “bầu ơi thương lấy bí cùng” với những chủ doanh nghiệp như Đại Quang Minh ở Thủ Thiêm hay FLC ở Quảng Ngãi có lẽ giống như câu thành ngữ “vạch đầu gối nói chuyện”, với họ chỉ có cách duy nhất là nói chuyện bằng pháp luật.
Ai cho phép thu hồi đất ở Thủ Thiêm vượt qua cả ý kiến Thủ tướng? |
Hãy xem họ đầu tư thực chất là bao nhiêu và những thứ họ nhận được trị giá thế nào?
Đối với người/cơ quan có quyền:
Quy định tại khoản 3 điều 38 Nghị định 34/2016/NĐ-CP:
“Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật có trách nhiệm:
a) Lập, công bố theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền công bố danh mục các văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực đồng thời với văn bản được quy định chi tiết theo quy định tại khoản 2 Điều này trước ngày văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực;
b) Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản để thay thế văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực toàn bộ quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều này”.
Như vậy nếu chưa có bất kỳ quyết định nào của Thủ tướng Chính phủ thay thế hoặc bãi bỏ Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996 thì cho đến nay Quyết định này vẫn còn giá trị pháp lý.
Mọi biện minh nhằm xóa bỏ hiệu lực của quyết định 367/TTg đều là trái luật.
Tại sao hơn 20 năm dân liên tục khiếu kiện mà không được giải quyết?
Phải chăng quyền của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cao đến mức không cần chú ý đến quyền dân hay chỉ là do một bộ phận không nhỏ cán bộ ở đây “thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng”?
Nói đến trách nhiệm, không thể chỉ nói đến Ủy ban Nhân dân thành phố mà “quên” Thành ủy và Hội đồng nhân dân.
Nếu lắng nghe dân, nếu thấm nhuần tinh thần Nhà nước là “của dân, do dân và vì dân” thì sự việc có bị đẩy đi quá xa như hiện nay?
Liên quan đến khu đất 32,2 ha mà Công ty Tân Thuận bán cho tư nhân, Ban Thường vụ thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận đó là tài sản thuộc thẩm quyền quản lý của Thành ủy vậy mà có vị lãnh đạo thành phố vẫn khẳng định “khu đất đó không phải là đất công”?
Nếu vậy không thể không hỏi bà lãnh đạo “đó là đất của ai”?
Phải chăng đó là tài sản riêng của một số người mà Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có “trách nhiệm” đứng tên hộ?
Quyền lực là do dân ủy thác, đó không phải là tài sản riêng để ai đó muốn dùng thế nào tùy thích.
Dân Thủ Thiêm mất tài sản (hợp pháp) cũng đồng nghĩa mất niềm tin vào hệ thống chính trị của thành phố chứ không phải chỉ là một vài cá nhân đại diện.
Nhiều vụ việc nghiêm trọng vừa qua đã được Trung ương xem xét, coi là các vụ việc trọng điểm thì “vụ Thủ Thiêm” cũng nên được đặt vào chương trình nghị sự bởi đây không phải là chuyện giữa các doanh nghiệp, đây là chuyện giữa dân và chính quyền.
Hy vọng Tổng Bí thư, các vị lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ sẽ dành thời gian trả lời dân, sẽ làm rõ dân sai hay chính quyền chưa đúng và cùng với đó hãy xem các doanh nghiệp làm ăn trên mảnh đất này mang lại lợi ích gì cho sự phát triển của thành phố nếu không phải chỉ toàn hệ lụy.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://news.zing.vn/nuoc-mat-thu-thiem-sau-20-nam-quy-hoach-do-thi-moi-post841311.html
[2]http://plo.vn/thoi-su/nuoc-mat-thu-thiem-769697.html
[3]https://vtc.vn/cu-tri-thu-thiem-12km-duong-ma-dau-tu-12000-ty-dong-phai-chang-la-duong-dat-vang-d397924.html
[4] http://www.baogiaothong.vn/hai-lan-lo-hen-xay-cau-my-thuan-d72787.html
[5] http://kinhtedothi.vn/nguoi-dan-yeu-cau-tra-dat-thu-hoi-lo-trong-du-an-khu-do-thi-moi-thu-thiem-315996.html