Doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm, liệu có khó khả thi?

22/08/2017 08:29
Mai Anh
(GDVN) - Việc áp dụng công bố an toàn thực phẩm là đúng theo luật và phương án chuyển sang "hậu kiểm" như đề xuất của các doanh nghiệp là khó khả thi.

Doanh nghiệp phản ánh quy trình gây khó khăn, chi phí tăng

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội như Chè, ca cao, thủy sản… đã nêu ra những khó khăn trong việc thực hiện quản lý chất lượng an toàn thực phẩm qua thủ tục công bố hợp quy, phù hợp an toàn thực phẩm như hiện nay tại Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ” diễn ra ngày 30/6 vừa qua. 

Tại Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ” các doanh nghiệp kiến nghị phải sửa Nghị định 38 của Chính phủ - ảnh Hoàng Lực.
Tại Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ” các doanh nghiệp kiến nghị phải sửa Nghị định 38 của Chính phủ - ảnh Hoàng Lực.

Theo Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 38/2012), một sản phẩm nếu muốn được đưa ra thị trường buộc doanh nghiệp phải thực hiện các bước gồm:

- Gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm. 

- Sau khi đạt chất lượng thì tự công bố tiêu chuẩn chất lượng rồi nộp hồ sơ gửi cho Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xin xác nhận công bố phù hợp an toàn thực phẩm.

- Cuối cùng Cục An toàn thực phẩm xem xét cấp giấy tờ xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp an toàn thực phẩm.

Tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thực phẩm cho rằng, quy định như trên đang tạo ra khó khăn, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. 

Do đó, đại diện các hiệp hội và nhiều doanh nghiệp đề xuất phương án, nên áp dụng quản lý an toàn thực phẩm bằng cách "hậu kiểm", có nghĩa là doanh nghiệp sau khi sản xuất thực phẩm sẽ gửi mẫu đi kiểm nghiệm tại các phòng kiểm nghiệm được chỉ định, nếu đạt chất lượng thì sẽ tự xác nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng và cung cấp ra thị trường.

Theo họ, với đề nghị này doanh nghiệp sẽ có lợi khi không phải gửi hồ sơ xác nhận an toàn thực phẩm lên cơ quan chức năng, không phải chờ đợi mà có thể chủ động tự xác nhận. 

Điều này rõ ràng giảm chi phí cho doanh nghiệp, tuy nhiên cũng đặt ra vấn đề liệu người tiêu dùng có thể tin tưởng vào sản phẩm mà doanh nghiệp tự sản xuất rồi tự xác nhận chất lượng an toàn thực phẩm?.

Mặt khác, theo quy định Nghị định 38/2012, việc Cục An toàn thực phẩm xem xét cấp giấy xác nhận công bố thực phẩm đó phù hợp an toàn thực phẩm được xem là biện pháp “tiền kiểm” đảm bảo sản phẩm thực phẩm đủ điều kiện an toàn trước khi ra thị trường. 

Ngược lại nếu để doanh nghiệp tự xác nhận sau đó đưa ra thị trường, trong trường hợp xảy ra mất an toàn thực phẩm thì dù có kiểm tra xử lý nhưng thực phẩm không đảm bảo đã tràn lan trên thị trường, thậm chí đã vào bữa ăn các gia đình.

Trước những lo ngại về việc cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề được toàn xã hội quan tâm vì thế việc sửa quy định về an toàn thực phẩm phải xem xét các yếu tố.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội /ảnh nguồn Báo Lao động.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội /ảnh nguồn Báo Lao động.

Phó Giáo sư Nguyễn Duy Thịnh cho biết, đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đưa ra sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp nhưng đồng thời buộc trách nhiệm rất lớn với doanh nghiệp. 

Vì vậy, nếu giao cho doanh nghiệp tự xác nhận, tự công bố quy chuẩn phải có quy định luật rõ ràng, nghiêm minh tránh việc doanh nghiệp lợi dụng.

“Để doanh nghiệp tự xác nhận nhưng không phải doanh nghiệp muốn làm thế nào cũng được.

Doanh nghiệp nếu muốn tự xác nhận, tự công bố quy chuẩn thì phải chứng minh cho cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng mình đủ điều kiện làm được.

Không để trường hợp doanh nghiệp nói tự kiểm tra nhưng khi xem xét lại thì trong phòng thí nghiệm kiểm tra chỉ vài chai lọ đơn giản. Cán bộ kiểm nghiệm không có trình độ hoặc quá trình kiểm nghiệm xác nhận không đúng… 

Tóm lại để tự kiểm tra nhưng không phải muốn làm gì thì làm, anh muốn tự xác nhận, tự công bố nhưng phải đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn mới được”, Phó Giáo sư Thịnh cho biết.

Ông Thịnh cho rằng, Nhà nước có thể mạnh dạn giao cho doanh nghiệp tự xác nhận, tự công bố quy chuẩn nhưng kèm theo đó trách nhiệm lớn trước pháp luật. Còn Nhà nước có quyền kiểm tra và hồi tố. 

Cách hiểu chưa đúng

Ở góc nhìn cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng việc bãi bỏ quy định về an toàn thực phẩm theo Nghị định 38 cho phép doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn là làm sai luật, bởi ngành hàng đó không thuộc diện sản phẩm có thể tự công bố tiêu chuẩn và để doanh nghiệp chịu trách nhiệm được.

