Nhân viên lợi dụng con dấu "Đã thu tiền", Ngân hàng VIB không thể ngoài cuộc

14/12/2016 06:15
Mai Anh
(GDVN) - Đó là quan điểm của TS.Cao Sỹ Kiêm trong vụ việc Bùi Phương Thảo - nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP quốc tế (VIB) Quảng Ninh vay tiền rồi chiếm đoạt.

TS.Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tất cả hoạt động của tổ chức, cá nhân trong hệ thống ngân hàng đều có quy định chắt chẽ về trách nhiệm.

Vì thế mọi hành vi gây tổn hại đến uy tín hoặc tài sản của ngân hàng cũng như người dân đều phải xem xét trách nhiệm nghiêm túc.

Theo TS.Cao Sỹ Kiêm, vụ việc Bùi Phương Thảo - nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP quốc tế (Ngân hàng VIB) Quảng Ninh lợi dụng tín nhiệm của nhiều người vay tiền rồi chiếm đoạt là hành vi vi phạm cá nhân, nhưng ngân hàng không thể ngoài cuộc.

TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, VIB Việt Nam không thể ngoài cuộc trong vụ việc cán bộ lợi dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản - ảnh H.Lực.
TS.Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, VIB Việt Nam không thể ngoài cuộc trong vụ việc cán bộ lợi dụng tín nhiệm lừa đảo chiếm đoạt tài sản - ảnh H.Lực.

TS.Kiêm phân tích, theo thông tin khi thực hiện hành vi trên Thảo là thủ quỹ phòng giao dịch Bãi Cháy của ngân hàng VIB Quảng Ninh.

Để tạo dựng lòng tin của người cho vay, Thảo thường sử dụng con dấu “Đã thu tiền” của Phòng giao dịch VIB Bãi Cháy.

Trong khoảng 5 năm Thảo đã vay của 13 người với tổng số tiền 56 tỷ đồng, sau đó cho vay lại hơn 50 tỷ đồng, số còn lại dùng để trả tiền lãi người cho Thảo vay và chi tiêu cá nhân. 

Trước thời điểm đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh để khai nhận việc chiếm đoạt 56 tỉ đồng của nhiều người, Thảo đã xin nghỉ việc tại VIB Quảng Ninh.

Có lẽ vì vậy nên khi sự việc xảy ra, Ngân hàng VIB Việt Nam đã ra thông cáo báo chí khẳng định hành vi của Thảo là “những giao dịch giữa các cá nhân với nhau không thuộc thẩm quyền giải quyết của VIB”.

Sau khẳng định của Ngân hàng VIB, dư luận đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm của Ngân hàng VIB Việt Nam ở đâu trong vụ việc trên?

Nhân viên lợi dụng con dấu "Đã thu tiền", Ngân hàng VIB không thể ngoài cuộc ảnh 2

Nguyên thủ quỹ Ngân hàng VIB bị bắt

Nên nhớ người cho Thảo vay tiền có thể chỉ vì tin vào Thảo trong vai trò cán bộ Ngân hàng VIB Việt Nam.

Mặt khác, Thảo sử dụng con dấu “Đã thu tiền” của Phòng giao dịch VIB Bãi Cháy để tạo dựng niềm tin.

“Theo tôi có hai vấn đề: Thứ nhất trách nhiệm cá nhân vi phạm, ở đây rất rõ ràng cá nhân huy động không đúng quy định của ngân hàng và quy định của pháp luật, đây là hành vi lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thứ hai, riêng với ngân hàng qua việc này thấy rằng, ngân hàng đang thiếu cơ chế, biện pháp quản lý cũng như chế tài xử lý vi phạm của cá nhân gây ra tổn hại vật chất, ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của ngân hàng”, TS. Kiêm cho biết.

Sau sự việc trên, theo TS.Cao Sỹ Kiêm, Ngân hàng VIB phải rà soát lại các quy định, cơ chế đề phòng và kiểm soát nghiêm ngặt cán bộ nhân viên làm việc tại các chi nhánh của VIB.

Đồng thời khi xảy ra vi phạm phải có quy định xử lý cho công minh, bảo đảm niềm tin của khách hàng được giữ vững.

“VIB phải kiểm tra lại về quy chế, quy định của ngân hàng đã chặt chẽ chưa, đã đảm bảo chưa và có kẽ hở nào không, nếu có phải xử lý ngay và đồng thời xử lý trách nhiệm quản lý nhân sự tại chi nhánh xảy ra sự việc, xử lý trách nhiệm của các cá nhân có liên quan”, TS.Kiêm cho hay.

Theo TS.Cao Sỹ Kiêm, hành vi lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của Bùi Phương Thảo (khi còn là cán bộ Ngân hàng VIB chi nhánh Quảnh Ninh) không chỉ ảnh hưởng đến Ngân hàng VIB mà còn gián tiếp làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. 

Theo TS.Cao Sỹ Kiêm Ngân hàng VIB phải rà soát lại các quy định, cơ chế đề phòng và kiểm soát nghiêm ngặt cán bộ nhân viên làm việc tại các chi nhánh của VIB/ ảnh: nguồn Ngân hàng VIB.
Theo TS.Cao Sỹ Kiêm Ngân hàng VIB phải rà soát lại các quy định, cơ chế đề phòng và kiểm soát nghiêm ngặt cán bộ nhân viên làm việc tại các chi nhánh của VIB/ ảnh: nguồn Ngân hàng VIB.

“Người dân không biết ai huy động, huy động làm gì? Người dân chỉ thấy có con dấu ngân hàng và người của ngân hàng nên người dân tin và làm theo, vì thế phải có biện pháp ngăn chặn để người dân phân biệt tránh được rủi ro”, TS.Kiêm nói.

Có một hiện tượng đang diễn ra tại nhiều ngân hàng là khi cán bộ vi phạm sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, thường nhân viên chủ động xin nghỉ việc hoặc ngân hàng sẽ cho nghỉ việc. Sau đó, ngân hàng gần như đứng ngoài cuộc.

Nói về hiện tượng này, theo TS.Kiêm nguyên nhân chính là sự không rõ ràng của ngân hàng. Ngân hàng phải có cơ chế quản lý kiểm soát chặt chẽ nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ ngân hàng. Đồng thời công khai công bố quy định đó để người dân biết và tránh được rủi ro.

“Nguyên nhân sâu xa của những vụ việc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ngoài lòng tham của cá nhân dẫn đến lừa đảo. Mặt khác cũng có nguyên nhân đến từ ngân hàng.

Ngân hàng thiếu hoặc không có quy định chặt chẽ về phạm vi hoạt động của mỗi cá nhân cũng như khi vi phạm xử lý thế nào phải có tuyên bố quy định trước để bao trùm tất cả hành vi có thể dẫn đến lừa đảo, mất uy tín ngân hàng.

Đồng thời công bố để người dân biết và tránh đồng thời làm cho kẻ có ý xấu không còn đất sống”, TS.Kiêm khẳng định. 

Mai Anh