Gọi đúng tên sản phẩm để kích cầu ngành sữa

14/04/2016 12:00
Nguyên Thảo
(GDVN) - Việc minh bạch khái niệm, tên gọi các sản phẩm sữa nước không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn thúc đẩy sản xuất trong nước.

Sản phẩm sữa nước sẽ được gọi đúng tên

Tại Hội thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT do Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức, với sự đồng thuận cao từ phía doanh nghiệp sữa và cơ quan chức năng, tới đây các sản phẩm sữa dạng lỏng sẽ có tên gọi đúng bản chất vốn có.

Nếu trước đây người tiêu dùng vẫn còn nhầm lẫn giữa sữa tươi và sữa tiệt trùng thì theo dự thảo, các tên gọi này sẽ được cụ thể hóa, gắn với bản chất, chất lượng từng dòng sản phẩm và có thể sẽ được in trên nhãn mác, bao bì để người tiêu dùng dễ nhận biết và lựa chọn.

Cụ thể, với loại sữa dạng dạng lỏng sẽ có 6 tên gọi bao gồm: Sữa tươi nguyên chất (hoàn toàn từ sữa bò, không bổ sung bất kỳ nguyên liệu nào khác), sữa tươi (gồm ít nhất 90% sữa nguyên chất và bổ sung nguyên liệu khác: đường, hương liệu, dịch quả), sữa tươi tách béo;

Sữa hoàn nguyên (sữa được giảm lượng nước, sau đó bổ sung nước như ban đầu, không thêm các thành phần khác của sữa); Sữa pha lại và sữa hỗn hợp là sản phẩm có thành phần sữa tươi nhưng có thể có bổ sung sữa bột khô, các chất khác như vi chất, hương liệu, dịch quả…

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng: “Chúng ta phải phân rõ các khái niệm sữa tươi nguyên chất, sữa tươi có bổ sung một số chất khác và sữa hoàn nguyên, sữa pha lại để đảm bảo quyền được thông tin cho người tiêu dùng”.

Trong đó sữa hoàn nguyên, sữa pha lại và sữa hỗn hợp trước đây được gọi chung tên gọi là “Sữa tiệt trùng” của QCVN 5-1:2010/BYT.

Tại Hội thảo, phần lớn đại biểu đều thừa nhận tên gọi Sữa tiệt trùng là “gây nhầm lẫn giữa sữa bột và sữa tươi” khi bản chất sữa tiệt trùng trên thị trường hiện nay phần lớn là sữa bột pha lại.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, nhấn mạnh: Việc đưa ra Dự thảo sửa đổi lần này nhằm đảm bảo thông tin về sản phẩm minh bạch, phản ánh đúng chất lượng sữa để người tiêu dùng lựa chọn phù hợp với chi phí, tránh tình trạng hiểu nhầm tất cả các loại sữa nước đều là sữa tươi như hiện nay.

Ông Phong cũng cho biết, trước đây, khi chưa có quy chuẩn sữa, có sản phẩm ghi nhãn sữa tươi nhưng thực chất nguyên liệu này chỉ chiếm 5 - 10%, còn lại là sữa bột và các thành phần khác.

Minh bạch thị trường, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ

Bày tỏ ý kiến tại Hội thảo, TS Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn) thẳng thắn: Bản thân ông làm trong ngành sữa nhưng khi ra siêu thị mua sữa, ông cũng như lạc vào “ma trận”. Do đó, đứng ở góc độ người tiêu dùng, ông Chinh hoàn toàn nhất trí với việc cụ thể hóa tên gọi các loại sữa nước theo Dự thảo Cục An toàn thực phẩm đưa ra.

TS Tống Xuân Chinh cho rằng: “Mỗi người dân sử dụng sản phẩm sữa trên thị trường đều phải theo điều kiện kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng, sở thích… do đó, xã hội càng văn minh, danh mục sản phẩm phải càng rõ ràng minh bạch, để người dân càng có nhiều sự lựa chọn. Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giám sát để sản phẩm của doanh nghiệp đăng ký phải đúng với chất lượng nằm trong sản phẩm đấy.

Tất cả ý kiến của người sản xuất, người tiêu dùng hay của cơ quan chức năng đều nhằm mục đích tạo ra sự minh bạch trong thị trường sữa, để người tiêu dùng bỏ đồng tiền ra sẽ nhận được sản phẩm xứng đáng đúng chất lượng như họ mong muốn.

Do đó, Cục An toàn thực phẩm cần nhanh chóng phối hợp với các cơ quan ban ngành sớm chuẩn hóa tên, thuật ngữ các loại sữa theo hướng tuân thủ, tiếp cận với các tiêu chuẩn của quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Việc minh bạch khái niệm, tên gọi sữa không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mà còn thúc đẩy sản xuất trong nước.

TS Tống Xuân Chinh nêu quan điểm: Sản lượng sữa tươi của chúng ta không nhỏ, thậm chí nông dân phải đổ sữa mà lại cứ phải bỏ ngoại tệ ra để đi nhập sữa về rồi lại hoàn nguyên. Do đó, dứt khoát phải nói rõ sữa tươi là sữa tươi, sữa hoàn nguyên, pha lại thì phải nói rõ như thế.

Theo thống kê của Hiệp Hội sữa Việt Nam cho thấy, năm 2015, tổng số đàn bò sữa của Việt Nam đã đạt trên 275.000 con, tăng gần 21/% so với năm 2014. Với tổng sản lượng sữa 723,153 nghìn tấn, tăng gần 32% so với năm 2014.

Trong khi đó, Tổng Cục Hải quan cho biết năm 2015 Việt Nam nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa với tổng giá trị đạt 900,7 triệu USD, giảm 18% so với năm 2014.

Theo đánh giá, việc giá trị nhập khẩu giảm một phần do nguồn cung sữa bò trong nước tăng mạnh.

Bên cạnh đó, ngành sữa Việt Nam giai đoạn 2010-2015 đã có bước phát triển ngoạn mục. Năm 2015, doanh thu ngành sữa đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2014, trong dó giá trị sữa bột chiếm 45%, sữa nước 30%.

Bình quân sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước hiện nay là 7,8kg/người/năm trong khi nhu cầu của người dân trong năm 2015 là 20-22 kg/người/năm. Do đó, thị trường sữa Việt Nam được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.

Việc sớm minh bạch các quy chuẩn về tên gọi các sản phẩm sữa sẽ thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất trong nước và chính người tiêu dùng sẽ hưởng lợi. 

Nguyên Thảo