Bóc mẽ sai phạm của Công ty Amway và Công ty Thiên Ngọc Minh Uy

16/01/2017 14:54
Mai Anh
(GDVN) - Kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Amway Việt Nam và Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy của Bộ Công Thương cho thấy 2 doanh nghiệp này có nhiều sai phạm.

Phối hợp kiểm tra toàn diện

Ngày 21/3/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1052/QĐ-BCT thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 07 doanh nghiệp, bao gồm:

Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Marketing, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết tri thức, Công ty Cổ phần Tập đoàn liên kết Việt Nam và Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long. 

Thành phần đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý thị trường và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46).

Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra Công ty TNHH Amway Việt Nam và Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy - ảnh minh họa (nguồn Bộ Công Thương).
Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra Công ty TNHH Amway Việt Nam và Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy  - ảnh minh họa (nguồn Bộ Công Thương).

Tuy nhiên ngày 29/4/2016, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 1675/QĐ-BCT nâng cấp Trưởng đoàn kiểm tra lên cấp Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh, đồng thời bổ sung thêm một số thành viên là đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, bao gồm: Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.

Ngày 7/7/2017, Bộ Công Thương chính thức có kết Kết luận kiểm tra Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy.

Đối với Công ty TNHH Amway Việt Nam, qua kiểm tra Bộ Công Thương phát hiện công ty không xuất trình được bằng chứng chứng minh rằng công ty đã thực hiện nghĩa vụ thông báo tới một số Sở Công Thương đối với các lần sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp lần thứ 3 (Cà Mau, Đồng Nai, Khánh Hòa…), lần thứ 4 (Bình Phước, Cà Mau, Kon Tum, Long An….), lần thứ 5 (Bình Định, Bình Dương, Lào Cai, Long An, Hòa Bình, Hưng Yên…), lần thứ 6 (Gia Lai, Lâm Đồng, Long An, Ninh Bình, Ninh Thuận…), lần thứ 7 (Bắc Kạn, Bình Định, Bình Dương, Gia Lai, Hải Dương, Lâm Đồng, Lạng Sơn...).

Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 17 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BCT.

Kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương cho thấy Công ty TNHH Amway Việt Nam có nhiều sai phạm - ảnh nguồn Vietq.
Kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương cho thấy Công ty TNHH Amway Việt Nam có nhiều sai phạm - ảnh nguồn Vietq.

Ngoài ra, Công ty Amway Việt Nam thực hiện đào tạo kiến thức cơ bản cho nhà phân phối thông qua hệ thống đào tạo trực tuyến tại website www.welcome2amway.com nhưng chưa có biện pháp chặt chẽ để đảm bảo nhà phân phối theo dõi và nắm bắt toàn bộ nội dung đào tạo cơ bản.

Công ty vận hành các website thương mại điện tử bán hàng gồm www.bodykey.vn, www.nutrilite.com.vn và www.hotro.phonghopamway.com.vn, đồng thời cho phép nhà phân phối đặt hàng và thanh toán trực tuyến qua website amway2u.com.vn.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, công ty mới đang tiến hành thủ tục bổ sung hồ sơ để Cục Thương mại điện tử, Bộ Công Thương phê duyệt.

... và sai phạm tại Thiên Ngọc Minh Uy

Tại Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy kết quả kiểm tra cho thấy một số sản phẩm thực phẩm chức năng tại kho của Thiên Ngọc Minh Uy có nhãn gốc chưa đúng với nhãn gốc đã đăng ký với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, có dấu hiệu vi phạm quy định về ghi nhãn sản phẩm và lưu thông hàng hóa chưa đủ điều kiện trên thị trường.

Một số hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp của công ty ký với nhà phân phối không ghi đầy đủ thông tin của nhà phân phối theo quy định.

Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Cũng theo Bộ Công Thương, Thiên Ngọc Minh Uy chưa thực hiện việc đào tạo cơ bản, cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp và cấp thẻ thành viên mạng lưới bán hàng đa cấp theo quy định cho toàn bộ nhà phân phối đang hoạt động. 

Ngoài ra, đoàn kiểm tra phát hiện trường hợp nhà phân phối không có tên trong danh sách đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp của công ty nhưng vẫn được công ty cấp chứng chỉ đào tạo cơ bản về bán hàng đa cấp.

Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Theo Bộ Công Thương, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cũng có nhiều sai phạm trong kinh doanh đa cấp - ảnh nguồn Bộ Công Thương.
Theo Bộ Công Thương, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy cũng có nhiều sai phạm trong kinh doanh đa cấp - ảnh nguồn Bộ Công Thương.

