"Móc túi” tiền tỷ, người dùng di động không hay biết

04/05/2014 09:29
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Hiện nay, nhiều người dùng điện thoại không hay biết từng đã bị mất tiền oan từ những thủ đoạn "móc túi" của các đối tượng lừa đảo.

"Móc túi" hơn 2 tỷ đồng, người dùng không hay biết

Ngày 3/5, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - CATP Hà Nội) cho biết đang tạm giữ 4 đối tượng để làm rõ hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản - được quy định tại Điều 226b Bộ luật Hình sự.

Trước đó, qua công tác trinh sát, Đội 4 –PC50 phát hiện được một số trang web như soundfest.com.vn và clickdi.com phát tán các ứng dụng di động không có nguồn gốc rõ ràng. Khi người dùng cài đặt thì các ứng dụng này sẽ tự động gửi tin nhắn ngầm với mức phí là 15.000 đồng mà không thông báo cho chủ sở hữu thiết bị biết.

Sau một thời gian điều tra, Phòng PC50 đã làm rõ, bắt giữ 4 đối tượng gồm: Hà Xuân Tiến (SN 1991, quê Hà Nam); Nguyễn Đức Lực (SN 1990, ở Thạch Thất, Hà Nội); Nguyễn Văn Tú (SN 1989, ở Khoái Châu, Hưng Yên); Trần Ngọc Hải (SN 1985, Hàng Buồm, Hà Nội).

Theo tài liệu điều tra, khoảng tháng 12/2013, đối tượng Tú giới thiệu Tiến, Lực với Trần Ngọc Hải là chủ sở hữu trang web adrocket.vn thực hiện việc chỉnh sửa nội dung các ứng dụng của điện thoại di động.

Một tin nhắn lừa đảo
Một tin nhắn lừa đảo

Khi cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, ứng dụng sẽ tự động gửi tin nhắn đến đầu số dịch vụ 8xx8; 6xx6; 8xx7; với mức phí 15.000 đồng mà chủ thuê bao hoàn toàn không biết. Hoặc khi chủ thuê bao tải ứng dụng trên các trang web mà Lực, Tiến phát tán thì thiết bị di động sẽ tự động trừ tài khoản số tiền 15.000 đồng. Lực và Tiến cùng nhau tạo lập tài khoản “tiensoloha” trên trang web adrocket.vn.

Thống nhất phương thức “móc túi”, Lực và Tiến cùng nhau tạo lập tài khoản ‘tiensoloha’ trên web adrocket.vn và đầu tư khoảng 40-50 triệu đồng để thuê máy chủ, xây dựng các trang web soundfest.com, clickdi.com và 1 số trang web khác với mục đích dùng các trang web này để phát tán ứng dụng đã qua chỉnh sửa bởi web adrocket.vn.

Qua hồ sơ chứng cứ thu thập được và lời khai của các đối tượng cho thấy, hệ thống trang web adrocket.vn được Hải phát triển từ tháng 12/2013 với mục đích cung cấp công cụ chỉnh sửa ứng dụng di động để lừa đảo người dùng.

Tính từ đầu năm 2014 cho đến thời điểm kiểm tra, Hải đã thu lợi 850 triệu đồng, hệ thống adrocket.vn đã có hơn 900 thành viên tham gia. Hải đã chuyển khoản cho Tiến, Lực số tiền 375 triệu đồng.

Ham trúng thưởng xe máy, mất hàng chục triệu đồng

Trước đó, hồi đầu tháng 3/2014, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50) Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ 4 đối tượng thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại. 

Đó là Trương Văn Chỉ (SN 1991, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Công nghệ), Trần Xuân Hùng (SN 1994), Nguyễn Tuấn Anh (SN 1991) và Nguyễn Thị Xuân (SN 1957); đều không có nghề nghiệp và cùng đăng ký hộ khẩu thường trú tại xã Kỳ Lạc, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Quá trình điều tra, công an đã tạm giữ 5 điện thoại và 6 sim điện thoại.

Cơ quan Công an Hà Nội cho biết, ngày 13/2, ông Nguyễn Đình Phúc (sinh năm 1956), trú tại Uy Nỗ, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) là thương binh nặng đến trụ sở Viettel trình báo bị các đối tượng dùng số điện thoại lừa đảo hơn 10 triệu đồng tiền thẻ cào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau khi tiếp nhận đơn thư của ông Nguyễn Đình Phúc, Viettel đã chủ động liên hệ với Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP Hà Nội) tiến hành điều tra và bắt giữ được nhóm đối tượng nêu trên.

Căn cứ vào tài liệu điều tra và lời khai của các đối tượng, xác định nội dung vụ việc như sau: Ngày 12/2,Trương Văn Chỉ phối hợp với Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Tuấn Anh giả là nhân viên Viettel, nhân viên Sở Giao thông Vận tải, Chi cục Thuế… sử dụng các số điện thoại khác nhau, gọi điện cho ông Nguyễn Đình Phúc thông báo ông đã may mắn trúng thưởng một chiếc xe máy và tiền mặt trị giá 137 triệu đồng từ một chương trình khuyến mại. 

