Hàng ngàn doanh nghiệp muốn bỏ con dấu: Bỏ được không?

14/10/2014 14:17
QUÁCH HOÀNG (Tồng hợp)
(GDVN) - Hàng ngàn doanh nghiệp đều mong muốn bỏ tính pháp lý của con dấu công ty bởi không còn giá trị trong giao dịch của các doanh nghiệp.

Các ý kiến tại hội thảo về những cải tổ cần thiết liên quan đến con dấu của doanh nghiệp, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Công ty Tài chính quốc tế (IFC – thuộc Ngân hàng Thế giới) tổ chức ngày 9/10, đều nhắc đến vấn đề trên như một nghịch lý.

Con dấu pháp lý công ty có còn cần thiết?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay khởi sự kinh doanh ở Việt Nam phải qua 10 thủ tục với 34 ngày, trong đó riêng khâu khắc dấu hết 6 ngày. Ông Jean Michel Lobet, chuyên gia tài chính cao cấp Nhóm Quản trị Công ty, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết con dấu có nguồn gốc từ Đế chế La Mã để đảm bảo cho các giao dịch thương mại.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên từ năm thứ 6 sau Công nguyên, việc sử dụng con dấu riêng và con dấu chung không còn thông dụng. Xuất hiện muộn hơn như ở Pháp, thói quen đóng dấu trên văn bản pháp lý và giấy tờ cũng chỉ thông dụng cho tới thế kỷ 19.

Một môi trường quản lý kinh doanh cần có một quy trình thành lập đơn giản và thực tế hơn. Các doanh nghiệp không nên lãng phí thời gian và tiền bạc vào những thủ tục kinh doanh lỗi thời và không cần thiết, chẳng hạn như việc làm con dấu công ty.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam tính toán: Mỗi năm các doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tại TP.HCM phải bỏ ra khoảng 6,4 đến 8,4 tỷ đồng và 40.000 ngày chi phí cho việc làm con dấu.

Nếu tính cả nước thì số tiền tương ứng là 12,8-16,8 tỷ đồng và khoảng 80.000-120.000 ngày (chưa kể tới quy định 5 năm phải thay đổi 1 lần). Có doanh nghiệp phản ánh, ngày đầu tiên khởi sự doanh nghiệp không phải là gặp đối tác làm ăn mà phải đi gặp công an để xin làm dấu. Nếu doanh nghiệp có trụ sở và nhiều chi nhánh khác nhau thì thường xuyên phải vận chuyển dấu và đóng dấu.

Ông Lobet của WB khuyên Việt Nam bỏ con dấu. 

“Các lập luận ủng hộ việc sử dụng con dấu công ty không còn phù hợp trong thế giới hiện đại. Ngày càng có nhiều nền kinh tế cho phép sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số, khiến cho việc sử dụng con dấu công ty ngày càng trở nên lỗi thời”, ông nói tại hội thảo “Con dấu của doanh nghiệp tại Việt Nam – sự cải tổ cần thiết” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày 9/10.

Ông cho biết, theo báo cáo Doing Business của WB, mà ông là một trong các tác giả, chỉ có 79/189 quốc gia là còn yêu cầu con dấu công ty phải có trong các hoạt động kinh doanh.

Theo báo cáo Doing Business 2014 của WB, một doanh nghiệp Việt Nam phải mất 7 ngày để lấy được con dấu, chiếm thời gian đáng kể trong tổng số 34 ngày cho các thủ tục khởi nghiệp.
Ông nói: “Con dấu từng là biểu tượng của niềm tin, an toàn, nhưng con dấu hiện nay không còn mang lại lợi ích gì do tiến bộ của công nghệ.”

