Phải chấm dứt ngay những bức xúc về BOT

31/08/2017 09:31
Kiến Văn
(GDVN) - Rà soát đánh giá tổng mức đầu tư các dự án BOT, mức phí và thời gian thu phí, kiến nghị giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 9.

Những vấn đề bất cập trong đầu tư khai thác các dự án giao thông theo hình thức BOT tiếp tục được đặt ra thảo luận tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, chủ trương hợp tác công – tư là hoàn toàn đúng, nhưng vấn đề đặt ra là quy trình, cách làm còn nhiều bất cập, trong đó có các khâu như đấu thầu, duyệt tổng dự toán, thời gian thu hồi phí, khoảng cách đặt các trạm phí, giá phí… 

Liên quan đến vấn đề này, thời gian vừa qua đã có hàng nghìn bài báo, hàng trăm ý kiến của các chuyên gia chỉ ra quá nhiều bất cập tại các dự án BOT giao thông.

Nổi cộm là mức phí quá cao, thời gian thu phí kéo dài và khoảng cách các trạm quá gần. Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp phải chịu đựng những chi phí mà họ nhận thấy vô lý, dẫn tới nhiều bức xúc kéo dài trong dư luận xã hội.

Những vấn đề này trên thực tế đã được cảnh báo từ thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Mới đây nhất, vụ việc nhiều lái xe đi qua trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) dùng tiền lẻ mua vé để phản đối mức phí và vị trí đặt trạm thu phí thêm một lần nữa khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc và xử lý quyết liệt hơn.

Người dân phản đối vị trí và mức phí bằng cách trả tiền lẻ. ảnh: Tiền phong.
Người dân phản đối vị trí và mức phí bằng cách trả tiền lẻ. ảnh: Tiền phong.

Tại phiên họp chiều 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các bộ, ngành phải chấn chỉnh, sửa các quy định bất cập trong các dự án BOT, qua đó giảm phí BOT hơn nữa, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Việc sai phải được kiểm tra xử lý nghiêm túc, sửa sai nghiêm túc, tiếp tục thực hiện chủ trương về BOT cũng như các hình thức PPP khác thời gian tới.

Tôi giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát trong hệ thống của mình những công trình BOT vừa qua để sớm khắc phục tồn tại bất cập, nhất là trạm đưa phí lên quá cao, thời gian thu phí quá dài, đặc biệt là khoảng cách các trạm quá gần làm tổng chi phí rất lớn”, Thủ tướng chỉ rõ.

Thủ tướng yêu cầu ngành giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo dành vốn phù hợp cho các dự án BOT.

Phải chấm dứt ngay những bức xúc về BOT ảnh 2

BOT Cai Lậy và bài học về quyền của dân

Nghiên cứu bổ sung các hình thức đầu tư phù hợp, kể cả thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng.

Về trạm thu phí bất hợp lý gây bức xúc dư luận, nhất là tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng tới 70 loại, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp Bộ Tài chính lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT, vốn cho vay các dự án BOT… để giảm chi phí.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rà soát đánh giá tổng mức đầu tư các dự án BOT, mức phí và thời gian thu phí, kiến nghị giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 9/2017.

“Tôi yêu cầu kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu: "Phải xử lý nghiêm vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT. Rồi các đồng chí xem lại việc tổng thể hơn, nếu chúng ta làm cao tốc Bắc – Nam xong rồi thì phí BOT qua tất cả các trạm là bao nhiêu tiền để sử dụng có hiệu quả”.

"Ai có tội đến đâu xử lý đến đó"

Báo cáo tại phiên họp của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải – ông Trương Quang Nghĩa cho biết, trong 23 dự án BOT mà Bộ Giao thông Vận tải vừa đàm phán thì có 18 dự án giảm thời gian thu phí khoảng 101 năm 4 tháng; 5 dự án thời gian phải tăng lên 30 năm 10 tháng.

Phải chấm dứt ngay những bức xúc về BOT ảnh 3

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa so sánh tiền làm đường ở Mỹ, Đức... với Việt Nam

Trong công tác quản lý, ông Nghĩa cho biết đang kiện toàn lại, chỉnh sửa và nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ các sai phạm: “Ai có tội đến đâu xử lý đến đó”.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Dương Trung Quốc nhận định: “Phương thức hoạt động BOT hiện giống như hộp đen nên không ai có thể biết nó đang vận hành thế nào ở bên trong.

Người dân đi qua trạm BOT chỉ biết trả tiền trong khi cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương hay ngành giao thông đã làm thế nào với vác dự án ấy, vì sao ra chi phí ấy thì người dân không được biết.

Sự thiếu minh bạch trong các dự án BOT chính là môi trường của cái gọi là lợi ích nhóm.

Với cách thức quản lý hiện nay chả khác nào đang bịt mắt người dân. Hiện đang có tình trạng không có hệ thống giám sát công khai để người dân có thể nắm bắt được thông tin mà họ quan tâm”.

Để ngăn chặn tiêu cực và niềm tin của người dân không bị sa sút thêm ở các dự án BOT, theo ông Dương Trung Quốc, cần phải quản lý minh bạch, công khai để người dân giám sát.

"Công khai minh bạch, ứng dụng công nghệ là hai giải pháp quan trọng nhất. Chứ làm ăn kiểu như hiện nay các nhà đầu tư tử tế rất mang tiếng trong khi các nhà đầu tư kém thì lại hưởng lợi.

Tôi cho rằng, cần có một cuộc kiểm tra tổng thể, doanh nghiệp nào tốt nên ưu tiên để họ làm tiếp còn các doanh nghiệp yếu kém phải loại trừ ngay.

Xử lý về mặt tài chính sòng phẳng rồi cuối cùng nên xử lý về mặt nhà nước”, ông Dương Quốc nêu quan điểm.

Kiến Văn