Để nhận thưởng, đối tượng yêu cầu ông Phúc mua thẻ cào điện thoại có mệnh giá từ 100 - 500.000đ rồi gửi mã số cho chúng để làm thủ tục nhận thưởng. Sau khi lừa được của ông Phúc tổng số thẻ cào trị giá 10.500.000đ, chúng tắt máy điện thoại, ngừng liên lạc. Số mã thẻ chiếm đoạt được, chúng bán cho đối tượng Nguyễn Thị Xuân với giá 70% rồi chia nhau tiêu xài.

Căn cứ tài liệu điều tra, xác minh thu thập được có đủ căn cứ xác định Trương Văn Chỉ, Trần Xuân Hùng, Nguyễn Tuấn Anh và Nguyễn Thị Xuân có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 226b Bộ Luật Hình sự.

Cảnh báo những kiểu tin nhắn "bẫy" người dùng

Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua điện thoại di động diễn ra ngày càng phổ biến. Mặc dù đã có sự cảnh báo nhưng nhiều khách hàng vẫn bị “cắn câu”. Một lý do quan trọng là chiêu thức của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi. Chúng có thể mạo danh các nhà mạng, nhắn tin hoặc gọi điện cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định,… hoặc giả danh bạn bè, người thân nhờ nạp thẻ cào.

Ngoài ra, người dùng cần thận trọng với những tin nhắn vu vơ như: “Có người yêu quý muốn gửi tặng bạn một bài hát xxxx, muốn nghe bài hát bạn hãy nhắn lại số xxxxx”, hoặc “có số điện thoại 098123xxxx gửi tặng bạn bài hát xxxx, muốn nghe hãy gọi vào tổng đài xxxx”. Bởi có thể nghe xong, người dùng điện thoại mới phát hiện chẳng ai tặng bài hát cho mình mà chỉ là những kẻ lừa đảo muốn bạn nghe nhạc trả tiền.

Chiêu dụ dỗ người dùng khá phổ biến hiện nay.
Chiêu dụ dỗ người dùng khá phổ biến hiện nay.

Hiện nay, các tin nhắn gửi tặng còn phong phú hơn. Ví dụ: Chúc mừng bạn đã lọt vào top 10 người nhận được 10 bài hát hay nhất trong tháng, hãy soạn TN xxxx để nhận quà tặng. Mình rất cô đơn, mình muốn được làm quen với bạn, nếu bạn là nam hãy soạn TN xxxx. Số thuê bao của bạn được tặng 10 tấm hình hoa hậu áo tắm hot nhất Việt Nam, hãy soạn TN xxxx để nhận hình. Kết quả, nếu bạn làm theo hướng dẫn sẽ chẳng nhận được gì cả, kiểm tra tài khoản sẽ bị mất từ 20 đến 30 ngàn.

Hay như những tin nhắn: “Mình là Trang đây, mình xin lỗi, mình đang có việc gấp cần cào card, nhưng chung quanh đây không có chỗ bán, bạn có thể cào một cái card 200 giúp mình không?” cũng khiến nhiều người hiểu lầm tưởng là người thân và làm theo.

Đại diện của Viettel cho hay, khi nhận được những tin nhắn yêu cầu phải trả lời lại theo cấu trúc đã được “gài” sẵn, người dùng không nên làm theo vì 99,99% những tin nhắn như vậy sẽ khiến bạn mất tiền một cách oan ức bởi đó là lừa đảo. Thậm chí, nếu nhận được tin nhắn từ tổng đài (với các đầu số 090, 095, 099,…) thì tốt nhất nên gọi lên tổng đài để kiểm tra lại trước khi làm theo.

Để tránh bị lừa đảo, mất tiền ngoài ý muốn, các nhà mạng cũng khuyến cáo người dùng khi sử dụng các dịch vụ qua tin nhắn SMS, mọi người cần tìm hiểu kỹ về “giá cước” và “dịch vụ”. Người dùng cần cảnh giác, không nhắn tin phản hồi hoặc làm theo hướng dẫn đối với các tin nhắn không rõ nguồn gốc, có nội dung quảng cáo, mời chào hoặc mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Viettel cũng khẳng định trong tất cả các chương trình khuyến mại/quay số trúng thưởng đều không yêu cầu khách hàng phải cung cấp mã số thẻ cào hoặc nạp tiền hoặc cung cấp các thông tin cá nhân chi tiết (mã số cá nhân, lịch sử liên lạc,…). Mọi thông tin liên quan đến các chương trình khuyến mại, quay số trúng thưởng đều được Viettel đăng tải trên website chính thức của Công ty và  được cập nhật trên tổng đài 19008198.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Chỉ thị 04 của Bộ trưởng Bộ TT-TT nêu rõ: Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động phải nhắn tin vào tất cả các thuê bao thuộc mạng của mình nhằm nâng cao nhận thức cho người sử dụng về phòng chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo với nội dung “Doanh nghiệp cảnh báo tin nhắn rác: Để tránh bị lừa đảo, mất tiền oan ngoài ý muốn, khi sử dụng các dịch vụ qua tin nhắn SMS, đề nghị quý khách tìm hiểu kỹ về giá cước và dịch vụ”. Chỉ thị cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không nhắn tin phản hồi hoặc làm theo hướng dẫn đối với các tin nhắn không rõ nguồn gốc, có nội dung quảng cáo, mời chào hoặc mạo danh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Đặc biệt, không nhắn tin đến các đầu số cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn nếu bản thân người sử dụng chưa hiểu rõ ràng hoặc không nắm chắc thông tin về dịch vụ và giá cước dịch vụ.

 
NHẤT NGÔN