Jean Michel Lobet - Chuyên gia về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB)

Luật gia Vũ Xuân Tiền đưa ra một ví dụ điển hình: Một biên bản họp Hội đồng thành viên của công ty TNHH, dù có đủ chữ ký của tất cả các thành viên góp vốn cũng không có giá trị pháp lý như lẽ ra phải có, nếu như không có con dấu đóng vào. Luật gia này so sánh mối quan hệ giữa doanh nghiệp và con dấu với tranh cãi “vì trời sáng nên gà gáy” hay “vì gà gáy mà trời sáng”. Thậm chí trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã bị tê liệt hoạt động khi một ai đó chiếm giữ con dấu.

LS Nguyễn Hưng Quang thì cho rằng, duy trì con dấu mang tính bắt buộc trong các giao dịch của pháp nhân cũng là không tôn trọng con người tham gia vào các giao dịch đó, bởi con dấu từ một công cụ hỗ trợ con người lại trở thành một quyền lực áp đặt con người. Còn luật gia Cao Bá Khoát ví von, “con dấu trở thành vũ khí như ngọc tỉ của nhà vua ngày xưa, nắm chính quyền mà chưa có con dấu là chưa có chính quyền”.

Về những hạn chế của con dấu, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, trọng tài viên VIAC cho biết thêm: Hiện nay chỉ có 7 quốc gia quy định việc đóng dấu của doanh nghiệp mang tính bắt buộc và nhằm xác nhận chữ ký, tư cách pháp lý. Trong khi đó, với khoảng 171 quốc gia còn lại thì con dấu chỉ thể hiện ý nghĩa là dấu hiệu, biểu trưng cho doanh nghiệp.

Khi có trường hợp xảy ra tranh chấp nội bộ, xâm phạm con dấu thì hầu như không xử lý được các hành vi chiếm giữ con dấu pháp lý của doanh nghiệp. Công an thì cho rằng đó là tranh chấp, quan hệ dân sự. Trong khi đó, tòa án thì không thụ lý giải quyết tranh chấp, khiến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng bế tắc.

Ví dụ vụ tranh chấp con dấu kéo dài hơn 3 năm tại Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ Thương mại Đay Sài Gòn hay vụ tranh chấp con dấu kéo dài hơn 1 năm tại Đại học Hùng Vương, khiến trường không thể tổ chức thi và cấp bằng cho hơn 1.500 sinh viên.

Luật sư Đức khẳng định, bỏ được con dấu pháp lý là cởi bớt một xiềng xích đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp bám chặt vào con dấu là tự mua dây buộc mình.

Cả 3 vị chuyên gia trên cùng nhắc đến một trường hợp rất “nổi tiếng” khác cho thấy quyền lực của con dấu. Đó là vụ Huỳnh Thị Huyền Như làm giả 8 con dấu của các doanh nghiệp khác nhau để đóng vào các tài liệu, giấy tờ do Như làm giả và dễ dàng chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng.

Bỏ bằng cách nào?

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng hiện nay chưa thể bỏ con dấu, vì nền kinh tế thị trường ở nước ta chưa phát triển. Thực tế vẫn có những giao dịch thiếu minh bạch của người có thẩm quyền gây thiệt hại cho các cổ đông.

Hơn nữa, tâm lý “sùng bái con dấu” đã là hiện tượng phổ biến. Nếu bỏ ngay con dấu có thể gây ra xáo trộn với hoạt động quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là mối quan hệ giữa doanh nghiệp với Ngân hàng, Thuế, Kho bạc…

Về giải quyết các vướng mắc khi bỏ con dấu pháp lý, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Vấn đề chính là tính pháp lý của con dấu đang được quy định trong hàng chục đạo luật và hàng trăm văn bản dưới luật. Vì vậy, phải giải quyết những vướng mắc trong 21 đạo luật liên quan đến con dấu của doanh nghiệp và tổ chức tương tự doanh nghiệp.

