Chính phủ quyết liệt, ùn tắc Tân Sơn Nhất sẽ được hóa giải

26/02/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Bùi Thị An, Chính phủ quyết liệt và Bộ Quốc phòng không cục bộ mà vì lợi ích chung nên vấn đề ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được hóa giải.

Tại cuộc họp mới nhất với các bộ, ngành bàn phương án nâng cấp sân bay Long Thành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC – Bộ Quốc phòng) trình bày 7 phương án điều chỉnh quy hoạch, mở rộng, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được đưa ra, phương án 3B được xem là đột phá khi đưa ra vấn đề thu hồi 90,1 ha đất quân sự và 157,3 ha đất sân golf.

Cùng với việc trước đó Bộ Quốc phòng ký bàn giao 21ha đất cho Bộ Giao thông vận tải để triển khai xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay theo phương án đã được đề ra.

Có thể thấy vấn đề giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất đang có bước chuyển đột phá tạo niềm tin lớn trong nhân dân.

Sau khi được nâng cấp, sân bay Tân Sơn Nhất đủ sức phục vụ 45 triệu khách/năm và có thể nâng thêm công suất nếu được mở rộng hơn nữa. ảnh: H.Lực.
Sau khi được nâng cấp, sân bay Tân Sơn Nhất đủ sức phục vụ 45 triệu khách/năm và có thể nâng thêm công suất nếu được mở rộng hơn nữa. ảnh: H.Lực.

Chính phủ nhạy bén - Bộ Quốc phòng không cục bộ

Đánh giá chỉ đạo của Chính phủ với vấn đề giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất thời gian vừa qua, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho biết: “Chính phủ đã thể hiện sự nhạy bén trong điều hành khi quyết định nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất thay vì chờ sân bay Long Thành”.

Từng có ý kiến phát biểu khi góp ý về dự án sân bay Long Thành cách đây hơn 2 năm, PGS.TS Bùi Thị An nhớ lại: Lúc đó có nhiều ý kiến cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất không thể nâng cấp, bên cạnh đó cũng có ý kiến nói Tân Sơn Nhất cứ để như vậy vẫn có thể khai thác được nhiều năm nữa.

Tuy nhiên, thực tế trong 2 năm qua đã chứng minh sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải. Theo thiết kế sân bay có công suất 25 triệu hành khách/ năm nhưng riêng năm 2016 sân bay này phục vụ lượng hành khách lên đến 32 triệu.

“Khi bàn về Long Thành tôi đã phát biểu phải đánh giá lại hiệu quả sân bay Tân Sơn Nhất xem như thế nào, bất cập ở đâu? Long Thành cần nhưng đó là thị trường mở đến năm 2035, trước mắt cần tìm giải pháp cho Tân Sơn Nhất”, bà An cho biết.

PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII khẳng định ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được giải quyết từ sự nhạy bén của Chính phủ - ảnh Ngọc Quang/Giaoduc.net.vn
PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII khẳng định ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được giải quyết từ sự nhạy bén của Chính phủ - ảnh Ngọc Quang/Giaoduc.net.vn

Có thể nói trong thời gian dài dù yêu cầu nâng cấp Tân Sơn Nhất được đặt ra nhưng vẫn chưa có giải pháp nào cụ thể. Trong khi nhiều ý kiến chuyên gia đặt vấn đề thu hồi diện tích đất sân golf, diện tích đất quân sự do Bộ Quốc phóng quản lý để nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên hầu hết ý kiến đó vẫn chỉ là quan điểm riêng của các chuyên gia hàng không, về phía cơ quan nhà nước vẫn chưa có quyết định chính thức được đưa ra.

Sự kéo dài đó dẫn đến Tân Sơn Nhất ngày một ùn tắc. Giữa lúc tưởng rằng Tân Sơn Nhất sẽ “vỡ trận” hàng không thì sự quyết liệt của Chính phủ đã đưa đến kết quả tích cực trong giải pháp nâng cấp Tân Sơn nhất.

“Trong lúc vấn đề ùn ứ máy bay, chậm chuyến do ùn tắc tại Tân Sơn Nhất gây thiệt hại cho các hãng hàng không và nền kinh tế thì Chính phủ đã rất nhạy bén quyết định tận dụng những điều kiện đang có để giải quyết vấn đề trước mắt.

Nghĩa là quyết định nâng cấp Tân Sơn nhất thay vì gò cứng để chờ sân bay Long Thành. Đây quyết sách rất hay, thể hiện sự nhạy bén trong điều hành giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không và nền kinh tế”, bà An đánh giá.

