Doanh nghiệp hưởng lợi, còn hậu quả thì ai gánh chịu?

13/04/2017 07:00
Mai Anh
(GDVN) - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, hệ lụy việc lấp hồ rất lớn, lấp hồ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô.

Thông tin về việc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đô thị Việt Hưng (Vihajico) đề xuất lấp hồ Thành Công (Hà Nội) để xây dựng nhà tái định cư đang gây xôn xao dư luận.

Mặc dù lãnh đạo thành phố Hà Nội đã lên tiếng rằng đây chỉ là đề xuất của doanh nghiệp, tuy nhiên nhìn góc độ môi trường thì đây là một bài học không thể coi thường.

Nhiều chuyên gia khẳng định việc lấp ao, hồ tự nhiên trong quá khứ là nguyên nhân dẫn đến ngập úng khi mưa lớn tại Hà Nội.

Đề xuất lấp hồ Thành Công (Hà Nội) đã bị bác bỏ. ảnh: một góc hồ Thành Công - ảnh nguồn Infonet.
Đề xuất lấp hồ Thành Công (Hà Nội) đã bị bác bỏ. ảnh: một góc hồ Thành Công - ảnh nguồn Infonet.

Tránh sai lầm trong quá khứ

Phó Giáo sư,Tiến sĩ Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, những năm qua tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị lấp.

Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến thời điểm này, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha.

Báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. 

Đến năm 2015, các quận nội thành còn 112 hồ (giảm 10 hồ), với diện tích mặt nước là 72.540m2 so với năm 2010.

Quận Đống Đa có nhiều ao hồ nhất thành phố (trên 30 hồ), trong đó có nhiều hồ lớn như Đống Đa, Ba Mẫu, Nam Đồng... nhưng chỉ trong 5 năm (2010-2015) 4 hồ đã bị san lấp. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000m2.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định: Lấp hồ sẽ dẫn đến ngập úng tại đô thị như Hà Nội - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII khẳng định: Lấp hồ sẽ dẫn đến ngập úng tại đô thị như Hà Nội - ảnh Ngọc Quang/giaoduc.net.vn

Phó Giáo sư Bùi Thị An khẳng định, chính diện tích ao, hồ giảm đi quá lớn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ngập úng, lụt lội khi mưa lớn xảy ra tại Hà Nội.

“Việc ao, hồ tự nhiên bị san lấp và bị lấn chiếm là nguyên nhân dẫn đến ngập úng mỗi khi mưa lớn tại Hà Nội. Đây là sai lầm trong quá khứ, chúng ta không được phép lặp lại”, bà An nói.

Phó Giáo sư Bùi Thị An khẳng định: “Đề xuất lấp hồ của công ty Việt Hưng dù lý giải sẽ đào trả diện tích mới bằng với diện tích san lấp, nhưng dù vậy thì vẫn không thể phá sự cân bằng có sẵn của hồ Thành Công hiện nay bằng sự cân bằng khác”.

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho biết, nếu lấp hồ tự nhiên tại Hà Nội sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội. 

Bà An chỉ rõ, khi mưa lớn hồ tại các khu vực sẽ là nơi tiêu nước tự nhiên. Nếu lấp hồ trong khi hệ thống cống, rãnh chưa đồng bộ không dẫn đến ngập úng gây ô nhiễm môi trường.

Ngập lụt vào mùa mưa đang là bài toán chưa có lời giải với Hà Nội, ngập úng đang ảnh hưởng phát triển kinh tế thủ đô.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều hồ bị lấp trong 5 năm gần đây là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội dễ bị ngập lụt khi trời mưa to. - ảnh Xuân Trung/giaoduc.net.vn
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, nhiều hồ bị lấp trong 5 năm gần đây là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội dễ bị ngập lụt khi trời mưa to. - ảnh Xuân Trung/giaoduc.net.vn

“Trong khi chúng ta đang hướng đến xây dựng Hà Nội phát triển bền vững, trong đó lấy chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô làm thước đo cho sự phát triển bền vững của Hà Nội. 

Chất lượng cuộc sống bao gồm ăn, ở, học tập, khám chữa bệnh. Trong đó nếu ngập lụt gây ô nhiễm môi trường thì chất lượng cuộc sống người dân giảm”, bà An cho biết.

