"Đã đến lúc ngành mía đường phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng"

28/04/2015 07:49
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Minh Phong, đã đến lúc ngành mía đường phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng...

Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 50.000 tấn đường với thuế suất trong hạn ngạch 2,5% xóa tan những nghi ngờ cho rằng đang có những ưu đãi của Chính phủ và Bộ ngành cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai.

Còn nhớ thời điểm Bộ Công Thương đề xuất cho Hoàng Anh Gia Lai nhập đường với thuế suất 0%, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã lên tiếng phản đối cho rằng đường sản xuất tại Lào có giá thành thấp lại đường ưu đãi thuế 0% sẽ khiến doanh nghiệp Mía đường trong nước càng gặp khó khăn.

Mía đường Hoàng Anh Gia Lai có giá rẻ hơn giá mía đường trong nước
Mía đường Hoàng Anh Gia Lai có giá rẻ hơn giá mía đường trong nước

Tuy nhiên, với việc cho phép Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào nằm trong hạn ngạch, Hiệp hội Mía đường Việt Nam thừa nhận không ảnh hưởng đến thị trường mía đường trong nước.

Đánh giá dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng để cho phép Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lại được nhập 50.000 tấn đường trong hạn ngạch cho phép tức là nhà nước phải tính toán nhu cầu trong nước như thế nào.

“Quan điểm Chính phủ trong việc điều hành ngành mía đường là nên có sự cạnh tranh mặc dù ban đầu sẽ gây ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp mía đường trong nước. Rõ ràng việc cho nhập đường của  Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào vào sẽ tạo cạnh tranh khi đường Hoàng Anh Gia Lai giá thành thấp hơn, doanh nghiệp trong nước muốn giữ thị phần buộc phải cạnh tranh”, TS Phong cho biết.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong

Và để cạnh tranh, doanh nghiệp mía đường trong nước phải cải tổ lại bộ máy bằng việc cơ cấu lại bộ máy nhân sự, chủ động nguồn nguyên liệu khép kín để chủ động về giá và chất lượng nguyên liệu.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, đã đến lúc ngành mía đường phải chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng còn như hiện nay giá bán đường trong nước và thế giới quá chênh lệch khiến người dân chịu thiệt còn ngành mía đường không phát triển được.

“Vì vậy có hai cách lựa chọn một là thu hẹp hai là chuyển đổi thì mới cạnh tranh được”, TS Phong nhận định. 

Giữa hai sự lựa chọn trên thì nên lựa chọn thay đổi để cạnh tranh, thay vì cấp hạn ngạch cho doanh nghiệp khác tự tìm cách nhập đường về tinh luyện xuất khẩu nay Chính phủ cho phép doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại nước ngoài đưa đường sản xuất tại nước đó với giá thành thấp nhập về Việt Nam để tinh luyện xuất khẩu. Như vậy cùng lúc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Thứ nhất giúp tạo việc làm cho người lao động, công nhân các doanh nghiệp mía đường trong nước.

Thứ hai giúp tăng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, tăng lợi nhuận doanh nghiệp từ đó làm giàu cho đất nước. Nếu trước đây việc nhập khẩu đường để tinh luyện doanh nghiệp trong nước phải chịu nhập đường thô với giá cao thì nay do chủ động nguyên liệu nhập là đường trồng từ nước khác nên giá nhập sẽ thấp, lợi nhuận doanh nghiệp tăng đóng thuế nhiều cho nhà nước…

Thứ ba nhằm hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp bước đầu đầu tư tại nước ngoài. Bởi đằng nào Việt Nam cũng phải nhập khẩu đường để linh luyện, vậy thay vì nhập khẩu các nước nhập khẩu từ đường được chính doanh nghiệp Việt Nam sản xuất tại nước ngoài.

Từ những phân tích trên TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc cho phép Hoàng Anh Gia Lai nhập 50.000 tấn đường là hợp lý. 

Trước đó nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc cho nhập đường từ nước ngoài về được xem là "phép thử" đối với ngành mía đường Việt Nam, buộc phải cạnh tranh để nâng chất lượng và giảm giá thành.

Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết: "Cơ quan quản lý nhà nước nên mạnh dạn để ngành mía đường bung ra, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa xuất khẩu. Tức là để ngành mía đường hoạt động theo đúng nghĩa thị trường chứ việc gì phải ôm bế? Phải thoải mái như tất cả các ngành khác.

Phải mở cửa mà là không cần bảo hộ. Cứ để cho cơ chế thị trường thanh lọc, doanh nghiệp nào ‘chết’ cho ‘chết luôn’ chứ có chế thị trường không thể để làm kiểu bao bọc mãi", ông Tam khẳng định.

Có lẽ góc nhìn người trong nghề như ông Tam cũng chính là tiếng nói thị trường khẳng định kinh tế Việt Nam sang giai đoạn khác cơ chế xin cho không còn thay vào đó là việc để cho thị trường tự thanh lọc, đào thải. 

Mai Anh