TPhương án 3B tuy có chi phí gấp ba lần phương án số 3 nhưng lại thể hiện tầm nhìn chiến lược có thể nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 80 triệu hành khách. ảnh: VGP.
TPhương án 3B tuy có chi phí gấp ba lần phương án số 3 nhưng lại thể hiện tầm nhìn chiến lược có thể nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 80 triệu hành khách. ảnh: VGP.

Bên cạnh sự điều hành nhạy bén của Chính phủ, bà Bùi Thị An cũng rất mừng khi Bộ Quốc phòng ký bàn giao 21 ha đất cho Bộ Giao thông vận tải thực hiện các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo PGS.Bùi Thị An, 21ha đất Bộ Quốc phòng bàn giao để xây dựng thêm điểm đỗ tàu bay, đường lăn, nhà ga qua đó giảm ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất có ý nghĩa rất lớn.

Sân bay Tân Sơn Nhất có vị trí địa chính trị, kinh tế quan trọng của đất nước. Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ có ý nghĩa với phát triển kinh tế Việt Nam mà con mang ý nghĩa khu vực Đông Nam Á, ý nghĩa để thúc đẩy quan hệ bang giao Việt Nam và các nước. 

Chính phủ quyết liệt, ùn tắc Tân Sơn Nhất sẽ được hóa giải ảnh 4

Thấy gì từ những phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất?

Chính phủ quyết liệt, ùn tắc Tân Sơn Nhất sẽ được hóa giải ảnh 5

Chuẩn bị báo cáo Thủ tướng phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

"Nếu quốc tế đến Việt Nam phải chờ đợi chuyến bay vì tình trạng ùn tắc của sân bay Tân Sơn Nhất thì không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế mà còn ảnh hướng đến hình ảnh của Việt Nam”, bà An đưa ra cảnh báo.

Bà Bùi Thị An cũng đưa ra nhận định: “Phải nói việc Bộ Quốc phòng trả lại đất cho Bộ Giao thông vận tải nâng cấp cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất là điều rất tốt vì nếu Bộ Quốc phòng cục bộ lấy cớ đất đã giao cho tôi nên tôi có quyền... 

Tuy nhiên vì lợi ích chung các đồng chí đã trả lại để giải quyết vấn đề ùn tắc tại Tân Sơn Nhất là điều đáng mừng”.

Cần thiết thu hồi đất sân golf

Bên cạnh việc bàn giao 21ha đất để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, theo bà Bùi Thị An, tiếp tục vì mục đích chung cho nên Bộ Quốc phòng cần tính đến phương án giải tỏa diện tích đất sân golf và những phần diện tích đất chưa sử dụng đến và diện tích đất sử dụng các mục đích không cần thiết, không cấp bách.

“Sự điều hành nhạy bén của Chính phủ trong vấn đề giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất đã mang lại niềm tin lớn cho người dân. Tiếp tục điều hành ấy Chính phủ nên bàn tiếp Bộ Quốc phòng về việc bàn giao đất quân sự và đất sân golf để tiếp tục nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất”, bà An cho biết.

Từ sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự “hy sinh” vì quyền lợi chung của Bộ Quốc phòng đã đặt ra bài học các địa phương trong vấn đề giao đất dự án.

“Có thể đất đã được giao để thực hiện các dự án tuy nhiên nếu vì tình hình cấp bách phải sử dụng diện tích đất đã quy hoạch đã bàn giao, các địa phương phải nhạy bén để đảm bảo phát triển tốt trong ngắn hạn đồng thời cũng có cái nhìn trong dài hạn”, bà An cho biết thêm.

Khi biết thông tin trong phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất Chính phủ đặt vấn đề lấy đất sân golf, đất quân sự TS.Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn HASCON, một chuyên gia hàng không bền bỉ giữ quan điểm nâng cấp Tân Sơn Nhất cũng bày tỏ niềm vui, sự tin tưởng.

“Khi biết thông tin Chính phủ quyết định nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất tôi rất vui, càng vui hơn khi vấn đề lấy đất sân golf lần đầu được bàn đến. Điều đó cho thấy những ý kiến góp ý của chúng tôi đã được lắng nghe”, TS.Phúc cho biết.

Theo TS.Phúc, chỉ cần thực hiện thu hồi đất sân golf, đất quân sự có thể nâng cấp Tân Sơn Nhất lên đến 80 triệu hành khách lúc đó không cần thiết xây dựng sân bay Long Thành.

“Như vậy quyết định nâng cấp Tân Sơn Nhất của Chính phủ là nhất cử lưỡng tiện, vừa giải quyết được ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất vừa chứng minh không cần thiết xây dựng sân bay Long Thành vì vậy nếu đầu tư sẽ lãng phí”, TS. Phúc nhận định.

Mai Anh