Bộ Công Thương chuyển hồ sơ, vật chứng vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra

12/12/2017 16:33
Vũ Phương
(GDVN) - Bộ Công Thương chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của Khaisilk.

Trưa hôm nay 12/12, Bộ Công Thương đã chính thức thông báo kết luận liên quan đến bê bối “khăn ta lẫn khăn tàu” của Khaisilk.

Theo đó, ngày 11/12/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kết luận kiểm tra đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khải Đức.

Thông báo kết luận của Bộ Công Thương nêu rõ, ngày 31/10/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 4138/QĐ-BCT về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thành phần Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Bộ Công Thương (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường, Vụ Pháp chế), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), Bộ Khoa học và Công nghệ (Thanh tra Bộ), Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng), Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng.

Bộ Công Thương chuyển hồ sơ, vật chứng vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra ảnh 1Vụ bê bối Khaisilk: Ông chủ phải là người chịu trách nhiệm cao nhất

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khải Đức (công ty) kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra chỉ tập trung xác minh, kiểm tra các nội dung liên quan đến hoạt động sản xuất/gia công, xuất/nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thời trang.

Kết luận kiểm tra nêu theo thống kê của Tổng cục Hải Quan, trong giai đoạn 2006 - 2009, công ty có nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan.

Tuy nhiên, giai đoạn từ 2009 đến ngày 15/10/2017, công ty không còn thực hiện các hoạt động nhập khẩu các mặt hàng thời trang.

Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không tiến hành hoạt động sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước.

Công ty chủ yếu mua các thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

Kết luận của Bộ Công Thương chỉ ra, các sản phẩm dệt may với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk không có thành phần lụa như quảng cáo 100% làm từ lụa. Ảnh: Vietnamfinance.
Kết luận của Bộ Công Thương chỉ ra, các sản phẩm dệt may với một số mẫu sản phẩm của Khaisilk không có thành phần lụa như quảng cáo 100% làm từ lụa. Ảnh: Vietnamfinance. 

Kết luận cũng chỉ ra, công ty đã có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật hình sự đối với tội buôn bán hàng giả về chất lượng.

Kết quả giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của công ty cho thấy cho kết quả kiểm tra khác (Không có thành phần silk) so với các thông tin công bố (trên nhãn hàng hóa) về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm (“100% silk”).

Ngoài ra, Công ty Khải Đức đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý thuế và quản lý hóa đơn.

Cụ thể, một số hóa đơn do công ty xuất trình không hợp lệ (hóa đơn không phải do Chi cục Thuế phát hành, quản lý), một số hóa đơn kê khai không đúng tên hàng hóa.

Một số lượng lớn sản phẩm chênh lệch giữa số liệu chứng từ kế toán và số liệu kiểm tra thực tế tại một chi nhánh công ty.

Công ty không giải trình được nguyên nhân hoặc xuất trình đầy đủ hóa đơn cho số sản phẩm này.

Công ty đã có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Cụ thể, quá trình kiểm tra phát hiện một số sản phẩm không gắn nhãn hàng hóa theo quy định; một số sản phẩm còn lại có gắn nhãn hàng hóa nhưng ghi không đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 và Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Bộ Công Thương chuyển hồ sơ, vật chứng vụ Khaisilk sang cơ quan điều tra ảnh 3Khaisilk đóng cửa im ỉm sau bê bối bán "khăn ta lẫn khăn tàu"

Cũng theo kết luận kiểm tra, công ty đã có dấu hiệu che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Công ty cung cấp thông tin tới người tiêu dùng thông qua website với một số nội dung không chính xác.

Đồng thời, công ty đã bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cùng với các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam trong cùng cửa hàng nhưng đã không giới thiệu hoặc thông tin không đầy đủ cho người tiêu dùng về xuất xứ và thành phần của các sản phẩm này.

Bộ Công Thương cho biết, căn cứ kết luận kiểm tra, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng chuyển hồ sơ, vật chứng cho Cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Đồng thời, đôn đốc, theo dõi, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định đối với các sai phạm của công ty theo thẩm quyền.

Vũ Phương