Chuyên gia Jean Michek Lobet của WB khẳng định: Hầu hết các nước khai sinh ra con dấu thì đã từ bỏ. Trong khi đó, ngày càng có nhiều nền kinh tế cho phép sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số, khiến cho việc sử dụng con dấu công ty ngày càng trở nên lỗi thời hơn. Quan điểm của WB là Việt Nam nên bỏ tư duy bắt buộc các cơ quan tổ chức phải có con dấu. Việt Nam cần thay đổi để đón đầu kỷ nguyên kỹ thuật số về sau, bằng việc ban hành khung pháp lý chấp nhận chữ ký điện tử.

Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam, cần sửa Điều 44 của Dự thảo Luật doanh nghiệp thành “Doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp có con dấu riêng. Hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký kinh doanh”.

Ngoài ra cần làm rõ nội dung “con dấu được sử dụng trong các trường hợp theo quy định của pháp luật” vì đây là quy định rất chung chung, hoàn toàn có thể bị vô hiệu hóa bằng một Thông tư để “trói lại” doanh nghiệp với con dấu có tính pháp lý.

Cải cách lớn về tư duy

Viện trưởng Nguyễn Đình Cung đã đặt vấn đề con dấu của doanh nghiệp trong một bối cảnh rộng hơn.

Bối cảnh đó là Chính phủ đang ráo riết triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp với việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và đẩy mạnh các giải pháp thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại Thông báo số 370/TB-VPCP ngày 18/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu sửa đổi quy định về quản lý con dấu theo hướng cho phép doanh nghiệp chủ động tự khắc dấu, thông báo sử dụng con dấu, tiến tới thay con dấu bằng chữ ký, chữ ký điện tử.

Đây là một phần trong ý kiến kết luận của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp, sau buổi làm việc trước đó với nhiều bộ ngành về vấn đề này. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thủ tục khắc dấu chiếm tới 6 ngày trên tổng số 34 ngày làm thủ tục khởi sự kinh doanh hiện nay.

“Định hướng cải cách của Thủ tướng đã rất rõ ràng và đó là một cải cách thực sự lớn. Tôi đánh giá cao thay đổi về tư duy thể hiện qua cải cách này”, ông Cung nói.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp cũng đã có những thay đổi cơ bản, từ yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải có con dấu và con dấu có vai trò quyết định giá trị pháp lý đối với văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp, sang “hình thức và nội dung con dấu do doanh nghiệp quyết định và đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh”.

Một khảo sát của CIEM sau thông báo của Văn phòng Chính phủ cho thấy 52% doanh nghiệp đề nghị bỏ con dấu, 30% đề nghị cho doanh nghiệp khắc dấu và tự đăng ký với cơ quan nhà nước. Chỉ 18% còn lại đề nghị giữ nguyên các quy định như hiện nay, tức là phần lớn các doanh nghiệp mong muốn có sự thay đổi về con dấu.

Tương tự, theo một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sau ý kiến của Thủ tướng, doanh nghiệp nhìn chung rất hào hứng với quy định doanh nghiệp được tự do quyết định về lượng con dấu, hình dáng con dấu và sử dụng con dấu. Điều lo ngại nhất của doanh nghiệp là nhiều cơ quan nhà nước, nhiều quy định của pháp luật vẫn yêu cầu phải có dấu thì hồ sơ mới hợp lệ.

Tất nhiên, đây không phải là một thay đổi dễ dàng. Ông Cung thừa nhận khi tham gia soạn thảo Luật Doanh nghiệp, ông cũng không nghĩ rằng có thể thay đổi được những quy định hiện hành về con dấu.

“Rất may là có cuộc gặp giữa Thủ tướng với Bộ KH&ĐT và khi vấn đề được nêu lên, Thủ tướng đã đồng ý. Đây là thay đổi rất quan trọng nhưng để làm được, chúng ta phải thay đổi rất nhiều luật lệ hiện nay, ngay trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng có một số điều phải sửa đổi tiếp như về vai trò của con dấu khi chứng nhận người góp vốn, chứng nhận cổ phần…”, ông Cung cho biết.

QUÁCH HOÀNG (Tồng hợp)