Vì an ninh quốc phòng mới phải lấp hồ

Đánh giá vai trò của hồ nước tự nhiên trong đô thị, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh - Chủ tịch Hội đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho biết: “Hồ là một vùng nước được bao quanh bởi đất liền có vai trò lớn đối với đời sống dân cư xung quanh khu vực đồng thời đóng góp lớn vào sự cân bằng môi trường tự nhiên”.

Doanh nghiệp hưởng lợi, còn hậu quả thì ai gánh chịu? ảnh 4

Đề xuất lấp hồ Thành Công, Vihajico "ép" Thành phố?

Theo Tiến sĩ Kinh, hồ nước ngọt tại nội thành Hà Nội có 4 vai trò lớn: Thứ nhất, điều tiết và đảm bảo ổn định nguồn nước ngầm; Thứ hai, điều hòa khí hậu; Thứ ba lưu trữ chứa nước, chống ngập.

Cuối cùng hồ có vai trò như nhà máy xử lý nước tự nhiên âm thầm. Khi mưa lớn xuống cuốn theo rác thải, nước sinh hoạt xuống hồ. Nếu hệ sinh thái của hồ tốt có thể tự làm sạch nước thải.

“Việc phá bỏ hồ tự nhiên có lâu đời phải hết sức thận trọng, thường không nơi nào san lấp hồ trừ khi vì mục tiêu an ninh quốc phòng”, Tiến sĩ Kinh khẳng định. 

Tiến sĩ Kinh cho biết trước đây Hà Nội có hàng nghìn ao, hồ nước ngọt tự nhiên. Ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt, cung cấp nguồn lợi thủy sản, hồ nước ngọt tại Hà Nội đóng vai trò lớn đảm bảo nguồn nước ngầm  và chống ngập úng.

“Tuy nhiên khi số lượng ao, hồ giảm chúng ta thấy Hà Nội cứ mưa lớn là ngập úng, ô nhiễm, nguồn nước ngầm cũng cạn sâu dần. 

Lúc này chúng ta không những lấp mà phải đào thêm hồ nhân tạo để chứa nước và điều hòa không khí trước tình trạng “bê tông hóa” hiện nay”, Tiến sĩ Kinh nói.

Tại hội thảo cải tạo chung cư cũ, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - ông Lê Văn Dục cho biết trên địa bàn thành phố có gần 1.300 chung cư cũ có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng. 

Thành phố đã giao nhiệm vụ cho các nhà đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương điều tra xã hội học, xây dựng nhiệm vụ thiết kế, quy hoạch tại 26 khu chung cư tập trung và 67 nhà chung cư độc lập.

Tuy nhiên, nay mới có 14 chung cư cũ được xây dựng mới và đưa vào sử dụng, 5 khu đang phá dỡ, 4 khu nguy hiểm cấp D đang tổ chức di dời nhưng chưa có phương án xây dựng lại.

Trong lúc mà Thành phố không thể đào đâu ra ngân sách để cải tạo cho hết được các chung cư cũ thì rõ ràng kêu gọi xã hội hóa, có sự góp sức của doanh nghiệp là một biện pháp cần thiết.

Thế nhưng trên thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp luôn hành xử rất có tâm và được cả xã hội ghi nhận, thì cũng có những doanh nghiệp tận dụng thời cơ hòng kiếm lợi một cách quá đáng.

Dù biết rằng, đã là kinh doanh thì luôn phải có lợi doanh nghiệp mới đầu tư. Nhưng cũng không thể vì thế mà lại có chuyện lấp một phần hồ, rồi xây tòa nhà 24 tầng; 45 tầng.

Như vậy, hồ Thành Công không chỉ đứng trước nguy cơ bị phá vỡ sự cân bằng, mà ngay cả hạ tầng khu vực này cũng phải chịu áp lực quá lớn nếu các tòa nhà cao tầng mọc lên đúng theo đề xuất của Vihajico. Tắc đường, kẹt xe... và hàng loạt vấn đề an sinh, xã hội sẽ "đẻ" ra từ đó.

Cứ theo đề xuất ấy thì lợi ích của doanh nghiệp quá lớn, lấn át hết cả lợi ích của cộng đồng!

Mai Anh