Cần một cuộc đại phẫu cắt bỏ "ung nhọt" trong đầu tư BOT giao thông

08/01/2018 06:09
Lại Cường
(GDVN) - Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, vấn đề của BOT thời gian vừa qua vẫn là câu chuyện thiếu minh bạch, cho nên rất cần có một giải pháp tổng thể.

Không chỉ BOT (Xây dựng, khai thác, chuyển giao) Cai Lậy, hàng loạt các trạm BOT trên cả nước đã và đang bị các tài xế phản đối.

Mới nhất, trong ngày 7/1, trước sức ép của các lái xe ở nhiều làn xe, để tránh ùn tắc kéo dài, trạm BOT tại Sóc Trăng đã phải xả trạm 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều.

Trước đó, ngày 6/1, nhiều tài xế tiếp tục chạy ô tô đến trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp dừng lại phản đối việc thu phí. Nhiều tài xế không chịu trả tiền, đậu ô tô trong thời gian dài.

Một số trường hợp dùng tiền lẻ thấm ướt để mua vé qua trạm, khiến nhân viên mất thời gian kiểm đếm, gây ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1.

Cũng trong ngày 6/1, do bị nhiều tái xế phản đối, chủ đầu tư BOT Sông Phan đặt trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã phải cho xả trạm để giải tỏa ùn tắc giao thông.

Trạm BOT Sóc Trăng cũng bị nhiều tài xế phản đối và đã hai lần phải xả trạm vào ngày 7/1. ảnh: Báo Người lao động.
Trạm BOT Sóc Trăng cũng bị nhiều tài xế phản đối và đã hai lần phải xả trạm vào ngày 7/1. ảnh: Báo Người lao động.

Việc tài xế phản ứng với trạm BOT đang có xu hướng diễn ra ở nhiều nơi và đều xoay quanh hai nguyên nhân chính: Vị trí đặt trạm không hợp lý và mức thu phí không hợp lý, trong khi các xe đều đã phải đóng phí bảo trì đường bộ.

Từ các vụ việc xảy ra tại trạm BOT Cai Lậy, trạm BOT Bến Thủy đến BOT Phụng Hiệp, BOT Sông Phan... đang cho thấy những rắc rối trong công tác quản lý đầu tư BOT giao thông chưa được giải quyết triệt để, và nếu cứ tiếp tục kéo dài thì rất có thể còn gây ảnh hưởng tới an ninh xã hội.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chiều ngày 7/1, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, ông không hề bất ngờ khi các tài xế liên tiếp phản ứng ở nhiều trạm BOT, vì những bức xúc về vị trí đặt trạm hay mức thu chưa được xử lý dứt điểm.

Ông Bảo cho rằng, BOT là hình thức đầu tư hoàn toàn đúng đối với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay. Nếu BOT được triển khai đúng chủ trương, đúng mục đích, minh bạch sẽ đem lại lợi ích không chỉ cho người dân, doanh nghiệp mà còn cả môi trường đầu tư của Việt Nam.

Với những tồn tại hiện nay thì cần một giải pháp tổng thể chứ không thể giải quyết theo kiểu chạy theo từng trạm như thời gian vừa qua.

Cần một cuộc đại phẫu cắt bỏ "ung nhọt" trong đầu tư BOT giao thông ảnh 2

"Di sản" của ông Đinh La Thăng khiến Bộ Giao thông chịu nhiều áp lực

“Hiện nay không chỉ đầu tư BOT trong giao thông mà cần mở rộng ra các lĩnh vực dịch vụ công khác.

Xét về mặt lý thuyết thì hình thức đầu tư BOT vẫn là tốt nhất, nhưng vấn đề đặt ra là những người quản lý, thực hiện chủ trương này có làm đúng hay không mà thôi”, ông Bảo cho biết.

Lý giải về hiện tượng các tài xế liên tục phản đối các trạm BOT giao thông, ông Bảo cho rằng: “Như tôi đã nói nhiều lần trước, vấn đề của BOT thời gian vừa qua vẫn là câu chuyện thiếu minh bạch.

Chính vì thiếu minh bạch nên đã tạo ra những hệ lụy xấu và dẫn phản ứng của người dân, lái xe…

Không chỉ phản đối việc đặt sai vị trí trạm BOT, nhiều tài xế còn cho rằng mình đã đóng tiền bảo trì đường bộ rồi nên những con đường đã có sẵn mà cơ quan quản lý lại cho cải tạo và đặt trạm BOT thu phí là không hợp lý. Ở đây rõ ràng tài xế có cái lý của họ.

