Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Trà Vinh là vùng đất mà những thế kỷ trước là nơi “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”, đã chứng kiến biết bao nhiêu kỳ tích khai hoang lập địa của tổ tiên chúng ta.
Những thế hệ người Khmer, người Kinh, người Chăm, người Ấn đã chung lưng đấu cật, cùng nhau làm nên hào khí Trà Vinh kể từ phong trào Cần Vương cho đến hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
“Có thể nói vùng đất mầu mỡ nằm giữ hai con sông Tiền, sông Hậu, ngó ra Biển Đông đã thấm nhuộm biết bao mồ hôi, nước mắt và sự hy sinh to lớn của nhiều thế hệ cha ông của chúng ta, của biết bao nhiêu anh hùng nghĩa sĩ, đồng chí, đồng bào đã ngã mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc”, Thủ tướng bày tỏ.
Sau 25 năm tái lập, phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Trà Vinh đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thách thức, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Trong đó, phải kể đến kinh tế tăng trưởng bình quân đạt trên 11%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 33 lần so với năm 1992 và tăng 5 lần so với năm 2006. Thu ngân sách Nhà nước tăng 46 lần…
“Chúng ta vui mừng trước những thành tựu của Trà Vinh đã đạt được 25 năm qua, nhưng thực tế tỉnh còn nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác tốt”, Thủ tướng nói.
Nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh nhưng phát triển chưa tương xứng với quy mô. Công nghiệp còn nhỏ. Kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh là nhỏ và siêu nhỏ.
Đặc biệt, tỉnh cần có chủ trương, biện pháp ứng phó hiệu quả với tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Về quan điểm phát triển tỉnh Trà Vinh trong tương lai, Thủ tướng chia sẻ Trà Vinh phải trở thành tỉnh kiểu mẫu về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng tốt các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như lợi thế hướng biển để xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại;
Tích hợp nông nghiệp thông minh với mũi nhọn công nghiệp chế biến sâu; tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; đề cao bản sắc địa phương và tư duy bao trùm trong mọi chiến lược phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Trà Vinh. ảnh: VGP. |
Nhân dịp này, Thủ tướng nêu ra 5 nhiệm vụ trọng tâm đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh.
Một là rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực, chú trọng hình thức hợp tác công-tư nhằm từng bước phát triển hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính liên vùng để từ đó khai thông tốt hơn nữa khả năng kết nối đa lĩnh vực với các tỉnh Tây Nam Bộ.
Cần lưu ý Trà Vinh và Sóc Trăng là 2 địa phương với nhiều đặc điểm giống nhau.
Hai tỉnh cần thường xuyên đối thoại, tương tác chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, phối hợp triển khai các loại hoạch định phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế của nhau trong việc thu hút đầu tư nói riêng và vì sự phát triển của hai địa phương nói chung.
Thứ hai, ưu tiên nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện liên kết chuỗi giá trị và phát triển theo tư duy cụm ngành. Chú trọng khâu then chốt là tạo dựng những thương hiệu nông sản địa phương mang bản sắc Trà Vinh.
Thay vì dàn trải, tỉnh cần có chiến lược ưu tiên trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và đặc biệt phát huy vai trò kinh tế tư nhân để từ đó, hoàn thiện năng lực, tiếp cận thu hút đầu tư và thực hiện các chính sách hỗ trợ hợp lý như tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, phát triển khả năng đánh bắt xa bờ và chế biến sâu…
Để nông nghiệp và nông thôn phát triển toàn diện, có tính bao trùm, tỉnh cần mở rộng từ liên kết 4 nhà thành liên kết 5 nhà, gồm Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng.
Tất cả mọi người, mọi đối tượng đều phải được trao cơ hội. Tinh thần khởi nghiệp, ý chí vươn lên làm giàu cần được nhân rộng, phát huy trong tất cả cộng đồng người Khmer, người Kinh, người Hoa, người Chăm, người Ấn để trở thành nét văn hóa của người dân và doanh nhân Trà Vinh.
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đến năm 2020, tăng lên trên 5.000 doanh nghiệp, gấp 3 lần số doanh nghiệp hiện nay.
Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch. Phấn đấu đến năm 2020, thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch.
Phát triển công nghiệp theo hướng chú trọng các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như năng lượng, chế biến nông, thủy sản, thực phẩm. Tăng cường quản lý các loại tài nguyên, trong đó có tài nguyên du lịch.
Chú trọng bảo vệ môi trường. Chủ động ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Thực hiện các giải pháp nhằm chủ động phòng chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên nước, đất, rừng.
Trà Vinh phải là nơi an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tốt trước mọi yếu tố thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu thì nơi đây mới có thể trở thành môi trường đầu tư hấp dẫn, là nơi đáng sống, có khả năng thu hút người giàu, người giỏi đến với Trà Vinh.
Thứ tư, thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, chương trình giảm nghèo đa chiều. Quan tâm chăm lo cho các gia đình có công, gia đình chính sách và đồng bào dân tộc Khmer.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo. Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, giúp nhau cùng tiến bộ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh.
Thứ năm, các cấp ủy chính quyền cần không ngừng nâng cao trách nhiệm, năng lực, hiệu lực, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng bộ máy hành chính kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho nhân dân và cán bộ tỉnh Trà Vinh.