Thiên Ngọc Minh Uy không xuất trình được bằng chứng chứng minh rằng công ty đã thực hiện nghĩa vụ thông báo tới một số Sở Công Thương đối với các lần sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp lần thứ 3, thứ 4 và thứ 5 (Hậu Giang, Cần Thơ, Phú Thọ, Bắc Ninh...).

Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 17 Nghị định 42/2014/NĐ-CP, quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BCT.

Năm 2015, Công ty Thiên Ngọc Minh Uy đã không giám sát kịp thời, để cho cơ sở Thiên Phúc - Ân Thi tại Cốc Ngang, Phạm Ngũ Lão, Kim Động, Hưng Yên thực hiện không đúng nghĩa vụ hoàn lại tiền khi mua lại hàng hóa từ nhà phân phối theo quy định tại Điều 26 Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Đối với các sản phẩm mỹ phẩm Kang Yi Dao, công ty cung cấp thêm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cụ thể là cử nhân viên hướng dẫn cách sử dụng và sử dụng sản phẩm để massage cho khách hàng theo các liệu trình tại công ty hoặc một số đại lý của công ty. 

Mặc dù công ty không thu phí hướng dẫn và massage sản phẩm mà khách đã mua nhưng việc cung cấp dịch vụ massage, chăm sóc sức khỏe kèm theo dòng sản phẩm mỹ phẩm Kang Yi Dao có nhiều khả năng gây hiểu nhầm là công ty kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo phương thức đa cấp, không phù hợp với đối tượng kinh doanh bán hàng đa cấp theo quy định tại Điều 4 Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Công ty ký một hợp đồng, cấp một mã số khách hàng cho nhà phân phối nhưng cho phép nhà phân phối có nhiều mã số đơn hàng và hưởng quyền lợi theo chương trình trả thưởng đối với các mã số đơn hàng đó.

Hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm p khoản 1 Điều 5 Nghị định 42/2014/NĐ-CP.

Bóc mẽ sai phạm của Công ty Amway và Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ảnh 4

Dân khóc, Bộ ủng hộ

Bóc mẽ sai phạm của Công ty Amway và Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ảnh 5

Amway bị tố gây hại sức khỏe: “Con dao hai lưỡi” thực phẩm chức năng

Bóc mẽ sai phạm của Công ty Amway và Công ty Thiên Ngọc Minh Uy ảnh 6

Nước rửa bát Amway bị tố làm da tay nổi mụn nước, ngứa như tổ đỉa

Năm 2015, Công ty đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại dưới dạng tặng tiền mặt cho các nhà phân phối theo phương thức đa cấp đối với từng đơn hàng.

Theo đó, giá trị tiền mặt khuyến mại mà nhà phân phối có thể được hưởng từ từng đơn hàng có thể vượt quá giá trị của đơn hàng đó.

Với kết luận kiểm tra nói trên, tùy theo tính chất của hành vi có dấu hiệu vi phạm, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền.

Riêng đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh triển khai quy trình xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. 

Tấn công mạnh doanh nghiệp vi phạm kinh doanh đa cấp 

Năm 2016 được xem năm Bộ Công Thương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp với hàng loạt hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện ở nhiều doanh nghiệp khác nhau.

Tính đến đầu tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã “xóa sổ” tới 25 công ty đa cấp. Hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 42 so với con số 67 công ty năm 2015.

Trong số 25 doanh nghiệp bị xóa sổ có 14 công ty bị thu hồi giấy phép; 11 doanh nghiệp tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đạt khoảng 4.000 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài là khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần, doanh thu của các doanh nghiệp trong nước là khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần).

Các doanh nghiệp đã tiến hành chi trả tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác với số tiền gần 712 tỷ đồng cho người tham gia bán hàng đa cấp.

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 là khoảng 500.000 người (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015 (hơn 1,16 triệu người).

Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã nộp các loại thuế với tổng số tiền là 452 tỷ đồng.

Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là: thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31,65%), đồ gia dụng (12,33%).

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tích cực triển khai công tác xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016, đầu năm 2017 với các định hướng cơ bản như: minh bạch hóa hoạt động bán hàng đa cấp; nâng cao thẩm quyền của cơ quan quản lý ở địa phương đối với hoạt động bán hàng đa cấp…

Bộ Công Thương khẳng định năm 2017 sẽ triển khai sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi, kiến nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật hình sự 2015.

Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc.

Mai Anh