Nhiều dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát

23/10/2017 11:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Thủ tướng cho biết, phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. ảnh: vgp.
Thủ tướng cho biết, phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. ảnh: vgp.

Năng suất lao động chưa đáp ứng được yêu cầu 

Vấn đề này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra tại phiên khai mạc (23/10)  kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14.

Thủ tướng cho biết, chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm; năng suất lao động chưa cao. Năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế tăng 5,87%, tuy cao hơn so với năm 2016 nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng của nền kinh tế và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.

Một số ngành, lĩnh vực tăng trưởng thấp. Quy định pháp luật còn bất cập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó phải kể đến một số dự án công nghiệp và giao thông chậm tiến độ: các Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1; Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên...

Một khó khăn khác đó là nợ công cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Tính đến cuối tháng 8/2017, tỷ lệ nợ xấu là 2,46%.

Lũy kế từ khi hoạt động đến cuối tháng 7/2017, VAMC đã mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng với giá mua (mệnh giá trái phiếu đặc biệt) là trên 261 nghìn tỷ đồng, trong đó đã thu hồi được trên 60 nghìn tỷ đồng; trong 9 tháng đầu năm 2017 đã xử lý được khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2017, toàn hệ thống đã xử lý được trên 57 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đạt thấp; phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát. Tình hình sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Mặc dù số lượng thành lập mới khá cao nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, gắn kết với khu vực FDI còn hạn chế.

Tái cơ cấu các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở một số vùng, địa phương triển khai chậm, lúng túng, chưa gắn với thị trường. 

Quản lý phát triển đô thị còn nhiều hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp. 

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen... vẫn xảy ra.

Ngoài ra, đất nước cũng đang phải đối mặt với một loạt khó khăn: Chất lượng giáo dục đại học và nghề nghiệp chuyển biến chậm, chưa thật sự gắn với nhu cầu xã hội; Thiên tai, dịch bệnh xảy ra ở nhiều nơi; chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng ô nhiễm, xử lý rác thải ở nông thôn, làng nghề, lưu vực sông; Tình trạng chặt phá rừng, khai thác cát sỏi trái phép còn xảy ra ở nhiều nơi; quản lý khai thác khoáng sản, tài nguyên nước còn lãng phí, bất cập. Sạt lở bờ sông, ven biển xảy ra nghiêm trọng. 

Nhiều dự án chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát ảnh 2

Quốc hội khóa 14 bắt làm việc ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 4

Thủ tướng chỉ rõ: "Thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh; phối hợp công tác giữa các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao.

Đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập chưa theo kịp yêu cầu. Còn những yếu kém trong công tác cán bộ; đã phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chưa chú trọng thanh tra công vụ, xử lý vi phạm chưa nghiêm".

Cũng theo Thủ tướng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trên một số lĩnh vực ở nhiều Bộ ngành, địa phương còn thấp, nhất là cấp cơ sở.

Xây dựng Chính phủ điện tử chậm. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai.

Việt Nam có chỉ số phát triển bền vững đứng thứ 4 Đông Nam Á

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, với nỗ lực phấn đấu trong thời gian còn lại, dự báo cả năm 2017 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Đây là một thành công lớn của đất nước ta, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao (Liên Hợp Quốc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ). 

Chỉ số phát triển bền vững (SDG Index) của Việt Nam năm 2017 hạng 68/157, xếp thứ 4 trong các nước ASEAN (Indonesia hạng 100; Philippines hạng 93, Singaprore hạng 61, Thái Lan hạng 55, Malaysia hạng 54).

Trước nhiều khó khăn như vậy, Thủ tướng thể hiện rõ quyết tâm: Từ nay đến cuối năm, chúng ta tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất quán mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngọc Quang