Ông Châu dẫn chứng, theo nguyên tắc quản lý quy định tại Khoản 3, Điều 3 Luật An toàn thực phẩm nêu rõ nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm phải dựa trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quy định do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. 

Doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm, liệu có khó khả thi? ảnh 3

Có nên cho doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm?

Như vậy, quản lý an toàn thực phẩm chỉ dựa vào tiêu chuẩn kỹ thuật như cách hiểu của doanh nghiệp là chưa đầy đủ mà còn dựa vào các quy định của cơ quan quản lý nhà nước nghị định, thông tư của Chính phủ.

“Nhiều ý kiến cho rằng quy định an toàn thực phẩm tại Nghị định số 38 về công bố trái với luật là không chính xác.

Nghị định 38 nhằm thực hiện Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật An toàn thực phẩm trong đó nêu rõ những sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật phải thực hiện công bố quy chuẩn, công bố hợp quy đúng quy định của pháp luật.

Những sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì công bố theo quy định an toàn thực phẩm.

Các ý kiến đều muốn doanh nghiệp tự công bố tuy nhiên Luật Tiêu chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa thì có hai nhóm hàng. 

Trong đó, riêng nhóm hàng sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn thì bắt buộc phải thực hiện công bố hợp quy và công bố quy chuẩn.

Có nghĩa là tất cả các chỉ tiêu trong đó là bắt buộc áp dụng chứ không phải anh tự công bố rồi thích mức tiêu chuẩn bao nhiêu cũng được mà bắt buộc phải công bố theo quy định. Đồng thời toàn bộ quá trình sản xuất anh phải tuân thủ quy định đó”, ông Châu phân tích.

Ông Châu cũng nhấn mạnh, sản xuất sản phẩm thực phẩm khác với sản xuất bàn ghế, giấy bút… một mà doanh nghiệp có thể tự công bố giá trị kích thước dài, ngắn bao nhiêu. 

Tranh luận về "tiền kiểm" và "hậu kiểm"

Chia sẻ về ý kiến của doanh nghiệp muốn chuyển từ "tiền kiểm" An toàn thực phẩm sang "hậu kiểm", ông Châu cho biết, việc "tiền kiểm" và công bố hoàn toàn khác nhau.

Công bố hợp quy hay phù hợp an toàn thực phẩm là một bước bắt buộc để đánh giá một sản phẩm có phù hợp các quy chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm hay không, từ đó đánh giá chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn của thực phẩm. 

Trong khi đó, "tiền kiểm" có nghĩa là khi một sản phẩm vừa mới được sản xuất ra thì cơ quan an toàn thực phẩm phải kiểm soát ngay lập tức về chất lượng của sản phẩm đó, do vậy 2 khái niệm này không giống nhau.

Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - ảnh Hoàng Lực.
Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - ảnh Hoàng Lực.

Nói về tính khả thi của phương án "hậu kiểm" như đại diện của một số doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thực phẩm đề xuất, ông Châu cho rằng, điều này là bất khả thi.

Mặt khác, sản xuất kinh doanh phẩm ở nước ta khác với các nền sản xuất thực phẩm tiên tiến như ở Châu Âu, Mỹ, Singapore.

Sản xuất kinh doanh thực phẩm của chúng ta xuất phát từ nền nông nghiệp nhỏ lẻ chính vì vậy hiện nay chúng ta có hàng chục triệu hộ gia đình, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ ngày ngày sản xuất và cung cấp thực phẩm ra thị trường. 

Ngoài việc đóng góp lớn để cung cấp nhu cầu thực phẩm của người dân nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng rất lớn. Còn những nhà máy lớn, chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn chỉ mới xuất hiện những năm gần đây và chiếm tỷ lệ ít trên thị trường. 

"Vừa rồi, Quốc hội đã giám sát và thông qua các Bộ và 63 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ hậu kiểm chỉ đạt 40%.

Có nhiều doanh nghiệp 5 năm không có đơn vị nào kiểm tra, bởi mặt bằng chung của các doanh nghiệp nước ta rất khác nhau. Do vậy, việc bãi bỏ công bố và chuyển sang phương án hậu kiểm là điều không thể", ông Châu chia sẻ.

Theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”, trong 5 năm cả nước phát hiện thì trên 650 nghìn các tổ chức cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, 1 năm các cơ quan chức năng một năm phát hiện 135 nghìn trường hợp vi phạm.

Với số tiền phạt lên đến hơn 133 tỷ đồng. Bên cạnh đó cũng yêu thu hồi nhiều sản phẩm và dừng lưu hành rất nhiều. Có trường hợp chuyển cơ quan điều tra để xử lý.

Riêng trong 1 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2017, Bộ Y tế thanh tra, kiểm tra 289 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính: 148 cơ sở, với số tiền phạt hơn 12 tỷ  đồng, chuyển cơ quan điều tra 4 trường hợp...

Rõ ràng, với tình hình vi phạm về an toàn thực phẩm như vậy, nếu bãi bỏ công bố an toàn thực phẩm thì sẽ gây ra hậu quả rất lớn đối với không chỉ một mình doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của ngành xuất khẩu nước ta.

Mai Anh