Mâu thuẫn nội bộ, "phép thử" thương hiệu Trung Nguyên

17/12/2015 06:53
Mai Anh
(GDVN) - Mâu thuẫn đang diễn ra tại Tập đoàn Trung Nguyên chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu nhưng đó cũng là phép thử đo lường sức mạnh doanh nghiệp này.

Phép thử sức mạnh doanh nghiệp

Câu chuyện Trung Nguyên tạm dừng sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan G7 cũng đi đến hồi kết sau khi Tập đoàn Trung Nguyên ra thông báo nối lại việc cung cấp sản phẩm này ra thị trường. 

Trước đó ngày 16/11/2015, Trung Nguyên phát đi thông báo chính thức tiếp tục tạm ngưng cung cấp một số sản phẩm thuộc nhóm hàng hòa tan. Thời gian ngưng cung cấp từ ngày 17/11 – 30/11/2015. 

Dù Trung Nguyên đưa lý giải việc ngừng sản xuất do bảo trì máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất, do nhu cầu đặt hàng từ các nhà phân phối, khách hàng tại thị trường Việt Nam và quốc tế đều gia tăng đột biến, cùng lúc vào thời điểm cuối năm… song nhiều nguồn tin khác đã khẳng định, việc đột xuất ngưng cung cấp cà phê G7 do sự tranh chấp về tài sản liên quan đến khả năng ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo - Tổng giám đốc công ty Trung Nguyên IC (thành viên của Tập đoàn Trung Nguyên).

Sản phẩm cà phê hòa tan G7 (ảnh nguồn Trung Nguyên).
Sản phẩm cà phê hòa tan G7 (ảnh nguồn Trung Nguyên).

Chính những thông tin bất lợi về chuyện gia đình của vị Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên đã khiến khách hàng và nhà đầu tư hoang mang, lo lắng thời gian qua, trong đó nỗi lo lớn nhất là thương hiệu cà phê Trung Nguyên bị ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường cà phê chế biến sẵn diễn ra khốc liệt. 

Đánh giá về lo ngại này, ông Hoàng Tùng – chuyên gia thương hiệu, CEO Pizza Home thừa nhận: Ở mẫu doanh nghiệp gia đình, rõ ràng mâu thuẫn nội bộ giữa gia đình sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp là đương nhiên. 

Trường hợp của Trung Nguyên, mâu thuẫn giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thương hiệu Trung Nguyên và các thương hiệu con của Trung Nguyên.

“Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một điều rằng mâu thuẫn trong kinh doanh là một phần tất yếu và nó cũng là một trong những phép thử đo lường sức mạnh của doanh nghiệp. Qua những va vấp, những khó khăn, doanh nghiệp sẽ khẳng định bản lĩnh của mình”, ông Tùng nhận định.

Theo ông Tùng, rất nhiều doanh nghiệp gia đình với những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới của Hàn Quốc hay Nhật Bản… đều đã từng gặp sóng gió với những xích mích trong nội bộ gia tộc. 

“Điều quyết định lại nằm chính ở mức mạnh nội tại của doanh nghiệp chứ không hẳn nằm toàn bộ trong mối quan hệ giữa các thành viên gia tộc”, ông Tùng cho biết.   

Sự im lặng khôn ngoan của ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Theo dõi câu chuyện Trung Nguyên suốt thời gian qua dễ thấy, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên luôn im lặng bất chấp truyền thông và dư luận có những nhận định phân tích khác nhau.

Ở góc nhìn người làm thương hiệu, ông Tùng cho rằng với vị thế và hình ảnh của mình, ông Đặng Lê Nguyên Vũ im lặng là hợp lý.

Theo chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng, việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cách im lặng lúc này là một sự khôn ngoan.
Theo chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng, việc ông Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cách im lặng lúc này là một sự khôn ngoan.

“Khi một vấn đề có khả năng gây tranh cãi cao, không rõ đúng sai và tương đối mang tính cá nhân thì việc đưa lên mặt báo sẽ gây hại nhiều hơn được lợi cho cả doanh nghiệp lẫn cả người tiêu dùng. Việc tranh cãi trên mặt báo sẽ chỉ khiến nội tình thêm rối rắm và thương hiệu bị ảnh hưởng”, ông Tùng nói.

Theo ông Tùng, trường hợp tốt nhất là phía ông Vũ và bà Thảo có thể ra một thông cáo chung. Nếu làm được vậy sẽ mang lại hai tác động tích cực

Thứ nhất, có thể khiến dư luận chấm dứt những đồn đoán thất thiệt không có thực.

Thứ hai, khiến toàn bộ cán bộ công nhân viên của Trung Nguyên yên tâm làm việc.

Thứ ba, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu Trung Nguyên.

Ông Tùng nhấn mạnh, với những lùm xùm xảy ra trong thời gian qua thì rõ ràng thương hiệu Trung Nguyên có thể chịu những ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn.

Tuy nhiên về mặt dài hạn, người tiêu dùng sẽ sử dụng sản phẩm cũng sự gắn kết với thương hiệu. Sẽ rất ít người mất thời gian suốt ngày theo dõi tình trạng hôn nhân của ông Đặng Lê Nguyên Vũ để quyết định mua Café G7.

Theo ông Tùng, người tiêu dùng quyết định gắn kết với doanh nghiệp chủ yếu ở góc độ doanh nghiệp có thực sự mang đến cho thị trường sản phẩm tốt hay không? Thứ hai, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp ra thị trường có thực sự đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hay không? 

“Xét hai mặt này, có lẽ Trung Nguyên sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều nếu kịp xốc lại hoạt động sản xuất và có những chiến dịch marketing thực sự ấn tượng trong thời gian tới”, ông Tùng kết luận. 

Mai Anh