Kiến nghị của Bộ Công Thương suy cho cùng là để bảo vệ nhóm lợi ích

24/08/2016 07:28
Mai Anh
(GDVN) - Đó là nhận định của GS. Nguyễn Mại trước những đề xuất, kiến nghị của Bộ Công Thương hậu Thông tư 20.

Kiến nghị nhằm bảo vệ doanh nghiệp lớn

Mới đây, Bộ Công Thương đã có báo cáo chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20 năm 2011 vốn gây nhiều phản ứng thời gian qua.

Thông tư 20 yêu cầu thương nhân nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó.

Thông tư 20 quy định nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ trở xuống của Bộ Công Thương bị dư luận phản đối - ảnh minh họa.
Thông tư 20 quy định nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ trở xuống của Bộ Công Thương bị dư luận phản đối - ảnh minh họa.

Thương nhân cũng phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đủ điều kiện do Bộ Giao thông vận tải cấp.

Nhiều ý kiến cho rằng cần bãi bỏ Thông tư này, với lý do Thông tư tạo ra lợi thế kinh doanh độc quyền cho một số doanh nghiệp lớn.

Ngay sau đó, báo cáo chính thức trình Thủ tướng về Thông tư 20, Bộ Công Thương đồng ý bãi bỏ hoàn toàn thông tư 20, nhưng lại kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông vận tải ban hành những quy định tương đương về bảo hành, bảo dưỡng.

Cụ thể, mỗi chiếc xe mới bán ra đều phải kèm theo cam kết bảo hành, bảo dưỡng cho người tiêu dùng tại cơ sở do chính hãng thành lập, cơ sở được chính hãng ủy quyền hoặc cơ sở được Bộ Giao thông vận tải xác nhận là đủ điều kiện. Nếu không có cam kết này, xe sẽ không được đăng ký lưu hành.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại, hàng nghìn cửa hàng sửa chữa ôtô, gara ôtô tư nhân hiện nay có nguy cơ phải đóng cửa.

Trước lập luận của Bộ Công Thương trong Thông tư 20 cũng như kiến nghị mới về áp dụng chế độ bảo hành bảo dưỡng, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS. Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định, những đề xuất kiến nghị của Bộ Công Thương suy cho cùng nhằm bảo vệ nhóm lợi ích là những doanh nghiệp ô tô lớn, góp phần phá sản những gara ô tô tư nhân, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nhỏ và cuối cùng người tiêu dùng mất quyền tự do lựa chọn.

GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - ảnh nguồn: VAFIE.
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - ảnh nguồn: VAFIE.

GS. Nguyễn Mại phân tích, Thông tư 20 từ năm 2011 đã làm hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại lý nhập khẩu ô tô nhỏ phá sản và giảm thiểu về số lượng. Đấu tranh mãi, vừa rồi Bộ Công Thương mới đồng ý bãi bỏ nhưng lại đưa ra kiến nghị khác. 

Kiến nghị vớ vẩn, thiếu thực tế

Thông tư 20 có những lập luận vô lý như khi nhập xe chính hãng được ủy nhiệm qua đại lý lớn sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, những lập luận của Bộ Công Thương không chính xác, thiếu thực tế.

“Vấn đề tai nạn giao thông tại Việt Nam không liên quan đến xe chính hãng hay không chính hãng. Tai nạn giao thông ở Việt Nam là do ý thức người tham gia giao thông, chẳng hạn như sử dụng rượu bia rồi lái xe, nghe điện thoại khi lái xe, do lưu lượng giao thông lớn, hạ tầng giao thông kém. 

Chất lượng xe quan trọng và ảnh hưởng đến an toàn nhưng nên nhớ dù xe có chính hãng hay không trước khi được lưu thông trên đường cũng phải được đăng kiểm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng lưu thông”, GS. Nguyễn Mại lập luận.

Kiến nghị của Bộ Công Thương suy cho cùng là để bảo vệ nhóm lợi ích ảnh 3

Liên tục phanh phui vấn đề nhân sự tại Bộ Công Thương, động cơ của VAFI là gì?

Kiến nghị của Bộ Công Thương suy cho cùng là để bảo vệ nhóm lợi ích ảnh 4

Thủ tướng kiên quyết "xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách"

Mặt khác, GS. Nguyễn Mại cũng chỉ ra, Thông tư 20 trao quyền nhập khẩu ô tô cho một số lượng hạn chế doanh nghiệp có ủy quyền chính hãng, gây ra tình trạng độc quyền trên thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh; đồng thời hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật về quyền của người tiêu dùng.

Trong khi quyền người tiêu dùng được lựa chọn cũng là một trong những yêu cầu của hội nhập quốc tế. 

“Qua đó Thông tư 20 không có tác dụng gì với nền kinh tế hay điều hành thị trường ô tô. Khi lập luận như vậy Bộ Công Thương đuối lý, nhưng cơ quan làm luật không có cách này thì tìm cách khác.

Không quy định chính hãng lại đưa ra quy định nhập xe vào thì phải sửa chữa bảo hành tại những đại lý do hãng xe ủy nhiệm. Đó lại là quy định vô lý”, GS. Nguyễn Mại nhận định. 

GS. Nguyễn Mại đặt câu hỏi, quy định đại lý bán xe phải cam kết bảo hành, bảo dưỡng cho người tiêu dùng tại cơ sở do chính hãng thành lập để làm gì?

“Phải chăng quy định đó cuối cùng hướng đến xe lưu thông trên đường an toàn. Chúng ta đã có cơ quan nhà nước là Cục đăng kiểm, trước khi lưu hành trên đường xe ô tô phải được đăng kiểm, đảm bảo các thông số xe có thể lưu thông trên đường. Quy định như vậy phải chăng cho đại lý xe thay quyền Cục đăng kiểm?”, GS. Nguyễn Mại đặt vấn đề.

Theo Chủ tich VAFIE, chưa có đại lý của hãng xe nào đủ trang bị kỹ thuật, chuyên gia và chức năng có thể thay thế cơ quan đăng kiểm ô tô xe máy, rõ ràng cơ quan đăng kiểm sẽ làm tốt hơn hãng xe. Hơn nữa, chắc gì đảm bảo đại lý chính hãng khi sửa chữa bảo hành sẽ đảm bảo xe lưu thông trên đường không gặp sự cố.

Cũng giống như Thông tư 20, đề xuất đại lý bán xe phải cam kết bảo dưỡng, bảo hành cho người tiêu dùng tại đại lý chính hãng cuối cùng bắt người tiêu dùng không được lựa chọn và bảo vệ doanh nghiệp lớn.

“Tôi có đi dự hội thảo, chủ một gara ô tô Mecedes tại Việt Nam cho biết phải bỏ ra 4 triệu USD (khoảng 90 tỷ đồng) đầu tư mới nhập được thiết bị quy chuẩn của hãng xe và được phép trở thành gara đại lý chính hãng.

Thử hỏi một tỉnh xa xôi miền núi như Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu… ai sẽ đầu tư một gara như thể chỉ để phục vụ vài chiếc xe. Trong khi để sữa chữa bảo dưỡng lại bắt người ta về Hà Nội, đề xuất vớ vẩn, thiếu thực tế”, GS. Nguyễn Mại nói.

Mai Anh