Ấn Độ chính thức bỏ lệnh cấm nhập khẩu 6 mặt hàng nông sản của Việt Nam

23/03/2017 06:51
Ngọc Quang
(GDVN) - 6 mặt hàng nông sản của Việt Nam gồm hạt cà phê, tre/tăm tre, tiêu đen, quế, đậu và thanh long tiếp tục được nhập khẩu vào Ấn Độ.

Bộ Công Thương cho biết thông tin trên được phát đi từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội, tối ngày 21/3.

Theo đó, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Phúc lợi Nông dân Ấn Độ đã có văn bản gửi Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam về việc thông báo phía Ấn Độ đã chính thức hủy bỏ tạm cấm nhập khẩu đối với 6 mặt hàng nông sản của Việt Nam, gồm: Hạt cà phê, tre/tăm tre, tiêu đen, quế, đậu và thanh long.

6 mặt hàng nông sản tiếp tục được nhập khẩu vào Ấn Độ, trong đó có Thanh Long.
6 mặt hàng nông sản tiếp tục được nhập khẩu vào Ấn Độ, trong đó có Thanh Long.

Trong năm 2016, Việt Nam đã phát hiện hơn 3 ngàn tấn lạc, 24 tấn quả me và từ đầu năm 2017 đến nay tiếp tục phát hiện thêm 380 tấn lạc từ Ấn Độ bị nhiễm mọt lạc serratus còn sống

Ngày 1/3/2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường đã ký quyết định tạm ngừng nhập khẩu lạc, hạt muồng, hạt ca cao, hạt đậu cô ve và quả me từ Ấn Độ do có nguy cơ cao nhiễm mọt Caryedon serratus Olivier là đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam.

Đến ngày 7/3, Ấn Độ phát đi thông báo tạm ngừng nhập khẩu 6 mặt hàng nói trên của Việt Nam.

Sau khi có thông tin này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, cơ quan liên quan nghiên cứu, làm rõ thông tin phản ánh vừa nêu, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương hướng xử lý phù hợp trong tháng này.
 
Cơ quan quản lý chuyên ngành của Việt Nam đã có thư ngày 20/3/2017 gửi phía Ấn Độ về hoạt động phối hợp rà soát và thông báo bãi bỏ quyết định tạm cấp nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Ấn Độ.

Sau đó, Ấn Độ cũng hồi đáp và bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu 6 mặt hàng nông sản từ Việt Nam.

Sự ứng biến nhanh với những tình huống trong hợp tác thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia, cụ thể trong trường hợp này là với Ấn Độ, cho thấy sự quan tâm sát sao của Chính phủ đối với hàng nông sản Việt Nam, đời sống của người nông dân và doang nghiệp Việt Nam.

Việc xử lý các quan hệ thương mại trong khoảng thời gian ngắn tiếp tục cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ đối với mục tiêu kiến tạo và hành động.

Ngọc Quang