Ngày 17/11/2016, Thanh tra Bộ Y tế đã công bố công khai kết luận thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (Công ty Pepsico Việt Nam).
Trong kết luận Thanh tra Bộ Y tế cho biết, thực hiện Quyết định thanh tra số 153/QĐ-TTrB ngày 06/9/2016, theo đó Công ty Pepsico Việt Nam sẽ bị thanh tra theo kế hoạch trong vòng 45 ngày.
Kết luận của Thanh tra Bộ Y tế đối với Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam - ảnh chụp màn hình. |
Thời kỳ thanh tra từ ngày 01/01/2015 đến thời điểm thanh tra và các thời kỳ khác có liên quan.
Trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã kiểm tra, xác minh trực tiếp tại một số cơ sở phân phối các sản phẩm thực phẩm của Công ty Pepsico Việt Nam; cơ sở cung cấp nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, bao bì chứa đựng thực phẩm cho Công ty Pepsico Việt Nam.
Trong kết luận, Thanh tra Bộ Y tế cho biết, Công ty Pepsico Việt Nam sử dụng 78 loại nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm để sản xuất các sản phẩm thực phẩm của công ty, bao gồm 21 nguyên liệu thực phẩm và 57 phụ gia thực phẩm.
Cụ thể, nguyên liệu thực phẩm có 21 loại, Công ty Pepsico Việt Nam nhập khẩu 15 loại từ nhiều quốc gia khác nhau. 6 loại nguyên liệu mua trong nước.
Người tiêu dùng băn khoăn không biết phụ gia thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm của Pepsico Việt Nam có nguồn gốc từ quốc gia nào - ảnh nguồn Phunuvietnam |
Về phụ gia thực phẩm có 57 loại, trong đó 59 loại phụ gia được Công ty Pepsico Việt Nam nhập khẩu từ nhiều quốc gia, 8 loại phụ gia được mua từ các nhà cung cấp trong nước.
Qua kết quả kiểm tra hồ sơ, Thanh tra Bộ Y tế cho hay, nguyên liệu và phụ gia do Công ty Pepsico Việt Nam nhập khẩu đều có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn chứng từ đầy đủ.
Ngoài ra, kết luận Thanh tra Bộ Y tế không nêu tên cụ thể tên quốc gia, tên doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp phụ gia thực phẩm, cung cấp nguồn nguyên liệu cho Công ty Pepsico Việt Nam sản xuất sản phẩm.
Trước kết quả thanh tra nói trên, dư luận đặt ra câu hỏi tại sao Thanh tra Bộ Y tế không công khai tên quốc gia, tên doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm cho Pepsico Việt Nam?
Pepsico Việt Nam bị phạt 25 triệu đồng, nhưng còn đó nỗi lo chất lượng sản phẩm |
Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi về nguồn gốc nguyên liệu, nguồn gốc phụ gia thực phẩm của Công ty Pepsico Việt Nam, nhất là khi quyết định thanh tra doanh nghiệp này của Thanh tra Bộ Y tế được đưa ra không lâu sau lùm xùm về việc nhập nguyên liệu sản từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm Ô long Tea+Plus.
Theo đó, đầu năm 2016 dư luận cũng như giới kinh doanh đồ uống giải khát bất ngờ trước thông tin nguồn nguyên liệu Công ty Pepsico Việt Nam sử dụng sản xuất sản phẩm Ô long Tea+Plus được nhập từ Trung Quốc.
Đáng nói hơn dù nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, nhưng Pepsico Việt Nam luôn quảng cáo: sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại của Nhật Bản, chất lượng Nhật Bản.
Chính từ lời giới thiệu, quảng cáo này, dễ hiểu tại sao sản phẩm trà Ô long Tea+Plus mau chóng được người tiêu dùng lựa chọn.
Nói cách khác, có thể sự lựa chọn của người tiêu dùng trước đây vì họ không biết sản phẩm Ô long Tea+Plus được sản xuất bằng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.
Khi thông tin Công ty Pepsico Việt Nam nhập nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm Ô long Tea+Plus lên đến đỉnh điểm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu doanh nghiệp này báo cáo.
Tại văn bản báo cáo, Cục An toàn thực phẩm cho biết, Công ty Pepsico Việt Nam đã thừa nhận việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất sản phẩm Ô long Tea+Plus.
Từ vụ việc liên quan đến nguyên liệu sản phẩm Ô long Tea+Plus, có thể thấy dù Pepsico Việt Nam không cung cấp tên nguyên liệu, tên phục gia và nguồn gốc xuất xứ, tuy nhiên Thanh tra Bộ Y tế cần làm rõ và công bố công khai cho dư luận biết.
Việc công bố tên nguyên liệu, phụ gia cũng như nguồn gốc không liên quan đến bí mật kinh doanh, vì vậy mong muốn của người tiêu dùng được biết nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu là hoàn toàn chính đáng, vì họ chính là những người trả tiền sử dụng sản phẩm.
Người tiêu dùng có quyền đặt ra câu hỏi và có quyền được biết nguồn nguyên liệu ấy có thực sự an toàn cho sức khỏe của họ hay không?