Còn nếu doanh nghiệp đầu tư hoàn toàn một con đường mới và ai sử dụng dịch vụ sẽ đều vui vẻ trả tiền, như vậy mới đúng là đầu tư BOT”, ông Bảo nêu vấn đề.

Với những phản ứng của tài xế các trạm như vừa qua, ông Bảo cho rằng cần phải giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng của BOT, nếu không rất nguy hiểm.

“Nếu không giải quyết dứt điểm, sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Không một doanh nghiệp nào dám làm BOT nữa. Hình ảnh của BOT hiện nay như một thứ ung nhọt, tạo ra những bức xúc cho xã hội, cho nên cần phải có một cuộc đại phẫu cắt bỏ những ung nhọt ấy.

Cách giải quyết những sai phạm trong đầu tư BOT như thời gian qua của Bộ Giao thông Vận tải là không đi đến được tận gốc của vấn đề.

Một chủ trương tốt nhằm phục vụ người dân, phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội mà khi triển khai vào thực tế lại xảy ra nhiều vấn đề như vậy thì dứt khoát phải xem lại năng lực của cơ quan quản lý”, ông Bảo đánh giá.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng để xử lý những "ung nhọt" trong đầu tư BOT giao thông cần một giải pháp tổng thể chứ không thể chạy theo từng trạm. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng để xử lý những "ung nhọt" trong đầu tư BOT giao thông cần một giải pháp tổng thể chứ không thể chạy theo từng trạm. Ảnh: Ngọc Quang.

Theo ông Bảo: “Hiện nay cả nước có đến hơn 70 trạm BOT giao thông và nhiều trạm đã ở vào tình trạng như các trạm Cai Lậy, Phụng Hiệp thời gian qua.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, Chính phủ cần sớm kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hệ thống BOT trên cả nước. Sau đó, cần nhìn nhận lại vấn đề về điểm đặt trạm, thời gian thu phí xem có hợp lý hay không?

Theo tôi, Bộ Giao thông Vận tải phải trình Chính phủ một đề án để giải quyết tổng thể các vấn đề của BOT, mà lẽ ra việc này phải làm từ lâu rồi.

Cái gốc của vấn đề dự án BOT hiện nay là dính đến tiền vay của ngân hàng. Nếu bây giờ điều chỉnh thời gian thu, nó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều doanh nghiệp tay không bắt giặc.

Cần một cuộc đại phẫu cắt bỏ "ung nhọt" trong đầu tư BOT giao thông ảnh 4Xử lý nghiêm nếu các dự án BOT có liên quan đến tiêu cực, lợi ích nhóm

Có những dự án BOT mà Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ định thầu cho doanh nghiệp không đủ năng lực, phải đi vay gần như 100% để đầu tư.

Như vậy, để giải quyết vấn đề của BOT không phải giải quyết từng địa điểm một mà cần một giải pháp tổng thể. Nếu cần thiết, cũng cần tính đến phương án nhà nước phải mua lại một số dự án BOT”, ông Bảo cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết thêm, bên cạnh các vấn đề của hầu hết các trạm BOT trên cả nước, vấn đề quỹ bảo trì đường bộ cũng cần phải được minh bạch hóa.

"Năm 2016, tổng nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương là hơn 10.265 tỷ đồng; bao gồm, nguồn thu từ chủ ô tô thu thông qua đăng kiểm 6.200 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng và nguồn chưa sử dụng năm 2015 gần 500 tỷ đồng.

Năm 2017, quỹ bảo trì đường bộ cũng đã thu được hàng nghìn tỷ đồng. Số tiền này đã, đang và sẽ được chi như thế nào?

Người dân cần được biết quỹ bảo trì đường bộ đó được chi có đúng mục đích hay không. Vấn đề này phải công khai minh bạch, vì đó là tiền thu từ dân để bảo trì sửa chữa đường.

Người dân có quyền được hưởng một con đường tốt hơn khi họ đóng quỹ bảo trì đường bộ. Số tiền đó không phải để các cơ quan thu quỹ muốn làm gì thì làm đầu tư vào đâu thì đầu tư được", ông Bảo nêu vấn đề.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, trong quá trình giải quyết những rắc rối nảy sinh từ các dự án BOT, rất cần phải lưu ý đến những phản ứng có lý của người dân, đó là họ đã đóng tiền phí bảo trì đường bộ cho xe tô tô khi đăng kiểm, thế mà vẫn phải trả tiền cho việc sửa đường của doanh nghiệp là rất không hợp lý.

Lại Cường