Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp thu phí "cắt cổ" dân trên Quốc lộ 6

23/10/2015 06:46
Bài ảnh: Mai Anh
(GDVN) - Mức thu phí thấp nhất tại Trạm thu phí Quốc lộ 6 đang cao gấp 2,5 lần mức phí tại tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ khiến người dân bức xúc.

Bắt buộc phương tiện phải đi qua 

Những ngày qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của độc giả về mức thu phí cao ngất ngưởng tại Trạm thu phí Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Theo đó các ý kiến phản ánh cho rằng mức thu phí trên tuyến quốc lộ này cao bất thường, gây khó khăn cho người dân.

Trước phản ánh của độc giả, sáng ngày 22/10 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã mục sở thị Trạm thu phí Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Lương Sơn.

Trạm thu phí Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) - ảnh H.Lực
Trạm thu phí Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) - ảnh H.Lực

Đứng quan sát khoảng thời gian ngắn có thể nhận thấy do tuyến Quốc lộ 6 là con đường chính nối các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên với Hà Nội nên lưu lượng xe ô tô đặc biệt ô tô tải, xe khách qua lại khá đông, có thời điểm nhân viên trạm thu phí phải ra hướng dẫn các xe chuyển làn để tiện việc mua vé, tránh ùn tắc.

Được biết, dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình được khởi công từ tháng 5/2014 chủ đầu tư là Liên danh Tổng công ty 36 - Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc.

Tuyến Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình có tổng chiều dài đầu tư 30,36km, tuyến đi toàn bộ trên địa phận tỉnh Hòa Bình bắt đầu từ Km38+00 (Ranh giới Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội và Thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) và kết thúc tại Km70+932,47 (thuộc phường Đồng Tiến, TP. Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình). 

Biểu mức thu phí Quốc lộ 6 (ảnh chụp lại Thông tư 122)
Biểu mức thu phí Quốc lộ 6 (ảnh chụp lại Thông tư 122)

Dù bắt đầu thu phí từ 0h ngày 20/10, tuy nhiên đến sáng nay chủ đầu tư vẫn tiếp tục cho thi công một số hạng mục quanh trạm thu phí như nắp rãnh nước, hạ độ cao taluy đất ngay gần trạm thu phí…

Về mức thu phí trên Quốc lộ 6 theo quan sát của phóng viên bảng niêm yết giá vé được dán công khai ngay cửa soát vé. Theo đó có 5 giá vé khác nhau áp dụng từ 20/10 – 31/12/2015. 

5 loại vé gồm thấp nhất: 25.000 đồng /vé/lượt với xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, cao nhất: 180.000 đồng/vé/lượt với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 fit.

Bắt đầu từ năm 2016, giá vé sẽ được điều chỉnh tăng lên. Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2016 trở đi cũng gồm 5 loại vé, nhưng tăng lên đáng kể so với mức thu ban đầu.

Theo đó, giá vé thấp nhất 35.000 đồng /vé/lượt với xe dưới 12 chỗ, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, cao nhất:  200.000 đồng /vé/lượt với xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe container chở hàng 40 fit.  

Phí đắt hơn cả cao tốc

Mức vé trên được cho là không hợp lý, nếu so sánh với giá vé tại nhiều trạm thu phí khác. So sánh với mức thu phí tại cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có thể thấy mức phí tại Quốc Lộ 6 quá cao.

Cụ thể, sau khi hoàn thành nâng cấp cải tạo đoạn cao tốc Pháp – Vân Cầu Giẽ (dài 29km) bắt đầu thu phí từ 15/9 với mức phí thấp nhất 10.000 đồng (cho đoạn Vạn Điểm - cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và ngược lại). Trong khi với số km nâng cấp cải tạo  mức thu thấp nhất trên Quốc lộ 6 là 25.000 đồng (gấp 2,5 lần).

So sánh về mọi hạng mục dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đều kém hơn nhưng mức phí thấp nhất lại cao hơn mức phí đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến 2,5 lần (ảnh bảng so sánh nguồn: H.Lực)
So sánh về mọi hạng mục dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đều kém hơn nhưng mức phí thấp nhất lại cao hơn mức phí đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến 2,5 lần (ảnh bảng so sánh nguồn: H.Lực)

Mức phí cao trên Quốc lộ 6 còn được thể hiện ở việc số km nâng cấp cải tạo chỉ dài 30,36km và được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng và miền núi với quy mô đảm bảo 02 làn xe cơ giới, đoạn đi trong đô thị có Bmặt=11m, đoạn ngoài đô thị có  Bmặt=8-9m, tốc độ thiết kế 60-80km/h.

Bên cạnh mức thu phí cao, người dân sống xung quanh trạm thu phí quốc lộ 6 cho rằng điểm đặt trạm thu phí không hợp lý ngay sát thị trấn Lương Sơn.

Như vậy người dân thị trấn Lương Sơn sở hữu ô tô cá nhân do công việc trong thị trấn ngày ngày họ phải đi qua lại trạm thu phí, mỗi lần qua lại phải trả phí. Điều này gây khó khăn cho người dân.

Trước băn khoăn người dân phóng viên liên hệ với ông Hoàng Mạnh Hùng, Trạm trưởng trạm thu phí Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình (Công ty Trách nhiệm hữu hạn BOT Quốc lộ 6-Hòa Lạc-Hòa Bình). 

Trao đổi với phóng viên ông Hùng cho biết, mức thu phí trên được thực hiện theo Thông tư Số: 122/2015/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 18/8/2015. Theo ông Hùng Trạm thu phí cũng như công ty chỉ thực hiện. 

Đoạn đường nằm trong dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư đã thu phí
Đoạn đường nằm trong dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 chưa hoàn thành nhưng chủ đầu tư đã thu phí 

Theo quan sát của phóng viên dù Quốc lộ 6 đã thu phí nhưng nhiều đoạn đường vẫn đang tiếp tục thi công. Điều này đặt ra câu hỏi, mức phí cao nhưng phương tiện vẫn di chuyển khó ở đoạn đường đang thi công dở.

Trước đó dư luận từng bức xúc với mức thu phí tại đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ khi mức thu phí lên đến 1.500 đồng/km tương đương với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Trong khi đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ chỉ là cải tạo nâng cấp chi phí bỏ ra không lớn bằng thi công mới.

Bài ảnh: Mai Anh