Nhiều ngày qua dư luận ngỡ ngàng trước sự vào cuộc ráo riết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi khi phát đi văn bản “hỏa tốc” gửi đến các ban ngành yêu cầu “cả hệ thống chính trị” cùng vào cuộc giúp Tập đoàn FLC xây khách sạn, sân golf, nghỉ dưỡng…
Đáng chú ý, trong văn bản phát đi, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi còn đề nghị các cơ quan tham mưu nhằm di dời đồn biên phòng để nhường chỗ cho dự án FLC Bình Châu – Lý Sơn.
Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng và khu đô thị FLC Bình Châu - Lý Sơn giai đoạn 1 chiếm đến 1.243 héc-ta thuộc các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Phú, Bình Châu (huyện Bình Sơn) và xã An Bình (đảo Bé, huyện Lý Sơn). Được biết, cả giai đoạn 2 của dự án sẽ có tổng diện tích gần 4.000 héc-ta.
Dự án được giới thiệu bao gồm các hạng mục chính như: sân golf 18 lỗ; khách sạn 5 sao và Trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ; các khu trung tâm thương mại, các khu Shophouse; khu biệt thực sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng; các khu ở tầng thấp; các khu vui chơi, giải trí; các khu resort hưởng biển; các tiện ích chăm sóc sức khỏe, không gian xanh…
Vì sao Quảng Ngãi "hỏa tốc" di chuyển đồn biên phòng, ưu ái cho FLC? |
Chiều 23/4, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phí Quang Hiển – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Dự án của Tập đoàn FLC hiện mới thực hiện bước thứ nhất là phê duyệt chủ trương đầu tư và quy hoạch. Sau đó, mới làm đánh giá tác động môi trường đối với dự án này.
Đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được báo cáo đánh giá về tác động môi trường của chủ đầu tư”.
Dư luận cũng khá bất ngờ trước cách vào cuộc quyết liệt và gấp gáp của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi dành cho Tập đoàn FLC.
Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại bởi phạm vi tổng dự án rất lớn lên đến gần 4.000 héc-ta sẽ chiếm hết phần đất liền tiếp giáp với biển và như vậy ngư dân bám biển sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng ngàn ngư dân Quảng Ngãi vẫn bám biển, vươn khơi vừa kiếm sống vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo.
Hơn nữa, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đề xuất cứ 8km dự án sẽ mở một tuyến đường ra biển. Như thế khác nào làm khó cho ngư dân mưu sinh. Điều này khác nào triệt tiêu con đường sống của ngư dân để nhường chỗ cho FLC.
Dự án khu công nghiệp FLC Hoàng Long khởi công duy nhất cái cổng chào từ năm 2015 đến này vẫn bỏ hoang,còn hàng trăm hộ dân bị lấy đất mà chưa được đền bù. Ảnh: Hữu Chí. |
Một câu hỏi mà không ít người đặt ra đó là diện tích dự án lên đến gần 4.000 héc-ta, Tập đoàn FLC sẽ làm gì hay lại giống như dự án FLC Hoàng Long (Thanh Hóa) vào ngày khởi công dự án có hàng ngàn người tham dự rồi xây cái cổng chào xong bỏ hoang.
Thậm chí có ý kiến đặt ra, Tập đoàn FLC “vẽ” ra rất nhiều dự án quy mô, tầm cỡ nhằm mục đích xin nhiều đất sau đó găm đất bán kiếm lời cho những doanh nghiệp có nhu cầu? Năng lực thật sự của FLC có kham nổi cùng lúc làm nhiều đại dự án một lúc hay không? Câu trả lời đã phần nào rõ chỉ cần nhìn vào một vài dự án bỏ hoang.
Sáng 24/4, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Phương – Phó Chủ tịch xã Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: “Xã có 36,2 héc-ta nằm trong dự án FLC Hoàng Long. Tổng số hội có đất nằm trong dự án là 353 hộ.
Với năng lực của FLC, có đến mức phải di dời đồn biên phòng? |
Đến thời điểm này mới có vài chục hộ được nhận đền bù đất canh tác tại vị trí xây cổng dự án để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa vào ngày 22/9/2015. Còn tiền hỗ trợ cho bà con ổn định cuộc sống thì số hộ này cũng chưa nhận được.
Trong khi đó hơn 300 hộ dân còn lại có đất nằm trong dự án đến nay vẫn chưa nhận được một đồng nào từ chủ đầu tư”.
Ông Nguyễn Hữu Phương cũng cho biết thêm: “Dự án xây mỗi cái cổng chào xong để đó, còn người dân thiếu đất canh tác. Về mặt thủ tục pháp lý, chính quyền chưa bàn giao cho Tập đoàn FLC mặt bằng dự án FLC Hoàng Long bởi chủ đầu tư chưa hoàn ngành nghĩa vụ tài chính nên người dân có quyền canh tác.
Chúng tôi cũng đề nghị lên các cấp và lãnh đạo Tập đoàn FLC trả lời về việc dự án có tiếp tục thực hiện nữa hay không, bao giờ thực hiện tiếp và đền bù cho bà con để chúng tôi thông tin đến bà con”.
Được biết, khu công nghiệp FLC Hoàng Long có diện tích 286,82 héc-ta, tổng mức đầu tư 2.317,5 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng để có thể bàn giao cho một số doanh nghiệp đầu tiên ngay trong năm 2015.
