Sáng 22/9, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về công tác thanh tra, kiểm toán đối với các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên và các dự án BOT khác.
Theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, hiện nay, tổng số các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT do Bộ Giao thông vận tải đang quản lý là 78 dự án với tổng mức đầu tư 218.990 tỷ đồng; trong đó 24 dự án đã bàn giao đưa vào thu phí, 54 dự án đang đầu tư.
Thời gian qua, Bộ đã thành lập 02 Hội đồng rà soát thủ tục đầu tư và dự toán xây dựng 46 dự án, trong đó bao gồm 22 dự án QL1 và QL14 do Thứ trưởng Lê Đình Thọ chủ trì, 24 dự án ngoài QL1 và QL14 do Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì.
Đối với 22 dự án QL1 và QL14, hiện đã hoàn thành xong công tác rà soát dự toán từ tháng 12/2014, Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ, các Ban QLDA, Nhà đầu tư và các đơn vị tư vấn rà soát, điều chỉnh lại dự toán đã phê duyệt cho phù hợp. Song song với đó, Bộ cũng đang tiến hành rà soát 24 dự án ngoài QL1 và QL14.
Dự án mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi (ảnh minh họa) |
Cũng theo Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư, hiện nay các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã và đang triển khai thanh tra, kiểm toán 40 dự án giao thông. Trong đó, Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra 13 dự án, Thanh tra Bộ KH&ĐT đang thanh tra 17 dự án trên QL1, Thanh tra Bộ GTVT đang tiến hành thanh tra 02 dự án QL1 và 04 dự án đường Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã chủ động mời vào kiểm toán toàn bộ các dự án BOT, BT đang triển khai, đến nay đã có kết luận 4 dự án.
Qua một số kết luận và dự thảo kết luận thanh tra, Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư kiến nghị Bộ yêu cầu các Nhà đầu tư, Ban QLDA nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về việc điều chỉnh dự toán và hoàn thiện các thủ tục trong việc lập, phê duyệt dự toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT cũng như rà soát các nội dung mà Thanh tra, Kiểm toán đã nêu.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các doanh nghiệp dự án, Nhà đầu tư phải có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các Ban QLDA giải trình tất cả các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Nhà đầu tư và nghiêm túc thực hiện các kết luận thanh tra cũng như phối hợp với các đơn vị tham mưu thuộc Bộ giải trình tất cả các nội dung liên quan đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dự án BOT đưa vào sử dụng 6 tháng mới được thu phí
Sau khi nghe báo cáo cũng như ý kiến của của đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao sự đóng góp của các Nhà đầu tư đối với các dự án BOT giao thông. Nhiều dự án BOT đã hoàn thành và làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt của hạ tầng giao thông trong thời gian qua.
Tuy nhiên, mặc dù hết sức cố gắng trong việc đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình nhưng các vấn đề về thủ tục vẫn cần phải có sự rút kinh nghiệm những sai sót, tồn tại trong quá trình thực hiện.
Qua đó, Bộ trưởng đề nghị các Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị, chấn chỉnh những tồn tại bất cập để làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây không phải là việc làm đối phó mà là công việc thường xuyên của Bộ để các đơn vị tự đánh giá, tự khắc phục những tồn tại, quan trọng hơn chính các Ban QLDA phải trực tiếp, chủ động vào cuộc cũng các đơn vị tư vấn để làm việc, giải trình rõ với các đoàn thanh tra, kiểm toán.
Các dự án BOT sau khi đưa vào sử dụng 6 tháng phải quyết toán và ký hợp đồng chính thức thời gian thu phí mới được thu phí. Bộ trưởng yêu cầu quản lý vốn của dự án BOT cũng phải chặt chẽ như vốn trái phiếu chính phủ và vốn ngân sách vì đây cũng là tiền của nhân dân đóng góp thông qua mua phí sử dụng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ đạo Ban PPP (Bộ GTVT) ) phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông tham mưu các thể chế chính sach về dự án xây dựng công trình giao thông theo hình thức BOT.
Ngoài ra trong tháng 10/2015, Ban PPP cũng phải công khai toàn bộ tổng mức đầu tư và chi phí các dự án BOT.