Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa thống nhất với chủ đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đề xuất Bộ Giao thông vận tải giảm 25% mức phí tuyến đường này, áp dụng từ 15/10.
Đáng chú ý, phương án trình Bộ Giao thông vận tải, đến năm 2021 tuyến đường này sẽ bắt đầu tăng giá vé trở lại với mức tăng 18% và sau đó 3 năm tăng một lần, mỗi lần tăng 18%.
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mới đầu tư 30%, các chuyên gia cho rằng mức phí phải giảm hơn 25% theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ và chủ đầu tư. Ảnh: Nghi Điền/NĐT. |
Trước đề xuất giảm 25% phí đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, nhiều ý kiến cho rằng, nếu người dân, doanh nghiệp không phản ứng gay gắt trước những bất cập, sai phạm của dự án này thì chủ đầu tư vẫn sẽ ung dung đút tiền đầy túi, mặc kệ cho người dân và doanh nghiệp oằn lưng chịu phí.
Thực tế, vấn đề được dư luận đặt ra là mức giảm phí trên của chủ đầu tư BOT và Bộ Giao thông vận tải như đang “ban ơn” cho người dân, doanh nghiệp, và cũng nhằm mục đích nhằm xoa dịu dư luận trong thời điểm này.
Mức phí giảm trên thực chất vẫn có lợi lớn cho chủ đầu tư BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, bởi như kết luận của Thanh tra Chính phủ, tuyến đường này chỉ đầu tư 30% nhưng lại thu tiền như đường làm mới.
Nếu tính một cách sòng phẳng thì đầu tư 30% cũng có nghĩa là chỉ được thu phí tương ứng với con số ấy, chứ không thể được phép thu lên tới 45.000 đồng/1 lượt xe.
Vậy số tiền phí quá cao mà chủ đầu tư BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã thu trong những năm qua của người dân, doanh nghiệp sẽ được xử lý thế nào?
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, cần phải rà soát giảm phí tất cả các dự án BOT sai phạm. Ảnh: giaoduc.net.vn |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng: “Trước tiên có thể nói việc điều chỉnh giảm 25% mức phí đường bộ tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ là cần thiết.
Đây có thể nói là động thái khắc phục những sai phạm trong đầu tư BOT bởi sau những phản ứng về mức phí cao, bất cập tại trạm thu phí này đã được các cơ quan chức năng vào cuộc.
Thực tế, theo số liệu tôi nắm được có hàng ngàn xe container đang phải nằm đắp chiếu vì mức phí BOT quá cao. Có thể nói nếu ví doanh nghiệp vận tải đang rơi vào tình trạng cấp cứu, việc giảm mức phí BOT tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ như tiếp nước cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Dù vậy mức giảm 25% cũng chưa giải quyết được vấn đề, vì chủ đầu tư BOT tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ chỉ mới đầu tư 30%, nhưng thu phí như làm đường mới là sai phạm nghiêm trọng cần xử lý công khai, minh bạch.
Đúng ra anh đầu tư có 30% thì chỉ được thu mức phí tương ứng, nhưng anh lại thu phí như đường mới mà nay lại nói là giảm là rất vô lý. Đã vậy khi giảm phí anh lại kéo dài thời gian thu lên 17 năm, lại càng bất hợp lý.
Theo tôi, mức giảm phí này chưa đủ mà còn phải giảm nữa, đồng thời Chính phủ cần phải có chỉ đạo làm rõ những vi phạm trong đầu tư tại dự án này, để tính toán chính xác mức thu và thời gian thu, không thể để người dân, doanh nghiệp phải chịu đựng gánh nặng này mãi".
Trạm BOT quốc lộ 18 đặt tại phường Đại Yên (Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) vừa bị người dân sống xung quanh trạm vây kín yêu cầu miễn phí. Ảnh: Hữu Tuấn/Giao Thông. |
Phân tích sâu hơn về kết luận của Thanh tra Chính phủ: Chủ đầu tư tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ mới đầu tư 30%, nhưng thu phí như làm đường mới trong thời gian dài, ông Bùi Danh Liên cho rằng: “Việc doanh nghiệp mới đầu tư 30% mà để doanh nghiệp thu như làm đường mới là móc túi người dân và doanh nghiệp, đó là trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông vận tải.
Thời gian dài chủ đầu tư BOT tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ thu phí vượt quá của người dân và doanh nghiệp là sai từ ban đầu, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước. Còn đặt vấn đề trả lại tiền cho người dân và doanh nghiệp từng bị thu phí dự án này thì khó”.
Người dân phải gánh hậu quả từ những cái bắt tay của nhóm lợi ích |
Ông Bùi Danh Liên cũng chỉ ra: “Có thể nói BOT tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ là điển hình sai phạm của hàng loạt các dự án BOT méo mó, tiêu cực gây bức xúc trong dư luận vừa qua.
Như tuyến đường quốc lộ 5 cũ, BOT Cai Lậy cũng tồn tại nhiều bất cập, phí chồng lên phí, người dân, doanh nghiệp đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi mà vẫn đặt trạm BOT.
Tại đường 5 cũ, chủ đầu tư còn đưa ra lý do thu phí bù cho đường 5 mới là quá vô lý, ai chấp nhận được.
Số liệu tôi nắm được như Hải Phòng có khoảng 3.000 xe container, mỗi xe có giá 1,7 tỷ đồng, phục vụ cho việc xuất nhập khẩu, nhưng do phí đường bộ cao khiến khoảng 1.000 xe nằm đắp chiếu không hoạt động được vì kinh doanh không có lãi.
Bộ Giao thông vận tải cần phải rà soát lại tất cả các dự án BOT để điều chỉnh việc đặt các trạm BOT vị trí nào cho hợp lý, giảm phí và đặc biệt rút kinh nghiệm đối với các dự án BOT sau”.
Thực tế đã cho thấy những khuất tất, tiêu cực xảy ra tại nhiều dự án BOT từ khâu đấu thầu, thi công đến khi đi vào vận hành.
Đáng nói, cách thu phí tại các trạm BOT hiện nay là thiếu minh bạch. Khi cơ quan chức năng yêu cầu triển khai hình thức thu phí tự động, nhưng không ít doanh nghiệp BOT lại đang cố tình trì hoãn.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa: "Đã sai phải xin lỗi dân!". |
Về thu phí tự động tại các trạm BOT nhằm minh bạch để người dân giám sát, ông Bùi Danh Liên cho biết: “Đúng là hiện nay có tình trạng chủ đầu tư BOT chây ì trong việc triển khai thu phí tự động. Rõ ràng doanh nghiệp sợ minh bạch nên đưa ra những lý do nhằm trì hoãn thu phí tự động.
Bởi vậy, cần thiết cơ quan quản lý phải có những biện pháp mạnh đối với những doanh nghiệp BOT chây ì.
Theo kế hoạch 15/10 phải triển khai thu phí tự động, nếu thời gian đó mà trạm BOT nào chưa lắp đặt thì cần phải cưỡng chế bằng cách dừng trạm BOT đó lại.
Không cho phép thu phí theo cách truyền thống nữa buộc doanh nghiệp phải thực hiện thu phí tự động, như thế mới đảm bảo minh bạch, công khai”.
“Không thể chấp nhận doanh nghiệp BOT bất chấp, coi thường dư luận, họ muốn làm gì thì làm, còn người dân phải chịu đựng doanh nghiệp áp đặt thu phí bao nhiêu cũng phải chịu”, ông Bùi Danh Liên nói.