Hàng loạt NH báo lỗ đầu năm: Phản ánh đúng thực trạng kinh tế!

18/02/2014 13:25
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - "Lợi nhuận ngành NH phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế. Đó là khi DN khó khăn, các NH cũng phải giảm lãi, chứ không thể nghiễm nhiên có lợi nhuận khổng lồ".

Đuần vừa qua, hàng loạt ngân hàng (NH) đã công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2013. Nhìn vào con số tổng kết ấy, không khỏi giật mình khi nhiều NH báo lãi đầu năm nhưng cuối năm báo lỗ...

Navibank bão lỗ gần 2 tỷ đồng

Navibank (Ngân hàng cổ phần Nam Việt) là NH đầu tiên báo lỗ trong quý 2/2013. Tuy nhiên, sang quý 3, NH này bất ngờ báo lãi với khoản lãi sau thuế 2,6 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần của Navibank trong quý 4 chỉ đạt 124 tỷ đồng, giảm 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm của nhà băng này giảm 18,5% và đạt 596 tỷ đồng. Các hoạt động dịch vụ trong quý 4 này cũng lỗ gần 2 tỷ đồng, cả năm không có lãi, trong khi cùng kỳ năm ngoái Navibank quý 4 chỉ lỗ 121 tỷ đồng và lãi gần 9,5 tỷ đồng cả năm.

ACB lỗ gần 293 tỷ đồng do kinh doanh ngoại hối, vàng...

Đáng chú ý hơn cả là trường hợp Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Trước đó, trong quý 3/2013, NH này báo lãi hơn 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý 4/2013 ACB báo lỗ gần 293 tỷ đồng do thu nhập từ lãi vay giảm 45%, kinh doanh ngoại hối và vàng lỗ 34 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cả năm lợi nhuận sau thuế của ACB vẫn tăng 5%, đạt khoảng 825 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 1/2013 tăng lên 3% từ mức 2,5% đầu năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh.

Tốc độ tăng trưởng của phần lớn các NH cũng đều ở mức thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch chung cho toàn ngành.
Tốc độ tăng trưởng của phần lớn các NH cũng đều ở mức thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch chung cho toàn ngành.
Việc ACB báo lỗ quý 4 có một chút bất ngờ là bởi nhiều nhà đầu tư trước đó cho rằng NH này đã cơ bản tái cấu trúc xong, vượt qua hàng loạt các khó khăn và đã bắt đầu không còn lỗ vì vàng từ quý liền trước. Tuy nhiên, trên thực tế khoản lỗ khá lớn trong quý 4 đã khiến cả năm 2013 ACB lãi chưa tới nghìn tỷ, thấp hơn cả 2012.

Eximbank lần đầu tiên báo lỗ 222 tỷ đồng từ khi lên sàn

NH báo lỗ tiếp theo là Eximbank, đây là lần đầu tiên từ khi lên sàn năm 2009, Eximban báo lỗ 222 tỷ đồng trong quý 4/2013 do thu nhập từ lãi thuần trong quý chỉ đạt gần 494 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, chi phí dự phòng lại tăng gấp ba cùng kỳ năm trước, ở mức 120 tỷ đồng. Kinh doanh ngoại hối quý cuối năm của Eximbank lỗ gần 230 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2013 lợi nhuận trước thuế của Eximbank chỉ đạt 827 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 2.851 tỷ đồng của năm 2012. Trong đó, thu nhập từ cho vay, nhận tiền gửi của Eximbank giảm tới 45% so với năm ngoái, mảng ngoại hối lỗ hơn 113 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu của NH này tại thời điểm 31/12/2013 tăng lên 2% từ mức 1,3% đầu năm. Đặc biệt các khoản nợ có khả năng mất vốn tăng 35% so với đầu năm.
Tờ Tuổi trẻ dẫn lời một lãnh đạo của NH này cho biết: "Thật ra khoản lỗ này có từ giữa năm 2013, khi thực hiện đóng trạng thái theo quy định của NH Nhà nước, nhưng NH đã treo lại đến cuối năm. Tuy nhiên, đây chưa hẳn là khoản lỗ vì khi bán vàng lấy VND trước đó, NH đã có lãi nhờ chênh lệch lãi suất huy động vàng và VND lên đến 14% - 15%/năm và khoản lãi này đã tính vào lợi nhuận những năm trước".
Bên cạnh đó, giới tài chính ngân hàng đầu năm nay cũng chứng kiến hàng loạt NH báo lãi sụt giảm so với năm 2012. Có thể kể đến những cái tên như: VietinBank báo lãi quý 4 giảm hơn 60%; Ngân hàng Quân đội (MB) chứng kiến nợ xấu tăng gấp rưỡi và lợi nhuận của hầu hết các hoạt động kinh doanh đều giảm so với cùng kỳ năm trước; SHB công bố lợi nhuận quý IV giảm hơn 70%; Sacombank dư nợ cho vay tăng mạnh nhưng thu nhập từ lãi thuần trong quý 4 lại giảm 212,2 tỷ đồng so với cùng kỳ do lãi suất cho vay không còn ở mức cao như năm trước...
Trước tình trạng báo lỗ của một số ngân hàng, chia sẻ trên tờ Tuổi trẻ, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các NH đang phải gánh hậu quả để lại từ sự phát triển ồ ạt vào những năm trước đây. Tăng trưởng tài sản ngành NH vào những năm trước có khi gấp 3-4 lần so với mức tăng trưởng GDP, trong khi mức hợp lý chỉ khoảng hai lần.
“Lợi nhuận ngành NH phản ánh đúng thực trạng nền kinh tế. Đó là khi doanh nghiệp khó khăn, các NH cũng phải giảm lãi, chứ không thể cứ nghiễm nhiên có lợi nhuận khổng lồ. Dù đây không phải tin vui cho hệ thống NH, nhưng qua đây thấy được NH cũng dần minh bạch hơn. Nhà đầu tư nhìn vào có thể đánh giá đúng được giá trị cổ phiếu trước khi quyết định bỏ vốn đầu tư”, vị này cho biết.
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SJC nhận định rằng: Phải đợi đến ngày 1/6 khi áp dụng thông tư 02 thì bức tranh NH mới lộ rõ. Có thể lợi nhuận NH còn tiếp tục bị ảnh hưởng vì các khoản nợ xấu được phơi bày ra đầy đủ.
Hồng Anh (Tổng hợp)