National Interest: Đánh giá nền kinh tế Nga đang sụp đổ là quá sớm

19/12/2014 07:32
Nguyễn Hường
(GDVN) - Một con át chủ bài của Moscow chính là năng lượng. Châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga và họ không thể ép Nga về giá cả.

Tờ The National Interest hôm 18/12 cho rằng, mặc dù giá trị đồng rúp, giá dầu tại Nga giảm mạnh và Nga đang đối mặt với các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhưng nhận định cho rằng nền kinh tế Nga đang trên bờ vực của sự sụp đổ là quá sớm.

Những vấn đề mà nền kinh tế Nga đang trải qua hiện nay cực kỳ nghiêm trọng và gây áp lực rất lớn đối với các cơ quan chức năng nước này, tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng rằng cuộc khủng hoảng sẽ diễn ra trong ngắn hạn và Moscow có thể vượt qua được những khó khăn này mà không cần phải nhượng bộ với phương Tây.

Nga vẫn còn có các nguồn lực để phục hồi
Nga vẫn còn có các nguồn lực để phục hồi

Ngoài ra, Nga vẫn còn có các nguồn lực để phục hồi chúng.

Trước hết, cần nhớ rằng nhiều mặt hàng xuất khẩu của Nga như năng lượng, thiết bị cho các nhà máy điện hạt nhân, vũ khí được thanh toán bằng đô la và euro. Do đó, trong thời kỳ xuất khẩu đạt doanh thu đỉnh cao, Nga đã dự trữ được đáng kể và chi rất mạnh tay cho quốc phòng. Hiện nay khi doanh thu giảm sút, Nga có thể cắt giảm khoản chi tiêu này để bù đắp cho ngân sách mà không gây ảnh hưởng gì nhiều đến sức mạnh quân sự của mình.

Ngoài ra, nếu các đồng rúp tiếp tục giảm, dự kiến ​​Nga sẽ tăng khai thác các nguồn tài nguyên quý hiếm như vàng, kim cương và bạch kim cho các kho dự trữ để duy trì và thậm chí là mở rộng dự trữ ngoại tệ.

Một con át chủ bài của Moscow chính là năng lượng. Châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga và họ không thể ép Nga cân bằng giá cả trong nước và xuất khẩu. Nga có thể giảm giá bán năng lượng cho người tiêu dùng trong nước, nhưng tăng giá bán cho các đối tác châu Âu mà họ không thể từ chối.

Cuối cùng, nhiều thành viên trong chính quyền Tổng thống Putin, đặc biệt là Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin, hy vọng rằng cuộc khủng hoảng này sẽ đem lại lợi ích cho nước Nga chứ không phải tác hại.

Lệnh cấm vận của châu Âu cho phép Nga thúc đẩy sản xuất trong nước thay thế các mặt hàng nhập khẩu. Đây là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước Nga chiếm hữu thị trường trong nước và giánh một đòn mạnh vào các nền kinh tế châu Âu phụ thuộc vào sự tăng trưởng nhu cầu trong nước Nga. 

Nền kinh tế Nga có thể bình tĩnh trở lại trong năm 2015
Nền kinh tế Nga có thể bình tĩnh trở lại trong năm 2015

Ngoài ra, nền kinh tế Nga cũng có nhiều hy vọng hồi phục trong năm 2015 nếu sự phục hồi kinh tế ở châu Âu chững lại và nền kinh tế Ukraine tiếp tục không đứng vững. Điều này sẽ buộc cả Kiev và EU phải thỏa hiệp với Nga.

Theo The National Interest, nền kinh tế Nga có thể bình tĩnh trở lại trong năm 2015.  Thứ nhất là do giá dầu có thể sẽ tăng trở lại, dù là nhỏ. Thứ hai, khủng hoảng kinh tế làm cho Nga tiến gần hơn với châu Á và sẵn sàng thỏa hiệp với họ, đặc biệt là Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, tờ Bloomberg hôm 18/12 cũng đăng tải bài viết cho rằng sự tự tin ở Nga vẫn còn rất lớn bất chấp cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay.

Theo Bloomberg, một phần của sự tự tin này xuất phát từ thế mạnh của dự trữ của Nga. Phần nữa là từ niềm tin vào tài lãnh đạo của ông Putin, người bước vào điện Kremlin trong năm 1999 khi Nga đã gần phá sản.

Khi đó, ngân khố quốc gia chỉ còn chưa đầy 13 tỉ USD trong khi nợ nước ngoài lên tới 133 tỉ USD. Tuy nhiên, trong 8 năm sau đó, ông đã giúp nền kinh tế Nga đạt tăng trưởng 7% mỗi năm và lập được quỹ dự trữ hơn 300 trăm tỉ USD./.

Nguyễn Hường