Giới thiệu là vậy nhưng thực hiện dự án theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, khu công nghiệp được giới thiệu hoành tráng nhất Thanh Hóa hiện đang bỏ hoang, “chết lâm sàng” ngoài cái cổng dự án rêu mốc đen thì bên trong cỏ dại mọc hoang hóa.
Người dân một số xã dự kiến nằm trong dự án của FLC tại Quảng Ngãi chưa hay biết gì thông tin về dự án. Ảnh: VOV |
Không chỉ Thanh Hóa, mà ngay giữa Thủ đô Hà Nội, hồi tháng 7/2017 Tập đoàn FLC đã đấu giá thành công lô đất ĐM1 có diện tích 64.090m2 (6,4 héc-ta) nằm tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chây ì số tiền hơn 700 tỷ đồng nộp vào ngân sách.
Theo đó, lô đất ĐM1 mà Tập đoàn FLC trúng đấu giá là 860 tỷ đồng, nhưng Tập đoàn này mới nộp được 98 tỷ đồng. Trong khi quy định nêu rõ sau 20 ngày công bố kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá nếu không sẽ bị hủy kết quả trúng đấu giá.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đã hơn 8 tháng trôi qua kể từ khi Tập đoàn FLC trúng đấu giá, nhưng tập đoàn này vẫn chây ì, thách thức pháp luật và dư luận.
Điều lạ lùng và khó hiểu là vấn đề đã “rõ như ban ngày”, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của Tập đoàn FLC và thu hồi lô đất trên. Một lần nữa dư luận lại phải đặt ra câu hỏi: Ai dung túng cho FLC chây ì hàng trăm tỷ đồng gây thiệt hại nặng cho ngân sách, xâm hại lợi ích nhà nước?
Điều bất ngờ hơn nữa, một giải thưởng về bất động sản mới đây do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức đã vinh danh Tập đoàn FLC ở hạng mục giải “Nhà phát triển bất động sản uy tín nhất” khiến không ít người ngạc nhiên.
Với những tai tiếng, lùm xùm gần đây thì việc lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi bố trí cho FLC làm resort sẽ phá vỡ cảnh quan khu vực đang có hàng ngàn ngư dân bám biển và nhiều cảnh quan tuyệt đẹp do thiên nhiên ban tặng.
Một câu hỏi đặt ra là kịch bản có lặp lại giống như dự án FLC Hoàng Long hay không, khi chủ đầu tư xin thật nhiều đất sau đó bỏ hoang, còn tiền đền bù cho người dân nằm trong dự án thì "không có thời gian cụ thể".
Việc chính quyền tỉnh Quảng Ngãi sốt sắng và quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị giúp FLC có vội vàng và đã đặt lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và hàng ngàn ngư dân bám biển?
Tờ Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đăng tải thông tin sáng 27/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi có buổi tiếp xúc cử tri tại ba xã Bình Châu, Bình Phú, Bình Hòa (huyện Bình Sơn). Tại đây, Đại tá Bùi Minh Hải - nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, cho hay rất ngỡ ngàng trước những chỉ đạo hỏa tốc của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về quyết định cho FLC triển khai dự án tại đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn) và ba xã của huyện Bình Sơn. Đại tá Hải nói thẳng: “Từ tháng 3/2018 đến nay, chỉ có hai cuộc họp mà đã quyết định. Công trình của FLC làm đem lại phúc lợi gì cho người dân? Gần 4.000 héc-ta đất giao cho FLC thì có xứng đáng không?”. Ông Hải tiếp tục nêu vấn đề: “Khởi công trên cơ sở khoa học nào? Đến nay còn một tháng nữa mà di dời dân thì có khả năng không? Tỉnh nghèo như chúng ta khi xây dựng cơ sở vật chất xã hội còn thiếu vốn mà chủ tịch tỉnh hứa sẽ ứng 500 tỉ đồng để nhà đầu tư giải phóng mặt bằng. Vậy thì điều này có đúng quan điểm phục vụ nhân dân không hay phục vụ cho FLC?”. Theo Đại tá Hải, nhân dân đã sống ở đây bao nhiêu năm, giờ cuộc sống đảo lộn mà chủ tịch tỉnh nói rằng 8 km mới làm một đường xuống biển. Trước sự thẳng thắn của cử tri, ông Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, bên cạnh việc bảo tồn các di sản thì tỉnh phải có chính sách để thu hút đầu tư. Từ đó mới tạo ra nguồn lực bảo tồn. Tuy nhiên, ông Chữ khẳng định rằng khi dự án vào cuộc thì phải có những cuộc họp, đối thoại để tranh luận. “Vừa rồi mình cho chủ trương để khảo sát lập dự án đề xuất đầu tư. Đến giờ phút này tỉnh chưa có gì gọi là quyết chủ trương đầu tư cả. Mình cho chủ trương như vậy có nghĩa là để nhà đầu tư tiến hành công tác đo đạc, khảo sát đánh giá thực trạng tại dự án theo quy định. Trên cơ sở đó mới đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định đầu tư hay không”, ông Chữ nói. Theo Bí thư Quảng Ngãi, trước khi đầu tư phải nghe đầy đủ tác động về kinh tế-xã hội của dự án. Khi quyết định dự án phải thu thập ý kiến người dân, nhất là người dân trong vùng dự án. |