Chiều 6/9/2017, Thanh tra Chính phủ đã chính thức công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông Vận tải.
Kết luận chỉ rõ, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa hoàn thành, giá trị đầu tư mới thực hiện 30% nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới.
Phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ thành 2 giai đoạn thực hiện chưa đảm bảo kết nối tốt, đồng bộ các hạng mục hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện có.
Theo Thanh tra Chính phủ, phần lớn các dự án đầu tư theo hình thức BOT là cải tạo, nâng cấp tuyến đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn phương tiện giao thông ở những khu vực vốn đã đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông hợp lý.
Một số dự án như đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới, dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đã quyết định quy mô cấp đường đầu tư chưa phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý. Phương thức thu phí lạc hậu, gây ách tắc giao thông, đặc biệt là việc xác định vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý như đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án (dự án hầm đường bộ đèo Phước Tượng, Hầm Phú Gia);
Dùng trạm thu phí tuyến đường này hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác (các dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới; dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình…).
Những bức xúc của dư luận về trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ và công bố chiều 6/9/2017. (ảnh: Tiền Phong). |
Xung quanh thực trạng này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa (Khoa Kinh tế - Vận tải, Đại học Giao thông Vận tải) đánh giá: “Kết luận của Thanh tra Chính phủ dự án BOT đầu tư 30%, thu phí như làm mới là hoàn toàn chính xác.
Nhưng có thể nói chỉ bằng mắt thường người dân cũng có thể nhận biết được điều đó bởi hàng ngày họ đi lại, đường nào làm rồi giờ có BOT vào, chủ đầu tư chỉ cạp thêm, trải nhựa làm mới một chút là đặt trạm thu phí thu tiền như đường mới.
Việc này có khác gì cái áo rách, anh vá và đính thêm vài họa tiết rồi bán với giá áo mới. Như thế đâu có được, rất phi lý!
Ông Dương Trung Quốc cho rằng quản lý BOT hiện nay như hộp đen |
Con đường cũ đã tồn tại phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nhiều năm qua, chủ đầu tư BOT vào chỉ trải nhựa, cạp thêm mà coi là đầu tư mới với giá thu 1,5 nghìn đồng/km thì sao chấp nhận được.
Đó là cách thu tiền rất trắng trợn, thô thiển và coi thường dư luận xã hội”.
Có hay không việc tồn tại cơ chế “xin cho”, những bất cập, hạn chế của các dự BOT gần đây khiến không ít người hoài nghi có lợi ích nhóm đối với các dự án này?
Phó Giáo sư Từ Sỹ Sùa thẳng thắn chỉ ra: “BOT có quá nhiều góc khuất, không minh bạch, không công khai, không có phương án để đấu thầu mà hầu như chỉ định thầu.
Lẽ ra việc đầu tư BOT nhiều doanh nghiệp có thể làm được với giá cạnh tranh, nhưng gần như ở nước ta lại làm kiểu đánh úp, cho anh nào làm thì anh đó được bởi có lợi ích nhóm trong đó.
Nguyên tắc BOT là không làm những đường đã có sẵn mà phải làm mới, lúc đó người dân sẽ có quyền lựa chọn đi đường miễn phí hay đi đường BOT có phí. Trong khi đó, nhiều con đường độc đạo ở nước ta lại cho làm BOT là sai một cách cơ bản.
Làm dự án BOT trên con đường độc đạo thì người dân đi lối nào? Chắc chắn vẫn phải đi con đường ấy và phải trả phí một cách vô lý. Nguyên nhân là sai từ hệ thống, chủ trương đầu tư đến phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, các chỉ tiêu tính toán để ra được phí, thời gian thu phí…”.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa nói rằng, đầu tư 30% mà thu phí như đường mới là trắng trợn, thô thiển, coi thường dư luận. ảnh: Vũ Thủy/Kiến thức. |
Cũng theo vị chuyên gia này, chủ trương đầu tư BOT rất là đúng đắn và có lợi cho xã hội, rất nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công.
“Thực tế khi áp dụng tại Việt Nam, BOT bị lợi dụng làm cho biến tướng, méo mó. Giờ nói đến BOT người dân không thiện cảm và cho rằng chủ đầu tư BOT không đàng hoàng, không mang lại lợi ích cho xã hội và nghi ngờ chủ đầu tư là sân sau của ông nọ, bà kia”, Phó Giáo sư Sùa nói.
Gần đây nhiều phương tiện tham gia giao thông đã phản ứng trước những trạm thu phí BOT đặt dày đặc, thu phí trên trời mà chất lượng thì dưới đất bằng việc trả tiền lẻ, hay cho tiền lẻ vào trong chai.
Cách phản ứng trên của cánh tài xế không vi phạm pháp luật, nhưng vô tình đã làm làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông. Nhưng không làm như vậy thì tiền vẫn vào túi doanh nghiệp BOT và chỉ có người dân thiệt.
Phải chấm dứt ngay những bức xúc về BOT |
Phó Giáo sư Từ Sỹ Sùa cũng chỉ ra: “Về mặt kinh tế, nguyên lý đầu tư ngắn hạn lãi suất có thể chịu được, nhưng vay ngắn hạn để đầu tư dài hạn thì chỉ Việt Nam mới có. Không thể vay ngắn hạn để làm một công trình dài hạn.
Hay như dự án đường 5 cũ, tăng phí để bù cho đường cao tốc mới là sai nguyên lý.
Họ giải thích là đúng quy trình, nhưng những người đưa ra quy trình đó không tham khảo, tư vấn hết các góc độ khác nhau.
Trong kinh tế không ai làm như thế, dự án là phải có chỉ tiêu đầu vào, chỉ tiêu đầu ra chứ không thể lấy đầu cá vá đầu tôm.
Từ những bức xúc về BOT trong nhân dân gần như đã xuất hiện cái gọi là hội chứng phản đối BOT, thậm chí những phản ứng rất tiêu cực, gần đây là đưa tiền lẻ, rồi cho tiền lẻ vào trong chai… nỗi bức xúc của người dân tích tụ lại đã bùng lên từ dự án này đến dự án khác”.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải nhiều năm, Phó Giáo sư Sùa cho rằng: “Những vấn đề tồn tại ở các dự án BOT ít nhiều đã làm giảm uy tín của một số cơ quan nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp.
Mới đây thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải nhanh chóng chấm dứt ngay những bức xúc về BOT. Và sau khi đã công bố kết luận thanh tra, người dân đang mong chờ Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc ở những dự án có sai phạm, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể đến nơi đến trốn.
Đối với các dự án BOT phải kiểm soát chặt chẽ quy trình chọn nhà đầu tư, đấu thầu, giám sát đầu tư, công khai minh bạch để ngăn chặn triệt để những nhà đầu tư kém năng lực".